Khi bạn không thể tha thứ cho bản thân

Làm thế nào bạn có thể tha thứ cho bản thân trong những lúc tưởng chừng như là không thể?

Làm thế nào bạn có thể tha thứ cho bản thân trong những lúc tưởng chừng như là không thể?


Bạn đã làm sai điều gì đó? Bạn đã làm tổn thương người khác hay chính bản thân mình, để rồi giờ đây bạn đang cảm thấy vô cùng tức giận, tội lỗi, buồn bã, hoặc thậm chí là xấu hổ.


Nếu ai đó làm điều đó gì sai với bạn, bạn sẽ mong muốn một lời xin lỗi, và sau đó đó bạn sẽ quyết định liệu có nên tha thứ cho họ hay không.

Nhưng khi bạn chính là người làm điều sai trái, “quy trình tha thứ” sẽ không rõ ràng như vậy. Có thể bạn không tin rằng mình xứng đáng được tha thứ, hoặc bạn tin nhưng bạn không biết làm thế nào để tha thứ cho bản thân. Kể cả có thực hiện cách nào đi chăng nữa, thì bạn cũng cảm thấy bản thân thật tồi tệ.


Vậy làm thế nào bạn có thể tha thứ cho bản thân những lúc tưởng như không thể?


Điều đầu tiên tôi mong muốn bạn làm là thừa nhậntrân trọng cảm xúc của bạn ngay lúc này. Thừa nhận rằng không phải ai cũng tự nhận thức hay đủ thấu cảm để thú thật rằng họ đã làm sai điều gì đó. Và tiếp theo là trân trọng, trân trọng việc bạn là kiểu người có thể nhận ra những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân để rồi nói rằng: “Chính tôi đã làm điều này, tôi sẽ chịu trách nhiệm.” Bạn đã làm điều gì đó sai, đúng là như vậy, nhưng tận sâu đáy lòng, bạn – là một người tốt.


Sự buông bỏ


Bạn có thể đã đọc một trong những bài viết trước đây của tôi về việc tha thứ cho người khác. Nhiều nguyên tắc của việc tha thứ cho bản thân cũng giống như tha thứ cho người khác. Khi bạn tha thứ cho một ai đó hay cho chính bản thân bạn, bạn buông bỏ những bất mãn, phán xét và cho phép sự chữa lành được khởi đầu. 


Bằng sự “buông bỏ”, tôi không có ý là bạn giả vờ như chuyện đó chưa từng xảy ra hay những gì đã xảy ra đều…umh… OK. Tha thứ không phải là sự xá tội hay hành vi bào chữa, và nó cũng không có nghĩa là bạn không tiếp tục có những cảm xúc về chuyện mà bạn đã trải qua. Tha thứ, mặt khác, có nghĩa là chấp nhận những gì đã xảy ra và tìm một con đường để mới bước tiếp.

Là một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, tôi đã làm việc với nhiều bệnh nhân về sự tự tha thứ. Có những người đã làm những việc dường như không-thể-tha-thứ được, và có những người làm ra việc trông dễ-tha-thứ-hơn. Điểm chung ở cả 2 kiểu người này đó là: Tất cả họ đều là con người. Con người mắc sai lầm. Một số là sai lầm bé tí ti và một số là sai lầm nghiêm trọng kinh khủng, nhưng tất cả đều có cùng một lý do: Chúng ta là những sinh vật không hoàn hảo, và tất cả chúng ta đều xứng đáng được tha thứ. 


Tất cả chúng ta đều đang làm điều tốt nhất mà chúng ta có thể với những phương tiện mà chúng ta có trong tay. Cũng có đôi khi những phương tiện đó không hữu ích lắm; cha mẹ chúng ta không phải là những hình mẫu tốt, hoặc nhận thức và đánh giá của chúng ta còn nhiều thiếu sót, hoặc niềm tin và quan điểm tham chiếu của chúng ta không phục vụ cho những lợi ích của chúng ta. Nói gì thì nói, bây giờ, tôi chỉ mong bạn có thể ngồi xuống, tĩnh tâm một lúc và nói với bản thân bạn rằng, “Mình làm những điều mình đã làm bởi vì mình là một con người và con người thì không hề hoàn hảo.”


Hãy quan sát toàn cảnh sự việc


Bước tiếp theo trong việc tha thứ cho bản thân là quan sát bức tranh toàn cảnh về tình huống mà bạn cần buông bỏ. Điều này có nghĩa là bạn cần phải chấp nhận những việc đã xảy ra, hiểu được tại sao và như thế nào mà nó lại xảy ra, và thấy được tất cả những gì phát sinh từ nó – những hệ quả xấu xí rành rành ra đó cũng như là những hệ quả tốt đẹp bị lẩn khuất ở bên trong.


Để tha thứ cho bản thân, bạn cần lưu tâm đến việc mở rộng tầm nhìn của mình về những chuyện đã xảy ra. Đầu tiên, bạn phải nhận thức rõ ràng về những điều bạn đã làm và những hậu quả từ những hành động đó. Và bạn cần chấp nhận rằng bạn không thể làm gì để thay đổi quá khứ. 

Bước thứ hai, hãy nghĩ về những việc đã xảy ra trong cuộc đời bạn khiến bạn thực hiện những việc đó. Nhu cầu nào bạn đang cố gắng thỏa mãn? Những bài học gì mà cha mẹ đã dạy bạn, những kinh nghiệm nào mà bạn đã có cũng như những niềm tin và nhận thức hạn chế nào đã dẫn bạn tới hoàn cảnh này?


Đây không phải là bào chữa hay biện minh cho những việc mà bạn đã làm, mà chỉ đơn giản là không chỉ dừng lại việc xác định những chuyện đã xảy ra mà còn là xác định rõ nguyên nhân đằng sau hành động của bạn. Khi bạn biết lý do tại sao bạn lại làm những việc đó, bạn có nhiều khả năng hơn trong việc tìm ra các cách ứng phó mang tính xây dựng hơn để đáp ứng được nhu cầu tương tự trong tương lai.


Không chỉ là hậu quả, đó còn là…những bài học quý giá

Tiếp theo, hãy lùi lại một bước và nhìn rõ những chuyện đã xảy ra như là kết quả của những việc bạn đã làm. Không chỉ là những tác hại mà nó gây ra cho người khác hay cho chính bản thân bạn, mà còn là những bài học mà bạn có thể rút ra được từ nó.


Nếu bạn không tin rằng bạn đã học được điều gì đó, suy nghĩ đó đồng nghĩa với việc, bạn đã không xem xét tình huống và những cảm xúc của mình đủ tỉ mỉ và cẩn thận. Hãy dành thời gian để nghĩ về những việc đã xảy ra đã thay đổi bạn ra sao. Bạn có thể học được gì về bản thân hoặc người khác từ nó? Bài học này đã giúp bạn trở thành một người tốt hơn như thế nào? Nó có thể cải thiện cuộc sống của bạn như thế nào?


Hãy tuyên bố sự tha thứ cho bản thân bằng những câu nói đơn giản như: “Tôi tha thứ cho bản thân mình” hoặc bạn cũng có thể nói: “Ngày hôm nay tôi tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và cho phép bản thân tiến về phía trước” hay “Quá khứ đã xong, tôi không thể thay đổi nó được nữa. Dù vậy, tôi có thể là người quản lý cuộc đời mình ngay hôm nay.”


Sau khi bạn đã truyền đạt cho bản thân về sự tự tha thứ, bạn có thể truyền đạt tới những người mà bạn đã gây tổn thương sự nhận thức của bạn về những tổn hại mà bạn đã gây ra với họ và xin lỗi. Tiếp theo, bạn cần chuộc lỗi. Hãy tìm một cách giúp cho cuộc sống của người mà bạn gây tổn thương trở nên tốt hơn, hoặc nếu bạn không thể giúp đỡ họ, hãy làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống của ai đó khác. Hãy cho bản thân bạn và cả thế giới biết rằng bạn đã rút ra bài học từ sai lầm của chính mình.


Hãy đưa ra sự cam kết từ sai lầm của mình


Cuối cùng, hãy đưa ra một kế hoạch để thực hiện tốt hơn. Hãy ghi nhớ bài học mà bạn đã học được và áp dụng nó cho những hành động của bạn trong tương lai. Hãy tự hỏi bản thân bạn rằng, “Tôi có thể làm gì để bảo đảm rằng tôi không phạm phải sai lầm này một lần nữa?”. Việc này đòi hỏi sự cam kết từ tận đáy lòng để luôn duy trì sự lưu tâm đến hành vi của mình.


Không có ích lợi hay điều tốt đẹp gì đến từ việc bản thân bạn cứ mắc kẹt trong cái lồng của sự tự trừng phạt. Tự trừng phạt bản thân không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Để giúp đỡ người khác và khiến cho cuộc sống của chính bạn tốt đẹp hơn, bạn phải học cách tha thứ cho chính mình.


Dịch: Huyền Trang

Biên tập: Vũ Dương

Nguồn bài viết: https://www.psychologytoday.com/us/blog/mindful-anger/201710/when-forgiving-yourself-is-the-hardest-kind-forgiveness

Minh họa: Nguồn ảnh từ Redrockschool, quotemaster.org, quotefancy.com, middleburgeccentric.com, truthcircles.com, Guideposts

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan