Khi Kỳ Vọng Trở Thành Áp Lực

Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều gánh trên vai một thứ vô hình nhưng có sức nặng ghê gớm, đó là sự kỳ vọng của người khác dành cho mình.


Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều gánh trên vai một thứ vô hình nhưng có sức nặng ghê gớm, đó là sự kỳ vọng của người khác dành cho mình.


Kỳ vọng, vì đâu mà có?


Ba mẹ sinh con ra, nuôi con lớn, ai cũng đều kỳ vọng con mình sau này sẽ sống một cuộc đời đáng sống. Có thể nó không trở thành ông này bà nọ, không chức trọng quyền cao, nhưng ít ra, nó phải làm được một cái gì đó có ích cho đời. Sự kỳ vọng đó là chính đáng, vì nó vừa là quyền, vừa là mơ ước của bậc làm cha mẹ.


Mỗi cô gái, chàng trai khi yêu, ắt hẳn ai cũng dành một sự kỳ vọng nào đó cho người yêu của mình, đặc biệt là với các bạn nữ. Thời này, họ ít khi mơ về “một túp lều tranh” với “hai trái tim vàng” như chuyện tình trong âm nhạc nữa. Sự lãng mạn có khi chỉ là yếu tố tạm thời, nó có thể bị giết chết bởi thực tế nghiệt ngã, sự thành đạt mới là điều giúp người ta cảm thấy yên tâm. Suy cho cùng, đó cũng là kỳ vọng chính đáng trong cuộc sống ngày nay.


Mỗi một người hâm mộ đều dành sự kỳ vọng cho cầu thủ, câu lạc bộ, đội bóng yêu thích của mình mỗi khi họ ra sân. Điều cuối cùng mà đa phần người yêu bóng đá mong muốn ở họ chính là chiến thắng. Bình luận viên cũng hay lặp đi lặp lại cái câu: Chiến thắng này đã đáp lại những kỳ vọng to lớn nơi người hâm mộ. Đó là điều tất nhiên, ai xem bóng đá mà không mong muốn đội mình yêu thích giành chiến thắng.


Suy cho cùng, mọi sự kỳ vọng đều bắt nguồn từ tình yêu. Ba mẹ có thương con mới mong con trưởng thành, hạnh phúc. Hai người có yêu nhau mới khát khao xây dựng một cuộc sống gia đình sung túc sau này. Và tất nhiên, mình có yêu cầu thủ đó, đội bóng đó, mình mới mong mỏi họ ghi bàn, giành chiến thắng trước đối phương. Nếu không yêu thì cần chi kỳ vọng, ai muốn làm gì làm, ra sao cũng mặc, miễn là mình vẫn ổn.


Kỳ vọng, đặt cho ai?


Ai sinh ra cũng mang trên mình một sứ mệnh. Không phải đế vương, không phải anh hùng hay thiên thần cũng phải mang sứ mệnh. Bạn đừng nghĩ bạn chỉ là một kẻ tầm thường, chẳng tài cán gì thì bạn có quyền sống vật vờ, sống buông thả theo ý của mình. Sứ mệnh cơ bản nhất của bạn là sống xứng đáng với tư cách một thành viên trong xã hội.


Người ta hay nghĩ chỉ người đặc biệt mới phải gánh chịu sức nặng của hai chữ kỳ vọng trên vai. Đúng vậy! Với ba mẹ bạn, bạn là người đặc biệt. Đứa con mình sinh ra luôn đặc biệt với mình, thậm chí nó còn là thiên thần trong mắt mình. Với người yêu, bạn cũng là người đặc biệt. Nếu bạn không đặc biệt, anh ấy hay cô ấy có để ý đến bạn không? Người ta luôn mặc định: sự lựa chọn của mình là tốt nhất, người yêu của mình là người sở hữu nhiều điểm “độc đáo” nhất.


Một đội bóng có đến 11 cầu thủ cùng ra sân trong một trận, nhưng... không phải ai cũng mang trên vai sự kỳ vọng đặc biệt của người hâm mộ. Tối qua, khi Argentina đá lượt trận thứ hai vòng bảng World Cup, cả thế giới như nhìn về phía Messi. Hôm nay, đến lượt Neymar của Brazil nhận lấy sự “hậu đãi” này. Và với nhiều cái tên khác cũng vậy, Ronaldo của Bồ Đào Nha hay Salad của Ai Cập. Vì sao họ lại được đối xử “đặc biệt” như vậy? Vì họ đặc biệt.


Từ đặc biệt ở đây vô cùng trừu tượng. Messi, Ronaldo hay Neymar đặc biệt bởi họ sở hữu kỹ năng chơi bóng thượng thừa. Bạn đặc biệt trong mắt ba mẹ, người yêu bởi với họ, bạn là duy nhất. Cho nên, chúng ta đừng quan niệm, mình không giỏi, không đẹp thì mình không đặc biệt. Mỗi con người sinh ra là một tác phẩm của tạo hóa, ai cũng mang một nét riêng, không ai là bản sao của ai cả. Vì thế, ai cũng phải sẵn sàng đón lấy sự kỳ vọng.

Từ kỳ vọng của mình đến áp lực của người


Người đặt kỳ vọng xuất phát từ tình yêu. Vậy người nhận được sự kỳ vọng cảm thấy thế nào. Hạnh phúc hay bất hạnh? Có thể là cả hai.


Mỗi khi bước lên giảng đường, mở cuốn sách ra, hình ảnh ba mẹ với ánh mắt chất chứa sự mong chờ lại hiện lên trong tâm trí bạn. Đôi lúc, bạn cảm thấy bất lực vì đã ba năm trôi qua, bạn vẫn chưa làm được một cái gì ra hồn để họ có thể tự hào. Mặc dù họ chưa hề lên tiếng trách móc nhưng bạn vẫn cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong lòng. Đó là vì bạn nghĩ mình đã phụ sự kỳ vọng của họ.


Nhiều chàng trai vẫn loay hoay, vắt óc suy nghĩ con đường khởi nghiệp cho bản thân. Họ sợ nếu họ thất bại, người yêu mình sẽ không còn bên cạnh mình nữa. Họ sợ người con gái mình yêu phải đánh đổi năm tháng thanh xuân để ở bên cạnh một kẻ trắng tay. Mặc dù cô gái không hề trách móc, họ vẫn áp lực. Đó là vì họ nghĩ mình không đáp ứng được sự kỳ vọng của người yêu.


Cả Messi, Ronaldo hay Neymar ra sân cũng đều mang trong mình một nỗi lo: không thể ghi bàn. FIFA không hề ra yêu cầu họ phải ghi bàn mỗi khi ra sân, nhưng họ thừa hiểu: người hâm mộ, đồng đội, huấn luyện viên đang muốn điều gì. Đó là động lực đẩy đôi chân của họ chạy nhanh hơn, đường chuyền của họ thanh thoát hơn, pha dứt điểm của họ quyết đoán, chính xác hơn nhưng cũng có thể đó là áp lực ghì chặt đôi chân họ lại.


Người đặt kỳ vọng vì thương, người nhận được kỳ vọng cũng vì thương. Vô hình trung, một người tạo áp lực, một người tự tạo áp lực, từ đó làm khó cuộc sống của người khác và của chính mình.


Hãy tin tưởng thay vì trách móc


Đừng nói với người yêu rằng: tôi muốn anh trở thành thế này, trở thành thế kia. Đừng bảo một cầu thủ ra sân phải lập cú đúp hay hactrick. Hãy để họ tự quyết định cuộc đời họ.


Nếu yêu, hãy đặt niềm tin, tin người đó có thể làm được bằng tất cả khả năng họ có. Còn kết quả, nó vốn dĩ được cộng hưởng từ nhiều thứ, khả năng, nỗ lực, sự trợ giúp và cả may mắn nữa. Đừng kỳ vọng kết quả, nó chính là áp lực cho đối phương. Vì khi bạn kỳ vọng kết quả, bạn đã vô tình vạch ra trước mắt họ một thế giới mà họ có thể không thuộc về.


Còn nếu như bạn lỡ kỳ vọng mà người ta không thể làm được thì sao? Hãy yêu thương thay vì trách móc. Đôi khi, cần cả im lặng. Không nên đánh đồng sự im lặng bình thản với sự vô tâm. Yêu là khi bạn biết người ta thất bại nhưng vẫn không lên tiếng trách móc. Nếu trách móc sự thất bại của họ và xấu hổ vì sự châm chọc của người khác đối với thất bại đó thì đừng tự cao khẳng định... mình biết yêu. Đồng hành khi thành công chẳng có nghĩa lý gì so với việc bên nhau khi thất bại.


Khi Messi đá hỏng penalty, cả thế giới đổ xô chê bai, giễu cợt, nhiều fan tỏ vẻ thất vọng, thậm chí muốn anh rời khỏi tuyển quốc gia. Tại sao vậy? Người ta tự cho mình cái quyền định đoạt số phận người khác khi người đó không đáp ứng được sự kỳ vọng của họ ư?


Một cái nắm tay khi thất bại ý nghĩa gấp trăm lần vạn lời chúc tụng lúc thành công. Nếu không thể bên nhau lúc đau buồn thì xin đừng tung hô khi hạnh phúc. Đừng để sự kỳ vọng của mình đè nặng đôi vai người khác khiến họ không nhấc thân lên không nổi. Yêu, kỳ vọng nên đi kèm niềm tin, sự cảm thông và bao dung bằng cả trái tim.


Sưu tầm

BẢN THẢO
Bài viết liên quan