Chủ nghĩa khắc kỷ và bí quyết cho một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản

Chúng ta thực ra không hề cảm thấy đau khổ vì những điều xảy ra trong cuộc sống, mà chúng ta bị hành hạ bởi cách mà ta chọn nhìn nhận nó.

Chúng ta thực ra không hề cảm thấy đau khổ vì những điều xảy ra trong cuộc sống, mà chúng ta bị hành hạ bởi cách mà ta chọn nhìn nhận nó. - Epictetus


Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua thiền định, tĩnh tâm và đưa suy nghĩ vào trạng thái ý thức ở thực tại. Những điều trên thực ra đều liên quan đến suy nghĩ của chúng ta và cách con người kiểm soát, nhìn nhận suy nghĩ của bản thân.


Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học có từ thời Hy Lạp cổ, trong đó có thể giải thích một cách sống nhẹ nhàng và bình thản qua việc nhìn nhận những điều mà chúng ta CÓ THỂ KIỂM SOÁT và KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT được.


“Cuộc sống không phải là một vấn đề để giải quyết, cũng không phải là một bài toán khó đợi chúng ta giải ra đáp án, mà là một hiện thực cần được chính chúng ta trải nghiệm qua..”- Kierkegaard.


Cho dù bất kì điều gì xảy ra, chúng ta cũng cần phải chấp nhận và trải nghiệm nó, chứ không phải tìm cách tránh né nó hoặc trách móc cuộc sống.


Hãy luôn biết rằng điều gì bạn có thể nắm được trong tay, và điều gì không thể, ý nghĩa của chủ nghĩa khắc kỷ có thể khái quát qua 3 điều:

1. Những gì ta có thể kiểm soát được (hành vi và nhận thức, suy nghĩ của bản thân)

2. Những điều ta không thể kiểm soát (những điều khác ngoài hành vi và suy nghĩ của bản thân nhưng cuộc sống xung quanh, như hành động và suy nghĩ của người khác,..)

3. Những gì ta có khả năng chạm tay vào và kiểm soát một phần, những gì mà ta có thể tạo ra sự thay đổi ở một khía cạnh (những việc có sự tham gia của người khác).


Chủ nghĩa khắc kỷ giúp con người tìm kiếm sự nhẹ nhàng trong cuộc sống thường ngày bằng cách tập trung vào nhóm đầu tiên, làm những điều mà bản thân có thể kiểm soát; phớt lờ nhóm thứ 2 - không để tâm đến những chuyện xung quanh ngoài tầm với kiểm soát của bản thân; và suy nghĩ kĩ cũng như trau dồi kĩ năng để có khả năng lên kế hoạch cho nhóm thứ 3.


Những người sống theo chủ nghĩa khắc kỷ có thể có một cuộc sống bớt đi những âu lo muộn phiền mà họ biết rằng họ không thể thay đổi.

Mặc dù chúng ta không có khả năng kiểm soát những sự việc xảy ra trong cuộc sống, nhưng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát hành vi và suy nghĩ ta dùng để đón nhận sự việc ấy. Đôi khi, con người ta trở nên giận dữ hoặc sợ hãi một điều gì đó, sự nóng nảy hoặc tiêu cực đau buồn không hề giúp cho sự kiện đó mất đi, hay trở nên tốt hơn, nó chỉ khiến bản thân và suy nghĩ của ta suy nhược Theo những cảm xúc đó. Nhưng ta có khả năng chấp nhận những sự việc đó Theo một cách tự nhiên nhất.

Nghĩa là, TẤT CẢ NHỮNG SỰ VIỆC VÀ CON NGƯỜI ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn không cần phải trăn trở đến lần thứ 2 rằng làm cách nào để thay đổi hay sữa chữa nó.

Ví dụ như khi một người mắc bệnh hiểm nghèo, điều duy nhất họ có thể làm và hoàn toàn kiểm soát được đó là cách họ suy nghĩ và đáp trả căn bệnh ấy. Nếu như người đó lo lắng đau khổ, uất hận hay tiêu cực thì sẽ khiến căn bệnh của họ trở nên tệ hơn là chấp nhận căn bệnh và tìm cách đối diện với nó.


Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, nếu nó không liên quan tới bạn, hoặc bạn không có khả năng khống chế và kiểm soát nó, hãy chỉ ngắm nhìn nó mà thôi. Hãy như một người lữ hành ngước đầu lên bầu trời và nhìn ngắm ánh trăng, cho dù là trăng tròn hay trăng khuyết, hãy cứ ngắm nhìn nó và đừng thử chạm vào. Vì cho dù có thử, người đó cũng không thể chạm được tới ánh trăng, việc gì phải cố?

Dù ánh trăng luôn xuất hiện ở đó mỗi ngày, cũng như những sự việc hoặc những điều xung quanh xuất hiện làm phiền bạn, hãy chỉ xem việc đó như một bức tranh cuộc sống, và chấp nhận rằng đó là một phần của cuộc đời này, không thể tránh khỏi.

Những câu nói hay của những nhà triết học về chủ nghĩa khắc kỷ:


- “Việc lo lắng, sợ hãi về những việc xung quanh giống như là bạn đang phải trả một món nợ mà bạn chưa hề mượn.” - Mark Twain


Tại sao phải chọn mang theo một gánh nặng khổng lồ trên vai, trong khi chỉ cần bạn quăng qua một bên nỗi lo lắng, bạn có thể bước đi nhẹ nhàng thanh thản?


- “May mắn là điều xảy ra khi sự chuẩn bị gặp được cơ hội thích hợp để thể hiện nó” - Seneca


May mắn ư? Nếu như một người không hề học hỏi, không hề có khả năng thì khi cơ hội đến với anh ta, liệu anh ta có đủ khả năng nắm bắt cơ hội đó hay không? Cho nên sự may mắn luôn đi kèm với điều kiện rằng người đó có đủ khả năng nắm bắt nó. Ví dụ như một người nhìn thấy một công việc hay ho, người ta cho rằng ng đó may mắn. Tuy nhiên, liệu nó có thể nắm được công việc đó lâu nếu như họ không có khả năng hoàn thành tôt nó hay không?


Ví dụ như một người phụ nữ cưới được một ông chồng tốt, và người ta bảo rằng cô ấy may mắn. Liệu chỉ có may mắn mà không khéo léo hoặc không có kiến thức tốt, liệu ai chắc rằng cô ấy sẽ mãi mãi may mắn như thế?


- “Hãy cứ quan tâm đến điều mà người khác nghĩ đi, rồi bạn sẽ luôn bị nhốt trong ngục tù của những điều đó” - Lao Tzu

- “ Bạn trở thành điều mà bạn quan tâm và để ý tới” - Epictetus


Thực ra theo ý kiến cá nhân của người viết bài, mình thấy rằng những người tập trung chú ý vào điều gì, họ thực sự luôn sống với những suy nghĩ mà họ luôn quan tâm tới. Ví dụ tích cực như khi một người chỉ quan tâm tới sở thích cá nhân, họ luôn cố gắng để có thể trở nên tốt hơn để có khả năng thực hiện cái sở thích đó đẹp hơn, hay hơn. Với những người yêu thích và tập trung vào đam mê của họ, họ dần sống theo đam mê và tìm ra cách để phát triển đam mê đó để thành công.


Tuy nhiên, theo một cách tiêu cực hơn. Những người luôn để ý đến chuyện người khác, tọc mạch và hay dễ dàng bị xao nhãng bởi câu chuyện của cuộc đời người khác, họ sẽ có ít thời gian hơn để hiểu biết và xử lý những khúc mắc trong cuộc sống của riêng họ.


Như Carl Jung đã từng nói rằng: “Biết được nỗi đau thầm kín và bóng tối của bản thân, chính là cách tốt nhất để đối diện và nhìn nhận nỗi đau của người khác.”


Nếu như một người chỉ mãi thích quan tâm cuộc sống của những ca sĩ, diễn viên hào nhoáng và ao ước có được cuộc sống đó. Họ có thể sẽ quên mất những người bạn mộc mạc xung quanh họ, có thể sẽ quên mất những cách sinh hoạt bình dân nhưng phù hợp với họ, sẽ quên mất bản thân mình là ai và ở đâu. Lâu dần sẽ khiến họ đi xa ra dần so với bản thân thực sự của mình, đến khi nhìn lại đã không biết mình là ai, mình muốn gì, và khả năng của mình là gì.


Và câu nói cuối cùng cho bài viết này là : “NỖI ĐAU, nó thực ra đến từ việc cố gắng kiểm soát những điều mà ta không thể kiểm soát được.” - Epictetus


NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG - Psychological facts - Tâm lý học Việt Nam

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=R9OCA6UFE-0

https://en.wikipedia.org/wiki/Stoicis

BẢN THẢO
Bài viết liên quan