Có những chú chim từ chối bước ra khỏi lồng sắt cho dù họ được thả ra để bay

“Bầy chim bị nhốt trong lồng lại luôn nghĩ những con chim biết bay là bất thường và bệnh hoạn”


“Birds born in a cage will think flying is an illness” - Alejandro Jodorowsky


“Bầy chim bị nhốt trong lồng lại luôn nghĩ những con chim biết bay là bất thường và bệnh hoạn”


Bên trên là một câu nói nổi tiếng để giải thích về việc một người dùng tầm nhìn hạn chế và hoàn cảnh của cá nhân mình rồi áp đặt lên người khác. Loài chim được tạo hoá sinh ra là để sải cánh bay khắp bầu trời, cho sự tự do và nhẹ nhàng. Nhưng nếu như nó bị nhốt trong lồng sắt, nó sẽ nghĩ rằng khả năng của nó chỉ có thể đi quanh một cái lồng nhỏ mà thôi. Nói cách khác, có những người không những không biết cảm thông cho người khác mà còn luôn bắt ép người đó phải sống, phải hành động giống mình. Họ vô tình quên mất, hoặc không biết rằng mỗi người đều có một cuộc đời riêng phải sống và họ không bao giờ hiểu được thì cũng đừng nên mở miệng ra đánh giá cuộc đời của người khác.


Sống trong một cái lồng nhỏ, một khu vực an toàn sẽ không bao giờ giúp bạn có được một quan điểm sáng sủa hay một tầm nhìn rộng mở hơn khỏi khu vực đó. Cũng như có nhiều người cam nguyện sống trong một khoảng không gian bị kiềm hãm, một khu vực an toàn tuyệt đối được người khác ban cho hoặc chính bản thân họ chọn - chỉ vì sợ hãi những thử thách mới hoặc họ đã quá say mê cảm giác an toàn. Họ không để bản thân họ được trải nghiệm những suy nghĩ, những quan điểm mới, những kinh nghiệm mới ở bên ngoài cái lồng an toàn kia. Chuyện này đơn giản là không có vấn đề gì nếu họ chọn sống như vậy và chỉ một mình họ tận hưởng cảm giác ấy, chuyện trở nên buồn cười hơn khi những con chim bị nhốt chặt với tầm nhìn chỉ rộng bằng một cái lồng sắt ấy, chúng lại đi nghĩ rằng những con chim tự do bay bổng bên ngoài cái lồng ấy là sai trái hoặc sai lầm khi dám biết bay.



“The nightingale refuses to nest within a cage, so that slavery won’t be the fate of its young” - Khalil Gibran


“Loài chim sơn ca từ chối làm tổ trong lồng nhỏ, vì chúng không muốn phải sống thân phận làm nô lệ cả đời.”


Có những chú chim từ chối bước ra khỏi lồng sắt cho dù họ được thả ra để bay .


Cũng giống như loài chim, con người sinh ra là để bước đi những con đường mà họ muốn, đi một cách bình thản, tự do và độc lập. Tuy nhiên, có một vài người, vì một lý do nào đó, có thể là do được dạy dỗ hoặc do sự ảnh hưởng của môi trường sống và văn hoá xã hội, mà khi đến một độ tuổi nào đó, họ chọn sống trong một “comfort zone” của riêng mình. Việc này giống như họ không thể thoát ra được khu vực an toàn ấy, thậm chí khi họ bắt buộc phải bước ra ngoài, họ vẫn không thể.


“Khu vực an toàn” này là những thứ mà họ đã quá đỗi quen thuộc, những giá trị sống và cách suy nghĩ trong thế giới quan của họ khiến họ cảm thấy không bị uy hiếp. Thật sự rất khó cho họ nếu họ bắt buộc phải bay đi, phá vỡ những hành vi quen thuộc để bước ra và thử thách những điều mới lạ để để nắm lấy giá trị sống mới. Việc này khiến họ cảm thấy không an toàn và sợ hãi bởi những điều khác biệt mà họ chưa từng được sống qua.


Từ khi được sinh ra, không có con chim nào bắt buộc phải ra khỏi lồng sắt để bay cao bay xa, nhưng cũng không có ai bắt buộc nó phải bị kiềm hãm trong một không gian chật hẹp cả. Chúng ta phải biết thấu hiểu, vị tha và cảm thông cho sự khác biệt trong lối sống, trong quan điểm, cho sự khác nhau giữa giấc mơ của con người với con người để duy trì một mối quan hệ bền vững.


“Một đôi mắt nhắm lại có thể nhìn thấy rõ hơn một tâm trí mịt mù”. Một trong những người nổi tiếng nhất thế giới, Nelson Mandela, ông tin rằng sự tự do trong tâm hồn của một con người là lớn lao hơn bất cứ thứ gì khác trên đời. Nhắm mắt lại có thể dễ dàng nhìn thấy tâm hồn mình, nhưng một tâm trí mông lung và mịt mù thì sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn để làm điều đó.


Chúng ta, những con người cảm thấy bản thân mình muốn được tự do. Những con người luôn khao khát được sống hết mình và không bao giờ đồng ý bị nhốt trong một cái lồng sắt, lại luôn bị đánh giá bởi những quan niệm "được cho là ai cũng phải giống họ thì mới là tốt".


“Mày khùng mới làm những điều kì lạ khác người”


“Những việc đó không giống lẽ thường, đừng làm”


“Có ai thích những thứ giống mày đâu?”


“Mày đang sống sai cách rồi đó, mày phải sống giống như những người xung quanh”


“Mày làm vậy không sợ người ta đánh giá hả?”


Đây là những câu mà những người sống khác biệt và tự do thường được nghe. Những người bị nhốt trong một tầm nhìn nhỏ hẹp sẽ không hiểu được thế giới rộng lớn ngoài kia toàn những điều không tưởng và tràn ngập sắc thái. Những con người không dám tin rằng mình sinh ra với khả năng được tự do bay nhảy, chôn vùi giấc mơ của mình trong một vòng tròn nhỏ lại đi đánh giá và nghi ngờ những người sống vì bản thân và dám chiến đấu cho ước mơ của họ.



Một con chim sinh ra với đôi cánh để bay, con người có một tâm trí để sống và khát khao. Tuy nhiên, tâm trí đó phải được đốt cháy, phải học hỏi và nỗ lực để làm bùng cháy ngọn lửa tự do cho bản thân chứ không phải lấp đầy tâm trí bằng những quan niệm truyền thống được định sẵn.


“Freedom is scary when you have become unaccustomed to using it” - Robert Schuman


Tự do sẽ rất đáng sợ nếu bạn không quen cảm giác đó. Một số người sống như một con chim bị nhốt trong lồng sắt và họ sợ phải bước chân ra khỏi cái vòng tròn ấy, họ sợ phải tự làm điều ấy - những điều mà họ chưa bao giờ dám thử.


Cuộc đời này ngắn lắm, mỗi người chỉ sống một lần và con người sinh ra là để được tự do.


Ở xã hội mà truyền thống được đặt lên hàng đầu như Việt Nam, có rất nhiều con chim sinh ra đã bị nhốt trong lồng, đôi cánh của chúng bị bẻ gãy bởi những người sinh ra và yêu thương chúng. Họ nghĩ rằng, nếu như giấu đi đôi cánh, con chim sẽ không thể bay xa khỏi tầm tay của họ . Hoặc là bẻ gãy đôi cánh thì có thể tập cho nó đi theo hướng đi mà họ cảm thấy an toàn. Hoặc là, chính bản thân con chim ấy không dám thử một lần đương đầu với khó khăn.


Nhiều bố mẹ vì sinh ra trong thời bao cấp khổ cực, mà ít được nhìn thấy thế giới rộng mở, hay những bậc phụ huynh đã từng nhìn thấy sự rộng lớn của thế giới và sợ con cái mình lạc lỏng. Họ chịu khổ, họ hi sinh, họ đánh đổi tất cả ước mơ và cuộc đời mình rồi dồn hết mọi hi vọng vào con cái. Thế nhưng sự hi sinh đó, đôi lúc lại làm họ quên mất rằng họ còn có cuộc đời của riêng mình, con cái họ là một cuộc sống khác biệt. Vì luôn chịu đựng và hi sinh cho con cái, nhiều người không biết rằng mình đang sống thay con, hướng chúng đi một con đường mà họ nghĩ rằng sẽ “an toàn” vì con đường kia họ thấy người khác đã vấp ngã rồi.


Liệu những vị phụ huynh vô tình hoặc cố ý bảo bọc con cái quá mức ấy liệu có tự bao giờ nhìn lại xem mình đang làm điều đó vì con cái hay vì chính bản thân mình không? Vì không tin con mình có khả năng tự bước đi vững chải hay vì không nghĩ mình có đủ mạnh mẽ để động viên con tiến về phía trước? Vì cuộc sống của con hay vì giữ thể diện cho bản thân mình? Liệu có bao giờ nghĩ xem đứa con bị kìm hãm của họ có hạnh phúc trong cái không gian nhỏ hẹp mang tên "nghĩa vụ" và "hiếu thảo hi sinh bản thân" đó hay không?


Rồi những người con ấy, mỗi khi muốn một lần tung cánh khát khao lại phải tự kiềm chế bản thân chỉ vì họ nghĩ rằng không thể phụ sự hi sinh của ba mẹ. Họ sợ rằng nếu họ bay sai hướng, họ không thể có cơ hội làm lại. Họ sợ rất nhiều. Và rồi tiềm thức của họ nhận lại những suy nghĩ đó rồi chuyển hoá thành dằn vặt, hổ thẹn, uất nghẹn, bí bách.


Cuộc đời này, những người vấp ngã càng đau thì vết thương sẽ càng in hằn và trở thành sức mạnh. Những người được trao cho khả năng “bị thất bại” và vấp ngã đều sẽ học được từ lỗi lầm đó và trưởng thành mạnh mẽ hơn. Những người con bị tước đi cơ hội vấp ngã, được bảo bọc và vach sẵn một con đường cũng như không có quyền ước mơ cho bản thân mình, họ luôn phải mang trên vai trách nhiệm và quan điểm sống cứng nhắc đến mức đi áp đặt điều đó cho người khác.


Hãy nhớ rằng, bạn có quyền sống cuộc đời mà bạn chọn thì họ cũng có thể. Bạn không phải là họ, bạn không hiểu được rằng có thể chính họ cũng đang nhìn vào cuộc đời bị kiềm hãm của bạn mà thở dài cho bạn.


Hãy tôn trọng quan điểm và cuộc sống của người khác, đừng là những chú chim trong lồng bị kiềm hãm cả đời.


Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương

__________________________________


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT


(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.


BẢN THẢO
Bài viết liên quan