Làm Thế Nào Để Ngừng Nói Có Khi Bạn Muốn Nói Không

“Hãy sống vì chính mình chứ không phải vì bất cứ ai khác. Đừng để nỗi lo sợ bị đánh giá, bị từ chối hay ghét bỏ ngăn cản bạn được là chính mình” ~ Sonya Parker Tôi là một …

“Hãy sống vì chính mình chứ không phải vì bất cứ ai khác. Đừng để nỗi lo sợ bị đánh giá, bị từ chối hay ghét bỏ ngăn cản bạn được là chính mình” ~ Sonya Parker

Tôi là một người không thể cưỡng lại được việc đồng ý.

Thậm chí ngay cả khi trong đầu nghĩ là “không, không, không, không” thì miệng tôi vẫn lại thốt ra “có/ừ/được thôi”.

Tại sao việc nói từ “không” lại khó khăn đến như vậy? Nó chỉ là một từ đơn giản thôi mà, phải không?

Sau khoảng thời gian dài mắc kẹt với thôi thúc trở thành một người dễ đồng thuận, tôi bắt đầu ngồi lại suy nghĩ.

Tôi tự hỏi tại sao việc làm hài lòng tất cả mọi người lại quan trọng với tôi như vậy, đến mức khiến tôi sẵn sàng tự đẩy bản thân vào cảm giác căng thẳng và uất ức mỗi khi nghĩ lại những việc mình đã làm.

Tôi nhận ra việc mình không dám nói “không” xuất phát từ nỗi sợ lớn nhất của bản thân: sự từ chối. Tôi sợ rằng mỗi khi mình làm vậy, tôi sẽ làm ai đó thất vọng, khiến họ tức giận, làm tổn thương họ, hoặc biến mình thành một người không tử tế, thô lỗ trong mắt người khác.

Việc người khác nghĩ xấu về mình, đối với tôi, chính là sự khước từ đáng sợ nhất. Cho dù họ có nói thành lời những gì họ nghĩ về tôi hay không thì cũng không quan trọng. Điều ảnh hưởng tôi nhiều nhất chính là ý nghĩ rằng mình đang bị người khác coi thường.

Và thế là tôi đã nhận ra được lý do chính xác tại sao tôi thấy rất khó để nói “không”.

Tôi cũng nhận ra mình không phải là người duy nhất trải qua khó khăn này. Ngược lại, có rất nhiều người phải đối mặt với nó mỗi ngày. Có thể bao gồm cả bạn. Đây là một gánh nặng rất khó để đặt xuống, bởi vì đi kèm với thôi thúc nói “có/ừ” mọi lúc chính là sự thiếu tự tin vào khả năng và giá trị của bản thân. 

Nếu bạn cũng gặp khó khăn trong việc nói “không” như tôi thì bài viết này có thể giúp ích cho bạn.

Việc Nói “Không” Không Thể Hiện Rằng Bạn Là Người Xấu

Việc từ chối người khác không nói lên rằng bạn là một người thô lỗ, ích kỷ hay không tốt. Đây đều là những niềm tin độc hại khiến việc nói “không” trở nên khó khăn.

Biết được những niềm tin này xuất phát từ đâu là một cách hiệu quả để từ đó bạn có thể học cách buông bỏ chúng.

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao khi còn là một đứa trẻ, rất dễ để nói “không” nhưng khi lớn lên thì lại khó khăn đến vậy chưa? Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Vâng, khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng việc nói “không” là bất lịch sự, là không phải phép.

Nếu bạn nói “không” với bố mẹ, thầy cô, chú bác, ông bà…, nguy cơ cao là bạn sẽ bị coi như một đứa trẻ vô lễ, và còn có thể bị mắng một trận.

Và thế là với đầu óc non nớt của một đứa trẻ, bạn học được rằng nói “không” với người khác là điều không nên, còn “có/dạ/vâng” là những từ nên dùng thường xuyên bởi nó thể hiện sự lịch sự và khiến người xung quanh vui lòng.

Bây giờ chúng ta đều là người lớn, chúng ta đã trưởng thành hơn và có khả năng đưa ra lựa chọn của riêng mình, cũng như phân biệt được đúng sai. Do đó, “không” không nên bị xem là một từ cấm kỵ nữa, thay vào đó, nó nên là kết quả của quá trình suy nghĩ thấu đáo và ra quyết định cẩn thận của chúng ta.

Nhưng đáng buồn thay, chúng ta vẫn giữ niềm tin thời thơ ấu của mình và tiếp tục cho rằng nói “không” là việc đáng bị chê trách, là cách cư xử tệ, không tốt, hay là ích kỷ. Chúng ta lo lắng rằng nếu nói “không”, ta sẽ bị bẽ mặt, cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ và cuối cùng chẳng ai muốn ở bên ta nữa, chỉ còn lại cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi.

Biết Rõ Giá Trị Của Bản Thân

Bước thứ hai để học cách nói “không” là hiểu rõ những giá trị ở con người mình, và sau đó chọn tin vào những đánh giá của bản thân về chính mình thay vì những đánh giá xuất phát từ người khác.

Tôi đã học được rằng nếu bạn chọn sống một cuộc sống phụ thuộc vào sự thừa nhận của người khác, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tự do và hạnh phúc thực sự.

Khi bạn khao khát được người khác nghĩ tốt về mình cũng chính là lúc bạn đang tự nói với bản thân rằng: “Đánh giá của họ về tôi quan trọng hơn cách nhìn nhận của tôi về chính mình”.

Nếu suy nghĩ của bạn về giá trị của bản thân thực sự khá thấp, hãy nhớ rằng:

  • Vấn đề của bạn không định nghĩa nên con người bạn.
  • Phạm sai lầm là chuyện bình thường. Bởi vì không ai hoàn hảo cả, ai cũng có lúc làm những điều khiến bản thân thấy hối hận; con người chúng ta là thế. Vậy nên đừng quá khắt khe với chính mình.
  • Điều làm cho một người trở nên tuyệt vời không phải là ngoại hình hay thành tích của họ, mà là sự sẵn lòng yêu thương những người xung quanh, tính khiêm tốn, cũng như sự cố gắng trong việc không ngừng phát triển và hoàn thiện bản thân.
  • Bạn là duy nhất, bạn rất quý giá và quan trọng. Những gì bạn có thể mang lại cho thế giới này, không ai khác có thể thay thế được.

Điều Đó Có Thực Sự Đáng Để Nói “Có” Không?

Bước thứ ba để học cách nói “không” là quyết định xem liệu việc đó có thực sự xứng đáng để đồng ý hay không. Sau khi đã cam kết thực hiện một việc nhưng chưa suy nghĩ thấu đáo, dần dần cũng sẽ xuất hiện những nghi ngờ khiến bạn không còn quyết tâm làm như ban đầu nữa và rồi nghĩ mọi cách để thoát khỏi việc đó.

Và nếu bạn không nghĩ ra được lý do chính đáng nào, lúc này bạn chỉ còn hai lựa chọn: nói ra sự thật hoặc đưa ra lời nói dối.

Hãy nghĩ đến những nỗi khổ não, căng thẳng và bực bội mà việc đồng ý một cách bồng bột đã gây ra cho bạn đi. Lúc này bạn có thấy việc từ chối ngay từ ban đầu sẽ dễ dàng và đơn giản hơn nhiều không?

Tôi nhớ có một lần tôi đã nhanh nhảu đồng ý làm một việc để rồi sau đó cảm thấy rất tệ về điều đó, và cuối cùng tôi đã phải nói dối để không cần làm nữa. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy dằn vặt vì lời nói dối lúc ấy.

Đó là khi sếp gọi tôi vào một ngày nọ và hỏi liệu tôi có thể làm việc vào thứ bảy tuần sau không. Như thường lệ, tôi thốt ra một câu rất lịch sự “Vâng, tất nhiên rồi, không thành vấn đề ạ.” Những thực ra là tôi đã có kế hoạch vào ngày đó với bạn trai – điều mà tôi rất mong chờ

Sau đó, tôi cảm thấy rất tệ vì đã đồng ý thiếu suy nghĩ như vậy và ước rằng mình đã có can đảm để nói “không” ngay từ đầu.

Sợ hãi viễn cảnh phải đi làm vào ngày hôm đó, tôi gọi lại cho sếp với lý do tốt nhất mà mình có thể nghĩ ra. Tôi nói với cô ấy tôi đã hoàn toàn quên mất rằng thứ bảy tuần đó là sinh nhật của bố tôi và chúng tôi sẽ có một buổi họp mặt gia đình (sự thật là không có).

Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng việc nói đồng ý khi bản thân không muốn thật sự là chẳng đáng. Tôi có quyền nói “không” và không nên vì nỗi sợ làm người khác buồn mà phải trả giá bằng hạnh phúc của mình.

Nếu bạn cũng đồng ý với những điều tôi vừa nói, và bạn muốn học cách nói “không” với những thứ không đáng, hãy thử những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả này để có thể làm điều đó một cách tự tin hơn.

Mẹo Hữu Ích Cho Việc Nói “Không”

  • Hãy từ chối một cách thẳng thắng và trực tiếp, chẳng hạn như “Không, tôi không thể” hay “Không, tôi không muốn.”
  • Đừng xin lỗi và cố đưa ra lý do gì cả.
  • Đừng nói dối. Nói dối rất có thể sẽ dẫn đến cảm giác tội lỗi – và hãy nhớ rằng, đây là cảm giác mà bạn cần phải tránh.
  • Hãy nhớ rằng thà nói nói “không” ngay bây giờ để sau này khỏi phải bực bội, ấm ức, hối hận.
  • Hãy thể hiện sự lịch sự, chẳng hạn như “Cảm ơn vì đã hỏi.”
  • Luyện tập nói “không”. Hãy tưởng tượng một kịch bản và sau đó luyện tập nói “không” một mình hoặc với một người bạn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều với việc nói “không”.
  • Đừng nói là “Tôi sẽ nghĩ về điều đó” nếu bạn không muốn làm ngay từ đầu. Điều này sẽ chỉ kéo dài tình huống và khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn thôi.
  • Hãy nhớ rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào việc bạn làm được bao nhiêu việc cho người khác.

Học cách nói “không” là một trong những điều tốt nhất tôi đã làm cho bản thân mình. Nó không chỉ thách thức tôi vượt qua nỗi sợ bị khước từ, mà còn giúp tôi kiểm soát tốt hơn những quyết định của chính mình.

Tôi không còn cảm thấy bị mắc kẹt, bực bội hoặc tội lỗi nữa. Thay vào đó, tôi cảm thấy tự do và làm chủ được cuộc sống của mình.

Nếu bạn cũng muốn có được cảm giác tự do và tự chủ, thì hãy nắm lấy quyền kiểm soát, thử thách bản thân và học cách nói “không”.

——————————
Dịch: Thảo Mi
Biên tập: Lyo Kiu
Minh họa: Bảo Trân
Nguồn:  https://tinybuddha.com

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan