Chuyện về tuổi tác ấy mà! Đo bằng gì?

Đây không phải câu chuyện do một bà lão 90 tuổi, mà là một người đang trên con đường học tập, trưởng thành, kể câu chuyện nhỏ của mình về cách nhìn nhận và đánh giá con người thông qua sự trải nghiệp của mình từ quan sát, lắng nghe, suy nghĩ và rồi đưa ra quyết định của mình. Mỗi sáng thức giấc, có thể không phải là ngày gì đó đặc biệt, đôi ngày vô định, đôi ngày chán nản nhưng chỉ cần còn sống, còn có nhiều chuyện vẫn thay đổi được.

Trước độ tuổi đôi mươi, ít khi người ta để ý nhiều khi nói về tuổi tác. Lúc đó, tôi hồn nhiên lắm, khiểu như: gặp bác - chào bác, gặp cô - chào cô... hồi đó còn ở quê thì khi gặp mấy người ngang tuổi bố mẹ mình tôi phải chào cô chú hoặc bác, còn sau này lên thành phố những người ở tuổi đó rất hay xưng "chị", gọi "em". Có người bảo tôi là: "Người xã hội mà, xưng sao cho người ta thích nghe là được".


Bây giờ thì vậy đó, tôi cũng xưng chị gọi em, nhưng không phải vì quan điểm "người xã hội" mà thực là vì tôi muốn họ không thấy mình già đi. Không biết cánh đàn ông có cảm nhận tí gì về chuyện "con kiến" này không nhưng với chị em phụ nữ, nhiều người nhạy cảm vậy đấy. Cũng phải mất một hành trình không ngắn để tôi có thể hiểu rằng, cho dù là lời chào cũng nên trao đi một cách "chân thành". Hai từ này nghe thì nhiều, nói thì dễ, nhưng đôi khi cần phải trải qua chuyện, đôi khi phải rơi nước mắt chỉ vì hai chữ này thì tự khắc nó sẽ ngấm vào tim thôi.


"Cuộc sống này, nói nó ngắn thì cũng không ngắn, mà nói nó dài, cũng không dài", vậy tại sao không thể đối đãi nhau chân thành hơn một chút, không chỉ người kia, mà cả bản thân mình cũng sẽ thấy vui vẻ hơn. Nhiều người nghe tới đây, có người gật gù "ừ, ừ", cũng có người chỉ biết nhếch môi lên cười. Tôi biết cái điệu cười này, vì nó cay lắm, tôi đã từng làm tổn thương một số người vì những nguyên nhân khác nhau, trong đó có một người liên quan đến việc "chân thành" mà tôi đang nhắc tới.


Người đó là một cậu đồng nghiệp khi còn 'chạy SEO', cậu nhỏ hơn tôi một tuổi. Theo quan sát của tôi, cậu ấy có biểu hiện tính cách giống chủng Arch (sinh trắc vân tay). Hầu hết quãng thời gian làm chung, cậu ấy luôn cố gắng thích nghi, luôn cố gắng học hỏi, cho dù cấp trên của bọn tôi thì không đánh giá cao về cậu. Nếu để nhớ về, tôi sẽ nhớ người này là người có một nguồn năng lượng vô cùng lớn bên trong như thể sẽ 'phun trào' ở một thời điểm nhất định. Cậu ấy chắc chắn sẽ phát triển rất tốt nếu tìm được đúng con đường muốn đi hoặc ít nhất là một người "có tâm-có tầm" dẫn dắt, cho dù ban đầu họ có chần chừ như thế nào. Sau này tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi vì khi đó tôi quá 'trẻ' - 'trẻ con' để có thể kiên nhẫn ở phút cuối cùng, xin lỗi cậu vì đã không chân thành 'lắng nghe' xem vấn đề bên trong cậu đang bị gì, những sự chịu đựng của cậu là gì. Quả thật, tôi của ngày ấy không xứng, ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ ra thì những thứ khác tôi không có - lấy gì để cho đi! chỉ vì đặt lợi ích cá nhân mình cao hơn của người khác dù 1% trong làm việc nhóm sẽ cho ra kết quả khác. Vậy nên, việc được quen biết một người như cậu là món quà để khi tôi mở hộp quà này ra, tôi sẽ học được cách trân trọng, chân thành đối đãi.


Quay lại về chuyện tuổi tác, bạn nghĩ thế nào về những người độ tuổi (vật lý) chín mươi, gần đất xa trời nhưng tuổi tâm hồn thì ngược lại? Hoặc, bạn có biết những ai trẻ tuổi nhưng rất già dặn?

Có lẽ sẽ không khó để thấy hai 'phái' người như vậy trong xã hội này, không đâu xa, chuyện nhà tôi, có khi nào bạn lại thấy nó quen quen :))

Chuyện là, ông bà nội và ông bà ngoại tôi là hai phe khác nhau, từ quan điểm sống tới cách hành xử,... hầu như mọi thứ. Từ cái nhìn công tâm của bản thân, tôi sẽ không kể chuyện để bôi nhọ người thân hay chính mình, mà chỉ để ít nhất rút ra bài học nào đó trong cuộc đời nhỏ nhoi này thôi.


Ông bà nội tôi, luôn được con cháu, kính trọng, thương mến. Người ta hay nói là người già thì nói nhiều, phàn nàn đủ thứ, trẻ con và người già không hợp nhau như kiểu "những gì chúng thích thì tôi ghét, những gì tôi thích chúng chẳng ưa". Những điều này tôi thấy nó cũng hợp lý, với anh họ C của tôi, năm nay hai mươi bảy, ông bà cứ nhắc suốt việc lấy vợ - nên là anh tôi hay trốn gặp lắm. Cho dù xuất phát từ ý tốt nhưng đôi khi dễ làm tổn thương thêm những con người quá đỗi nhiều những gian nan như anh ấy. Dù ông bà nội có nói nhiều cỡ nào, bọn tôi vẫn luôn luôn muốn dành nhiều thời gian nhất để tới thăm hỏi, hầu như chiều chiều nào bọn cháu chúng tôi cứ rủ nhau xuống nhà ông bà cả đám, vậy thì còn gì để nói, đây là căn cứ bình yên nhất mà bọn tôi có.


Vì sao lại thế, đơn giản là về vấn đề 'cảm xúc'. Mỗi lần bạn gặp chuyện buồn, chuyện bất mãn, không vui thì các bạn sẽ đi đâu? Có phải là muốn tới một nơi thanh bình, bình an nhất không! Đó là hình ảnh của tôi những năm cấp hai, cấp ba, những năm tháng 'phản' gia đình - luôn có nhiều bất hòa với bố hoặc mẹ, cứ giữa trưa tan học về là ghé qua nhà ông bà nội ăn cơm, không thèm về nhà. Ông bà có sáu người con và một đàn cháu, đàn con cháu này nhiều lúc có những bất hòa, cãi vã thì ngay lập tức ông bà sẽ gọi xuống nhà 'họp' ngay tức khắc, hôm sau mấy anh em lại như chưa từng cãi vã. Đúng phong cách của các trưởng họ miền bắc, tôi thấy có một cái gì đó nó rất tinh tế.


Thêm một điều mà chúng tôi rất ngưỡng mộ ông bà, đó là tình yêu của hai người, tôi cảm thấy nó là tình yêu thực sự, một thứ mà tôi chưa bao giờ được trải qua (Chuyện về ông bà nội thì nhiều cái hay lắm, không hẳn lúc nào cũng sến súa, đôi khi ở nhà thì giận nhau mấy cái linh tinh nhưng đi đâu thì cứ kể mãi không hết lời tốt về nhau, vì tôi cũng hay được nghe ông bà kể chuyện ngày xưa, có lẽ cũng xin kể về ông bà nhiều hơn trong một ngày khác). Tất nhiên là bên cạnh mặt tốt, thì bọn trẻ chúng tôi cũng không thích tiếp thu mấy điều 'cổ hủ' không hợp thời nữa, mấy cái này á, thực tế bọn tôi chỉ nghe cho ông bà vui chứ không cãi lại.


Ví dụ như kiểu: con gái phải công dung ngôn hạnh, xuống nhà ông bà cấm có bao giờ bọn tôi dám mặc quần đùi. Em họ H của tôi hôm bữa mới ra mắt đem người yêu xuống nhà, được cho lời khuyên là không nên, chứ ông bà không cấm đoán gì hết, ông bà chỉ nêu lý do là anh này làm thợ cắt tóc tiếp xúc nhiều khách, chỉ sợ sau này lăng nhăng; lý do thứ hai là anh này vóc dáng không được cứng áp cho lắm. Kệ, bọn con cháu chúng tôi cứng đầu lắm, nghe thì nghe vậy thôi chứ vẫn chưa trải qua nhiều như ông bà nên cũng không quan tâm lắm. Bọn tôi vẫn biết ơn nhiều, thương ông bà nhiều vì cái lời khuyên ấy là do ông bà là người chứng kiến nhiều người vì lấy sai người mà khổ cẩ đời, trong đó có mấy đứa con của ông bà (có thể kể đến cụ thể là mối quan hệ của bố mẹ tôi cũng không suôn sẻ cho lắm, nhà anh họ C và em họ TL thì ở mức độ ghê gớm hơn nhà tôi nhiều). Bởi vậy, lời khuyên đó từ cái tâm thương con cháu vô cùng, chúng tôi cảm nhận được, và biết ơn.


Còn khi nhắc về đằng ngoại, tôi chỉ thấy nỗi đau đầy trong tim đến giờ không cách nào đối diện. Cách đây ba năm hơn, vì lý do bất đắc dĩ tôi phải chuyển từ Sài Gòn về Vũng Tàu, nơi mà ông bà ngoại sinh sống, để hoàn thành việc học đại học. Cuộc sống nương nhờ bắt đầu từ đây, chính tại đây, tôi đã học cách trở nên 'vô cảm' với một kiểu người. Vô cảm với người đó của hiện tại để cố gắng giữ gìn những ký ức tốt đẹp nhất trước đây.


Đầu tiên, có thể kể đến ấn tượng thuở bé. Cái hồi còn bé, nhà ông bà ngoại gần nhà tôi, năm tôi lên hai tuổi, họ lại tiếp tục cuộc hành trình xuống phía nam, đi tìm vùng đất mới, tìm kiếm nền kinh tế tốt hơn (hiện nay cách nhà tôi 300-400 cây và như mong ước, nhờ giá trị đất đai dưới đó về sau tăng cao, họ có cơ hội trở mình, kinh tế khá giả hơn). Từ bé đến năm hai mươi, tôi chỉ có duy nhất một ký ức là cái ngày chia tay ông bà ngoại, chuyến xe đêm, tôi hai tuổi khóc đòi ông bà ngoại. Tôi giữ ký ức đó mãi về sau, trân trọng. Sau này, chuyển về đó ở tôi mới có cơ hội hiểu thêm về cách họ sống, cách tư duy, biết được cái đích họ đã, đang và sẽ hướng đến.


Ở ngôi nhà ba tấm đó có năm người ở, hai người lớn tuổi, một em gái đằng ngoại, tôi, và một người nghiện thuốc (là cậu của tôi- từng là một người yêu quý trẻ con, thích đánh ghita, biết làm đồ thủ công, nhưng "chết" rồi, trong cái xác ấy là một người thô lỗ, nguy hiểm, không thể đoán). Ban đầu đến đó, tôi muốn đóng vai đứa cháu lịch sự thân thiện, hiểu chuyện hết mức có thể, bên cạnh việc học tập khi rảnh tôi sẽ phụ giúp họ, kể cả việc giúp gia đình người con trai khác của ông bà khi họ mới mở cửa hàng kinh doanh. Về sau, tôi không còn muốn làm thế nữa. Tại sao ư? cũng chỉ là vấn đề thuộc cảm xúc.


Những tư tưởng bảo thủ thời xưa đã ăn quá sâu vào máu ông bà : trọng nam khinh nữ, trọng giàu khinh nghèo. Mẹ tôi là con thứ hai trong bốn người con của ông bà, cũng là vì bố tôi làm nông dân, đằng nội tôi đều là nông dân thôn quê nên không được đằng ngoại coi trọng một cách ra mặt. Cho nên xét trong gia đình mẹ tôi là người 'nghèo nhất', và cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhà. Nhiều khi tôi tức điên thay, mẹ tôi rất tuân thủ đạo - quy tắc, tôi tức vì mẹ cứ mãi chịu thiệt thòi, không bao giờ nghĩ cho bản thân. Tất nhiên là nhà tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một thứ vật chất nào từ ông bà ngoại. Tôi biết rõ tại sao mẹ tôi bao dung với ông bà như vậy, vì thứ mẹ cần là sự công nhận và một chút tình thương. Dưới chung một mái nhà hơn ba năm, có thể cảm nhận được mỗi một ngày thức dậy, tôi như sống trong một nơi tối tăm.


Nhiều bạn tôi thích Vũng Tàu lắm, còn tôi từ giờ trở đi sẽ không còn muốn về đó nữa. Thì ra, chuyện yêu ghét một người, đâm ra yêu ghét cả một thành phố là có thật. Thực ra tôi không ghét toàn bộ cả nơi này, vì tôi có nhiều người bạn ở đây, rất tốt, rất đáng quý, tôi yêu cả mấy tiệm cà phê thân quen, yêu cả mấy cửa hàng tiện lợi 24h ở đây. Lúc tập tành viết nhật ký bằng tiếng anh tôi có viết: "It's really not fun. I'm tend to go out almost day & I'll use my time in the library or a coffee shop to study". Tức là tôi đã không muốn về ngôi nhà đó nữa. Mặc dù đã từng một thời gian dài cố gắng nhìn ra điều tích cực của họ để có thể có mối quan hệ tốt đẹp nhưng tôi xin bỏ cuộc. Vì biết rằng việc thay đổi cái nhìn một người ' hận đời' nhiều như thế, tôi không đủ trình.


Cuộc sống khốn khó thời bao cấp ngày xưa, những khốn khó cuộc đời, họ ở đó, và đã lựa chọn cách sống biến chất, cách cư xử với người khác vì đồng tiền, lợi lộc. Nỗi hận đời của một người gần đất xa trời, nhưng còn nhiều điều chưa thực hiện được, nhiều cái muốn chưa có được, trong khi tính cách kiêu ngạo, luôn ganh tị với những người khác hơn mình... sân si nhiều thế, bao giờ mới thấy đủ? Mỗi bữa cơm, ngày ba bữa ông ngoại tôi (ngoài 80t) đều uống hai ly cối rượu cỡ trung, uống xong thì chửi bậy, chửi bà ngoại, rồi bà cãi lại... vẫn chửi tiếp...lại chửi ông A, bà B... chửi cả mấy ông làm trong nhà nước..rồi lại quay sang chửi bố tôi, ông nội tôi... một cách vô lý. Thành thật thì phải nói xin lỗi, trường hợp này tôi sẽ không thể tha thứ vì họ làm tổn thương những người yêu tôi và cũng là những người tôi yêu.


Về bà ngoại thì, nồi nào vung đấy là đúng trường hợp này. Đến bây giờ bà là một con người cằn cỗi, hao mòn đi quá nhiều về thể chất với dáng người thấp, tích nhiều mỡ thừa, nước da vàng, tóc bạc trắng. Nhiều người tưởng 'béo' là tốt nhưng thực chất mấy người như thế lại nhiều bệnh vì thói quen ăn uống không chất lượng. "Vòng bụng càng to thì vòng đời càng nhỏ". Không những thể trạng bệnh tật mà tâm cũng bệnh, thật đáng buồn vì cuộc đời bà cũng chẳng sướng gì, nhưng bà cũng không quên "sát thương" lên những người xung quanh. Đúng kiểu 'những người bị tổn thương, đi tổn thương người khác'.


Vượt qua tất cả những điều này, tôi không muốn ước thời gian quay trở lại để đừng đến đây, không ước mình không có vết thương nào mà chỉ đơn giản là, không có điều ước như thế, nếu có tôi cũng không cần dùng đến, mà sẽ đưa cho cô gái Hye Ja trong phim Dazzling (Đôi mắt rực rỡ), vì nếu được vậy, tôi sẽ không phải khóc sướt mướt. May mắn vì tôi còn có thể khóc được, vài năm trước tôi không có thời gian để khóc, cũng không thể khóc được. Khi xem phim này, tôi vừa khóc vừa tự hỏi: 'không biết ngày xưa bà nội mình đẹp như thế nào ?', bà không có tấm ảnh nào hồi trẻ cả. Cho dù bữa nay tôi đã về nhà, ở gần bà, thường xuyên gặp, vẫn thấy nhớ. Trong bộ phim ấy, hai cốt truyện đan xen bao gồm một cái là một cô gái có thể quay ngược thời gian bằng một chiếc đồng hồ nhưng đã phải đánh đổi tuổi xuân, cái thứ hai là một bà lão bị Alzheimer, bà ấy nói một câu nội dung thế này ' không biết là tôi đang trẻ nhưng trở nên già đi, hay là tôi đang già nhưng nhớ về những ngày còn trẻ' làm người ta phải suy ngẫm, thấm thía.


Tác giả: Nhím Con 308

BẢN THẢO
Bài viết liên quan