Chia sẻ để nhẹ lòng hay để thêm sân si?

Sau khi những dòng tâm sự tuôn tràn, bạn cảm thấy thế nào? Thấy nhẹ nhàng, bình an hơn, mọi nỗi buồn thương tức giận bay biến hay thấy càng phẫn uất, căm ghét hơn những người mang đến cho bạn trải nghiệm không vui vẻ?

Khi gặp chuyện bực mình, không vui, không hài lòng hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác, chúng ta thường có nhu cầu 'xả' hết ra với một người, một nhóm mà chúng ta tin cậy. Mức độ tin cậy ở đây cũng tùy thuộc vào tính cá nhân của những câu chuyện, những cảm xúc mà chúng ta muốn chia sẻ. Sau khi những dòng tâm sự tuôn tràn, bạn cảm thấy thế nào? Thấy nhẹ nhàng, bình an hơn, mọi nỗi buồn thương tức giận bay biến hay thấy càng phẫn uất, căm ghét hơn những người mang đến cho bạn trải nghiệm không vui vẻ, “Thấy chưa? Ai cũng ủng hộ mình. Đứa X đấy đúng thật là đáng ghét, xấu xa!” Sự khác nhau chính là ở cảm giác sau khi chia sẻ. Đây chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta phân biệt được giữa ‘chia sẻ độc hại’ và ‘chia sẻ tích cực’.


Trước tiên chúng ta hãy cùng xem xét thế nào là 'chia sẻ độc hại'. Đã là tâm sự, là trút nỗi lòng thì tại sao lại độc hại? Tâm sự độc hại là khi chúng ta chỉ trút lên người nghe những lời nói căm phẫn, lên án chỉ trích người khác. Nó không chỉ khiến tâm trí chúng ta sa lầy thêm vào vũng bùn 'tâm lý nạn nhân' mà còn đầu độc cả người đang nghe chúng ta. Đã nhập vai nạn nhân thì chắc chắn phải có hung thủ, chúng ta đổ lỗi nguồn cơn mọi cảm xúc tiêu cực mà chúng ta đang có sang cho người khác, ‘Mớ cảm xúc tiêu cực chết tiệt tôi đang có là do người khác gây ra, tôi không có trách nhiệm gì với chúng. Tất cả là tại họ!’. Cứ như vậy chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực không cách nào thoát ra được. Chúng ta đang tiếp thêm năng lượng cho chúng, để rồi chính mình chết chìm trong đó, càng nói càng đau khổ, càng bức xúc hơn. Khi tâm sự độc hại, chúng ta đang tự mình đóng cánh cửa nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, vị tha hơn. Đó chính là những lời buộc tội đanh thép mà người bị nói xấu không có cơ hội được biết đến và biện hộ. 





Trái ngược với kiểu độc hại ở trên là ‘chia sẻ tích cực'. Nơi những cảm xúc chân thực trong con người chúng ta được bày tỏ và xoa dịu. "Lúc này mình đang cảm thấy mệt lắm! Hôm nay thật là nhiều chuyện khó khăn xảy ra. Ôm mình một cái được không?" Không than khóc, kể lể, chỉ trích. Chỉ đơn giản là lên tiếng, là làm nũng, là thấy mình nhỏ bé, dễ tổn thương đang tìm kiếm một chỗ dựa. Hãy cho bản thân một cơ hội được tạm quên đi nỗi buồn. Hãy cho những cảm xúc dữ dội thời gian để dịu bớt. Liều thuốc đặc trị của nỗi buồn có gì công hiệu hơn NIỀM VUI. Có muôn vàn những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, nhảy múa tự do, ca hát, bất kỳ điều gì mà bạn thích và hãy chia sẻ những niềm vui này với những người xung quanh. Nếu không thể gặp trực tiếp, công nghệ sẽ giúp chúng ta nối liền khoảng cách, chia sẻ online. Điều quan trọng nhất là "Tôi lựa chọn NIỀM VUI để sao nhãng nỗi buồn."


Và rồi những nỗi buồn vụn vặt sẽ được gột sạch không dấu vết bởi niềm vui. Còn với những tổn thương sâu hơn, cảm xúc mạnh mẽ hơn, thì lúc này chúng ta đã tỉnh táo hơn, hãy quay trở lại với chúng, thuật lại chúng đúng như những gì đã xảy ra, không thêm vào những gia vị cảm xúc, những phán xét cá nhân, câu mở đầu sẽ không còn bắt đầu bằng cụm từ "Tôi nghĩ/tôi cho rằng..." nữa. Điều này giúp cho cả bạn và người lắng nghe lùi lại, có được cái nhìn rộng mở và đa chiều về tình huống.


Sẻ chia tích cực cũng là chúng ta đang giúp những người lắng nghe mình, những người chúng ta tin cậy và yêu thương. Trước họ, chúng ta bộc lộ ra mặt yếu đuối dễ tổn thương, và đó là lúc ta trao cho họ cơ hội được giúp đỡ chúng ta một cách chân thực và trọn vẹn nhất. Chia sẻ tích cực chính là yêu thương được trao đi và nhận lại. Cả mình và người mình tìm đến để sẻ chia đều cảm nhận được niềm vui và cơ hội được giúp đỡ.


Tìm kiếm sự chia sẻ là một nhu cầu cần thiết nhưng không phải theo cách nào nó cũng mang lại hiệu quả "giải tỏa cảm xúc" như chúng ta thường nghĩ. Hãy chú ý nhận biết dấu hiệu đèn đỏ để dừng lại trước ‘chia sẻ độc hại’ và nhấn ga thẳng tiến trước tín hiệu đèn xanh của ‘chia sẻ tích cực’. Nói thì rất đơn giản nhẹ nhàng nhưng khi bước vào những tương tác đời thường, chúng ta rất dễ sa đà vào lối ‘chia sẻ độc hại’ lúc nào không hay. Những lúc như vậy hãy dừng lại, việc có tuân thủ luật lệ ‘giao thông chia sẻ’ hay không tùy thuộc vào bạn, chỉ vào bạn mà thôi đấy nhé.


Người viết: Mộc Yên

BẢN THẢO
Bài viết liên quan