Cách nhanh nhất để thêm "muối" cho một cuộc trò chuyện?

Đừng quá lo lắng cuộc trò chuyện của bạn sẽ rơi vào nhàm chán, hãy bỏ túi những bí quyết để cuộc trò chuyện của bạn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.


Một cô gái tên Violette đã từng hỏi tôi thế này: “Làm thế nào để tôi có thể có được những cuộc trò chuyện thú vị? Tôi chẳng biết làm sao để khơi mào một cuộc hội thoại, cảm giác như tôi chán chường tất cả mọi người, kể cả chính tôi vậy.” Tôi có thể liên hệ tới trường hợp này của Violette. Sau rất nhiều năm học hỏi các kỹ năng xã hội và đọc nhiều sách về vấn đề giao tiếp, tôi muốn chia sẻ những điều tôi học được về việc tạo nên một cuộc trò chuyện thú vị.


1.Hỏi điều gì đó riêng tư 


Chúng ta luôn cần một vài phút nói những mẩu chuyện nhỏ để khơi mào. Nhưng để đảm bảo bạn không bị mắc kẹt trong những mẩu chuyện vặt thông thường, hãy thử hỏi một vài điều liên quan đến cá nhân về chủ đề này.

Quy tắc chung là hãy đặt những câu hỏi có từ “bạn”.



  1. Nếu bạn đang mắc kẹt trong một cuộc trò chuyện nhàm chán về số liệu thất nghiệp, bạn có thể hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu bạn quyết định theo đuổi một con đường sự nghiệp mới?”
  2. Nếu bạn đang nói về thời tiết những ngày gần đây lạnh và khó chịu như thế nào, hãy thử hỏi “Nếu bạn có thể sống ở bất cứ đâu trên thế giới, bạn sẽ chọn nơi nào vậy?”
  3. Nếu bạn mắc kẹt trong hội thoại toàn là chuyện kinh tế. hãy hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu bạn có một số tiền khổng lồ?”


2. Hãy coi đây là một động lực để thấu hiểu những người bạn gặp


Nếu bạn tự đặt cho mình một nhiệm vụ khi gặp một người mới, bạn sẽ thích thú với các cuộc trò chuyện hơn. Sau đây là 3 ví dụ về những điều bạn có thể thử để tìm hiểu về một ai đó:



  1. Họ mưu sinh bằng cách nào
  2. Quê hương của họ
  3. Kế hoạch tương lai của họ


Bạn có thể thử thách chính mình bằng việc hỏi mọi người về những điều này khi cảm thấy cuộc trò chuyện đã tự nhiên hơn. Đặt ra nhiệm vụ giúp bạn có lý do để nói chuyện và giúp bạn khám phá ra những điểm chung với người kia.


3. Chia sẻ điều gì đó mang tính cá nhân


Một trong những mẹo trò chuyện phổ biến nhất là để đối phương nói phần nhiều hơn, nhưng điều đó không đúng khi mọi người lúc nào cũng chỉ muốn nói về bản thân mình. Họ cũng muốn biết chút ít về người đang nói chuyện với mình. Nếu không, họ rất dễ cảm thấy như bị phỏng vấn và không thoải mái. Khi chúng ta chia sẻ những điều thầm kín với nhau, chúng ta sẽ gắn kết nhanh hơn.


4. Chú ý vào cuộc trò chuyện


Nếu ai đó nói rằng “Tôi đã đến Paris vào tuần trước”, một số trong chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng và bắt đầu nghĩ đến những thứ như “Liệu họ có coi thường tôi vì tôi chưa từng đến Châu Âu không nhỉ? Tôi nên trả lời như nào bây giờ?” Khi bạn thấy thiếu tự tin, hãy tập trung trở lại vào cuộc trò chuyện. Điều này sẽ khiến bạn tò mò về câu chuyện của họ hơn.

Với ví dụ trên, để tiếp tục, bạn có thể nghĩ “Paris thật tuyệt! Tôi tự hỏi không biết nó đẹp như nào? Chuyến đi của họ đến Châu Âu kéo dài bao lâu nhỉ? Họ đã tận hưởng chuyến đi như thế nào? Sao họ lại chọn đến đó nhỉ?”


Bạn có thấy rằng cuộc trò chuyện trở nên thú vị và dễ dàng rất nhiều khi bạn tập trung vào những gì người kia đang nói thay vì tự bản thân cảm thấy lo lắng?


5. Quay về chủ đề đã nói trước đó


Một cuộc đối thoại hay không nhất thiết phải theo một trật tự tuyến tính. Sẽ rất tự nhiên khi chúng ta chia sẻ lại những gì mình đã nói nếu cuộc trò chuyện lỡ đi vào ngõ cụt và có đôi chút khoảng lặng.



6. Nói về đam mê, sở thích


Cuộc trò chuyện sẽ thú vị hơn khi chúng ta nói về những đam mê thay vì nói về trường học hay công việc. Nếu các bạn có những đam mê giống nhau, hãy tìm hiểu kỹ thêm về những đam mê đó. Chúng có thể là một nền móng vững chắc cho một tình bạn đẹp.


7. Đặt những câu hỏi mở


Các cuộc hội thoại thường kết thúc bằng những câu trả lời như Có hoặc Không, trong khi chúng ta có thể nối dài cuộc trò chuyện hơn bằng cách đưa ra những câu trả lời dài hơn. Hãy cứ sử dụng những câu hỏi mở khi có thể.

Câu hỏi đóng: “Cậu đã có một kỳ nghỉ tốt chứ?”

Câu hỏi mở: “Kỳ nghỉ của cậu như thế nào rồi?”

Đó chỉ là một sự điều chỉnh câu hỏi đơn giản nhưng nó sẽ giúp bạn học cách tạo nên một cuộc trò chuyện thú vị hơn. 


8. Nói về ước mơ


Tìm hiểu đối phương thông qua những câu hỏi về ước mơ cũng làm cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Bạn có thể hỏi những người trẻ xem họ muốn làm công việc gì, mục tiêu cuộc sống của họ là gì. Bạn có thể hỏi những người lớn tuổi hơn mình về kế hoạch chung cho tương lai của họ.


9. Hỏi những câu hỏi về “Điều gì”, “Tại sao”, “Khi nào” và “Như thế nào”


Những câu hỏi gồm những từ để hỏi như vậy sẽ giúp cho cuộc trò chuyện sâu sắc hơn, không sa vào những vụn vặt. Chúng khuyến khích đối phương phản hồi lại một cách chất lượng hơn.


10. Hỏi ý kiến cá nhân


Thật thú vị khi được hỏi bạn nghĩ sao về ý kiến của một ai đó. Nói về quan điểm sẽ có nhiều thứ để nói hơn là chỉ đơn thuần nói về sự thật.



11. Thể hiện sự quan tâm đến đối phương

Lắng nghe chủ động chứng tỏ bạn thực sự quan tâm đến điều đối phương chia sẻ. Nhờ vậy, các cuộc trò chuyện có xu hướng trở nên sâu sắc và phong phú hơn.



  1. Hãy nhìn vào họ mỗi khi hai bạn nói chuyện.
  2. Hãy để cơ thể, bàn chân, đầu của mình tự nhiên nhất có thể
  3. Đừng nhìn xung quanh quá nhiều
  4. Nói “Hmm” khi phù hợp để thể hiện rằng bạn vẫn đang lắng nghe họ
  5. Tóm tắt những gì họ đã nói.



12. Hãy nói về gia đình (Family), nghề nghiệp (Occupation), sự giải trí (Recreation), và ước mơ (Dreams) (Quy tắc F-O-R-D)


Khi một cuộc chuyện trò có dấu hiệu trở nên nhàm chán, hãy ghi nhớ những chủ đề của F-O-R-D. (Đó là các chủ đề về gia đình, nghề nghiệp, sở thích, giải trí và ước mơ)


Họ: “Công việc thật là căng thẳng. Chúng tớ đang thiếu nhân lực.”

Bạn: “Điều đó thật tệ nhỉ. Cậu còn công việc nào cậu luôn mong muốn được làm không?”


13. Tích cực giao tiếp bằng mắt để đối phương thấy được sự hiện diện của bạn trong cuộc hội thoại


Giao tiếp bằng mắt không phải là điều dễ làm, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy không thoải mái khi ở bên cạnh ai đó. Nhưng nếu giao tiếp thiếu đi những ánh nhìn thì nó có thể khiến mọi người nghĩ rằng chúng ta không thực sự quan tâm đến những gì họ nói. Điều này sẽ khiến họ mở lòng nói chuyện một cách miễn cưỡng.




  1. Nếu các bạn đủ gần nhau, hãy quan sát thật kỹ màu mắt, kết cấu của nó.
  2. Nhìn vào điểm đôi mắt của họ hoặc hàng lông mày nếu bạn cảm thấy những ánh nhìn trực tiếp quá mạnh mẽ. Họ sẽ không nhận thấy sự khác biệt.
  3. Hãy tạo thói quen giao tiếp bằng đôi mắt bất cứ khi nào đối phương nói chuyện.


Khi mọi người không nói chuyện - chẳng hạn như lúc đang nghỉ ngơi để hình thành suy nghĩ - thì bạn nên quay đi chỗ khác để họ không cảm thấy áp lực hay căng thẳng.


14. Tìm kiếm những điểm chung


Nếu bạn nghĩ rằng các bạn có điểm chung, chẳng hạn như về sở thích hoặc các lĩnh vực khác, hãy đề cập đến những điều đó và xem họ phản ứng như thế nào. Nếu hai bạn tình cờ tìm thấy điểm chung ở nhau, chắc chắn cuộc trò chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.


Nếu họ không tỏ ra muốn chia sẻ với những mối quan tâm của bạn, bạn có thể đề cập đến những vấn đề khác. Bạn có thể bắt gặp những mối quan tâm chung một cách thường xuyên hơn bạn nghĩ


15. Đưa ra những phỏng đoán nếu các bạn có điểm chung


Giả sử bạn gặp một cô gái và cô ấy nói với bạn rằng cô ấy làm việc trong một hiệu sách. Chỉ với những thông tin ấy, chúng ta có thể đưa ra một số những phỏng đoán về sở thích của cô ấy.



Ý tôi là những phỏng đoán ấy có thể là:

  • Niềm yêu thích văn hóa
  • Yêu nhạc indie hơn nhạc thị trường
  • Thích đọc sách
  • Thích mua đồ cổ điển thay vì đồ mới toanh
  • Một người ăn chay
  • Thích đạp xe hơn là lái xe
  • Rất ý thức về vấn đề môi trường
  • Sống trong một căn hộ ở thành phố, có thể là ở với bạn bè

Những phỏng đoán này có thể sai, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì cả vì chúng ta có thể kiểm chứng chúng và tham gia vào các cuộc trò chuyện.

-----------------

Dịch bởi: bluewhale52

Ảnh: burst.shopify

Biên tập: Ori

Tham khảo:

David Morin (2020), How to make interesting conversation?

Available at:

<https://socialpronow.com/blog/make-interesting-conversation/> [Accessed 7th August 2021]

BẢN THẢO
Bài viết liên quan