Khoa Học Về Nụ Cười: Thật Hay Giả? Cười Liệu Có Thể Mang Đến Hạnh Phúc?

Có một quan niệm tồn tại từ rất lâu cho rằng hạnh phúc sẽ đến khi ta nở nụ cười.  Vào những năm 1800, Charles Darwin là một trong những người đầu tiên đưa ra một ý tưởng mà khoa …

Có một quan niệm tồn tại từ rất lâu cho rằng hạnh phúc sẽ đến khi ta nở nụ cười.

 Vào những năm 1800, Charles Darwin là một trong những người đầu tiên đưa ra một ý tưởng mà khoa học hiện đại sau này đã phát triển nó thành Lý thuyết cảm xúc phản hồi biểu cảm (facial feedback hypothesis). Ý tưởng đó cho rằng việc tươi cười sẽ khiến ta thấy hạnh phúc hơn trong khi nhăn nhó sẽ đem đến cho ta cảm xúc buồn bã hay giận dữ -nói cách khác, việc thay đổi biểu cảm trên gương mặt có thể gia tăng hay thậm chí biến đổi tâm trạng của con người.

 Dick Van Dyke và cả Nat King Cole đã hát những bài hát về hiện tượng này. Ngày nay ý tưởng đó cũng được dạy rộng rãi trong các lớp học về Tâm lý học.

 Nhưng các nhà khoa học hiện nay đang dần phát hiện ra rằng hiện tượng này phức tạp hơn so với những gì ta đã nghĩ. Một nghiên cứu gần đây phân tích kết quả của các công trình nghiên cứu trong vòng 50 năm qua, bao gồm gần 300 thực nghiệm kiểm chứng lý thuyết cảm xúc phản hồi biểu cảm, đã cho thấy rằng nếu nụ cười đơn thuần thật sự có thể gia tăng cảm xúc hạnh phúc, thì hiệu quả nó tạo ra cũng chỉ rất thấp.

 Sau khi phân tích các số liệu, những nhà nghiên cứu phát biểu rằng kết quả mà họ thu được cho thấy: nếu 100 người đều cười như nhau, thì chỉ có 7 người trong số đó cảm thấy hạnh phúc so với khi không cười.

Nghiên cứu cũng xem xét những hiệu ứng lên cảm xúc của các biểu cảm gương mặt khác, bao gồm cả nhíu mày và hậm hực, và nỗ lực để có được hiểu biết khái quát hơn về mức độ tác động của những biểu cảm gương mặt tích cực/tiêu cực đối với các cảm xúc tương ứng.

 Trong mỗi trường hợp, “hiệu ứng mà nó tạo ra rất thấp” – Nick Coles, nhà tâm lý xã hội, ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Tennessee, Knoxville, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu. Những kết quả này được công bố vào số báo tháng bảy của tạp chí Psychological Bulletin, góp thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận đã tồn tại “ít nhất 100 năm nay – kể từ buổi đầu của ngành Tâm lý học”, Coles phát biểu.

 Cuộc tranh cãi xoay quanh câu hỏi liệu rằng một hành động đơn giản là thay đổi cơ mặt để tạo ra biểu cảm cười có thể thực sự khiến con người hạnh phúc hay không đang ngày càng được hâm nóng trong những năm gần đây. Trong một nghiên cứu khác, công bố vào năm 2016, kết quả tổng hợp đã cho thấy rằng có đến 17 phòng thí nghiệm đã thất bại trong việc tái dựng lại phần quan trọng của một nghiên cứu trước đó – nghiên cứu đầu tiên mô tả được mối liên hệ giữa biểu cảm cười và cảm xúc ở con người.

 Nghiên cứu gốc đó được xuất bản vào năm 1988. Kết quả của nó cho thấy rằng những người tham gia nào được yêu cầu ngậm bút chì bằng miệng – để khiến khuôn mặt tạo thành biểu cảm cười – đánh giá độ hài hước của những bộ phim hoạt hình cao hơn so với những người tham gia được yêu cầu ngậm bút chì bằng bằng môi – khiến gương mặt tạo thành biểu cảm bĩu môi. Những người tham gia lúc ấy không hề biết rằng mình đang cười hay đang xụ mặt – họ chỉ nghĩ rằng mình đang tham gia thực nghiệm về phương pháp mà những người khuyết tật sử dụng để viết.

 “Đó là nghiên cứu đầu tiên mô tả được rằng việc tươi cười có thể ảnh hưởng đến cảm xúc mặc dù người tham gia không nhận thức được rằng mình đang cười”, Coles giải thích.

 Vì thế nên có một nỗi thất vọng lớn khi mà nhiều phòng thí nghiệm lại không thể tái lập lại kết quả nghiên cứu đó. Dù vậy, vào năm 2018, khi những nhà nghiên cứu ở Israel tiến hành lại thí nghiệm một lần nữa, họ đã thành công – với điều kiện là những người tham gia không bị quan sát hay ghi hình.

 “Nó ngày càng phức tạp”, theo Paula Niedenthal, nhà tâm lý học thuộc Đại học Wisconsin–Madison, độc lập so với nghiên cứu trên.

 Niedenthal cho rằng, một trong những lý do tạo nên sự khác biệt giữa các kết quả nghiên cứu có thể là sự đa dạng của nụ cười. “Không phải nụ cười nào cũng là nụ cười hạnh phúc thật sự.”

 Một số nụ cười có vẻ mang tính mỉa mai, châm biếm hơn – như một cái nhếch mép hay nụ cười tự mãn. Sự khác biệt trong động cơ của mỗi biểu cảm là rất tinh tế, và rất khó để tái hiện lại trong môi trường thí nghiệm – dù là có sự hỗ trợ của cây bút hay không.

 Hơn nữa, mặc dù hầu hết những nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy rằng việc tươi cười không có tác hại gì, một nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng, việc bắt ép bản thân cười như một thói quen trong một thời gian dài có thể gây ra những hệ quả tiêu cực.

 Ví dụ, trong một nghiên cứu được xuất bản vào năm nay, kết quả đã chỉ ra rằng những nhân viên làm dịch vụ cảm thấy miễn cưỡng trong việc nở nụ cười với khách hàng cả ngày có nguy cơ sử dụng bia rượu quá mức sau giờ làm cao hơn. Đó có thể là vì, trong trường một một nhân viên đang cảm thấy bực bội, bất mãn mà tính chất công việc lại bắt phải tươi cười thì đó không thể là một nụ cười chân thật, vui vẻ, đem lại hạnh phúc.

“Ít nhất thì, chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào lĩnh vực này”, theo Niedenthal. Nhìn chung, những nghiên cứu tích lũy được dường như đã cho thấy rằng biểu cảm gương mặt vẫn có hiệu ứng nhất định lên cảm xúc. Điều còn lại phải làm chính là khám phá được cơ chế của nó và những khác biệt tinh tế trong cùng một biểu cảm.

Còn hiện tại, Cole khuyên rằng chúng ta nên hạn chế việc bảo người khác nên cười lên.

“Bởi vì, tôi biết rất rõ rằng khi tôi đang buồn mà người xung quanh cứ bảo tôi hãy cười lên đi, tôi chỉ càng thấy bực hơn mà thôi.” – Cole nói. Và như những gì mà nghiên cứu đã chỉ ra, “việc tươi cười đơn thuần sẽ chẳng thể tạo nên biến chuyển quan trọng nào trong cuộc đời bạn.”

Dịch: Lyo Liu

Minh họa: Bảo Trân

Nguồn: https://www.npr.org/sections/health-shotsCre: Artwork by Denis Zilber

Nguồn: http://deniszilber.blogspot.com/2012/12/that-look.html?spref=pi

H1:

Cre: Artwork by Elliee

Nguồn: https://www.instagram.com/p/Blddzsag799/

H2:

Cre: Artwork by Julio Cesar

Nguồn: https://www.artstation.com/artwork/kat-b7f1cc61-98d6-4f97-934c-b808fcb5040b

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan