Đây Là Lý Do Tại Sao Bạn Không Nên Quá Tin Tưởng Vào Bản Thân

Ý thức đến những khuynh hướng và những sai lầm trong nhận thức của bản thân, là cách duy nhất để đảm bảo chúng không làm hỏng cuộc sống của bạn và của cả những người khác.  Viết bởi Mark …

Ý thức đến những khuynh hướng và những sai lầm trong nhận thức của bản thân, là cách duy nhất để đảm bảo chúng không làm hỏng cuộc sống của bạn và của cả những người khác. 

Viết bởi Mark Manson

Bertrand Russell đã có một câu nói rất nổi tiếng: “Vấn đề của cả thế giới này đó là những tên ngốc và những kẻ cuồng si thì luôn đoan chắc vào bản thân mình, trong khi những người khôn ngoan thì lúc nào cũng chứa đầy nỗi hoài nghi.” (The whole problem with the world is that fools and fanatics are so certain of themselves and wiser people so full of doubts.)

Suốt nhiều năm liền, tôi đã luôn thuyết phục bạn đọc tầm quan trọng của việc, bạn cần cảm thấy thoải mái với những điều không chắc chắn hay những thứ tối nghĩa, bằng việc luôn đặt câu hỏi cho những niềm tin và ước mơ mà bạn vẫn hằng theo đuổi, bằng việc luyện tập chủ nghĩa hoài nghi và đương nhiên là bằng việc luôn nghi ngờ tất-cả-mọi-thứ, nhất là bản thân bạn. Qua nhiều bài viết, tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng nhằm chứng minh não bộ của chúng ta, một cách cơ bản mà nói, nó không hề đáng tin cậy. Giả dụ như chuyện chúng ta thậm chí còn chẳng biết chúng ta đang nói cái gì, mặc dù chúng ta nghĩ chúng ta biết rất rõ.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa cho bạn thấy những ví dụ hay những lời giải thích thật sự vững vàng. Bởi vì thế nên chúng ta mới đang giao tiếp (qua bài viết) với nhau đây. Và tiếp theo đây là 8 nguyên nhân (theo các nhà tâm lý học) rằng bạn không nên quá tin vào bản thân mình.

1. BẠN KHÔNG HỀ NHẬN RA, BẠN, THỰC CHẤT RẤT ÍCH KỶ VÀ THIÊN VỊ.

Thuật ngữ Tâm lý học có một cụm từ như sau: “Thành kiến diễn viên – người quan sát” (Actor – Observer bias), và một cách đại khái thì ý nó là, chúng ta đều là những kẻ thật không-ra-gì.

Ví dụ, khi bạn đang ở một ngã tư và một ai đó vượt đèn đỏ. Khi đó, bạn sẽ nghĩ, tên này thật ích kỷ, một kẻ đê tiện vô ý thức đúng nghĩa, hắn ngang nhiên đặt mạng sống của người khác vào nguy hiểm chỉ vì hắn muốn tiết kiệm một vài giây cho bản thân?

Mặt khác, nếu bạn là người vượt đèn đỏ, bạn sẽ đưa ra hàng loạt lí lẽ như đây chỉ là một lỗi không đáng có, à là do cái cây kia che mất tầm nhìn của tôi, à và cả việc tôi vượt đèn đỏ cũng thật sự đâu có làm bị thương ai đâu.

Cùng một hành động, nhưng khi người khác là người làm nó, thì họ là một kẻ tồi không hơn không kém, còn nếu bạn là người làm nó, thì đây chỉ là một lỗi lầm không đáng trách mà thôi.

Ai trong chúng ta cũng đều trải qua chuyện này cả, nhất là khi xảy ra các tình huống phát sinh mâu thuẫn. Khi một người kể về người đã từ chối họ vì một lí do nào đó, họ luôn dùng cách diễn tả rằng hành động đó thật không thể chấp nhận được, thật đáng lên án và hành động đó nhất định là mang một sự ác ý nào đó nhằm khiến cho họ đau khổ.

Selfish Man Painting by Molood Mazaheri

Tuy nhiên, khi họ kể về những lần họ gây bất lợi cho người khác, thì như bạn đã biết đây, họ sẽ đưa ra hàng loạt lí do rằng hành động của họ là vô cùng hợp lý và đã được xác minh là đúng đắn rồi. Cái cách mà họ nhìn nhận vấn đề, vâng, họ chỉ có duy nhất một góc nhìn đó. Họ cảm thấy những bất lợi mà người khác phải nếm trải, thực chất chỉ là một việc cỏn con, và họ nghĩ rằng, nếu họ mà bị buộc tội cho việc làm ra những điều đó, thì đây mới là một sự vô lý và bất công đúng nghĩa.

Cả hai góc nhìn này đều không-thể-đúng, tất cả đều sai. Các nghiên cứu sau đó của những nhà tâm lý học chỉ ra rằng, cả thủ phạm và nạn nhân đều bóp méo sự thật tình huống để chúng phù hợp với câu chuyện của từng người.

Steven Pinker gọi hiện tượng này là “Lỗ hổng luân lý” (Moralization Gap). Có nghĩa là, khi một cuộc xung đột xuất hiện, chúng ta đánh giá quá cao những ý tốt của bản thân và ngược lại, chúng ta đánh giá thấp ý định của người khác. Cũng từ đây, chúng ta dần hình thành niềm tin rằng, người khác thì đáng bị trừng phạt nặng, và chúng ta, chỉ phải chịu những hình phạt nhẹ nhàng thôi.

Điều này nghe ra, đương nhiên là sặc mùi vô ý thức. Trong lúc họ thực hiện việc này, họ nghĩ họ đang vô cùng có lý và hoàn toàn khách quan. Nhưng thực ra thì họ chẳng hề như thế. 

2. BẠN THỰC CHẤT KHÔNG HỀ BIẾT CÁI GÌ LÀM MÌNH HẠNH PHÚC (CŨNG NHƯ LÀ CÁI GÌ LÀM MÌNH THẤY BẤT HẠNH)

Tác giả quyển “Tình cờ gặp hạnh phúc”, nhà tâm lý học tại Harvard, Daniel Gilbert đã chỉ ra rằng, chúng ta luôn tự huyễn hoặc chính bản thân mình bởi những cảm xúc tạo ra bởi quá khứ, và luôn say mê nghĩ về những cảm xúc mà chúng ta có thể có trong tương lai.

Chẳng hạn như, giả sử một đội thể thao yêu thích của bạn thua trong một giải tranh chức vô địch, bạn sẽ cảm thấy thật tồi tệ. Nhưng, cảm giác tồi tệ mà trí nhớ của bạn ghi lại, thực chất lại không liên quan đến cái cảm giác “tệ” mà bạn đã trải qua. Thực ra, bạn có xu hướng nhớ về những kí ức không vui bằng thứ cảm xúc tại hại hơn mà chúng thực chất đã mang đến, và ngược lại, bạn cũng ghi nhớ những kí ức vui vẻ trong một tâm thế vui vẻ hơn gấp nhiều lần so với thực tế của chúng.

Tương tự với các sự việc trong tương lai, chúng ta sẽ đánh giá quá mức sự vui vẻ mà những điều tốt đẹp mang lại và tất nhiên là cũng như thế với những thứ tồi tệ có thể diễn ra. Thực ra, chúng ta không hề ý thức được cảm xúc của chúng ta tại thời điểm hiện tại này là như thể nào cả.

Đây chỉ là một trong những lý lẽ của cuộc tranh luận về việc tại sao lại không theo đuổi hạnh phúc mặc dù ta biết rõ lợi ích của nó. Tất cả dự kiện đều chỉ ra rằng, chúng ta thực chất còn không biết được “hạnh phúc” thực ra nó là cái gì, và chúng ta có thật sự đủ khả năng để kiểm soát điều chúng ta sẽ làm với nó khi mà chúng ta có được nó hay không?

3. BẠN RẤT DỄ DÀNG BỊ THAO TÚNG ĐỂ ĐƯA RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TỆ HẠI.

Có bao giờ bạn đang đi trên đường, rồi tình cờ bị một người nào đó tiếp cận và nhét vào tay bạn một xấp giấy truyền đạo hay thậm chí là cả một cuốn sách? Và ngay khi bạn nhận lấy chúng, họ sẽ lập tức dồn hỏi bạn về việc tham gia vào cái này, gia nhập vào cái kia, hoặc thậm chí là hãy giúp họ ít tiền để giải quyết quyết vấn đề của họ? Bạn chắc chắn hiểu rõ lúc đó, bạn đã cảm thấy lúng túng và khó chịu như thế nào, bởi vì bạn chỉ muốn trả lời “không”, nhưng họ cứ nhồi nhét vào tay bạn những thứ “miễn phí” và còn bạn, thì lại không muốn bị xem là một gã tồi.

String human puppet Stock Photos - Page 1 : Masterfile


Đúng. Đấy là cố tình.

Nó chỉ ra rằng, sự ra quyết định của một người có thể dễ dàng bị bao túng bởi nhiều cách khác nhau, một trong số đó chính là “tặng quà” cho họ trước khi đòi hỏi một ân huệ nào đó (và điều này khiến cho việc “ban phát ân huệ” dễ dàng xảy ra hơn).
Hoặc hãy thử cách này. Lần sau, nếu bạn chán việc xếp hàng, hãy hỏi mọi người sự ưu tiên bằng bất cứ một lí do nào, bạn chỉ cần nói: “Xin lỗi nhưng tôi đang vội lắm” hoặc “Xin lỗi nhưng tôi đang có bệnh trong người.”. Và bạn biết gì không? Thực nghiệm cho thấy, so với việc bạn tự tiện vượt mặt người ta, thì có 80% trường hợp như thế này nhận được sự ưu tiên. Phần thú vị ở đây là: lời giải thích không cần thiết phải có ý nghĩa gì cho lắm.

The decoy price illusion

Các nhà Kinh tế học hành vi chỉ ra rằng, bạn dễ bị dẫn dụ vào cái bẫy của việc lựa chọn sản phẩm theo giá một cách vô lý trí, ví dụ như minh họa sau đây:

Ở bên trái của bức hình, sự chênh lệch giữa 2 mức giá có vẻ khá lớn và cũng khá vô lý nữa. Tuy nhiên, khi ta đặt thêm một lựa chọn $50 kế bên thì đột nhiên, cái giá $30 trông có vẻ phải chăng và còn có thể được xem là một món hời “thơm tho” nữa.

Hay lấy một ví dụ khác nào. Sẽ ra sao nếu với $2000, bạn sẽ chọn một chuyến đi đến Paris có kèm bữa sáng, một chuyến đi đến Rome có kèm bữa sáng, hay một chuyến đi đến Rome không kèm bữa sáng? Nực cười thay, khi bỏ thêm vào đó lựa chọn “đến Rome không kèm bữa sáng”, thì nhiều người lại chọn đi du hí ở Rome thay vì Paris. Tại sao lại thế nhỉ? Đó là vì khi so với “chuyến đi đến Rome không kèm bữa sáng”, thì “chuyến đi đến Rome có kèm bữa sáng” bỗng chốc trở thành món hời béo bỡ, và não chúng ta chỉ việc “đá” Paris ra khỏi bàn cân đó mà thôi.

4. THƯỜNG THÌ BẠN CHỈ DÙNG LÝ LẼ VÀ LOGIC ĐỂ ỦNG HỘ CHO NHỮNG NIỀM TIN TRƯỚC ĐÓ CỦA BẠN THÔI.

Những nhà nghiên cứu đã phát hiệm ra, một số người bị tổn thương vùng não thị giác vẫn có thể “nhìn thấy” nhưng họ thậm chí không nhận ra điều này. Những người này bị mù và họ sẽ nói với bạn rằng họ không thể thấy được bàn tay của họ ngay cả khi nó được đặt ngay trước mặt họ. Nhưng, nếu bạn chớp tắt ánh sáng ở bên phải hay bên trái tầm nhìn của họ, họ có thể đoán một cách chính xác là bên nào có đèn chớp tắt nhiều hơn.

Thiên kiến nhận thức và ảnh hưởng của chúng đến thiết kế

Và đương nhiên, họ sẽ vẫn nói với bạn rằng đây hoàn toàn là trò đoán mò của họ mà thôi.

Họ không có một gợi ý chính xác nào về việc ánh sáng ở đâu, và chắc chắn họ không biết giày bạn đang mang màu gì, nhưng bằng một cách nào đó, họ lại biết ánh sáng phát ra ở phía bên nào, thế mới thật kỳ lạ.

Và nó diễn tả một sự trùng hợp nực cười về suy nghĩ của con người: sự nhận biếtcảm giác về sự nhận biết đó là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Và tương tự với trường hợp của những người mù này, chúng ta có thể có nhận biết về một điều gì đó mà không cần cảm giác về sự nhận biết đó. Bên cạnh đó, thì điều ngược lại cũng chính xác: bạn vẫn có thể có cảm giác rằng bạn có biết một điều nào đó, dù cho thực chất, bạn chả biết gì về nó.

Đây, cơ bản là nền tảng cho những thành kiến và những lời ngụy biện logic. Nếu ta không nhận ra sự khác biệt giữa thứ chúng ta thật sự biết và thứ chúng ta cảm thấy có-vẻ-là-biết, thì hàng loạt những lý lẽ đầy tâm huyết và những thiên kiến xác nhận sẽ từ miệng ta mà tuôn ra như suối.

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là những điều mà chúng ta tự cho rằng mình biết là đúng và có xu hướng chỉ tìm kiếm, giải thích và ghi nhớ những thông tin liên quan để chứng mình cho quan điểm sẵn có đó mà không hề xem xét những ý kiến trái chiều khác. Để tìm hiểu thêm, mời bạn tham khảo tại đây.

5. CẢM XÚC THAY ĐỔI CÁCH MÀ BẠN TRI GIÁC NHIỀU HƠN LÀ BẠN TƯỞNG ĐẤY.

Nếu giống với số đông, thì bạn có xu hướng đưa ra những quyết định tệ hại dựa trên cảm xúc của bạn. Đồng nghiệp bạn bêu xấu đôi giày mà người bà đã mất tặng bạn, bạn tức giận nên quyết định chơi họ một vố rồi sau đó nghỉ việc và sống bằng tiền phúc lợi xã hội. Đây không thực ra không hẳn là một quyết định đúng đắn cho lắm thì phải?

Mà khoang đã, có khi nó còn tệ hơn thế.

Nếu chỉ tránh đưa ra những phán quyết mang tính “định mệnh” trong lúc xúc động thôi thì chưa đủ. Sự ảnh hưởng của cảm xúc đến việc ra quyết định của bạn không chỉ tính bằng ngày hay tháng, mà thậm chí lên đến hàng tháng sau đó, ngay cả lúc bạn đã bình tĩnh lại và phân tích kĩ lượng vấn đề. Và một điều ngạc nhiên và không-được-mong-đợi đó là, kể cả những cảm xúc dù nhẹ nhàng và chóng vánh, thì cũng có thể đem lại tác động lâu dài trên quá trình đưa ra quyết định của bạn về sau này.

Giả sử một người bạn mời bạn gặp gỡ ăn uống. Không biết vì một lí do nào đó, bản năng tự vệ của bạn tự dưng trỗi dậy và bạn bắt đầu vòng vo tam quốc. Bạn không đồng ý lời mời ngay lúc đó, dù bạn cũng rất thích người bạn này và cũng muốn đi chơi với người ta lắm. Bạn trở nên vô cùng cẩn trọng trong việc xác định kế hoạch với họ, và bạn thậm chí còn không hiểu tại sao mình lại như vậy.

Bạn biết sao không? Chỉ có một chuyện mà bạn quên. Đó là bạn đã từng có một người bạn khác “nóng-lạnh thất thường” trước đó rất lâu rồi. Cũng chả có gì to tát cả, đây chỉ là một người “sớm nắng, chiều mưa, buổi trưa có áp thấp” cho bất cứ một vấn đề nào của họ. Và sau đó, cuộc sống bạn thay đổi, bạn và người bạn đó cứ thế lướt qua nhau, mối quan hệ 2 người trở nên bình thường đến lạ, và bạn cũng quên khuấy đi cái tính nết đó.

Đương nhiên, chuyện đó thực ra cũng khiến bạn thấy một chút phiền toái và một chút…đau lòng. Bạn không thực điên tiết lên vì nó, nhưng đôi lúc, nó khiến bạn thấy thất vọng, và một cách vô thức, cảm xúc lúc ấy, đã được bạn lưu giữ trong tâm trí. Thế rồi giờ đây, khi sự mơ hồ và mớ kí ức đến từ vô thức gợi bạn nhớ đến người bạn có cái tính “dở dở ương ương” đó trỗi dậy, và nó khiến bạn phải bật nút cảnh giác với người bạn mới kia, mặc dù, đây là một người hoàn toàn khác người cũ và bối cảnh mới cũng đương nhiên là khác hẳn bối cảnh cũ.

Về cơ bản, bạn thường dùng kí ức về cảm xúc của mình tại một thời điểm để làm căn cứ cho việc đưa ra quyết định trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, có thể là vài tháng hay vài năm sau đó. Vấn đề ở đây là, bạn làm điều này mọi lúc và làm trong vô thức. Các cảm xúc mà bạn thậm chí không có ấn tượng gì về nó vào 3 năm trước, vẫn có thể ảnh hưởng đến bạn ngay cả lúc bạn chỉ ở trong nhà và xem TV, hay khi bạn đi chơi đêm với bạn, hoặc ngay cả lúc bạn gia nhập một giáo phái nào đó.

Đây chính là… những lời thì thầm của kí ức.

6. TRÍ NHỚ CỦA BẠN LÀ MỘT THỨ…KHỐN NẠN

Elizabeth Loftus, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về trí nhớ, sẽ nói cho bạn nghe việc trí nhớ của bạn rất ư là…tệ, tệ, tệ và tệ.

4: Memory Rewriting - 10 Ways Your Memory Is Completely Inaccurate ...

Về cơ bản, Loftus tìm ra rằng, kí ức của chúng ta về những sự kiện dễ dàng bị biến đổi bởi các trải nghiệm khác trong quá khứ và/hoặc với những thông tin mới, không chính xác. Loftus là người đầu tiên chỉ ra rằng, lời khai của nhân chứng không hẳn là “tiêu chuẩn vàng” trong phiên toà xử án.

Loftus và các nhà nghiên cứu khác đã tìm ra rằng:

  • Kí ức của chúng ta không chỉ phai mờ theo năm tháng, mà chúng còn trở nên vô cùng nhạy cảm với các luồng thông tin sai lệch theo thời gian.
  • Sự cảnh báo mọi người về việc kí ức của họ có thể chứa cả những thông tin sai lệch, không phải lúc nào cũng giúp họ loại trừ những luồng thông tin đó.
  • Bạn càng có khả năng thấu cảm cao thì bạn càng dễ sáp nhập những thông tin sai lệch vào kí ức hơn.
  • Kí ức không chỉ có thể bị biến đổi một phần bởi thông tin sai lệch, mà có thể toàn bộ mớ kí ức đó cũng có thể hoàn toàn bị sai lệch. Chúng ta đặc biệt nhạy cảm với những kí ức này khi chúng được “gieo hạt” bởi những thành viên trong gia đình hay bởi những người mà ta từng … tin tưởng nhất.

Bởi vậy, những kí ức của chúng ta, không đáng tin như chúng ta đã tưởng – ngay cả cái mà chúng ta đoan chắc rằng nó đúng.

Thực tế, các nhà khoa học thần kinh có thể đoán được rằng bạn có đang “nhớ sai” sự kiện nào hay không dựa vào kiểu hoạt động của não khi bạn đang trải nghiệm sự kiện đó. Bộ nhớ khốn khiếp của bạn đáng lẽ ra có thể đặt để đúng nơi đúng chỗ tương ứng với từng “phần mềm”, nhưng tại sao bạn lại vẫn “nhớ sai” cơ chứ?

Điều đầu tiên, có vẻ như Mẹ Thiên nhiên đã làm rối tít tù mù tất thảy những vấn đề liên quan đến trí nhớ của con người. Rồi sau tất cả thì bạn sẽ chẳng dùng một cái máy tính mà nó cứ liên tục làm mất và làm biến đổi hầu hết các dữ liệu mà bạn đã lâu không đụng đến.

Nhưng nói gì thì nói, não bạn chẳng phải là nơi chứa bảng tính, văn bản hay hình động. Vâng, trí nhớ giúp chúng ta học hỏi từ những sự kiện trong quá khứ, và một cách lý thuyết, thì nó giúp cho chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, trí nhớ ta thực ra lại có một chức năng mà ta hiếm khi nghĩ về nó, và chức năng đó quan trọng, phức tạp hơn so với cái nhiệm vụ lưu trữ thông tin đơn giản kia nhiều.

Vơi tư cách là một con người, chúng ta cần một cá tính, một cảm giác về “tôi là ai”. Để làm gì? Để định hướng cho chúng ta trong các tình huống xã hội phức tạp và thực ra còn là để giúp chúng ta vượt qua được chúng. Kí ức giúp chúng ta tạo ra những đặc tính bằng cách kể cho ta nghe những câu chuyện hồi xửa hồi xưa. Bởi phương thức này, thì việc kí ức đó có chính xác hay không, không quan trọng. Quan trọng là, chúng ta có một câu chuyện về quá khứ dài dằng dặc trong đầu, giúp ta định hình cảm giác bản ngã. Thay vì dùng 100% phiên bản thật của kí ức để ghi nhớ, thì sẽ dễ hơn khi dùng những mớ kí ức lộn xộn để điền thêm vào các kí ức đang được nạp vào hoặc điền vào chỗ của kí ức khác, nhằm mục đích là tạo ra phiên bản “bản ngã” phù hợp với cái mà chúng ta đã tạo ra và cái đã được ta chấp nhận.

Có lẽ, bạn nhớ rất rõ anh trai bạn và bạn của anh ta đã từng nhiều lần trêu chọc bạn, và bạn, cũng đã đôi lần tổn thương vì điều đó. Với bạn, chuyện này giải thích vì sao bạn có một chút dễ kích động, một chút đăm chiêu và một chút tính e thẹn. Nhưng, có lẽ nó không làm bạn bận lòng với mức độ như bạn nghĩ đâu. Có thể khi bạn nhớ lại lúc bị anh bạn trêu, bạn lấy những cảm xúc hiện tại – sự kích động, sự âu lo và sự e thẹn – và chồng chúng lên những kí ức xưa cũ, mặc cho những cảm xúc đó có lẽ chẳng liên quan gì đến quá khứ của bạn. 

Bây giờ, kí ức về người anh xấu tính của bạn làm bạn đau khổ, cho dù nó có đúng hay không, nó vẫn phù hợp với các đặc tính của bạn – một người dễ kích động, dễ lo âu – và nói đi cũng phải nói lại, nó giúp bạn tránh làm những việc khiến bạn rơi vào tình huống xấu hổ và tránh xa sự đau khổ trên cuộc đời này.

Một cách thiết yếu mà nói, nó vạch ra những chiến lược để bạn giải quyết công việc trong cuộc sống.

Và bạn có lẽ đang tự vấn: “Này Mark, có phải anh đang hỏi tôi rằng cái câu “mày nghĩ mày là ai” đó, cũng là do tôi tự tạo ra trong đầu của tôi? (và anh không hề liên quan đến nó)?”

Vâng, chính là vậy đấy

7. “BẠN” KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÀ BẠN VẪN HAY NGHĨ

Hãy thử ngẫm về điều sau đây 1 tí nhé: Cách mà bạn thể hiện và tô vẽ cho bản thân, chẳng hạn như là trên Facebook, không hề giống với cách mà bạn ứng xử khi bạn “offline”. Cách cư xử của bạn với bà cũng khác với cách bạn đối với bạn bè có đúng không? Bạn có một con người khi đi làm, một con người khi ở nhà, một con người khi ở với gia đình và một con người khi ở một mình và hàng tá cái “con người” khác để định hướng và giúp bạn sinh tồn trong cái xã hội phức tạp này đúng không?

Nhưng, con người nào ở trên mới thật sự là “bạn”? Bạn nghĩ rằng 1 trong các phiên bản ấy sẽ “thật” hơn những phiên bản khác, nhưng, lại một lần nữa, tôi nhắc lại rằng, bạn, chỉ đang tua đi tua lại những mẫu chuyện chiếm ưu thế về “bạn” và loại bỏ các chi tiết không hoàn hảo trong bộ não của bạn mà thôi.

YOUR REFLECTION IN THE LIVING WATER IS CHILD OF GOD.. | Prophetic ...

Sau nhiều thập kỉ, các nhà tâm lý học xã hội đã khám phá ra nhiều sự thật mà phần lớn chúng ta rất khó chấp nhận chúng: cái ý nghĩ về một “cái tôi cốt lõi” – kiên định, không hề thay đổi, một phiên bản “bạn” vĩnh hằng – là một sự… ảo tưởng. Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới đang bắt đầu giải mã việc cách thức não bộ xây dựng cảm giác bản thể và cách thức mà thuốc gây ảo giác có thể làm biến đổi tạm thời bộ não để làm tan biến cảm giác bản thể đó. Điều này cũng thể hiện rằng các đặc tính của chúng ta chỉ là tạm bợ và mang tính ảo tưởng.

Điều buồn cười về sự thật này là, những thực nghiệm tuyệt vời được đăng trên những bài báo và cuốn sách tuyệt vời, bởi những con người tuyệt vời có tên được đặt cạnh những chức danh cũng tuyệt vời chả kém. Vâng, họ cơ bản là đang kể những chuyện đã được các nhà sư truyền giảng trong triết học phương Đông đã hàng triệu năm nay rồi, và những gì mà các sư thầy đã làm để ngộ ra chân lý, đó là thiền trong hang động vài năm và … chẳng nghĩ về cái gì cả.

Ở phương Tây, quan điểm về cái tôi cá nhân được đặt quá trọng tâm trong nhiều cơ sở văn hóa – không đề cập đến ngành công nghiệp quảng cáo – và chúng ta quá mãi mê chìm đắm trong ý nghĩ “chúng ta là ai” nên chúng ta hiếm khi ngưng lại đủ lâu để thử 1 lần cân nhắc xem, đây có thực đúng là một tư tưởng đúng đắn để mà theo đuổi. Có lẽ quan điểm về “cá tính” hay “khám quá bản thân” đã kiềm hãm chúng ta nhiều như cách mà nó giúp chúng ta. Có lẽ, nó giới hạn chúng ta nhiều hơn là nó giải phóng chúng ta ấy nhỉ. Đương nhiên, nó hữu ích khi ta muốn biết ta thích gì và ta cần gì, nhưng, bạn vẫn có thể theo đuổi ước mơ và mục tiêu của mình mà chẳng cần phải phụ thuộc vào một cái tư tưởng về bản thân cứng nhắc như thế.

Triết học gia Bruce Lee từng nói thế này: “Hãy gột sạch tâm trí của bạn cho đến khi nó trở nên không còn rõ hình thù gì nữa – giống như nước. Khi bạn cho nước vào một cái cốc, nó trở thành cái cốc. Nếu bạn cho nước vào một cái chai, nó biến thành cái chai. Còn khi bạn cho nước vào một cái ấm, nó lập tức biến thành cái ấm. Nước có thể chảy êm ả thành dòng, nhưng cũng có thể tuôn xuống ầm ầm như đá đổ. Hãy như nước.”

8. NHỮNG TRẢI NGHIỆM THỰC THỂ CỦA BẠN VỀ THẾ GIỚI CŨNG KHÔNG HẲN LÀ CHÂN THẬT ĐÂU.

Bạn có một hệ thần kinh phức tạp một cách khó tin, nó luôn gửi mọi thông tin đến não bộ của bạn. Bằng một vài đánh giá cơ bản, hệ thống giác quan của bạn – thính giác, xúc giác, khứu giác, thính giác, vị giác và cảm giác thăng bằng – sẽ gửi thông tin về não bộ bạn với “tốc độ đường truyền” gần 11 triệu bit/giây.

Nhưng mà nè, có rất nhiều thực thể bí hiểm và cực kì nhỏ ở quanh ta. Ánh sáng mà chúng ta nhìn thất được, nực cười thay, lại chỉ thuộc 1 phần nhỏ của phổ điện từ thôi. Chim và côn trùng có thể thấy phổ rộng hơn mà ta không thể. Chó có thể nghe và ngửi thứ mà thậm chí ta còn chả biết chúng tồn tại. Nói hệ thần kinh của chúng ta là một cái máy lọc dữ liệu thì đúng hơn là máy thu thập dự liệu ấy chứ nhỉ?

Hơn cả những điều ở trên, tâm trí trong trạng thái có-ý-thức của bạn có chỉ có khả năng xử lý thông tin khoảng độ 60 bit/s khi bạn thực hiện những hoạt động liên quan đến “trí tuệ” (đọc sách, chơi nhạc cụ, …) mà thôi.

Tức là, ở mức lý tưởng, bạn chỉ có thể nhận thức một cách tỉnh táo khoảng 0.000005454% những thông tin không ngừng biến đổi mà não bạn tiếp nhận vào mỗi giây.

Để dễ hình dung hơn, ta thử đặt vào bối cảnh này nhé. Hãy tưởng tượng rằng mỗi một chữ mà bạn thấy và đọc được từ bài biết này, có 536,303,630 chữ đã được viết mà bạn không thể thấy được. 

Đây, cơ bản, chính là cách mà chúng ta sống trong cuộc sống mỗi ngày.

Dịch: Vũ Dương
Biên tập: Tuấn Ngọc
Minh họa: (Ảnh tham khảo trên internet)
Nguồn: https://markmanson.net/trust
A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL



BẢN THẢO
Bài viết liên quan