Liệu Bạn Bè Của Bạn Có Thật Sự Thích Bạn?

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ có khoảng một nửa số “tình bạn” là cảm xúc hai chiều, có nghĩa là, một người mà bạn tưởng rằng là bạn của mình lại có thể chẳng quan tâm gì đến bạn



Thử nghĩ về tất cả những người mà bạn đã tương tác trong khoảng thời gian một ngày, hay hàng tuần, tháng và năm. Tất cả những tâm hồn mà bạn đã trao đổi những lời chào hoặc cho đi những cái ôm ấm áp; tham gia vào những chuyện phiếm cùng nhau hoặc những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Tất cả những người mà do vô tình sắp đặt bởi số phận, cư ngụ trong thế giới nội tâm của bạn. Và sau đó hãy tự hỏi bản thân mình rằng, ai trong số họ là bạn của bạn – những người bạn thật sự. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ có khoảng một nửa số “tình bạn” là cảm xúc hai chiều, có nghĩa là, một người mà bạn tưởng rằng là bạn của mình lại có thể chẳng quan tâm gì đến bạn. Hoặc ngược lại, một người mà bạn cảm thấy hầu như chẳng thân quen gì lại nghĩ rằng bạn là bạn thân của cô/cậu ấy.


Đó là một phát hiện đáng ngạc nhiên đã làm dấy lên nhiều tranh luận giữa các nhà tâm lý học, nhà thần kinh học, các chuyên gia về hành vi tổ chức, các nhà xã hội học hay thậm chí các triết gia. Một số người nói rằng đó là do bản chất lạc quan của con người, nếu như không muốn nói là vị kỷ, cho việc thiếu kết nối giữa cảm nhận chủ quan và tình bạn thật sự. Một số người khác thì chỉ ra việc hiểu lầm giữa quan niệm về tình bạn trong thời đại mà từ “bạn” (friend) được sử dụng như một động từ, và hòa nhập xã hội hay loại trừ đều dễ dàng như một cái vuốt hay chạm nhẹ trên màn hình điện thoại. Đó là một mối lo ngại vì tính xác thực về các mối quan hệ của một người lại có ảnh hưởng lớn lên sức khỏe và hạnh phúc của người đó.


“Người ta thường không thích nghe rằng những người họ coi như bạn bè lại không coi họ là bạn bè”, Alex Pentland – một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tính toán tại MIT, đồng tác giả của một nghiên cứu gần đây trên tạp chí khoa học PLOS One có tựa đề “Bạn có phải là bạn của bạn bè mình không? Ngộ nhận về các ràng buộc về tình bạn làm hạn chế khả năng thúc đẩy thay đổi về hành vi”.


Nghiên cứu đó đã phân tích những mối quan hệ bạn bè giữa 84 chủ thể (tuổi từ 23 đến 38) trong một lớp học về quản trị kinh doanh bằng cách hỏi họ đánh giá một người khác trên thang 5 điểm, thấp nhất là từ “Tôi không biết người này” cho đến “Một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi”. Những cảm xúc hai chiều chiếm đến 53% trong khi kỳ vọng có đi có lại được chốt ở mức 94%. Điều này phù hợp với dữ liệu từ các nghiên cứu khác được tiến hành trong thập kỷ qua của 92000 đối tượng, trong đó tỉ lệ cảm xúc có qua có lại chỉ nằm từ 34 đến 53 phần trăm.


Ông Pentland nói rằng có thể là do “khả năng của tình bạn không có sự hồi đáp vi phạm và thách thức hình ảnh bản thân của một người.” Nhưng vấn đề có thể liên quan nhiều hơn đến sự nhầm lẫn về tình bạn là gì. Hỏi mọi người xung quanh rằng định nghĩa tình bạn là gì – ngay cả với những nhà nghiên cứu như ông Pentland – và bạn sẽ chỉ nhận được những sự im lặng gượng gạo sau những từ như “ờ” hoặc “ừm”.


“Tình bạn rất khó để miêu tả,” Alexander Nehamas – một giáo sư về triết học tại Princeton – viết trong cuốn sách mới nhất của ông mang tên “Về tình bạn” với gần 300 trang chỉ nói về vấn đề tình bạn. “Thật ra sẽ dễ hơn khi định nghĩa cái gì không phải là tình bạn, và trên hết, tình bạn không phải là một thứ có thể đo đạc được”.


Nó không phải là một phương thức để đạt được địa vị cao hơn, cố len lỏi được một lời mời của kỳ nghỉ ở nhà một ai đó hay đơn giản chỉ để thoát khỏi sự nhàm chán của bản thân bạn. Thay vào đó, Ông Nehamas nói rằng, tình bạn giống như vẻ đẹp hay nghệ thuật mà có thể khơi gợi nhiều điều sâu thẳm trong chúng ta và “được trân trọng bởi chính bản chất của nó”.

Tuy nhiên một trong những luận thuyết về tình bạn được công nhận nhất lại là “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Những ngôi sao ca nhạc như Taylor Swift và Drake được ngưỡng mộ với những tình bạn một cách có “chiến lược” và mang tính tuyên truyền của họ. Và, dĩ nhiên, các trang mạng xã hội là nền tảng để trưng bày tình bạn để đánh bóng hình ảnh cá nhân.


“Coi bạn bè như một dạng đầu tư hay hàng hóa là điều đáng nguyền rủa tới toàn bộ quan điểm về tình bạn”. Ông Ronald Sharp, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Vassar, người dạy một khóa học về văn học về tình bạn, phát biểu. “Tình bạn không phải là về việc người kia có thể làm gì cho bạn; mà đó là về việc hai bạn sẽ trở thành người thế nào nhờ có sự xuất hiện của người còn lại.”


Ông nhớ lại khoảng thời gian dài ông trò chuyện một cách tâm đắc với một người bạn của mình, Eudora Welty, người không chỉ nổi tiếng nhờ tác phẩm văn học đạt giải Pulitzer mà còn nhờ hiểu biết của bà về tình bạn. Họ đã cùng nhau biên soạn cuốn sách “The Norton Book of Friendship”, một tuyển tập những nghiên cứu về chủ đề này. Ông Sharp cũng chia sẻ, “Quan niệm về những người bạn chẳng cần làm gì mà chỉ cần dành thời gian bên cạnh nhau, theo cách nào đó, đã trở thành một thứ nghệ thuật thất truyền”, được thay thế bởi những tin nhắn và các dòng tweet. “Người ta quá để tâm đến việc làm thế nào khai thác tối đa hiệu quả mối quan hệ này đến mức chẳng còn cảm nhận được thế nào là một người bạn thật sự.”


Theo định nghĩa của ông ấy, bạn bè là những người mà bạn phải dành thời gian để thấu hiểu và cho phép họ hiểu bạn.


Bởi vì thời gian là hữu hạn, cho nên số người bạn mà bạn có thể có cũng vậy – theo một công trình của nhà tâm lý học tiến hóa người Anh Robin.I.M Dunbar. Ông mô tả “các lớp của tình bạn” (layers of friendship), nơi lớp cao nhất chỉ bao gồm một hoặc hai người, có thể là bạn đời hoặc người bạn thân nhất mà bạn cảm thấy gần gũi nhất và tương tác hàng ngày. Lớp tiếp theo có thể chứa tối đa khoảng bốn người mà bạn dành cho họ nhiều tình cảm, quan tâm và có nhiều điểm chung và thường yêu cầu tương tác theo tuần để duy trì tình bạn. Còn lại là những lớp bao gồm những người bạn xã giao thông thường mà bạn đầu tư ít thời gian hơn và có ít mối quan hệ sâu sắc hơn. Khi không liên hệ và giao tiếp thường xuyên, họ sẽ dễ dàng trở thành những người quen nhưng không thân. Bạn có thể tỏ ra thân thiện với họ, nhưng họ không phải bạn bè của bạn.


“Chúng ta chỉ có một lượng giới hạn thời gian và vốn cảm xúc nhất định để tương tác, bởi vậy chúng ta chỉ có thể có tối đa 5 chỗ cho các mối quan hệ nghiêm túc nhất.” – Ông Dunbar nói. “Người ta có thể nói rằng họ có nhiều hơn 5 mối quan hệ như vậy, nhưng bạn có thể khá chắc chắn rằng chúng không phải là những tình bạn chất lượng.”


Khoe khoang rằng họ có những tri kỉ để “để dành” như vậy là hàm ý rằng, trong một nền văn hóa mà chúng ta được dạy rằng dựa dẫm vào người khác là dấu hiệu của sự yếu đuối, còn người mạnh mẽ là người không để bất kỳ ai ảnh hưởng đến mình. Thế nhưng tình bạn đòi hỏi những quan tâm một cách dễ tổn thương (giống như việc chúng ta hay có quan niệm sai lầm rằng ai quan tâm nhiều hơn thì người ấy thua thiệt hơn vậy; nhưng cho dù thế nào thì vẫn sẽ quan tâm) cũng như việc tiết lộ những điều về bản thân bạn mà không giống như những gì bạn thể hiện trên Facebook hay Instagram. Ông ấy còn chia sẻ, niềm tin rằng mối quan hệ có thể kéo dài và bền chặt hơn bất chấp những khuyết điểm cá nhân hay những điều không may khó tránh khỏi là một rủi ro mà không phải ai cũng có thể sẵn sàng đón nhận.


Theo những chuyên gia y tế, đặt bản thân vào sự an toàn bằng cách giữ những mối quan hệ hời hợt hoặc không có tương tác mấy sẽ để lại những hậu quả về mặt thể chất. Những cảm xúc cô đơn và tách biệt không chỉ tăng nguy cơ tử vong ngang với việc hút thuốc, uống rượu và béo phì, mà bạn còn có thể mất các chức năng cảm xúc ở vùng dây thần kinh phế vị thông minh – nơi mà các nhà nghiên cứu não bộ cho rằng là nơi cho phép chúng ta thể hiện cảm xúc thân mật, giúp đỡ và gắn bó trong các mối quan hệ.


Theo Amy Banks, một nhà tâm thần học tại Trung tâm Wellesley cho phụ nữ cho rằng “Điều đó có đóng góp lớn trong việc giúp chúng ta có hoạt động tốt hay không ở hệ thần kinh đối giao cảm (trong vùng dây thần kinh phế vị thông minh này), vì nó điều tiết phản ứng “đánh-chạy-bất động” (fight, flight or freeze) trong bản năng của chúng ta.


Giáo sư Banks cho biết, sự hiện diện của một người bạn đích thực sẽ tác động lên vùng dây thần kinh phế vị sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn là khi phải dè chừng lúc ở cạnh người lạ hoặc người nào đó hay soi xét. Chúng cho phép chúng ta cảm thấy ổn, cởi mở với những cảm xúc mềm yếu bên trong, và giúp ta gắn kết qua những thời điểm mâu thuẫn. Nếu như không có tình bạn chân chính, vùng dây thần kinh phế vị sẽ không được vận động. Chúng sẽ dần bị tê liệt và khi cảm xúc lo lắng của ta luôn thường trực thì điều đó sẽ khiến việc xây dựng những mối quan hệ bền chặt, sâu sắc trở nên khó khăn.


Do đó, cũng đáng để tìm ra trong vô vàn những người mà bạn đối diện trong cuộc sống hàng ngày, ai mới là những người bạn chân thật của bạn. Ai là người dành thời gian cho bạn? Sự đồng hành bên cạnh ai sẽ khuyến khích bạn, làm giàu đời sống của bạn, khiến bạn trở nên khiêm nhường hơn? Bạn sẽ nhớ tới ai? Ai sẽ nhớ đến bạn? Tuy không có một định nghĩa thống nhất nào về tình bạn, nhưng về cơ bản chúng đều có một điểm chung là tình bạn định hình nên chúng ta và cho phép chúng ta nhìn thế giới qua nhiều góc độ. Thế giới khi ấy có thể tốt hơn hoặc tệ hơn, tùy vào việc chúng ta chọn ai là bạn. Như một câu nói từ xa xưa: “Hãy cho tôi biết ai là bạn của bạn, tôi sẽ chỉ cho bạn biết bạn là người thế nào.”


Nguồn: http://nyti.ms/2baMW6a


Dịch: Khánh Linh


Theo beautifulmindvn.com

BẢN THẢO
Bài viết liên quan