Người Ái Kỉ Che Đậy Sự Thao Túng và Dựng Lên Vỏ Bọc Như Thế Nào?

Tôi nghĩ bạn đã từng ở trong tình huống này rồi. Dù bạn hiểu rõ về chứng ái kỉ, bạn biết ai là người ái kỉ, nhưng những người đó luôn có những “bùa may mắn” bảo vệ họ, giúp …

Tôi nghĩ bạn đã từng ở trong tình huống này rồi. Dù bạn hiểu rõ về chứng ái kỉ, bạn biết ai là người ái kỉ, nhưng những người đó luôn có những “bùa may mắn” bảo vệ họ, giúp họ che đậy hoàn hảo những góc tối trong tâm hồn. Thực sự khá là khó để sống trong một thế giới dường như được tạo ra để nuôi dưỡng và phục vụ những kẻ lừa lọc và thao túng ấy.

Những “con tắc kè hoa” này có rất nhiều mặt nạ mà họ tự hào trưng ra cho người khác xem, mặt này lại lừa dối hơn mặt nọ. Họ có thể nói chuyện và tham gia vào bất cứ hội nhóm nào và được tất cả mọi người yêu thích. Tuy nhiên, không đơn giản như thế – họ thường sẽ nhắm đến một mục tiêu, một người có lòng trắc ẩn, tính chính trực và sự cảm thông. Vì sao ư? Vì người ái kỉ ghen tị với tất cả những người tốt hơn họ. Trong suy nghĩ của người ái kỉ, những người như vậy là một mối đe dọa cần phải được loại bỏ. Người ái kỉ cần dập tắt ánh hào quang của người đó.

Thật buồn cho người ái kỉ là những “mục tiêu” sẽ nhanh chóng nhận ra bản chất của người ái kỉ. Họ sẽ nhìn thấy bộ mặt thật phía sau những lớp mặt nạ, nhưng họ sẽ chẳng làm được gì khi đã lấn quá sâu vào mối quan hệ với người ái kỉ. Hình thức lạm dụng này xuất hiện trong mọi mối quan hệ, từ yêu đương, gia đình đến các mối quan hệ công việc. Nó xảy ra trong bất kì tình huống nào mà người ái kỉ có thể lạm dụng, thao túng một người khác. 

Vậy làm thế nào mà người ái kỉ che đậy được sự thao túng của mình và vẫn được nhìn nhận là một người tốt?

Người ái kỉ rất chuyên nghiệp trong việc kiểm soát suy nghĩ của người khác về họ. Người ái kỉ có thể khen ngợi những “con mồi” của mình trước mặt người khác, nhưng lại hạ nhục và chỉ trích họ khi riêng tư. Người ái kỉ có khả năng kích động người khác phản ứng một cách dữ dội, khiến cho họ trông có vẻ bất ổn về cảm xúc. Đó chính là cách người ái kỉ âm thầm lạm dụng nạn nhân bằng cách biến họ thành kẻ lạm dụng trước mặt người khác. 

Mỗi khi tiếp xúc với một người mới, người ái kỉ lập tức “gắn nhãn” cho người đó: một loại là hữu dụng và có khả năng trở thành mối đe dọa, loại còn lại là không cần quan tâm. Những người được gắn nhãn “mối đe dọa” thường có những ưu điểm mà người ái kỉ cho là quan trọng, ví dụ như trình độ học vấn, tài năng, thành tựu, năng lực, v.v.. Ban đầu, họ được người ái kỉ khen ngợi và ngưỡng mộ, nhưng sau đó sẽ bị hạ thấp giá trị và vứt bỏ không thương tiếc.

Người ái kỉ xây dựng một “bệ đỡ” hoành tráng cho nạn nhân để từng bước hủy diệt họ. Đầu tiên người ái kỉ tôn thờ nạn nhân, nhưng sau đó lại khiến họ mất cân bằng vì không biết mình có vị trí thế nào trong cuộc sống của người ái kỉ. Đây là cách người ái kỉ tiêm nhiễm nỗi đau và sự nghi hoặc vào trái tim của nạn nhân.

Cứ như vậy, nạn nhân sẽ vừa bị khinh thường, vừa được tôn thờ cùng một lúc, cùng các nạn nhân khác, cho đến khi bị đá khỏi bệ đỡ vì dám vạch mặt và tố cáo người ái kỉ.

Trong mê cung thao túng và chiêu trò của người ái kỉ, kẻ thắng cuộc duy nhất có chăng là chính bản thân họ và những nạn nhân may mắn thoát ra được và tiếp tục sống.

Hơn nữa, người ái kỉ có một cái gì đó khiến người khác tin tưởng. Có thể là ngoại hình đẹp, sự cuốn hút, sự thông minh, một thứ gì đó hấp dẫn người khác. Đây là khi hiệu ứng lan tỏa – “halo effect” – vận hành, tạo ra xu hướng lấy một ưu điểm cụ thể (“Anh ấy thật cuốn hút”) và gắn cho toàn bộ tính cách của người đó (“Chắc hẳn anh ấy cũng thông minh và là một người tốt!”).

Người ái kỉ dành cả cuộc đời để xây dựng một vỏ bọc cực kì cuốn hút về bản thân mình, vậy nên trước mặt người khác họ là người rất quan tâm, ấm áp và tốt bụng. Họ điều khiển mọi người bằng vẻ đáng tin cậy và trung thực giả tạo ấy. Họ lựa chọn “con mồi” cẩn thận, những người chưa hiểu rõ bản thân mình hoặc sẵn sàng bỏ qua những tín hiệu cảnh báo.

Tuy nhiên, nếu người ái kỉ cảm thấy họ có nguy cơ bị lật mặt, với bản chất luôn muốn tạo ra “drama”, họ sẽ tự bảo vệ bản thân mình và tố cáo chính nạn nhân mới là “hung thủ”, là người gây chuyện.

Lý do chúng ta không biết nên làm thế nào với những người thao túng này là vì: khi ai đó đối xử tệ và lạm dụng ta theo một cách nào đó, lòng cảm thông và nhân ái của ta lại nổi lên, thuyết phục ta rằng sâu thẳm bên trong họ vẫn là người tốt.

Đó là lý do bạn cần phải lắng nghe giọng nói bên trong và nói ra suy nghĩ của mình. Nếu bạn cũng là một người sống sót, hãy cùng lên tiếng và nâng cao sự nhận biết về người ái kỉ và những hành vi của họ. Đó là cách chúng ta cùng nhau tạo ra làn sóng thay đổi và ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ người ái kỉ.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn:  https://thepowerofsilence.co/how-the-narcissist-gets-away-with-abusing-people-and-come-off-as-a-good-person/

Dịch: Sophie Nguyen

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan