Một Cách Nhìn Ít Đau Thương Hơn Về Những Cuộc Chia Tay

Tin tức về sự đổ vỡ trong tình yêu thường được xã hội tiếp nhận với một thái độ nghiêm túc, người ta luôn nghĩ đến “chia tay” như một bi kịch trong cuộc sống.

Tin tức về sự đổ vỡ trong tình yêu thường được xã hội tiếp nhận với một thái độ nghiêm túc, người ta luôn nghĩ đến “chia tay” như một bi kịch trong cuộc sống. Với những người trong cuộc, ta thường dành cho họ những lời chia buồn như thể một người thân của họ đã ra đi mãi mãi.


Điều này phản ánh một triết lý về tình yêu thẳm sâu trong tư tưởng: chúng ta đã được dạy rằng kết quả hay đích đến cuối cùng của bất kỳ một cuộc tình chân chính nào cũng phải là ở bên cạnh nhau đến trọn đời trọn kiếp và (từ đó suy ra) bất kỳ sự đổ vỡ nào giữa đoạn đường cũng là một sự thất bại – xuất phát từ việc một hay cả hai phía không thể chịu nổi đối phương thêm nữa.


Nhưng còn có một kịch bản khác cho những cuộc chia tay, nhờ đó mà ta thấy rằng, việc ta và người ấy ngừng lại không phải vì mối quan hệ này đã trở nên quá tệ hại, mà thực ra, vì nó đã tiến triển rất tốt. Mối quan hệ kết thúc bởi vì nó đã thành công. Thay vì phải gắn chia tay với những cảm xúc tổn thương, đắng cay, hối tiếc hoặc tội lỗi; ta có thể buông tay với sự cảm kích dành cho nhau và mỗi người đều nhận được điều gì đó từ mối quan hệ này thay vì chỉ có cảm giác mất mát.


Góc nhìn trên có vẻ như lạ lẫm và phản tự nhiên, nhưng không hề phi thực tế. Nó có thể xảy ra nếu ta luôn hỏi bản thân câu hỏi quan trọng sau trong suốt khoảng thời gian ở trong mối quan hệ với một người: Mối quan hệ này có ý nghĩa gì (Ta quen người này vì mục đích gì)? Câu hỏi này nghe có vẻ tiêu cực, bạn nghĩ rằng nó như phát ra từ miệng của một kẻ vỡ mộng trong tình yêu. Nhưng nó vẫn có thể, và nên, mang sắc thái tích cực và hồ hởi – với mục tiêu duy nhất là tìm ra câu trả lời đưa ta đến bản chất của tình yêu.


Thông thường, ta nghĩ về tình yêu như một kiểu chiếm hữu: với đầy sự mến mộ dành cho đối phương, hai người giữ nhau trong lòng bàn tay của mình như một vật vô giá và luôn sợ đánh mất bất cứ lúc nào. Nhưng có một cách giải thích khác về tình yêu, linh động hơn và ít bảo thủ hơn: yêu là một phương thức giáo dục. Với cách nhìn này, ta thấy mối quan hệ được tạo nên bởi mong muốn và nỗ lực học hỏi, cũng như đem lại một bài học giá trị cho người khác. Chúng ta bị cuốn hút bởi đối phương bởi khao khát muốn học hỏi và ngược lại, được truyển đạt những giá trị của bản thân: ta yêu họ bởi vì ta thấy trong họ những phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhưng còn thiếu sót ở chính mình, ta mong muốn được phát triển và hoàn thiện mình trong sự dạy bảo của tình yêu.


Ví dụ, ta có thể thấy ở người ấy sự tự tin lẫn sự dịu dàng – một sự kết hợp dường như bất khả thi, không thể tin được trừ khi thật sự gặp được người như vậy. Hoặc ta bị ấn tượng bởi cái cách mà họ có thể cười và nhẹ nhàng tiếp nhận những thất bại của bản thân, trong khi ta không thể làm vậy vì sự cố chấp và nghiêm khắc với bản thân. Những khả năng của họ khiến ta thấy hấp dẫn và rung động bởi đó là những thứ tốt đẹp mà ta chưa có nhưng khao khát sở hữu. Trong những trường hợp trên, chúng ta có thể nói rằng mục đích của một mối quan hệ là để được học hỏi những đức tính tốt ở người khác – sự tự tin, dịu dàng, khả năng chấp nhận khiếm khuyết của bản thân hay sự khéo léo trong xử lý tình huống, hoặc là hàng ngàn phẩm chất khác nữa tùy thuộc vào nhân cách của chúng ta và đối phương. Quan điểm ở đây chính là: Luôn có những việc cụ thể và quan trọng mà hai người cần và muốn làm cùng nhau – đó cũng chính là thứ định nghĩa nên mục đích của mối quan hệ này.


Bằng việc ở bên cạnh đối phương, gắn kết cuộc đời hai người với nhau, bằng việc lắng nghe – thậm chí cả những lời chỉ trích và quở trách của họ, chúng ta sẽ dần “nhập tâm hóa” những phẩm chất và đặc điểm mà họ muốn truyền đạt cho ta. Và sẽ đến một thời điểm mà những gì ta có thể tiếp thu từ họ đã bão hòa. Nhờ người ấy, ta đã trưởng thành hơn nhiều so với khi hai người mới đến với nhau: ta biết sống cân bằng và khôn ngoan hơn, chính họ đã giúp ta tiến gần hơn đến con người mà mình muốn trở thành.


Bởi vì mối quan hệ của chúng ta có một mục đích cụ thể – chính đáng, thân mật và đầy yêu thương, nên nó cũng có mốc hoàn thành. Nó có thể hoàn thành như cái cách mà một cuốn tiểu thuyết đi đến chương cuối – không phải vì nhà văn đã chán ngán việc viết, mà bởi vì những bản thảo – qua nhiều khó khăn, trở ngại – đã đưa dự án đến một giải pháp tốt. Hay, một mối quan hệ có thể kết thúc như cách mà thời thơ ấu của chúng ta chấm dứt. Đó là khi một đứa trẻ – nhờ sự chăm sóc tận tình và tình yêu thương to lớn của cha mẹ – đã đạt đến một thời điểm mà chúng phải rời nhà nếu muốn phát triển sang giai đoạn tiếp theo. Không phải chúng bị đuổi khỏi nhà trong sự tức giận của bố mẹ hay phải bỏ nhà trong niềm tuyệt vọng, chúng rời nhà bởi vì nhiệm vụ của thời thơ ấu đã hoàn thành! Đó không phải là lời khước từ tình yêu, mà là kết quả tốt từ sự yêu thương. Hoàn thành (hay kết thúc) không phải là dấu hiệu của sự thất bại, mà là một thành công mang tính nền tảng.


Sự khác biệt giữa những tình huống trên đây với mối quan hệ tình yêu nằm ở chỗ chúng ta biết rõ mình nỗ lực vì điều gì hay không. Luôn có một mục tiêu trong đầu: cuốn sách không nên kéo dài mãi và đứa trẻ nào cũng phải đến lúc rời khỏi gia đình. Nhưng bởi vì – không may rằng – chúng ta chưa từng hỏi bản thân mục đích của mối quan hệ tình yêu của mình là gì nên ta không thể có được cảm giác về sự hoàn thành, về việc đi đến sự chấm dứt thích hợp. Hoặc bởi chúng ta từ chối việc đặt câu hỏi ấy vì cho rằng động cơ duy nhất cho bất kỳ mối quan hệ yêu thương chỉ là để đảm bảo rằng mình không cô đơn – điều mà không bao giờ là một lý do tốt cho việc độc chiếm cuộc đời của người khác.


Trong một mối quan hệ lý tưởng, cảm giác về sự hoàn thành sẽ mang tính song phương. Tuy nhiên, sự thật đau đớn là đôi khi chỉ có một người muốn rời khỏi mối quan hệ, trong khi người kia vẫn muốn duy trì. Nhưng quan niệm về tình yêu như một phương thức giáo dục vẫn có thể áp dụng được trong tình huống này: những xung đột và mâu thuẫn không thể chịu đựng giữa hai người thể hiện rằng ta đã không thể dạy cho đối phương bất cứ điều gì nữa và hoặc ngược lại. Chúng ta có thể biết rõ những phẩm chất quan trọng mà người kia nên bổ sung nhưng bản thân lại không phải là người “giáo viên” thích hợp: chúng ta thiếu kiên nhẫn, kỹ năng và sự thu hút hay tự tin cần có để truyền đạt sự thông suốt một cách hiệu quả tới họ. Ta đã làm tất cả những gì mình có thể. Nhiệm vụ của ta đã hoàn thành không phải vì đối phương đã không còn thiếu sót cần hoàn thiện nữa mà là vì ta không phải là người có thể dẫn dắt họ, vì thế bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi mối quan hệ mà không cần mang theo cảm giác như đã bỏ rơi ai đó.


Chúng ta có thể tránh cảm giác đổ vỡ sau chia tay bằng việc biết rằng còn rất nhiều điều mình phải học hỏi và hoàn thiện. Ta đã học được rất nhiều từ mối quan hệ đã qua nhưng so với vạch đích thì khoảng cách vẫn còn xa lắm. Chỉ là những bài học mà ta phải tích lũy từ lúc này sẽ đến từ một người khác – hoặc đến từ trải nghiệm học tập sâu sắc của việc độc thân.


Dịch: Lyo Kiu

Biên tập: Mai

Minh họa: Weisomniac

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan