Điều con muốn nói

Bởi có thể con không cần đến sự ủng hộ của cả thế giới nhưng con luôn cần sự ủng hộ của ba mẹ

Đã bao lâu bạn chưa gọi điện về nhà?

Đã bao lâu bạn chưa chuyện trò cùng ba mẹ?

Đã bao lâu ba mẹ chưa tâm sự cùng con?

Đã bao lâu ba mẹ chưa lắng nghe con?


Đứng trước sự chuyển mình nhanh như vũ bão của xã hội hiện đại, khi hầu hết người ta soi xét giá trị của một con người qua vẻ bề ngoài, bằng số lương của họ hàng tháng, loại xe họ đang đi nhiều hơn việc dành thời gian để nhìn sâu vào giá trị thật sự bên trong của mỗi con người; thì việc mất kết nối giữa ba mẹ và con cái là một sự thật hiển nhiên đang xảy ra phần lớn trong xã hội hiện nay.


Không mấy con cái chịu tâm sự hay kể chuyện để chia sẻ cùng ba mẹ, cũng như không có mấy người ba, người mẹ hiểu hết được về con cái của mình hay đủ cởi mở để hiểu được vấn đề của con. Người ta nói rằng, gia đình là cái nôi phát triển chính và hình thành lên tính cách, góc nhìn và quan điểm của một đứa trẻ. Câu chuyện về khoảng cách thế hệ đã không còn là một vấn đề quá mới mẻ nhưng lại chưa bao giờ được đào sâu, được bản luận một cách cụ thể.


Con cái thường trách móc tại sao ba mẹ lại không hiểu mình, không lắng nghe những quan điểm, suy nghĩ của mình, không nhìn nhận rộng hơn, khách quan hơn về những sở thích, con người mình và đam mê của mình, cũng như những điều mình muốn làm. Ba mẹ thì trách móc tại sao con mình đẻ ra mà còn xa cách hơn cả người dưng nước lã, tại sao con lại không kiên nhẫn với mình giống như hồi xưa mình đã từng kiên nhẫn chăm bẵm, nuôi nấng nó, sao con mình mà mình lại chẳng hay biết gì về nó.


Tôi cho rằng những sự bất đồng quan điểm, những mâu thuẫn vô ý này đều xuất phát từ cả ba mẹ và con cái của họ.


Trong mắt những bậc làm cha làm mẹ, con cái dù có trưởng thành như thế nào, có làm được những thành tựu lớn lao, có tích lũy được nhiều trải nghiệm thì vẫn chỉ là những đứa trẻ, cần được lo lắng, cần được quan tâm và chỉ dẫn nhiều hơn. Chính suy nghĩ đó, vốn dĩ xuất phát từ tình yêu thương, vô tình lại trở thành sợi dây kiểm soát, bao bọc con quá mức, ngăn cản con được làm những điều mà nó yêu thích và ép buộc nó đi theo con đường an toàn mà ba mẹ đã vạch sẵn từ trước. Nên khi thấy con bộc lộ những điều khác thường – theo quan điểm và góc nhìn của ba mẹ, hiển nhiên nỗi lo lắng và bất an sẽ bất ngờ trỗi dậy bởi vì những thứ đó là những điều mới, những kiến thức mới và trải nghiệm mới mà ba mẹ chưa biết tới.


Đôi khi sự mất kết nối xảy ra là khi ba mẹ và con cái đều không lắng nghe nhau (Ảnh:Unplash)


Ngay lập tức, nhiều gia đình cho rằng con mình đang đi sai đường sai lối, đang đi một con đường gập ghềnh và vất vả hơn là lối đi an toàn họ đã lựa chọn. Thay vì có một thái độ cởi mở và chịu nhìn nhận, lắng nghe con thì ba mẹ lại vì quá lo lắng mà bài trừ đi mọi thứ con cái đang cố giải thích với họ, để rồi ép buộc con phải làm theo điều mà họ nghĩ rằng đó là tốt nhất cho con cái của mình.


Tấm lòng của ba mẹ rộng lớn như trời bể nhưng có thể cũng chính bể trời đó lại trở thành nơi kìm hãm, gò ép những đứa trẻ trên hành trình tự khám phá ra con người của mình, giá trị của mình và được trải nghiệm những bài học và kiến thức mới bằng đôi chân của chính mình.


Với những đứa trẻ chịu chấp nhận, chúng sẽ ngoan ngoãn đi theo sự sắp đặt của ba mẹ mình, sẽ an phận mà hài lòng với những gì mình đang có. Thế nhưng khi không có con đường được sắp xếp sẵn, chúng sẽ lạc lối và mất phương hướng, trở nên thụ động trước mọi tình huống bất ngờ của cuộc sống và tất nhiên là, không phải lúc nào ba mẹ cũng có thể ở bên cạnh chúng mãi mãi để giúp chúng giải quyết những vấn đề phát sinh.


Với những đứa trẻ có cá tính riêng, chúng sẽ phản đối và bày tỏ chính kiến của mình ngay lập tức, nếu không được chấp nhận, chúng sẽ âm thầm làm theo ý của riêng mình mà không hề nhận được bất kỳ sự chỉ dẫn nào – điều mà có thể sẽ dẫn đến những thất bại và những cú ngã không thể lường trước. Dần dần, giữa chúng và ba mẹ sẽ bắt đầu nảy sinh khoảng cách không thể cứu vãn, khi ba mẹ không ngừng cấm cản, kiểm soát chúng còn chúng thì sẽ tiếp tục im lặng, tiếp tục theo đuổi những gì mình muốn và không ngừng lao về phía trước.


Vấn đề ở đây là, thay vì cấm cản, kiểm soát con cái, ba mẹ có thể học cách chuyện trò với con mình, dành thời gian để tìm hiểu điều mà nó muốn, tìm hiểu con người và tính cách của nó và đưa ra những chỉ dẫn cùng lời khuyên phù hợp, bên cạnh thái độ cởi mở, không phán xét và chịu thay đổi để hiểu hơn về con cái của mình. Còn con cái khi đã nhận được những phản hồi và thay đổi tích cực từ ba mẹ, cũng nên kiên nhẫn và thông cảm với ba mẹ mình vì môi trường sống hiện tại của mình và trước đây của ba mẹ là khác nhau, có quá nhiều kiến thức mới, những nét văn hóa mới mà ba mẹ cần thời gian để tìm hiểu, để tiếp nhận và có cái nhìn đúng đắn về nó.


Theo tôi thì trước hết vẫn là cần có sự cởi mở và lắng nghe từ phía ba mẹ, để xóa nhòa đi khoảng cách cấp bậc, để ba mẹ có thể trở thành người bạn đồng hành, người hướng dẫn cho con cái, để chấp nhận những điểm “khác biệt” của con cái mình mà thấu hiểu, trân trọng giá trị bản chất của con thay vì vội vàng đưa ra kết luận cũng như đánh giá cay nghiệt vì vẻ bên ngoài.


Có lẽ mỗi người con đều mong muốn được sẻ chia, được ngồi xuống chuyện trò cũng ba mẹ mình, được ba mẹ thấu hiểu và nhìn nhận, được ba mẹ yêu thương vô điều kiện dù có trở thành ai, hay có những đam mê, mong muốn khác biệt với mọi người. Những đứa con có thể mạnh mẽ bất chấp lời phán xét của thế giới, lời châm biếm của những người ngoài cuộc nhưng lại vô cùng đau lòng nếu như ba mẹ lại trở thành chính những người không chấp nhận, thấu hiểu và khắc nghiệt với mình.


“Sau cùng, con chỉ muốn ba mẹ biết rằng, dù con có mang hình hài, tính cách, đặc điểm ra sao, dù con có những sở thích, đam mê và mục đích sống như thế nào, dù là khác biệt, dù là đi ngược số đông, thì con vẫn luôn là đứa trẻ cần tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu, lắng nghe và chấp nhận của ba mẹ, vẫn luôn là đứa con mà ba mẹ đã tự tay chăm bẵm và nuôi nấng. Bởi có thể con có thể không cần đến sự ủng hộ của cả thế giới nhưng con luôn cần sự ủng hộ của ba mẹ.”


-----------


Tác giả: Lido


-----------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan