Những Đứa Trẻ Bị Ra Rìa

Điều tồi tệ gì sẽ xảy ra khi lời trêu đùa ấy ngày một nhiều, và những đứa trẻ đó bắt đầu đi vào những giải pháp, mà chúng cho là đúng đắn để dành lấy tình yêu thương của bố mẹ?


Có lẽ, trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng đã từng được nghe câu :


"Bố mẹ mày có em, mày sắp bị cho ra rìa rồi."


Có thể chúng ta đã từng là đứa trẻ đó, đứa trẻ mà luôn bị dọa là sẽ cho ra rìa ấy. Cũng có thể chính chúng ta đã từng nói câu đó với một đứa trẻ, hoặc đã chứng kiến nó từ một người khác. Điều này vô cùng hiển nhiên, và nó hình như là xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Tôi biết, có thể những người khi thốt ra câu nói đó họ chẳng có một tí ác ý gì cả, họ chỉ nghĩ đơn giản là đang trêu chọc hay thử phản ứng của một đứa trẻ sau bị mọi người trêu đùa thì như thế nào, xem nó có khôn không, có biết thương em không. Ngoài ra, họ không hề có ý xấu gì cả. Họ lại càng không biết rằng, câu nói của mình có thể để lại một hậu quả khôn lường nào đó. 


Nhưng rồi, dù muốn dù không chúng ta cũng phải biết và công nhận một sự thật rằng, những câu nói tưởng chừng như hoàn toàn vô hại ấy, lại tai hại vô cùng. Đã có rất nhiều những trường hợp, câu chuyện đáng thương xảy ra cũng vì những câu nói vô tư như thế. Một cô bé bế em mình ra ban công rồi thả em xuống đất. Một cô bé 6 tuổi khác đã cầm dao giết em của mình. Có những trường hợp may mắn hơn là người lớn phát hiện kịp thời, hoặc những đứa trẻ bị cho ra rìa ấy chúng mới chỉ dám cấu, cào em cho hả cơn tức giận của mình. Và điều đáng buồn nhất là tất cả những câu chuyện đau lòng ấy, chỉ đều xuất phát từ những câu nói trêu đùa của người lớn mà thôi. Nó có đáng không? Không đáng một chút nào. 


Cũng từ những câu nói vô thưởng vô phạt đó, mà vô tình đẩy những đứa trẻ ấy thành một con người chỉ biết đố kỵ, ghen tị, và chúng luôn sống trong những nỗi lo vô căn cứ do câu nói ấy tạo nên. Chúng lo sợ bố mẹ có em rồi không thương chúng nữa, không cần chúng nữa, nỗi lo sợ và sự tủi thân cứ bao vây lấy chúng, khiến chúng lại càng thêm ghét em của mình. 


Chúng vô tình la hét khi đang chơi thì đột nhiên bị mắng.


"Im cái miệng cho em ngủ, em mà dậy là con no đòn với bố / mẹ."

"Con mà không ngoan bố mẹ bán đi, chỉ nuôi mình em thôi đấy."

"Em còn nhỏ, con phải nhường em chứ." 


Đó là ba câu nói trong vô vàn những câu nói có ý nghĩa tương tự như thế. Dẫu biết rằng, những câu nói ấy chỉ là đang dọa một đứa trẻ cho chúng ngoan hơn, biết thương em hơn, nhưng người lớn lại quên mất một điều rằng chúng cũng chỉ là những đứa trẻ, cũng cần được yêu thương và bảo vệ. Đôi khi là cần một sự giải thích thay vì sự hù dọa, cần một sự công bằng hơn là nhường nhịn. Bởi tôi luôn cho rằng, sự công bằng là một yếu tố rất quan trọng trong việc dạy dỗ hay phân chia một thứ gì đó giữa các đứa con với nhau.


Nếu công bằng thì sẽ không đứa con nào phải ghen tị hay tủi thân nữa cả. Có như thế, chúng sẽ không nuôi dưỡng những suy nghĩ tiêu cực về bố mẹ, về đứa em của mình. Và sự công bằng sẽ luôn tồn tại trong chúng, đó là bước khởi đầu cho sự phát triển những suy nghĩ tích cực, tư duy bình đẳng cho chúng sau này. Vì đơn giản chúng cũng chỉ là những đứa trẻ, cách đối xử của chúng với người khác hoàn toàn thuộc về bản năng, và cách đối xử ấy là tất cả những gì chúng được học từ mọi người xung quanh, gia đình, họ hàng, môi trường mà chúng được tiếp xúc. 



Những đứa trẻ rất cần quan tâm một cách công bằng | Nguồn ảnh: EY


Nói đến đây, tôi lại chợt nhớ đến một câu chuyện dân gian tôi đã được đọc từ rất lâu, nên tôi không nhớ rõ từng chi tiết, mong mọi người thông cảm nhé.


 Có một gia đình nọ có bốn người, một ông bố già, một đôi vợ chồng trẻ và một đứa con nhỏ. Ông bố đã lớn tuổi không làm lụng được gì nữa cả. Thế là, ông ta trở thành gánh nặng cho đôi vợ chồng trẻ kia. Ngày ngày, họ chỉ cho ông ăn cơm với rau, nhưng lâu dần lại cảm thấy đến cả rau cũng tốn kém. Thế là họ bàn với nhau ra chợ mua một cái sọt để bỏ ông vào đó rồi đưa đi một nơi rất xa. Khi màn đêm buông xuống, người chồng bỏ ông bố vào sọt buộc chắc chắn lại rồi vác đi. Đứa con từ ở trong nhà chạy ra gọi to:


"Bố ơi, bố đưa ông đi thì nhớ đưa cái sọt về nha bố?"


Người bố không hiểu quay lại hỏi :


"Để làm gì hả con?"


Đứa trẻ ngây thơ ấy nói tiếp :


"Để sau này bố già, không làm gì được nữa con cũng sẽ bỏ bố vào đó."


Người bố nghe xong thì loạng choạng, ông đứng người trước câu nói của đứa con ngây thơ, rồi vội vàng đưa người bố già trở vào nhà.


Có thể các bạn thấy rằng tôi đang lạc đề, câu chuyện này không hề liên quan đến câu chuyện những đứa trẻ bị ra rìa kia. Đúng mà nói, thì nhìn chung chúng là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhưng các bạn có phát hiện ra điều gì giống nhau giữa hai câu chuyện mà tôi muốn nói không? 


Đó là những đứa trẻ, chúng chính là những tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Những lời nói, hành động của người lớn tác động đến đứa trẻ nhiều vô cùng. Nếu chúng ta trao yêu thương đúng cách, thì chắc chắn sẽ chẳng có đứa trẻ nào cảm thấy bị bỏ rơi, tủi thân trong chính gia đình của mình. Nếu dành cho đứa em một cái ôm, hay một cái hôn, thì người chị hay người anh cũng cần được như thế. Nếu dành cho đứa em những lời nói ngọt ngào, thì người anh/chị cũng muốn được nghe những lời nói ấy. Và đừng bao giờ phớt lờ một câu nói, một sự phản kháng nào của một đứa trẻ cả.


"Con ghét em nhất trên đời, con không bao giờ thương em."

" Bố/mẹ ơi, bác hàng xóm nói nhà mình có em, có phải con sẽ bị ra rìa không?"


Tất cả chúng ta đều bật cười vì những câu nói ngây ngô như thế, cho đó là trẻ con, chúng nói vậy rồi sẽ quên ngay thôi, và hầu hết là phớt lờ đi, hoặc có người còn gật đầu đồng ý và nói rằng:


 "Con mà không ngoan là bố/mẹ cho ra rìa thật đấy."


Chúng ta không hề dừng lại để giải thích cho những đứa trẻ đó hiểu, để chúng biết rằng bố mẹ vẫn yêu thương chúng giống như em, và những lời nói của mọi người là không đúng. Trẻ con chúng chỉ cần như thế thôi là đã có thể yên tâm rồi.


 Tất cả những câu chuyện đau lòng, bi kịch ấy xảy ra từ sự đố kỵ của những đứa trẻ được làm anh, làm chị. Mà sự đố kỵ đó lại được nuôi dưỡng và phát triển bởi sự thiếu quan tâm hoặc dạy dỗ sai cách của bố mẹ, và những lời nói đùa tai hại của hàng xóm láng giềng.  


Vì thế, để những bi kịch đó không xảy ra thì chính chúng ta phải có cái nhìn khác về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của những câu nói chỉ mang tính chất vô tình, trêu chọc ấy. Và chúng ta phải quan tâm, để ý đến biểu cảm, cảm xúc của những đứa trẻ nhiều hơn, đặc biệt là không bao giờ được phớt lờ những lời nói ngây ngô ấy. Để chúng luôn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, để chúng luôn cảm thấy mình không bị bỏ rơi, được an toàn, và để chúng thấy mình luôn luôn được đối xử công bằng với người em của mình. Cuối cùng, sau tất cả là để không một điều đau buồn, đáng tiếc gì có thể xảy ra nữa. 


Tác giả : Mai Trang. 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan