Hội Chứng “Kẻ Mạo Danh” – Những Bí Mật Có Thể Bạn Chưa Biết

Trong nhiều thử thách, kể cả những thử thách cá nhân hay chuyên nghiệp, chúng ta thường bị kìm hãm bởi những suy nghĩ sai lầm về bản thân, rằng ta thực sự vô dụng, ngu ngốc, bất ổn, vụng …

Trong nhiều thử thách, kể cả những thử thách cá nhân hay chuyên nghiệp, chúng ta thường bị kìm hãm bởi những suy nghĩ sai lầm về bản thân, rằng ta thực sự vô dụng, ngu ngốc, bất ổn, vụng về, bốc đồng, và tầm thường đến thế nào. Ta nhường lại sự thành công cho người khác bởi ta nghĩ rằng, có lẽ bản thân mình không xứng đáng nhận được những lời tán dương như bất kỳ ai xung quanh. Khi phải đối mặt với những trách nhiệm hay vị trí nào đó, ta nhanh chóng bị thuyết phục rằng mình chỉ đơn giản là kẻ mạo danh, giống như một diễn viên trong vai trò phi công, mặc đồng phục và phát ra những thông tin cần thiết từ buồng lái đầy nắng nhưng lại không có khả năng khởi động động cơ. Do vậy, ta hình thành suy nghĩ rằng, sẽ đơn giản hơn nhiều khi không thử làm việc gì đó.


Nguyên nhân sâu xa của hội chứng kẻ mạo danh đã vẽ nên một bức tranh tổng thể mang nhiều lỗ hổng trong suy nghĩ, đánh giá của ta về người khác. Chúng ta cảm thấy như “kẻ mạo danh” không phải vì sự tự ti về những khuyết điểm chỉ riêng mình mới có, mà bởi ta không hình dung được những thiếu sót của người khác bên dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng hơn/kém bản thân chúng ta.


Hội chứng kẻ mạo danh bắt nguồn từ thời thơ ấu, cụ thể là do niềm tin mạnh mẽ của những đứa trẻ  rằng chúng thực sự khác biệt với cha mẹ mình. Một đứa trẻ lên bốn không thể hiểu nổi việc tại sao mẹ khi trạc tuổi mình lại không lái được ô tô, không thể nói những việc cần làm cho thợ sửa ống nước, không có khả năng quyết định giờ ngủ của người khác hay không thể ở trên chuyến bay với bạn bè. Dần dần, từ những suy nghĩ ấy, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và khó lòng có thể vượt qua chúng. Nhiều thú vui của trẻ, như nhảy nhót trên ghế sofa, chơi với Pingu và Toblerone,… chẳng mấy quan trọng đối với người lớn khi họ là những người chỉ thích ngồi xuống, trò chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ và nhâm nhi vài ly bia có mùi vị rỉ sét của kim loại (trong khi thường ngày họ lại sống rất vội vã). Do đó, chúng ta bước vào đời với một niềm tin mạnh mẽ rằng những người quanh ta – đặc biệt là những người có năng lực và đáng ngưỡng mộ – thực sự rất khác biệt so với chúng ta.


Trải nghiệm thời thơ ấu này trùng với một đặc điểm cơ bản của con người. Chúng ta nắm rõ bản thân mình trong lòng bàn tay, nhưng chỉ hiểu người khác qua những thứ được biểu lộ ra bên ngoài. Chúng ta nhận thức rõ được tất cả những nỗi lo lắng, hoài nghi và sự ngu ngốc của bản thân; tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta biết về người khác chỉ là những thứ họ vô tình làm và nói với chúng ta, một nguồn thông tin khá hạn hẹp và có thể qua nhiều lần bị sửa đổi làm sai lệch đi. Do vậy, chúng ta thường đi đến kết luận sai lầm rằng có lẽ ta thuộc nhóm người kì dị, quái lạ và đáng khinh nhất của xã hội.


Thế nhưng, thực chất, mọi thứ không hề diễn ra như những gì chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ nhìn từ vẻ bề ngoài, chúng ta khó có thể hình dung được người khác cũng đang mang những cảm xúc y hệt ta, cũng đang cảm thấy vô cùng lo lắng và hoảng loạn. Dù không biết chính xác những gì làm phiền lòng hoặc đang dần phá hủy một người có vẻ ngoài ấn tượng, chúng ta vẫn có thể chắc chắn rằng có một nguyên nhân nào đó đằng sau. Chúng ta có thể không biết chính xác họ hối hận về điều gì, nhưng vẫn có một nỗi đau đang tồn tại trong lòng họ. Ta cũng không thể mô tả một cách cụ thể những ám ảnh dục vọng đang dần xâm chiếm tâm trí người khác, nhưng chúng vẫn luôn ở đó. Và chúng ta có thể biết điều này bởi những thương tổn và sự ép buộc không phải là những lời nguyền giáng xuống bản thân, chúng là các đặc điểm phổ biến trong thế giới nội tâm của con người.


Giải pháp hàng đầu cho hội chứng kẻ mạo danh chính là tạo ra một bước nhảy vọt về đức tin, giúp ta tin rằng suy nghĩ của người khác về cơ bản cũng có nhiều điểm giống với suy nghĩ của bản thân. Tất cả mọi người, như chúng ta, không ai có thể tránh khỏi những lo lắng, bất an và những điều bất thường trong cuộc sống. Giải pháp này được xem như một bước nhảy vọt của niềm tin bởi chúng ta chỉ cần tin rằng, phần lớn những gì ta cảm thấy – đặc biệt là trong các trường hợp đáng xấu hổ và khó để nhắc đến hơn – sẽ để lại hệ lụy vô cùng to lớn trong mỗi chúng ta.


Một trong những nhiệm vụ lý tưởng mà các tác phẩm nghệ thuật nên đáp ứng chính là đưa chúng ta đi sâu vào tâm trí, vào suy nghĩ của những người thân thiết xung quanh, qua đó giúp ta nhận thấy họ cũng có những trải nghiệm hết sức “bình thường”, có phần hỗn độn và khó chịu hơn bao giờ hết. Bằng cách đó, ta sẽ không bị kìm hãm bởi những khuyết điểm của bản thân khi làm những điều tương tự họ nữa. Những điều trên được viết bởi nhà triết học Montaigne vào thế kỷ XVI. Ông đã cố gắng rất nhiều khi giải thích một cách hài hước bằng tiếng Pháp cho độc giả của mình rằng: “Các vị vua hay nhà triết học và cả các quý bà cũng vậy, ai ai cũng đều đi nặng.”

Quan điểm ở đây của Montaigne chính là, chúng ta không thể hình dung được những người này đã từng phải ngồi xổm trong nhà vệ sinh, cũng như chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng những người cao quý làm điều này, trong khi đó, một cách hiển nhiên, ta hiểu rất rõ về các hoạt động tiêu hóa của mình. Do đó, chúng ta hình thành suy nghĩ rằng, bởi hệ tiêu hóa tồi tệ và có phần khá đáng sợ của bản thân, ta không thể trở thành một nhà triết học, một vị vua hay một quý bà; và rằng nếu tự đặt mình vào những vai trò này, chúng ta cũng chỉ là những “kẻ mạo danh” không hơn không kém.


Đây là một ví dụ rõ ràng và dễ hiểu bởi chúng ta biết rằng, những con người xuất chúng này, một cách hiển nhiên, đều phải thực hiện các hoạt động bài tiết theo cách mà một người bình thường vẫn làm. Với sự hướng dẫn của Montaigne, chúng ta có nhận thức rõ ràng hơn, đúng mực hơn về những người mang vẻ ngoài vĩ đại và đầy uy quyền. Tuy vậy, điều đáng nói thực sự ở đây không chỉ là nỗi tự ti về các chức năng cơ thể mà còn mở rộng sang những vấn đề về tâm lý. Montaigne cho rằng, các vị vua, triết gia hay các quý bà cũng có thể gặp khổ sở bởi cảm giác không tin tưởng vào bản thân và cảm thấy mình không xứng đáng, thậm chí đôi khi, họ có thể va vào cửa khi mãi đắm chìm trong những suy nghĩ dục vọng kỳ lạ đối với chính các thành viên trong gia đình mình. Hơn nữa, ngoài việc chỉ xem xét các nhân vật nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ XVI, chúng ta cũng có thể dẫn ví dụ về các CEO, luật sư doanh nghiệp, người dẫn tin tức hay các doanh nhân khởi nghiệp thành công. Họ đôi lúc cũng không thể xoay sở được tình hình, cảm thấy vô cùng áp lực, hối hận và xấu hổ khi nhìn lại những quyết định đã qua. Những cảm xúc ấy, cũng như việc đi nặng, không làm chúng ta khác biệt với họ. Những khuyết điểm bên trong của bản thân không thể ngăn cản chúng ta làm những điều họ làm. Nếu phải đảm nhiệm vai trò của họ, chúng ta không phải là những “kẻ mạo danh” mà chỉ đơn giản là những người hết sức bình thường.

Việc xây dựng một bước nhảy vọt về niềm tin đối với những gì ta cảm nhận về người khác thực sự giúp ta “nhân hóa” thế giới quanh mình. Điều đó có nghĩa là, bất cứ khi nào chúng ta gặp một người lạ, họ không thực sự là một người lạ; thực tế, ta đang gặp một người dù có vẻ bề ngoài ấn tượng nhưng theo cách cơ bản nào đó lại rất giống chúng ta; và do đó, về cơ bản, không gì có thể ngăn cản chúng ta trong việc làm tròn trách nhiệm của bản thân, trở nên thành công và thỏa mãn được mọi nhu cầu của chính mình.

To All Of The Boys I’ve Loved Before

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-impostor-syndrome/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan