Khám Phá Bí Mật Về Claustrophobia: Hội Chứng Sợ Không Gian Hẹp

Claustrophobia là một loại “ám ảnh tình huống” (nỗi sợ một số tình huống cụ thể) mà ở đó một người trải qua nỗi sợ hãi tột độ khi ở trong không gian hẹp hoặc kín. Người mắc chứng Claustrophobia …

Claustrophobia là một loại “ám ảnh tình huống” (nỗi sợ một số tình huống cụ thể) mà ở đó một người trải qua nỗi sợ hãi tột độ khi ở trong không gian hẹp hoặc kín. Người mắc chứng Claustrophobia có thể cảm thấy hoảng sợ khi đang đi thang máy. Nhiều cá nhân mắc Claustrophobia cũng sợ hãi khi ở trong đường hầm, hang động, hầm mỏ hay máy bay. Những người này thường cho rằng họ thường xuyên tưởng tượng bản thân bị mắc kẹt hoặc không thể thoát ra được khỏi những nơi đó và phải làm đủ mọi cách để tránh xa chúng.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ không gian hẹp và kín

Claustrophobia là một ám ảnh xã hội phổ biến, có ảnh hưởng đến gần 4% dân số thế giới. Các nhà khoa học tin rằng một vài lý do dưới đây có thể dẫn đến hội chứng sợ hãi này:


1. Những người mang nhận thức “méo mó về không gian” có nhiều khả năng sợ không gian hẹp và kín hơn so với người khác. Họ có khuynh hướng phóng đại quá mức không gian riêng tư của bản thân mình.


2. Nhìn chung những người bị rối loạn lo âu nhiều hơn cũng dễ mắc phải hội chứng claustrophobia hơn.


3. Người có tiền sử bị rối loạn hoảng sợ hay dễ gặp những cơn hoảng loạn cũng có nhiều khả năng mắc chứng sợ không gian hẹp và bị hạn chế.


4. Các trải nghiệm gây sang chấn trong quá khứ cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành và phát triển nỗi sợ không gian hẹp.Chẳng hạn, trẻ em không may bị mắc kẹt trong tủ quần áo hay bị phạt trong một nơi chật hẹp sẽ có nguy cơ mắc Claustrophobia cao hơn.


5. Một số lý thuyết cũng cho rằng đây có thể là một nỗi ám ảnh tiến hóa (tạm dịch). Điều đó có nghĩa là, nỗi sợ hãi không gian hẹp có thể mang đến một số lợi ích liên quan đến quá trình tiến hóa.

Do đó, có thể thấy sự phát triển của ám ảnh xã hội này rất phức tạp; tuy vậy, việc điều trị nó hầu như chỉ tập trung vào việc làm giảm bớt sự lo âu, căng thẳng của người bệnh.

Một vài triệu chứng của Claustrophobia

Bản chất của ám ảnh này chính là nỗi sợ bị mắc kẹt hoặc không thể trốn thoát hay thậm chí là sợ bị “chôn sống”. Do vậy, người bệnh có thể gặp cả các triệu chứng về thể chất lẫn tâm lý.

Các triệu chứng về thể chất

  • Các triệu chứng liên quan đến hô hấp như bị ngạt hay khó thở
  • Thở dốc
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Ngất xỉu
  • Cảm thấy đau ốm hoặc buồn nôn
  • Run rẩy

Các triệu chứng về tâm lý

  • Suy nghĩ hoặc tưởng tượng mình bị chôn sống hoặc mắc  kẹt
  • Suy nghĩ về cái chết
  • Có cảm giác muốn chạy trốn
  • Không có khả năng phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng

Cách điều trị hội chứng sợ không gian hẹp


Đôi khi chỉ những ý nghĩ đơn thuần về cách điều trị cũng có thể khiến một người mắc hội chứng Claustrophobia cực kỳ sợ hãi. Trên thực tế, phần lớn các phương pháp điều trị, bao gồm việc yêu cầu một người nào đó phải đối mặt với nỗi sợ của chính họ càng khiến họ cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng hơn. Vì vậy, điều quan trọng và cần thiết hơn hết chính là sự động viên và hỗ trợ tối đa của bạn bè và người thân trong gia đình đối với người mắc hội chứng này. Nhiều nhà tâm lý trị liệu còn khuyến khích bạn bè hay các thành viên trong gia đình của người mắc bệnh cùng tham gia các buổi trị liệu với họ.


1. Liệu pháp chìm ngập/liệu pháp tiếp xúc Ở phương pháp này, bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ của họ một cách chậm rãi. Đối với trường hợp này, bệnh nhân sẽ được ở trong một không gian hẹp và kín cho đến khi họ nhận ra rằng không có bất kỳ tổn hại nào xảy ra mặc dù phải chạm trán với đối tượng sợ hãi của họ.


2. Phương pháp tự lực (tạm dịch) – Bệnh nhân có thể thực hiện một vài việc mà họ thường làm hằng ngày để vượt qua nỗi sợ không gian hẹp. Chẳng hạn như, thay vì vội vã rời khỏi thang máy, người đó có thể đứng yên ở trong và đi lên, đi xuống nhiều lần để tập quen với cảm giác lo lắng mà không gian hẹp mang lại. Dần dần, họ có thể đối mặt với những nỗi sợ lớn hơn hoặc nghiêm trọng hơn và học cách điều khiển nỗi lo sợ của bản thân cho đến khi nó biến mất hoàn toàn. Ngoài ra, hít thở sâu, mường tượng, tập thiền và yoga cũng giúp ích cho việc điều khiển các cơn hoảng loạn.


3. Phương pháp mô hình hóa Ở phương pháp này, bệnh nhân được khuyến khích theo dõi mọi người đối mặt với nỗi sợ hãi của chính họ một cách tự tin, sau đó tái tạo hoặc bắt chước lại hành vi ấy.


4. Liệu pháp nhận thức hành vi – Liệu pháp này được biết đến là một liệu pháp khá hiệu quả trong việc điều trị hội chứng Claustrophobia thông qua việc giúp người bệnh đối mặt với những suy nghĩ sợ hãi và thay đổi thái độ của họ đối với đối tượng gây nên nỗi sợ trong họ.


5. Trị liệu bằng thuốc Một số thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm nhất định có thể được phép sử dụng dựa trên mức độ nghiêm trọng của hội chứng Claustrophobia. Tuy nhiên, nên tránh việc sử dụng lâu dài các loại thuốc này vì chúng có thể gây nghiện đối với người bệnh.

Những người bình thường có thể cho rằng hội chứng Claustrophobia trông có vẻ cực đoan hay phi lý. Tuy nhiên, đối với những người mắc phải hội chứng này, Claustrophobia có thể gây suy nhược và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, họ phải luôn nhớ rằng, trong thực tế, nếu cách điều trị phù hợp, họ hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ không gian hẹp của chính bản thân mình.

Các bài viết liên quan


Trắc nghiệm: Bạn có bị rối loạn lo âu? Hãy tự kiểm tra ngay

Dịch: Phương Trần

Biên tập: Catthi

Minh họa: Bảo Trân

Nguồn: https://www.fearof.net/fear-of-small-spaces-phobia-claustrophobia/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan