Cách nói chuyện với người lạ mà không lúng túng

Bạn muốn có những người bạn mới, dù cho công việc hay chỉ đơn giản tìm người cùng chung sở thích, nhưng để bắt chuyện với người lạ lại chẳng dễ dàng gì, bài viết này chính là chìa khoá để nắm bắt cách làm quen nhanh và hiệu quả nhất.



Bạn có thấy lúng túng khi nói chuyện với người lạ, đặc biệt ở những nơi náo nhiệt như các bữa tiệc hay quán bar? Bạn biết việc luyện tập sẽ cải thiện, nhưng để luyện tập là điều không thể, đặc biệt khi bạn là một người hướng nội.


Có ba giai đoạn để trở thành chuyên gia trong việc nói chuyện với người lạ: tiếp cận người lạ, biết nên nói gì và quản lý cảm xúc trong đối thoại.


Sau đây là một số mẹo giúp bạn trong 3 giai đoạn này.


Mục lục:

I. Nói chuyện với người lạ

II. Tiếp cận người lạ

III. Tạo thiện cảm với cuộc đối thoại

IV. Nói chuyện với người lạ trên mạng


I. Nói chuyện với người lạ


Để bắt đầu một cuộc đối thoại với người lạ có thể là một điều đáng sợ. Để có một cuộc trò chuyện chất lượng, bạn phải luôn chú ý để lời nói đi đôi với hành động. Sau đây là 13 mẹo giúp bạn bắt chuyện với người lạ.


Coi người lạ như bạn mình


Khi bạn nói chuyện với bạn bè, bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Bạn cười khi thấy họ. Bạn hỏi họ dạo này thế nào. Bạn nói về điều cả hai định làm. Sự tương tác qua lại trở nên mượt mà và liền mạch.


Khi bạn gặp người mới, hãy cư xử với họ thân thiện như vậy. Hãy suy nghĩ một chủ đề bạn hay nói với bạn mình và lấy cảm hứng từ nó.

Ví dụ, nếu bạn nói với người nào đó không thực sự thân thiết ở nơi làm việc, hãy hỏi họ dự án đang tiến triển thế nào. Họ đang rất bận hay chỉ là khối lượng công việc thường ngày? Nếu bạn ở trường, hãy hỏi về các lớp học. Hãy tỏ ra tự nhiên và thân thiện mà không phải quá thân thiện.


Nở một nụ cười thoải mái, thân thiện


Một nụ cười, mặc dù chỉ là cười mỉm, có thể quyết định người khác sẽ bắt đầu nói chuyện với bạn hay qua loa kết thúc vì bạn tỏ ra hờ hững hay cọc cằn. Hầu hết mọi người đều sợ bị từ chối, nên họ sẽ tránh để người khác cảm thấy họ không muốn nói chuyện.


Những nhận xét bình thường không tệ như bạn nghĩ


Chẳng ai hy vọng sẽ gặp một người tài giỏi và cuốn hút ngay từ lần gặp đầu tiên . Hãy là một người giỏi lắng nghe. Quan sát sự kiện hay cảnh vật xung quanh mình. Nói những điều chân thành, ngay cả khi nó chẳng uyên thâm gì. Những điều bình dân như “tôi thích cái ghế này” thể hiện bạn là người ấm áp và có thể bắt đầu một cuộc đối thoại đầy hứng thú. Những điều tuyệt vời thâm sâu hơn có thể để sau khi bạn hiểu nhau hơn, khi bạn bàn sâu vào một chủ đề.


Chú ý chân và ánh mắt của họ


Họ đang nhìn bạn với bàn chân hướng về phía bạn? Đây là những dấu hiệu người đó đang nhập tâm vào cuộc đối thoại và muốn tiếp tục.


Cứ vài phút hãy kiểm tra ánh mắt của họ. Nếu họ liên tục nhìn qua vai bạn hay quay người, bắt đầu từ chân, họ đang suy nghĩ điều gì đó và có lẽ bị mất tập trung.


Thể hiện mình thích thú với việc nói chuyện với ai đó


Đôi khi chúng ta muốn trông thật ngầu mà quên mất sự nhiệt tình, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bạn thể hiện sự thích thú khi nói chuyện với họ, họ sẽ có động lực để đáp lại bạn. “Này, tớ chưa từng có cuộc nói chuyện nào thoải mái như này lâu lắm rồi. Tớ rất thích.”


Giao tiếp bằng mắt


Giao tiếp bằng mắt thể hiện cho mọi người biết bạn hứng thú với những gì họ nói. Tuy nhiên có một ranh giới mỏng manh giữa việc giao tiếp bằng mắt quá nhiều và quá ít. Một quy tắc ở đây là giao tiếp bằng mắt khi người đối diện nói chuyện. Khi bạn nói chuyện, nhìn bạn mình để thu hút sự chú ý của họ. Cuối cùng, khi cả hai đang nghĩ để nói tiếp, bạn có thể rời mắt.




Lấy cảm hứng từ cảnh vật xung quanh


Khi bạn gặp người nào đó, hãy để ý xung quanh và quan sát những gì đang xảy ra bên cạnh mình Nhớ là, “Phòng họp này có tầm nhìn tốt nhất” hay “Tớ nghĩ chúng ta có nên ăn trưa không, hôm nay họp cả ngày?” đều là những câu rất bình thường, đột nhiên, nó chứng tỏ bạn là người thân thiện.


Hỏi đúng câu hỏi


Đừng hỏi những câu hỏi chỉ để hỏi. Nó khiến cuộc đối thoại buồn chán và máy móc. Hãy cố gắng tạo câu hỏi đôi chút riêng tư. Bạn không muốn khiến người khác khó chịu, nhưng vẫn muốn biết thêm về họ.


Ví dụ khi bạn nói chuyện về giá thuê nhà cao ở khu nhà bạn. Sau đó chuyển sang “chế độ riêng tư” và thêm vào, bạn muốn mua một ngôi nhà ở vùng quê sau vài năm nữa. Tiếp theo bạn hãy hỏi họ sẽ sống ở đâu trong vài năm tới.


Bất thình lình, bạn hỏi những câu hỏi khác để hiểu họ hơn và cuộc đối thoại chuyển sang chủ đều F.O.R.D (Gia đình, Công việc, Giải trí, Giấc mơ), khiến nó thú vị và phong phú hơn.


Nói về những chủ đề tích cực


Nhận xét tích cực, chân thật về bất cứ điều gì, như điều bạn đang làm, thời tiết, cuối tuần tới. Điều này nói cho mọi người bạn là người cởi mở và dễ tiếp nhận. Những người hay phàn nàn về người khác, sự kiện hay những điều xung quanh họ sẽ tạo nên môi trường tiêu cực và chẳng ai muốn chơi ở trong đó cả. Sự tích cực là điều ai cũng mong muốn.


Hãy tránh đi những chủ đề nhạy cảm hay gây tranh cãi như chính trị và tôn giáo nếu bạn chưa đủ thân thiết với người khác.


Để 1 hay 2 giây im lặng trước khi nói


Tim bạn đang đập nhanh, nhưng không có nghĩa là tốc độ nói chuyện của bạn phải đuổi kịp. Nếu bạn trả lời quá nhanh, nó khiến bạn có vẻ quá khích hay không tự tin với lời mình nói. Lặng im 1 đến 2 giây trước khi trả lời và nó sẽ làm bạn trông thoải mái hơn. Sau đó, mọi thứ sẽ tự nhiên hơn và bạn chẳng cần nghĩ về nó nữa.


Tìm sự tương đồng


Hãy tìm sở thích chung. Bạn có thể thực hành bằng cách nhắc đến thứ bạn thích và nhìn phản ứng của họ. Nếu bạn thích lịch sử, bạn có thể xem xem người đó có thích không:


Họ: “Cậu làm gì cuối tuần trước?”


Bạn: “Tớ xem một bộ phim tài liệu hấp dẫn về Cuộc Nội Chiến. Nó nói về…”


Nếu họ thiện chí đáp lại, bạn có thể dùng lịch sử như mối quan tâm chung để gắn kết mối quan hệ. Nếu họ không hứng thú, hãy chuyển hướng sang chủ đề khác.


Hay khi bạn nói về cuối tuần, người bạn của bạn đã chơi khúc côn cầu. Nếu bạn thích thể thao, hãy tranh thủ phát triển tình bạn qua chủ đề này.


Chia sẻ về mình


Những câu hỏi là một cách tuyệt vời để bắt đầu câu chuyện. Tuy nhiên, để duy trì cân bằng trong cuộc trò chuyện, hãy thoải mái chia sẻ cả trải nghiệm và câu chuyện của bản thân. Điều này khiến cuộc đối thoại trở nên thú vị hơn cho cả hai và tránh việc hỏi quá nhiều như thẩm vấn thay vì tò mò.


Giữ đối thoại đơn giản


Bạn muốn nhịp nói chuyện nhẹ nhàng để giảm sự gượng gạo cho cả hai. Ngay lúc này, bạn đang tìm hiểu lẫn nhau, ví dụ, bạn làm gì, nơi bạn sống, người bạn quen.


Nếu bạn cố tìm chủ đề thông minh và ấn tượng, nó có thể khiến cả hai căng thẳng hơn. Nếu bạn quá khẩn trương, đó là lúc sự im lặng một cách lúng túng xảy ra.


Mục tiêu ở đây là thả lỏng và tận hưởng sự có mặt của nhau. Đó là lúc cả hai trở thành bạn.


II. Tiếp cận người lạ


Tiếp cận người lạ là một kỹ năng, nghĩa là bạn có thể tiến bộ sau đó. Sau đây là một số mẹo giúp bạn thả lỏng hơn, tự tin hơn và dễ tiếp cận trong những tình huống xã hội và một số cách để luyện tập tiếp cận người lạ.


Luyện tập cười hay gật đầu


Luyện tập cười hay một cái gật đầu tự nhiên khi có người đi qua. Khi bạn thấy thoải mái với điều này, bạn có thể đi nước tiếp theo và hỏi họ như thế nào hay một câu hỏi hoặc nhận xét về điều gì đó quanh bạn. Đặt mình vào những tình huống xã hội đầy thách thức có thể giúp bạn ít bồn chồn hơn.


Thể hiện sự thân thiện qua ngôn ngữ cơ thể


Ngôn ngữ cơ thể là một phần quan trọng người ta thường bỏ qua trong đối thoại. Đó là cách cơ thể chuyển động cùng với âm điệu của chúng ta. Ngôn ngữ cơ thể thân thiện là:

  • Cười
  • Gật đầu
  • Giao tiếp bằng mắt 
  • Biểu lộ khuôn mặt thả lỏng, vui vẻ
  • Sử dụng các cử chỉ bằng tay khi nói
  • Hai tay bên cạnh, thả lỏng khi không tạo động tác
  • Nếu bạn đang ngồi, bắt chéo chân một cách tự nhiên
  • Không che dấu tay và không đút tay vào túi


Chú ý giọng điệu tích cực


Âm điệu của bạn gần như quan trọng ngang bằng ngôn ngữ cơ thể. Hãy cố giữ giọng điệu lạc quan và thân thiện hoặc ít nhất là tự nhiên. Hãy thử những mẹo cụ thể này để giúp giọng nói của bạn nghe sống động và thú vị hơn.


Nếu bạn muốn nghe có vẻ tự tin và thú vị, quan trọng là không được lầm bầm. Hãy thu giữ vào đầu và hướng giọng nói về phía người đối diện thay vì mặt sàn. Nếu bạn cần thêm giúp đỡ, hãy thử những mẹo này của chúng tôi để nói thật rõ ràng.


Cải thiện dáng ngồi


Nếu bạn có một dáng ngồi tốt, mọi người sẽ tự nhiên thấy bạn là người tự tin và có hứng thú để nói chuyện. Nếu bạn có dáng ngồi xấu, hãy làm điều này hằng ngày như trong video.


Chủ động bước đầu tiên


Việc chủ động bắt đầu câu chuyện có thể rất đáng sợ, nhưng bạn có lẽ sẽ thấy ngạc nhiên khi nó được đánh giá khá cao. Chúng ta thường coi nhẹ mong muốn nói chuyện của mọi người. Hãy thử kiểm tra xem. Giao tiếp bằng mắt, cười và nói “xin chào”. Bạn có thể sẽ khiến người khác cảm thấy ấn tượng với sự tự tin của mình.


Học các dấu hiệu “từ chối”


Việc tiếp cận người lạ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn hiểu được các dấu hiệu người khác không muốn nói chuyện. Nó bao gồm:


  • Đeo tai nghe
  • Quay người với bạn
  • Đọc 
  • ”Đóng” ngôn ngữ cơ thể, hai tay bắt chéo trước ngực
  • Trả lời đơn giản “có” hay “không” và nhìn về phía khác


Mục đích tạo lập mối quan hệ xã hội


Nếu bạn đang cố gắng để bắt chuyện với người lạ, hãy đặt ra thử thách cho chính mình. Ví dụ, bạn có thể thử tìm ra 3 cái tên trong một sự kiện kết nối.


Mục đích càng cụ thể, hiệu quả càng cao. Đặt mục tiêu nói chuyện với 3 người trong một sự kiện có thể khiến bạn nhanh chóng thất bại, vì bạn chỉ cần nói xin chào và ngay lập tức rời đi. Thay vì đó, hãy cố gắng đặt ra điều bạn có thể đạt được qua một cuộc thảo luận dài.


Ví dụ:


  • Tìm ai đó đã từng đến 3 nước 
  • Tìm ai đó cùng sở thích với bạn, như là cuốn sách yêu thích 
  • Tìm tên thú cưng của 3 người


Di chuyển bằng phương tiện công cộng


Sử dụng phương tiện công cộng có thể giảm áp lực luyện tập nói chuyện với người lạ.


Nhiều người đôi khi dễ tiếp cận với người lạ khi họ đi xe công cộng. Thường thì do chẳng có việc gì để làm và cuộc đối thoại tự nhiên kết thúc ở trạm cuối hành trình của bạn. Và nếu mọi chuyện trở nên ngượng nghịu, bạn chẳng phải gặp họ một lần nữa.


Một cách hiệu quả để bắt đầu câu chuyện trên xe công cộng là đề nghị sự giúp đỡ hay hỏi về hành trình. Ví dụ, nếu ai đó có túi đồ nặng, bạn có thể đề xuất giúp đỡ cầm hộ và nói, “Wow, nhiều đồ quá đi. Anh/ cô định làm gì à?”


Nếu họ trả lời bạn với một từ, đừng thất vọng. Họ có thể chỉ không muốn nói chuyện. Ổn thôi. Bạn đã luyện được 2 kỹ năng: tiếp cận người lạ và nắm bắt được những dấu hiệu để biết họ muốn nói chuyện hay không. Hãy tự hào với chính mình.


Luyện tập nói chuyện với thu ngân hay nhân viên dịch vụ


Nói chuyện với thu ngân, người pha chế và các nhân viên dịch vụ khác có thể là một cách luyện tập tốt. Nhiều người làm việc trong ngành này thường thích kết bạn và họ có nhiều cách để có những cuộc đối thoại nhỏ không ngượng nghịu.


Hãy thử một câu hỏi và tiếp một lời bình. Những điều này không cần quá cụ thể hay độc đáo. Ví dụ:


Bạn: “Hôm nay bận rộn chứ?”


Người pha chế: “Ừ. Chúng tôi vội đến chân không chạm đất cả sáng nay.”


Bạn: “Anh chắc phải mệt lắm nhỉ? Ít nhất nó khiến ngày trôi nhanh hơn?”


Có một số điều cần nhớ khi nói chuyện với nhân viên dịch vụ:


  • Đừng cố kéo dài câu chuyện nếu họ đang bận
  • Đừng sử dụng tên của họ trừ khi họ nói cho bạn. Đọc nó từ bảng tên có thể khiến tình huống căng thẳng hơn hay khiến bạn trông đáng sợ.
  • Hãy nhớ họ đang làm việc và phải chuyên nghiệp. Đừng có tán tỉnh hay thảo luận chủ đề mang tính tranh cãi.


Chú ý vẻ ngoài của bạn


Bạn không cần phải trông thật bảnh bao hay cuốn hút để khiến người ta muốn nói chuyện với bạn, nhưng nó có thể có hiệu quả chỉ cần bạn ra sức một chút thôi. Việc thể hiện mình qua vẻ bề ngoài không hề sai, bạn có thể thấy người khác phản ứng tốt hơn nếu bạn trông không hiền lành, sạch sẽ, gọn gàng và mặc đẹp.




III. Tạo thiện cảm với cuộc đối thoại


Rất nhiều người, đặc biệt những người hay lo âu hay trầm cảm, họ cảm thấy bồn chồn hoặc áp lực khi nói chuyện với người lạ và có thể phân tích quá đà sau đó. Hãy thử thay đổi cách nghĩ của mình về những tình huống “khó” có thể sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.


Chấp nhận sự bồn chồn trong mình


Đây là bản năng khi bạn muốn bỏ qua sự lo âu và “ngừng lo lắng” nhưng nó không hiệu quả. Một chiến lược hiệu quả là chấp nhận rằng bạn đang lo lắng và cứ hành động bằng mọi cách. Sau tất cả, cảm giác lo âu chỉ là một cảm xúc, không gì hơn, nó không thể tổn thương chúng ta. Hãy nhắc nhở chính mình việc lo lắng không khác gì những cảm xúc khác như mệt mỏi, hạnh phúc hay đói khát.


Tập trung vào người đối diện


Thật khó khi không bị ám ảnh bởi ý nghĩ của người khác khi bạn cảm thấy bồn chồn và lo lắng mình sẽ để lộ ra điều ấy. Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn tiêu cực “Mình lo quá, mình không nghĩ được gì cả”, hãy làm điều này: Tạo động lực để chuyển sự tập trung vào người đối diện khi bạn có ý nghĩ ấy.


Khi bạn tập trung vào điều người đối diện đang nói, bạn sẽ ngừng suy nghĩ về chính mình. Điều này giúp đạt được 3 thứ:


  • Họ cảm thấy thoải mái
  • Bạn hiểu họ hơn
  • Bạn ngừng lo lắng về phản ứng của mình


Nhắc nhở chính mình mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi


Việc lo lắng người khác từ chối bạn hay bạn đang làm phiền là điều hiển nhiên. Bạn có thể thử nói với chính mình,” Mọi thứ sẽ ổn thôi,” nhưng thường thì không có tác dụng.


Các nghiên cứu cho thấy mọi người đánh giá quá cao sự áp lực hay sự bất tiện khi nói chuyện với người lạ và cho rằng nó không hề thú vị. Trong nghiên cứu này, không một người tình nguyện nào có trải nghiệm tiêu cực khi nói chuyện với người lạ, vượt qua kỳ vọng của họ.


Khi bạn mới bắt đầu nói chuyện với người lạ, hãy thử nhắc nhở chính mình kết quả này. Một khi bạn đã có vài cuộc đối thoại, hãy thử tập trung vào một cái tốt nhất. Điều này giúp tăng sự tự tin của bạn hơn.


Kết thúc cuộc trò chuyện một cách khéo léo


Một trong những phần khó trong việc nói chuyện với người lạ là bạn có thể bị mắc kẹt trong cuộc đối thoại dài hoặc ngượng nghịu. Hãy luyện tập một số cách kết thúc giúp bạn kiểm soát được tình huống hơn.


Một số câu kết thúc:


  • “Rất vui khi được nói chuyện với cậu. Mình hy vọng cậu thuận lợi cả ngày nhé.”
  • “Tớ phải đi rồi, cảm ơn vì đã nói chuyện với tớ.”
  • “Tớ rất muốn nói nữa, nhưng tớ phải đi gặp bạn trước khi họ đi.”

IV. Nói chuyện với người lạ trên mạng


“Làm cách nào để nói chuyện với người lạ trên mạng? Tôi muốn luyện tập kỹ năng hội thoại nhưng không chắc tìm được người nói chuyện cùng.”


Dưới đây là một số phòng chat và công cụ giúp bạn gặp người lạ và kết bạn trên mạng:


  • HIYAK: một công cụ kết nối bạn với người lạ bằng tin nhắn hoặc video.


  • Omegle: mặc dù Omegle không phổ biến như vài năm trước, nó vẫn được sử dụng bởi hàng ngàn người mỗi ngày như một diễn đàn trò chuyện.


  • Chatib: trang mạng này cho phép bạn nói chuyện với người lạ trên nền phòng trò chuyện. Những cuộc trò chuyện bao gồm các chủ đề, bao gồm thể thao, tôn giáo và triết học.


  • Reddit: Reddit có hàng ngàn mục nhỏ với các loại sở thích bạn có thể nghĩ đến. Một số mục nhỏ dành cho những người muốn gặp bạn mới trên mạng. Có thể tìm hiểu r/makingfriends, r/needafriendr/makenewfriendshere.



Nói chuyện với người lạ trên mạng cũng tương tự như nói chuyện trực tiếp. Hãy lịch sự và tôn trọng. Hãy nhớ họ là người thật đằng sau màn hình nhỏ, với cảm xúc và niềm tin riêng của mình. Hãy nhớ, có những điều bạn chẳng bao giờ nói ngoài đời, vậy cũng đừng nói trên mạng.


—————————————————


Dịch: SweetIvy

Biên tập: Ori

Ảnh: Pexels

Nguồn: https://socialpronow.com/blog/talk-to-strangers/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan