Làm cách nào để giành chiến thắng trong trận chiến của cuộc sống?

Như Jung đã chỉ ra, cuộc sống thật khó khăn, và ta không thể thay đổi điều này, nhưng chúng ta có thể chọn cách đối mặt với trận chiến của cuộc đời và tùy thuộc vào cách chúng ta lựa chọn mà cuộc sống khó khăn có thể trở thành một cuộc sống tốt đẹp.

“Khiến cuộc sống trở nên dễ dàng không khác nào trồng một loại tiên dược trường sinh bất lão”

Carl Jung, Nền văn minh trong thời kỳ chuyển giao



Theo nhiều cách nghĩ khác nhau, cuộc sống nhìn chung là một trận chiến - trận chiến chống lại khuynh hướng tự hủy hoại bản thân, những điểm yếu và nỗi sợ hãi của chúng ta. Một trận chiến chống lại quy luật sinh tử và giới hạn thời gian. Cuộc chiến chống lại những thói quen xấu và những người cố gắng hạ bệ chúng ta. Và tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang sống, đó cũng có thể coi là cuộc chiến giành tự do cho bản thân, chống lại sự nô dịch của  những tên bạo chúa. Nhưng đừng để quan niệm này làm chúng ta tuyệt vọng, chúng ta cũng nên nhận ra rằng việc tham gia đầy đủ vào những cuộc đấu tranh trong cuộc sống là cách tạo ra ý nghĩa và sự trọn vẹn. Như Jung đã chỉ ra, cuộc sống thật khó khăn, và ta không thể thay đổi điều này, nhưng chúng ta có thể chọn cách đối mặt với trận chiến của cuộc đời và tùy thuộc vào cách chúng ta lựa chọn mà cuộc sống khó khăn có thể trở thành một cuộc sống tốt đẹp. 


Để chuẩn bị cho trận chiến này, kiến ​​thức về các điều kiện là không thể thiếu và trong trận chiến của cuộc sống, bản chất vốn có của nó là sự thay đổi. Trạng thái của thế giới bên ngoài, thế giới bên trong tâm hồn chúng ta và sự tương tác giữa hai điều này luôn luôn biến hóa. Quá trình lão hóa từ từ thay đổi cách chúng ta trải qua cuộc sống và cái chết vĩnh viễn thay đổi toàn thể những người sống trên thế giới này. Hơn thế nữa, cuộc sống ẩn chứa những điều bất ngờ không lường trước được. Những vòng xoay nghiệt ngã của số phận và những cơ hội đáng giá, phá vỡ một cách nhanh chóng toàn bộ cấu trúc con người chúng ta. Và như vậy, khi cuộc sống được định nghĩa bởi sự thay đổi, việc xoay chuyển thành công trận chiến của cuộc sống đòi hỏi trên hết là khả năng thích ứng, hay như nhà chiến lược quân sự vĩ đại Tôn Tử đã viết:


Nước định hình dòng chảy của nó tùy theo bản chất của mặt đất mà nó chảy qua; người lính giành được chiến thắng nhờ hiểu được mối quan hệ với kẻ thù mà anh ta đang đối mặt. Do đó, giống như nước không có hình dạng bất biến, nên trong chiến tranh không có điều kiện bất biến. Người có thể xoay đổi chiến thuật nhờ nắm bắt được mối quan hệ với đối thủ của mình và do đó đạt được chiến thắng, có thể được gọi là một đội trưởng trời sinh.

Binh pháp Tôn Tử


Tầm quan trọng của việc thích ứng với sự thay đổi liên tục của cuộc sống và điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp với từng thử thách mới, trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhìn vào những cá nhân thiếu khả năng, nói cách khác, là những người cứng nhắc trong tâm lý và hành vi của họ. Sự cứng nhắc, trong suy nghĩ hay hành động, gần như chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại trong trận chiến của cuộc đời. Vì khi chúng ta quá cố chấp làm theo cách của mình, các lựa chọn của chúng ta khi đối mặt với sự thay đổi bị hạn chế. Chúng ta có thể thử áp dụng những cách cũ cho thử thách mới, nhưng điều này chỉ hiệu quả nếu thử thách này không quá mới lạ. Ngoài ra, chúng ta có thể chạy trốn khỏi các trận chiến của mình, chối bỏ sự tồn tại của chúng hoặc cố gắng né tránh chúng. Nhưng càng trốn tránh những thử thách trong cuộc sống, chúng ta càng sống ít đi và như Carl Jung đã viết: “Sống mà không trải nghiệm là một lực hủy diệt, không thể tránh khỏi, tuy tác động nhẹ nhàng nhưng không thể chống lại được”.

Carl Jung, Nền văn minh trong thời kì chuyển giao.


Để trở thành một trong số ít những người thực sự sống, thay vì chỉ tồn tại, chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với các cuộc chiến của mình với khả năng thích ứng cao, nhằm đạt tới thành công tốt nhất. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể bắt đầu sống như vậy? Nói cách khác, làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi sự lười biếng và sợ hãi đang khiến nhiều người bị kẹt trong sự cứng nhắc? Một cách tiếp cận là thông qua việc sắp xếp lại ý thức về bản thân, để từ đó thay thế cái được gọi là cái tôi đã được xây dựng sẵn bằng cái tôi khám phá. Để hiểu cái tôi nào đang định nghĩa chính mình, chúng ta nên đặt câu hỏi sau: “Có phải khái niệm về bản thân của [chúng ta] dựa trên chức danh công việc, mức thu nhập, đặc điểm thể chất, tuổi tác, trình độ học vấn, vị trí hiện tại của nhà [chúng ta], chiếc xe mà chúng ta lái hay việc có những người bạn quan trọng không?

Al Siebert, Sức mạnh của khả năng phục hồi tinh thần


Nếu chúng ta trả lời câu hỏi này với sự khẳng định, thì chúng ta có một cái tôi được xây dựng. Nói cách khác, khái niệm về bản thân của chúng ta được tạo thành, hoặc được xây dựng dựa trên việc đạt được những giá trị và vật chất bên ngoài và mặc dù dạng nhận thức này rất phổ biến trong thế giới hiện đại, nhưng nó khác xa với điều lý tưởng, như triết gia Arthur Schopenhauer giải thích: 


Người đàn ông bình thường đặt hạnh phúc của cuộc đời mình vào những thứ bên ngoài anh ta, vào tài sản, đẳng cấp, vợ con, bạn bè, xã hội và những thứ tương tự, để khi anh ta đánh mất họ hoặc thấy họ thất vọng, nền tảng hạnh phúc của anh ta bị phá vỡ. Nói cách khác, trọng tâm của anh ta không ở trong chính anh ta; nó liên tục thay đổi vị trí, với mọi mong muốn và sở thích.

Schopenhauer, Trí tuệ đời người



Khi ý niệm về bản thân của chúng ta bị ràng buộc với những thứ bên ngoài thì trật tự của bản thân chúng ta phản ánh trật tự của thế giới bên ngoài. Khi trật tự đó ổn định thì ý thức về bản thân của chúng ta cũng vậy. Nhưng, khi trật tự đó bị phá vỡ, có thể do khủng hoảng kinh tế, xã hội hoặc cá nhân, thì những người có bản thân được xây dựng cũng có xu hướng tan vỡ. Để tránh đi điểm yếu của một cái tôi được xây dựng, chúng ta cần thay thế nó bằng cái tôi được khám phá. Cái tôi được khám phá được trau dồi thông qua sự phát triển của các đức tính, kỹ năng, đặc điểm tính cách và các năng lực cá nhân khác chứ không phải được xây dựng dựa trên những thành tựu bên ngoài. Ý thức về bản thân này được khám phá khi chúng ta trở thành con người hiện thực hóa những khả năng tiềm ẩn của mình và phát triển năng lực riêng biệt trong sự tương tác với thế giới và như Al Siebert giải thích:


Khả năng phục hồi sau tổn thương đến từ một cái tôi được khám phá, không phải là một cái tôi được xây dựng. Nó đến từ sự xuất hiện dần dần của những khả năng bẩm sinh, độc đáo của bạn trong một quá trình được gọi là cá nhân hóa. Bạn càng trở nên tốt hơn, bạn càng trở nên độc đáo hơn với tư cách là một cá nhân - và điều này là vô hạn. Nếu danh tính của bạn chủ yếu dựa vào các yếu tố bên ngoài, bạn sẽ cảm thấy lo lắng về sự thay đổi đe dọa nguồn danh tính của bạn. Bạn sẽ cố gắng giữ cho thế giới xung quanh bạn đóng băng tại chỗ. Nếu danh tính của bạn dựa trên phẩm chất, khả năng và giá trị cá nhân của bạn, bạn có thể để các phần của thế giới tan biến mà không cảm thấy bị đe dọa đối với sự tồn tại của bản thân. Với nhận thức vững chắc về bản thân mình, bạn có thể dễ dàng thích nghi và phát triển trong môi trường mới ”.

Al Siebert, Sức mạnh của khả năng phục hồi tinh thần


Một cái tôi được khám phá cực kỳ hữu ích trong cuộc chiến với sự sống vì hai lý do chính: thứ nhất, nền tảng trật tự bên trong của nó ổn định hơn nhiều và nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta, khác với trật tự bên ngoài của cái tôi được xây dựng. Thứ hai, một cái tôi được khám phá sẽ thích nghi dễ dàng hơn rất nhiều khi quá trình dẫn đến sự xuất hiện của nó, cụ thể là sự phát triển bản thân, giúp chúng ta thấm nhuần tất cả các loại kỹ năng và năng lực có thể được sử dụng để đối đầu với các trận chiến của cuộc đời. Michel de Montaigne, một nhà triết học thế kỷ 16, là một người đã dành phần lớn cuộc đời mình để theo đuổi một cái tôi được khám phá và đoạn văn sau đây có thể dễ dàng được sử dụng như cuốn cẩm nang cho chúng ta, những người muốn đi theo con đường này: “Không thể điều khiển các sự kiện, tôi điều khiển chính mình, và nếu chúng không phù hợp với tôi, tôi sẽ thích ứng theo chúng.

Montaigne, Giả định


Cách chắc chắn nhất để trau dồi cái tôi được khám phá là tìm ra mục đích sống hoặc sứ mệnh, và dành thời gian của chúng ta cho việc theo đuổi nó. Mục đích sống có thể là bất kỳ mục tiêu dài hạn có ý nghĩa nào nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người. Nó có thể là một mục tiêu sáng tạo, chẳng hạn như thành thạo một nghề thủ công hoặc kỹ năng, một mục tiêu thiết thực như như bắt đầu kinh doanh, hoặc một mục tiêu quả cảm, chẳng hạn như cống hiến bản thân cho một giá trị văn hóa quan trọng như tự do. Nhưng bất kể điều gì được chọn, mục đích của chúng ta phải thách thức và nhiều cảm hứng, và nó phải được chúng ta lựa chọn, không phải được chọn cho chúng ta.


Khi chúng ta tìm thấy một mục đích và bắt đầu sống một cuộc sống có mục đích, bản thân được khám phá của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Với mục đích, chúng ta phải đối mặt hàng ngày với những nhiệm vụ và thách thức mới, vì vậy chúng ta tạo ra một nền tảng lý tưởng để phát triển bản thân. Nói cách khác, khi chúng ta sống có mục đích, chúng ta tự nguyện mở rộng các kỹ năng và năng lực của mình, không chỉ khi bị ép buộc và trong quá trình này, chúng ta hiện thực hóa tiềm năng của mình và khai phá bản thân.


Mặc dù một số người có thể coi lời kêu gọi sống có mục đích là sáo rỗng, nhưng trên thực tế, đó có thể là vấn đề của sự tỉnh táo so với sự điên rồ hoặc thậm chí sự sống so với cái chết. Điểm này đã được nhấn mạnh bởi bác sĩ và tác giả người Hà Lan Joost Meerloo, người đã sống qua cuộc xâm lược Hà Lan của Đức Quốc xã và là một thành viên của cuộc kháng chiến chống Đức Quốc xã. Meerloo đã dành thời gian nghiên cứu những tác động tâm lý khi trở thành tù nhân của trại tập trung. Theo ghi chú của ông, hầu hết những người khi bị lôi ra khỏi nhà và chuyển đến nhà tù chỉ vì lý do tham nhũng chính trị và sự tàn ác của con người đều khó mà sống nổi. Nhưng ông chỉ ra thêm, có một số cá nhân không chỉ chịu đựng được những điều kiện như vậy, mà thậm chí có thể phát triển tột bậc bất chấp những khó khăn đó, và đi cùng với khả năng đáng kinh ngạc này là việc sống có mục đích, hay điều mà Meerloo gọi trong đoạn văn dưới đây, là một sứ mệnh hoặc mục tiêu bên trong:


