Mẹ rất giỏi che giấu những niềm đau

Con vẫn ở đây, vẫn luôn ở bên và lắng nghe mẹ, con sẽ yêu mẹ như cách mẹ yêu con, dù thế nào, mẹ con mình vẫn mãi là người thương của nhau, mẹ nhé! Mẹ từng lo lắng lỡ mai này con có người yêu, con có còn nhớ đến mẹ nữa không? Tôi đùa rằng: “Mẹ chỉ toàn lo lắng chuyện không đâu, nếu không nhờ có mẹ, làm sao anh ấy có được con ngày hôm nay cơ chứ!”


Có lúc nào em cảm thấy chán ghét cha mẹ của mình chưa?


Ở cái tuổi ẩm ương, thật khó để chúng ta có thể kết nối với cha mẹ mình. Nhưng không vì thế mà chúng ta chọn cách xa lánh và vô cảm với đứt gãy thế hệ đang đẩy chúng ta và cha mẹ rời xa nhau. Tôi luôn tin rằng chỉ cần có được sự nỗ lực song phương trong kết nối và thấu hiểu, cha mẹ có thể trở thành một người bạn tốt để đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời . Chúng ta thường đổ lỗi vì ba mẹ áp đặt, vì ba mẹ vô tâm, nhưng bạn có biết rằng những lúc ba mẹ cần lắng nghe nhất, bạn lại chọn cách khóa cửa phòng để tôn thờ sự tự do và tĩnh lặng của chính mình. Trong bất kì mối quan hệ nào, tình cảm gia đình nói riêng và các quan hệ giữa người với người nói chung, lắng nghe và thấu hiểu chính là chìa khóa để tháo gỡ những mâu thuẫn và xung đột. Bạn oán trách ba mẹ không hiểu mình, bạn than vãn không biết tại sao mình lại là con của ba mẹ mà không phải là con của một gia đình nào khác. Tình cảm gia đình giống như tình yêu, những ngày đầu khi con mới chào đời, tình yêu của mẹ dành cho con nồng thắm trong sự bế bồng chăm sóc. Thời gian trôi đi, con ngày một lớn khôn và rời xa vòng tay của mẹ. Mẹ dần mất đi sự kiểm soát về thể chất và tinh thần của con, mẹ cảm thấy bất lực khi con bắt đầu chống đối lại mình. Đến một ngày hai mẹ con cãi vã, giống như hai người yêu nhau bước qua giai đoạn thắm thiết ban đầu, giờ đây cả hai bên chỉ nhìn thấy ở nhau những khuyết điểm và vụn vỡ.


“Con thích học nhảy, tại sao mẹ lại phản đối con?”

“Mẹ không đồng ý, con gái con đứa tập trung vào học, nhảy nhót chỉ hư người thôi”

“Mẹ đã bao giờ xem con nhảy một cách nghiêm túc đâu mà lại phán xét con như thế!

“Con thích một người, bạn ấy là người tốt, là động lực để con học tập, điều đó có gì sai”.

“Không yêu đương sớm, tập trung vào học”.

 

Lúc nào cũng “học, học”, mẹ đang đẩy con ra xa, hay chính bản thân con đang đẩy bản thân mình rời xa những cá tính và chất riêng của một người mạnh mẽ. Con giả vờ quên đi những điều con thích, con không dám thử cũng chẳng dám sai, rồi sự nuối tiếc trong con ngày một lớn dần trong khi con chỉ biết ngồi một chỗ .Con sẽ lại như các bạn đồng trang lứa, như những chú gà công nghiệp được nuôi nhốt trong lớp học, ngày ngày đi học mà không biết học để làm gì, con sẽ dần nhận ra mình chỉ là gà chứ không thể là đại bàng để sải cánh tung bay.

 

Hằng đêm con khóc, mẹ có biết không? Mọi người thường sợ màn đêm nhưng con lại yêu quý màn đêm, bóng tối và những vì sao lấp lánh đã che chở cho con để không ai biết con đang buồn và cô đơn biết mấy! Con khóc vì những người yêu thương con nhất không hiểu con đang nghĩ gì? Con khóc vì mẹ con mình đã làm tổn thương nhau chỉ vì cái tôi háo thắng? Con khóc vì con biết rằng dù con ngoan cố và bướng bỉnh, mẹ vẫn yêu con và rộng lòng tha thứ. Có những lần mẹ đánh con, đánh xong hai mẹ con mình ôm nhau khóc, mẹ bảo con: “Mẹ đau hơn con rất nhiều!”.

 

Mẹ là người phụ nữ nghiêm khắc với tôi nhưng luôn kiên cường và lạc quan trong cuộc sống. Ba tôi là bộ đội, ba ít khi về nhà do phải công tác ngoài đảo xa. Trước khi lấy ba tôi, mẹ nói với tôi rằng: “Con gái ạ, làm vợ lính phải chấp nhận hi sinh, con là con nhà lính nên phải mạnh mẽ và kiên cường như mẹ nhé!”. Một mình ở Hà Nội, mẹ phải làm lụng vất vả để có thể đáp ứng cuộc sống đủ đầy cho tôi và em trai nơi thành phố. Từ một cô gái nghèo thôn quê lên làm ăn nơi xứ người, mẹ đã làm tất cả để cho chúng tôi có được một cuộc sống hạnh phúc. Nhớ những ngáy giáp Tết, năm ấy tôi tròn chín tuổi, tôi bị sốt xuất huyết, mẹ vội đưa tôi đi nhập viện trong khi vẫn phải sắm sửa lo toan cho hai đằng nội ngoại. Tôi truyền nước trong viện một mình, khi hết nước, tôi lon ton chạy sang phòng bác sĩ gọi: “Cô y tá ơi, cháu hết nước rồi, cô thay bình truyền cho cháu ạ!”. Cô y tá hốt hoảng chạy ra: “ Đêm hôm thế này, cháu đi đâu, bố mẹ cháu đâu”. Tôi lễ phép thưa “Dạ, mẹ cháu mệt lắm, cháu để mẹ cháu về nhà ngủ một chút, còn ba cháu đi làm rồi ạ”.



Tôi và em tôi luôn thấu hiểu những lo toan và vất vả ấy. Có những khi mẹ gắt lên vô cớ, mẹ mắng chúng tôi như một cách để xả stress vì không thể giải tỏa ở chỗ nào khác được, có những khi mẹ mệt mỏi chỉ nằm dài trên ghế, chúng tôi lại vội vàng lấy nước và khăn mặt để đắp lên trán mẹ, xoa đầu cho mẹ. Tôi không trách mẹ, bởi mẹ cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, mẹ không hoàn hảo, mẹ còn thiếu sót, nhưng chỉ cần tấm lòng của những người làm con như tôi luôn bao dung và đủ đầy, tôi sẽ luôn dành tình yêu và sự sẻ chia vào những lúc mẹ tưởng chừng mình đã kiệt sức.

Con vẫn ở đây, vẫn luôn ở bên và lắng nghe mẹ, con sẽ yêu mẹ như cách mẹ yêu con, dù thế nào, mẹ con mình vẫn mãi là người thương của nhau, mẹ nhé!

Mẹ từng lo lắng lỡ mai này con có người yêu, con có còn nhớ đến mẹ nữa không?

Tôi đùa rằng: “Mẹ chỉ toàn lo lắng chuyện không đâu, nếu không nhờ có mẹ, làm sao anh ấy có được con ngày hôm nay cơ chứ!”

 

 CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN

Cô giáo tôi là một người hiền hậu, cô dạy Toán lớp tôi suốt ba năm cấp ba. Cô nghiêm khắc trong giảng dạy nhưng bên ngoài là một người hài hòa, vui tính. Trong giờ giảng, cô rất hay mỉm cười và mắng chúng tôi rằng: “Cái lớp A9 này đáng yêu thế không biết! Để cô gọi một đứa lên bảng chữa bài”. Đằng sau nụ cười đó, chúng tôi đâu biết rằng trái tim cô ẩn chứa nhiều nỗi đau. Bé nhà cô năm nay được tròn sáu tuổi, em mắc một căn bệnh nan y mà người ta hay gọi là “máu trắng”. Cô đã phải bán nhà để có đủ viện phí đưa em sang nước ngoài chữa bệnh. Cô không muốn chúng tôi lo lắng nên lúc nào cũng nở nụ cười “Không sao, không sao, cô cảm ơn cả lớp, các con học tốt là niềm hạnh phúc của cô rồi!”. Cô lúc nào cũng vậy, luôn trấn an chúng tôi rằng cô ổn, các con đừng lo lắng, hãy tập trung học để đem lại động lực cho cô. Người mẹ nào cũng thế, họ luôn biết cách trấn an các con rằng mẹ ổn, không sao đâu, nhưng trong lòng họ đang ngổn ngang những lo toan, sợ hãi và mất mát. Mẹ sợ ngày mai tỉnh dậy sẽ không thể nhìn thấy con nữa, mẹ sợ mất con vì con chính là mẹ, mất con chẳng khác nào mẹ mất đi một phần cơ thể của mình. Dù chỉ còn một tia hi vọng nhỏ nhoi, mẹ cũng sẽ nắm lấy và níu giữ lấy nó. Hành trình làm mẹ là một con đường dài vất vả khi hằng ngày mẹ nhìn con khôn lớn, mong con chập chững bước đi những bước đầu tiên, mong con bập bẹ nói “Mẹ ơi”, hai tiếng giản đơn khiến lòng mẹ ngập tràn hạnh phúc. 

 

Học kì hai lớp mười một, cô nghỉ dạy một thời gian, lớp tôi buồn trong những tiết tự học, bầu không khí bao quanh chợt nặng nề và đặc quánh. Nhà trường cũng có phân công các giáo viên khác đến dạy thay nhưng trái tim chúng tôi vẫn thầm gọi: “Sao mẹ Hằng chưa đến?”. Tôi nhớ những tiết học toán của cô đầy ắp tiếng cười và niềm vui, nhớ cái cảm giác đã đời sau mỗi tiết học, cánh tay tôi mỏi rã rời vì phải tính toán và vẽ hình liên tục, nhớ những lời nhắc nhở của cô khiến tôi tỉnh ngộ khi đứng lóng ngóng làm mãi chẳng xong một bài trên bảng. Cô với chúng tôi không chỉ là tình nghĩa thầy trò kết nối với nhau bằng những con số hình học của môn Toán, tình cảm và sự yêu thương mà chúng tôi dành cho cô là sự quan tâm của những người con dành cho mẹ của mình.

 

Bạn thấy đấy, chúng ta thật hạnh phúc khi có những người mẹ, họ không chỉ là điểm tựa tinh thần của ta mà còn là nơi ấn chứa sức mạnh của tình thương và tấm lòng hi sinh vô bờ bến. Không phải tự nhiên tình mẫu tử lại trở thành niềm cảm hứng để văn học và các tác phẩm nghệ thuật ra đời. Hằng năm, cứ vào rằm Tháng bảy, tôi tự hào khi mình được cài trên áo một bông hồng đỏ thắm, sắc đỏ nhắc nhớ tôi về chữ “đức” của một người làm con, về chữ “nhẫn” mà tôi cần học trong suốt cả cuộc đời.

 

Chú thích: Theo phong tục Tết Vu Lan báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch, những ai còn đầy đủ cha mẹ sẽ cài lên áo hoa hồng đỏ, những ai không còn cha mẹ sẽ cài hoa hồng trắng, những ai chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ cài hoa hồng đỏ nhạt màu hơn.


Người viết: Lily Trương

Ảnh: Pinterest

__________

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

 

 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan