Emotional Intelligence - Tại sao Trí thông minh Cảm xúc là liều thuốc chữa căng thẳng tốt?

Nghiên cứu mới cho thấy cách trí thông minh cảm xúc gia tăng phản ứng với căng thẳng....


Tâm lý học nhận định rằng căng thẳng do trí thông minh cảm xúc tác động được nhìn nhận dưới nhiều "lăng kính" khác nhau. Như hai nhà nghiên cứu về căng thẳng nổi tiếng Richard Lazarus và Susan Folkman từng đề cập, điều mà một người coi là "mối đe dọa" có thể lại được người khác coi là thử thách. 


Hãy nghĩ về cách bạn phản ứng khi một ngày xuất hiện nhiều nhiệm vụ hơn bình thường. Có thể người thân của bạn bị ốm và cần bạn phụ công việc nhà. Thế nhưng bạn đã có một thời gian biểu chật kín không còn chỗ để xoay sở. Bạn cảm thấy bạn có khả năng ứng phó với sự việc bất ngờ đó không, hay nó sẽ khiến bạn choáng ngợp hơn nữa?


Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn phải đối mặt với một tình huống thực sự khẩn cấp? Thay vì chỉ cần bạn làm giúp việc nhà, có thể người thân của bạn đã không bị ngã cầu thang nghiêm trọng và phải nhập viện gấp. Lúc này bạn bất đắc dĩ phải huỷ bỏ các kế hoạch của mình. Thêm nữa, mặc dù bạn có giải quyết ổn thoả tình huống đó, liệu bạn có thể sắp xếp lại bất kỳ cuộc họp hay công việc bạn cần hoàn thành ngay không? Hay bạn sẽ không kiểm soát được lý trí và hối hả chạy tới bệnh viện? 


Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence - EI) giúp ích được gì cho những người đang trong tình trạng căng thẳng cực độ


Với bạn, tình huống khẩn cấp chỉ có thể xảy ra theo thời gian. Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra nếu bạn là người phản ứng đầu tiên với những chuyện diễn ra mỗi ngày bao gồm ít nhất một tình huống vô cùng căng thẳng? 


Ví dụ, những người cứu hộ được cử đến Surfside Condominium (một tòa chung cư ở Mỹ) khi nó bị đổ sập vào tháng 6 năm 2021 đã phải đối mặt với một bên là tính mạng của bản thân một bên là thảm kịch nhiều người thiệt mạng. Làm thế nào để những người này tìm cách tiếp tục công việc dù nói một cách khách quan họ đang trong một tình huống hết sức căng thẳng như vậy?


Theo Syeda Maryam Dilawar và các cộng sự (2021) của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), có rất ít nghiên cứu thực nghiệm giải thích được câu hỏi quan trọng này. Họ nhấn mạnh rằng “nghiên cứu về việc ra quyết định trong tình trạng căng thẳng, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp là rất hiếm”. Các nhà nghiên cứu này không chỉ đã tìm cách lấp đầy khoảng trống này mà còn phát hiện thêm nhiều cách mà hình thức ra quyết định có thể bị ảnh hưởng bởi các dấu hiệu tâm lý mỗi người.


Dilawar và các cộng sự của ông định nghĩa trí thông minh cảm xúc (EI) là “khả năng hiểu và điều chỉnh cảm xúc của con người để xử lý thông tin cảm xúc một cách hiệu quả”. Phẩm chất này là "chất xúc tác" đặc biệt giúp một người có thể đưa ra quyết định trong những tình huống không thể giải quyết bằng lý trí.


Họ cũng lưu ý, “Những người có EI cao có được sức khỏe tinh thần tốt do đó có khả năng điều chỉnh cảm xúc và đưa ra quyết định sáng suốt trong những thời điểm khó khăn” 


Bốn nhân tố của EI đã được nghiên cứu bao gồm:


  • Nhận thức cảm xúc (nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác);
  • Vận dụng cảm xúc (dùng cảm xúc để đạt được kết quả mong muốn);
  • Hiểu về cảm xúc (hiểu rõ ngôn ngữ của cảm xúc);
  • Quản lý cảm xúc (khai thác và điều chỉnh cảm xúc). 


Mặc dù EI cũng có thể được coi là một đặc điểm tính cách, nhưng việc chia nhỏ nó thành 4 nhân tố nêu trên đồng nghĩa với việc EI hoàn toàn có thể học được. 


Đối chiếu nghiên cứu ở Học viện công nghệ Cáp Nhĩ Tân với nguyên tắc của Folkman and Lazarus rằng căng thẳng được nhìn nhận dưới nhiều "lăng kính khác nhau". Điều này đặt ra câu hỏi rằng điều gì khiến một số người xem căng thẳng như một thử thách để vượt qua còn những người khác coi đó là mối đe dọa. Đây là lúc phát huy tác dụng của trí thông minh cảm xúc. Những người có chỉ số EI cao sẽ coi tình huống khẩn cấp là một thách thức và sẵn sàng đương đầu với nó. Quyết định phải làm gì của họ sẽ dựa trên lý trí (tức là dựa trên các quá trình suy nghĩ logic) hoặc trực quan (tin tưởng vào bản năng của họ). Ngược lại, những người có EI thấp về mặt lý thuyết sẽ coi một tình huống cần phải hành động ngay là mối đe dọa, hoặc phụ thuộc vào quyết định của người khác hoặc cố gắng chạy trốn hoàn toàn khỏi tình huống đó. 



EI giúp nhân viên cấp cứu đưa ra quyết định đúng đắn như thế nào?


Để kiểm tra giả thuyết rằng EI sẽ là một “chất xúc tác” giúp nhân viên cấp cứu đưa ra quyết định trước sức ép nào đó, nhóm nghiên cứu của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã chọn lọc những người tham gia từ các nơi khác nhau của thành phố Quetta (Pakistan) bao gồm các khoa cấp cứu và trung tâm chấn thương, sở cảnh sát và các trạm kiểm soát các tình huống khẩn cấp. 


Thử nghiệm cuối cùng gồm 268 phản hồi là các bác sĩ, nhân viên y tế, cảnh sát và lực lượng bán quân sự. Đa số đều khoảng 20 tuổi, dù độ tuổi của những người trả lời dao động từ 20 đến trên 50 tuổi, hầu hết (71%) là nam giới và 55% đã kết hôn. Hơn một nửa (57%) đang làm việc trong các cơ sở y tế.


Đầu tiên, Dilawar và các cộng sự của ông đã đánh giá mức độ nhận thức về căng thẳng nghề nghiệp ở những người tham gia bằng cách yêu cầu họ đánh giá mức độ căng thẳng liên quan đến các tình huống như bị thương khi làm việc, có chấn thương xảy ra và các vấn đề sức khỏe của họ liên quan tới công việc. Việc đo lường EI đòi hỏi những người tham gia phải tự đánh giá về các mặt như “Tôi thực sự hiểu những gì tôi cảm nhận”, “Tôi hiểu rõ cảm xúc của mọi người xung quanh mình” và “Tôi luôn tự nhủ mình là một người có năng lực.”


Công cụ xác định phong cách đưa ra quyết định được thiết kế đánh giá 4 phẩm chất:


  • Trực quan (“Khi đưa ra quyết định, tôi tin tưởng vào cảm xúc hoặc sự phản ứng nội tâm của mình”);
  • Lý trí (“Tôi đưa ra quyết định một cách hợp lý và có hệ thống”);
  • Né tránh (“Tôi tránh đưa ra các quyết định quan trọng cho đến khi gia tăng áp lực”);
  • Phụ thuộc (“Tôi hiếm khi đưa ra các quyết định quan trọng mà không hỏi ý kiến người khác”).


Bây giờ hãy tự hỏi bản thân xem bạn có khuynh hướng phản ứng thế nào khi đối mặt với một tình huống có thể khiến bạn “không kịp trở tay" trong cuộc đời. Nguyên nhân nào khiến bạn cảm thấy stress nhất? Những quá trình nào bạn phải trải qua khi quyết định cách phản ứng với stress? Việc chạm vào cảm xúc của bạn và những người xung quanh bạn có khiến bạn tìm ra cách để giải quyết tình huống không? Bạn có cảm thấy mình đủ năng lực để giải quyết ổn thoả?


Qua một loạt những phân tích kiểm tra các giá trị dự đoán về hiệu ứng kết hợp của EI và mức độ căng thẳng nghề nghiệp đối với cách đưa ra quyết định, Dilawar đã chỉ ra rằng “sự kết hợp của bốn nhân tố EI tạo ra một cấu trúc độc đáo có thể tiết chế các mối liên quan đến căng thẳng và các trạng thái phản ứng”. Nói cách khác, bạn có thể thay đổi tác động của một tình huống khẩn cấp vào khả năng ra quyết định đúng đắn bằng cách khai thác các khả năng liên quan đến EI cho phép bạn thấu hiểu tình huống và bản thân bạn, khai thác và quản lý cảm xúc, và diễn tả cảm xúc thành lời.


Cụ thể, những phân tích này tiết lộ rằng những người có EI thấp thường quyết định dùng cách né tránh trong một tình huống căng thẳng và quả thực, mức độ căng thẳng càng cao, xu hướng tránh né của họ càng lớn. Rõ ràng, tránh né không phải là cách tối ưu để xử lý tình huống khẩn cấp. Trái lại, những người có EI cao hành động ngay khi họ bị căng thẳng hoặc làm theo bản năng khi không có thời gian để cân nhắc, hoặc đánh giá tình huống một cách lý trí.


Cách xây dựng EI khi bạn đối mặt với căng thẳng


Theo những phân tích kể trên, EI có thể là một nghiên cứu rất hữu ích cho nhân viên cấp cứu. Thật vậy, bởi vì nó là một khả năng không phải một đặc điểm nhận dạng. Như được đúc kết trong nghiên cứu này, những người có EI thấp có thể được đào tạo để chạm nhẹ vào cảm xúc của họ hiệu quả hơn. Việc rèn luyện như vậy có thể “giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt khi bị căng thẳng”. 


Nếu bạn là một người bình thường đang đối mặt với nhiều loại căng thẳng như mất nhiều thời gian hoặc khi cần can thiệp để giúp đỡ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình, vẫn còn đó nhiều bài học đáng giá từ Dilawar và các cộng sự. Hãy dừng lại và tưởng tượng bạn sẽ nhận thức ra sao nếu những tình huống căng thẳng điển hình như vậy thử nghiệm khả năng ra quyết định của bạn. Bạn có thể gắn mác trạng thái nội tâm của mình không? Bạn có thể giữ bình tĩnh qua việc kiểm soát cảm xúc của mình không? Bạn có thể tranh thủ dự trữ khả năng xử lý căng thẳng của bạn trước đây không? Tất cả những điều trên là những cách xây dựng từng bước EI của bạn thành một nguồn lực để vận dụng khi có sự cố để bạn không phải trốn chạy khỏi khó khăn hoặc trông đợi người khác xử lý giúp.


Nếu cho rằng những người có chỉ số EI cao coi những trường hợp căng thẳng là thách thức hơn là mối đe dọa, liệu bạn sẽ cảm thấy rằng bạn thậm chí có thể phát triển nó khi đang vượt qua một tình huống khó khăn không? Dù rõ ràng bạn không mong muốn người thân của mình bị ốm để bạn có thể can thiệp và cứu vãn tình thế, nhưng nếu bạn có chỉ số EI cao, bạn có thể tự hào về thực tế rằng bạn có thể giải quyết những vấn đề đó còn người khác thì không.


Tóm lại, nếu bạn nghĩ EI là một khả năng, thì đó sẽ là khả năng bạn có thể vận dụng để tăng cường khả năng giải quyết các vấn đề hàng ngày của mình khi mà căng thẳng có thể sẽ làm tê liệt hoặc choáng ngợp bạn. Chứng tỏ rằng căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, một khi bạn nhận ra, hiểu và khai thác cảm xúc của mình, nhiều khả năng bạn sẽ tìm thấy sự thỏa mãn ngay cả khi vẫn còn các thử thách khác đang tìm đến bạn.


------------

Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Ori

Ảnh: Pexels

[Online] Available at: 

<https://www.psychologytoday.com/intl/blog/fulfillment-any-age/202107/the-newest-way-use-your-emotional-intelligence> [Posted July 17, 2021]

BẢN THẢO
Bài viết liên quan