Biến nỗi đau thành sức mạnh

Có ngưỡng nào cho nỗi đau? Cùng trưởng thành với nỗi đau của bạn, để tâm hồn chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn

Có ngưỡng nào cho nỗi đau?

Có ai đã đạt đến giới hạn đau và biết đâu là điểm dừng của nỗi đau không? 


Đôi khi tôi cũng luôn tự hỏi những điều như vậy. Đau là gì? Tại sao con người lại có cảm xúc được gọi tên là đau? Khi có thể hiểu rõ được nỗi đau thì tôi cũng nhận ra được rằng đau chính là điều không thể thiếu trong cuộc sống nội tâm của con người. Bởi vì cảm xúc chính là cách để chúng ta thể hiện bản thân mình với thế giới xung quanh. Nếu cậu nói vui hoặc buồn hay thất vọng hay là đau khổ, hãy cảm thấy hạnh phúc vì cậu vẫn còn cảm xúc để gọi tên. Nhưng khi cậu nói rằng cậu hoàn toàn trống rỗng thì đó là điều quá tệ. Vì còn gì thê thảm hơn khi mà người ta sống mà chẳng còn cảm giác gì. Như thế nỗi đau cũng có một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Cuộc sống sẽ chẳng bao giờ vui vẻ mãi đối với chúng ta. Khi mà con người ta chỉ cảm nhận được niềm vui thì cuộc đời này sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn.


Vậy từ đâu mà con người cảm thấy đau khổ? “Đau khổ” và “buồn” có gì khác nhau? Giới hạn để từ “buồn” mà con người chuyển sang “đau khổ” là gì? Ai cũng có giới hạn để biết được đâu là đau khổ và đâu là buồn. Đối với những chuyện mà bản thân cho phép mình đau thì chúng ta sẽ đau. Nhưng đối với những chuyện giả như khi bạn đứng trước sự ra đi của người thân thì nó lại không phải là sự cho phép hay không cho phép. Sự ra đi của người thân đối với mỗi một người sẽ là sự đau khổ khác nhau. Nhưng chung quy vẫn xuất phát từ tình yêu thương mà chúng ta dành cho họ. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy sự mất mát, thiếu hụt trong tâm hồn. Và đó phải chăng là đau khổ? Khi người càng quan trọng với mình thì mình sẽ càng đau khổ và sự trống trải đó sẽ chẳng ai có thể lấp đầy được. Mà người chịu đau khổ sẽ dùng thời gian để chữa lành vết thương lòng mà chỉ chính họ mới hiểu. Suy cho cùng hoài niệm và hối tiếc cũng chính là cách gọi khác của đau khổ trong câu chuyện này. Chúng ta cảm thấy nhớ nhung những kí ức xưa, hối tiếc về quá khứ, về những chuyện mà chúng ta chưa thể làm cho họ. Ta đau đớn về tâm hồn một cách không kiểm soát, chìm đắm trong nỗi đau, cảm nhận rõ rệt đau khổ lan toả trong trái tim. Nhưng chúng ta đâu thể sống mãi cùng với nỗi đau. Vì người còn sống thì luôn có sứ mệnh riêng đối với thế giới này. Và thời gian trôi đi sẽ là liều thuốc chữa trị tốt nhất. Chẳng ai có thể nói với một người rằng họ hãy ngừng đau khổ đi, vì không phải ai cũng có thể hiểu được nỗi đau khổ của người khác. Cảm giác của mỗi người khi cảm nhận nỗi đau điều khác nhau. Cho đến khi bạn không còn cảm nhận được sự đấu tranh mãnh liệt giữa những luồng suy nghĩ của nội tâm thì có phải chăng là bạn đã hết đau?

Nói đến đau khổ chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng đau khổ là sự cảm nhận của tâm hồn trước một sự việc mà ta nghĩ rằng chẳng bao giờ nó xảy ra với mình. Nhưng có những người chọn đau khổ bằng cách tự dằn vặt mình trong tâm hồn và có những người chọn tự làm đau thể xác hay cả tâm hồn và thể xác. Cho dù là cách nào thì chúng ta cũng chỉ đang thể hiện bản thân với thế giới bên ngoài là ta đang đau. Trên hành trình hoàn thiện bản thân, ta luôn luôn có nhu cầu được thể hiện bản thân với thế giới bên ngoài, và dù vui hay buồn hay đau khổ thì cũng mong muốn thế giới bên ngoài hiểu hơn về cảm xúc của chúng ta, được công nhận rằng mình đang tồn tại trong thế giới này. Thế nhưng để được công nhận như vậy mà phải để cả thể xác và tâm hồn mình chịu đựng thì liệu có là điều ngu ngốc? Tại sao nhất định phải đau? Nhiều khi con người ta phải trải qua rất nhiều nỗi đau từ khi còn bé thì mới có thể cảm nhận được hạnh phúc. Nỗi đau giống như một phần của quá trình trưởng thành của họ. Dần dần con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Vậy liệu họ có mất đi sự cảm nhận về nỗi đau? Giới hạn của những người trải qua quá nhiều nỗi đau, thậm chí nỗi đau trở thành thói quen thì sẽ như thế nào? Khi nỗi đau trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ coi nó giống như một người bạn đồng hành. Người bạn ấy giúp bạn nhận ra được những bài học đáng quý, giúp bạn gọt giũa tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng không có nghĩa là khi có quá nhiều nỗi đau thì bạn sẽ không còn đau. Họ vẫn cảm nhận nỗi đau đúng nghĩa nhưng họ đã biết cách chấp nhận và đồng hành, chứ không phải chối bỏ và đau khổ hơn. Họ biết cách biến nỗi đau thành vũ khí khiến mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.


Đau khổ có thể kết thúc bằng đau khổ hay bằng hạnh phúc? Câu hỏi này chắc chỉ có tự mỗi người hỏi chính mình để có được câu trả lời chính xác nhất. Có những người dùng đau khổ để kết thúc đau khổ, bởi khi đạt đến giới hạn mà tự họ tạo ra thì những nỗi đau cũng sẽ tự động rời đi. Nhưng vẫn có những người chọn đau khổ để đau khổ hơn chứ không phải để kết thúc đau khổ. Mỗi khi đau khổ họ đã chọn cách sống trong đau khổ, biến bản thân thành nô lệ của đau khổ. Chính họ cũng không thể thoát ra khỏi đau khổ, tâm hồn họ cứ quanh quẩn trong thế giới đau khổ mà chính họ tạo ra. Từ đó họ chẳng thể cảm nhận được những cảm xúc xung quanh mình như chính họ đóng cửa với thế giới bên ngoài. Trong lúc chìm đắm với đau khổ, đấu tranh với những suy nghĩ khác nhau ta thường quên mất những điều giản đơn xung quanh mình, bỏ qua những điều mà đến khi đau khổ qua đi ta sẽ hối hận vì mình đã đánh mất những giá trị hạnh phúc khác. Có thể thấy rằng, trái tim mỗi người đều có cách cảm nhận riêng về nỗi đau và lại có một cách riêng biệt khác để chữa lành trái tim chịu đau khổ. Đôi khi con người lại quá phụ thuộc vào nỗi đau và cho rằng nó là điều hiển nhiên và không cố gắng tìm cách hòa giải với trái tim và cảm xúc lý trí.


Hãy biến cảm xúc thành sức mạnh của mình. Cảm xúc đau khổ sẽ trở thành vũ khí khiến cho bạn mạnh mẽ hơn. Có nhiều người sẽ để cho cảm xúc của mình phát tác một cách tự do, để mặc cho cảm xúc của mình trôi đến đâu thì đến. Bạn gọi đó là tự nhiên, nhưng tôi cho đó là lười biếng và vô minh. Bạn mù mờ đến mức không hiểu được đời sống nội tâm của mình, bạn lười biếng đến mức buông mình trôi theo những dòng cảm xúc không có điểm dừng. Bạn cứ thả trôi cảm xúc của mình, thì đời sống của bạn cũng trôi nổi, đúng như nghĩa đen. Nỗi đau cũng vậy, nếu bạn cứ thả trôi mà không có giới hạn và dần dần để nỗi đau lan toả xung quanh cuộc sống của bạn thì nó không chỉ ảnh hưởng đến chính bạn mà còn cả những người xung quanh luôn yêu thương bạn. Bằng cách nào đó tâm hồn bạn vẫn sẽ bật cơ chế để bảo vệ chính nó và bạn đừng nên chối bỏ, hãy để cảm xúc của mình được thấu hiểu và chữa lành. Mỗi một hành trình là một bài học để chúng ta trưởng thành hơn. Hãy biết ơn những cảm xúc đó và đừng quên thời gian mà chúng ta cùng nhau vượt qua. Đau khổ không phải là cảm xúc tiêu cực mà chúng ta chối bỏ mỗi khi nó xuất hiện. Chúng ta học được từ đau khổ những cảm xúc mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Hãy đón nhận đau khổ và chữa lành những vết thương theo cách của bạn, để bạn ngày càng thấu hiểu cảm xúc và tâm hồn của mình hơn. Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và cảm nhận từng cảm xúc nơi trái tim bạn đang đập. Mong rằng bạn sẽ có được niềm tin vào cuộc sống và chính bản thân mình để tâm hồn mình mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Hãy biến nỗi đau thành sức mạnh để tâm hồn bạn trưởng thành hơn trên hành trình hoàn thiện bản thân.


         

BẢN THẢO
Bài viết liên quan