Khi chúng ta xem xét các loại hành vi của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và cấp bách, chúng ta thấy con người có thể dễ dàng khuất phục như thế nào, đồng thời chúng ta thấy rằng một số yếu tố dường như có ảnh hưởng tích cực đến tinh thần của một người, giúp người ấy không bị tuyệt vọng và suy sụp. Khi những yếu tố này hoạt động, tinh thần sẽ hồi sinh và mọi người có thể sống hiên ngang bất chấp rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm. Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy tinh thần như vậy. . . Có lẽ hiệu quả nhất là cảm giác có những sứ mệnh và mục tiêu bên trong. Lý tưởng mà một người đàn ông xác định có thể là tình yêu quê hương đất nước, yêu tự do hoặc công lý, hoặc thậm chí là ý nghĩ thù hận và trả thù. Dù đó là gì, vào thời điểm khó khăn, một ý tưởng chỉ đường cũng cần thiết như sức mạnh thể chất và sự bền bỉ. "

Joost Meerloo, Sự xâm phạm của tâm trí



Nhà tâm lý học Viktor Frankl từng ở trong trại tập trung của Đức Quốc xã lặp lại những điều Meerloo đã quan sát được. Frankl có cái nhìn xa hơn khi nói rằng đối với ông và những người bạn tù của mình, một mục đích là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Không có mục đích hoặc “mục tiêu tương lai” để hướng tới, các tù nhân cảm thấy rất khó khăn để chịu đựng những điều kiện bất ổn và tàn bạo của cuộc sống trong trại. Frankl lưu ý rằng nhiều người không có mục đích đã bị khuất phục trước cái mà ông gọi là “sự từ bỏ”. Vào một buổi sáng, họ chỉ đơn giản là không chịu dậy, và như ông viết: “Vào thời điểm đó, chúng tôi biết rằng trong bốn mươi tám giờ tới, chúng tôi sẽ nhìn họ chết.

Viktor Frankl, Đi tìm lẽ sống


Trong khi hy vọng rằng, chúng ta sẽ không phải là một thế hệ buộc phải chịu đựng sự tàn bạo của các trại tù của chính phủ, những gì tương lai dành cho chúng ta không bao giờ biết trước được. Sự bất ổn trong xã hội đang che phủ tương lai của chúng ta, chế độ chuyên chế đang gia tăng trên toàn cầu, và khả năng sống tự do và thịnh vượng về kinh tế của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, sống có mục đích và nuôi dưỡng cái tôi được khám phá là một lựa chọn khôn ngoan ngay cả trong thời điểm xã hội ổn định, vì nó thúc đẩy sự vĩ đại của bản thân, trong thế hệ của chúng ta. Nó có thể là sự khác biệt giữa phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hỗn loạn so với chỉ đơn thuần là đau khổ để đáp ứng với sự hỗn loạn đang xoay quanh chúng ta:


Nếu có bất kỳ thời kỳ nào mà người ta mong muốn được sinh ra, đó không phải là thời đại Cách mạng; khi cái cũ và cái mới đứng cạnh nhau và thừa nhận bị so sánh; khi sức mạnh của tất cả mọi người được đánh thức bởi sợ hãi và hy vọng; Khi những vinh quang lịch sử của cái cũ có thể được bù đắp bằng những tiềm năng phong phú của thời đại mới? Lần này, giống như mọi lần, là một cơ hội tốt, nếu chúng ta biết phải làm gì với nó. "

Ralph Waldo Emerson, Học giả Hoa Kỳ


Dịch: Jade

Nguồn: https://academyofideas.com/2020/10/how-to-thrive-in-the-battle-of-life/


Bạn có thể theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

A Crazy Mind: https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết sáng tạo: https://www.facebook.com/acm.vietsangtao

A Crazy Mind Books - Những trang sách chạm đến tâm hồn: https://www.facebook.com/ACMbook.Healing

BFN Academy - Nghệ thuật chữa lành: https://www.facebook.com/bfn.academy

----

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành: http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi: https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

------------

Kênh youtube: https://bit.ly/3bBwaLJ

Kênh spotify: http://bit.ly/ACM-spoti

Kênh instagram: https://www.instagram.com/acrazymindvn/







BẢN THẢO
Bài viết liên quan