Chấn thương tâm lý: Những đứa trẻ “đóng vai” cha mẹ (parentification)

Những chấn thương tâm lý cấp tính hay tiềm ẩn đến từ những trải nghiệm thời còn nhỏ đều có thể ảnh hưởng ta đến suốt đời. Có những chuyện tuy xảy ra nhiều năm trước vẫn ảnh hưởng sâu sắc …

Những chấn thương tâm lý cấp tính hay tiềm ẩn đến từ những trải nghiệm thời còn nhỏ đều có thể ảnh hưởng ta đến suốt đời. Có những chuyện tuy xảy ra nhiều năm trước vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ, lòng tự trọng và chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày nay.

Một dạng chấn thương tâm lý hiếm khi được đề cập đến nhưng độc hại không kém đó chính là khi trẻ đóng vai “cha mẹ” – phụ huynh hóa (parentification). Không giống như hành hạ về mặt thể chất, việc trẻ đóng vai “cha mẹ” rất khó nhận ra trong hoàn cảnh gia đình, nhưng nó để lại một lỗ hỏng rất lớn trong tâm lý của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ trưởng thành sớm đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống. Ví dụ, trẻ em bị “phụ huynh hóa” có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn khi trưởng thành. 

Phụ huynh hóa là một hình thức “đảo ngược vai trò” trong gia đình khi một đứa trẻ bị bắt đảm nhận trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ. Ngoài việc chăm sóc bản thân, họ phải trở thành bạn tâm giao của cha mẹ, người chăm sóc anh chị em, người hòa giải trong gia đình, v.v. Đây được xem như một sự vi phạm ranh giới của một đứa trẻ bởi vì chúng vừa bị cướp đi cả một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, thứ tuổi thơ mà chúng xứng đáng. 

Những biểu hiện cho thấy trẻ “trưởng thành” sớm: 

Việc trẻ bị “phụ huynh hóa” xảy ra theo hai cách: dưới dạng cảm xúc và dưới dạng chức năng.

Dạng tình cảm là khi một đứa trẻ bị buộc đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc của cha mẹ, anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình một cách thường xuyên hoặc hàng ngày.

Một số cha mẹ vô tình làm tổn thương con cái bằng sự kém ổn định về mặt cảm xúc, thiếu trưởng thành và sức khỏe tinh thần yếu. Các cha mẹ có tính cách “trẻ con” hoặc chưa phát triển về mặt cảm xúc thường bận tâm với cuộc sống của họ hơn là con cái mình và từ chối chăm sóc cho con mình cũng như thấu hiểu những mong muốn và nhu cầu của chúng. 

Những đứa trẻ có tính cách nhạy cảm, có tài năng và năng khiếu đặc biệt dễ bị “phụ huynh hóa” hơn. Về bản chất, họ đồng cảm, nhạy bén với tình huống và có trực giác tốt hơn những người khác. Họ nhận thức sâu sắc về tâm trạng và sắc thái của mọi người xung quanh. Họ nhìn, nghe và cảm nhận được những thứ mà người khác không thể diễn tả như nỗi đau buồn của cha mẹ và dấu hiệu “độc hại” trong hệ thống gia đình. Hơn nữa, họ dễ đồng cảm với nỗi đau của người khác. Họ nhận ra sự đau khổ và tổn thương của người cha người mẹ ngay cả khi không ai nói một lời. Bằng cách vô tình nào đó, người khác cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi dựa dẫm vào những đứa trẻ mang đặc tính này. 

Những hành vi độc hại bao gồm cả hành vi loạn luân trong bí mật hoặc luận luận về mặt tình cảm. Cha mẹ trông chờ vào con của họ điều mà họ chỉ có thể nhận được từ bạn đời, như được hỗ trợ và kết nối. Có lẽ cha mẹ cảm thấy họ đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không ổn định, dẫn tới sự cô đơn và trống rỗng. Khi cảm nhận được điều đó, một đứa trẻ nhạy cảm sẽ muốn lấp đầy chỗ trống đó. Sự lạm dụng về mặt tình cảm không cần phải liên quan đến bất kỳ hành vi tình dục, đụng chạm nào nhưng cũng đủ để đối phương cảm thấy ngột ngạt.

Ví dụ: cha mẹ có thể tâm sự với đứa trẻ về sự thất vọng trong cuộc sống tình dục, khóc lóc quá nhiều trước mặt trẻ hay ngủ chung giường với trẻ / vị thành niên để tránh thân mật với vợ/ chồng mình. Thậm chí một số còn đưa ra những nhận xét mang tính khiêu dâm về cơ thể đang phát triển của trẻ. Thông thường, sự thù hận cũng đóng vai trò trong mối quan hệ này, khiến cho đứa trẻ cảm thấy tội lỗi nếu chúng muốn ở một mình. Đứa trẻ phải mang trong mình nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của cha mẹ và chịu trách nhiệm về hạnh phúc của họ.

“Phụ huynh hóa” thể hiện qua công cụ / vật chất / thể chất cũng giống như “phụ huynh hóa” thể hiện qua tình cảm nhưng thuộc về khía cạnh vật chất và thể chất. Các bậc cha mẹ cố tình né tránh hoặc không quan tâm đến những nghĩa vụ và trách nhiệm cơ bản dành cho một đứa trẻ có thể khiến con mình phải làm tròn bổn phận người cha người mẹ đó. Trẻ em buộc phải trở thành công cụ cho sự sống còn của gia đình. 

Hãy tưởng tượng một đứa trẻ phải hàng ngày gồng gánh công việc đưa anh chị em của mình đi ngủ, hoặc đọc sách trước khi đi ngủ cho họ; sắp xếp đồ uống hoặc thức ăn, rửa bát, hoặc vô số việc nhà khác. Khi phải chịu trách nhiệm cho quá nhiều việc, chăm sóc bản thân sẽ không còn là ưu tiên của trẻ. Nếu đứa trẻ đang đi học, chúng có khả năng chểnh mảng trong việc học và kiệt sức. Một khi phải đảm đương mọi thứ từ lúc nhỏ, những đứa trẻ có khả năng cao mắc chứng lo âu cực độ và chứng rối loạn thần kinh cưỡng chế khác. Trong tương lai, họ dễ mắc phải những mối quan hệ cộng sinh, dựa dẫm vào đối phương. 

Điều gì xảy ra với đứa trẻ bị “phụ huynh hóa”?

Trong hầu hết các trường hợp, không có dấu hiệu lạm dụng thể xác hoặc thiếu tình yêu thương mà cha mẹ vẫn yêu thương con cái nhưng trong giới hạn nhất định. Hậu quả để lại không phải vì mục đích xấu xa mà là do sự tổn thương cá nhân

Tuy nhiên, khi một đứa trẻ đang trải qua dậy thì và phát triển tự nhiên mà chúng buộc phải lớn lên quá nhanh ắt sẽ để lại những hậu quả không chỉ về thể xác mà còn về mặt tinh thần, tình cảm và cuộc sống tâm linh. 

Những đứa trẻ ấy không được dành thời gian, sự chăm sóc, tình yêu thương, sự hỗ trợ tinh thần hoặc sự an toàn cần thiết để phát triển và lớn mạnh như bình thường. Vì không có hình mẫu để noi theo, chúng bị tước đi cơ hội học hỏi qua quan sát và sự giám hộ của người thân. Phần lớn, mọi người kỳ vọng chúng phải biết giữ mình và không bao giờ thể hiện đau khổ. Nếu đứa trẻ ấy thể hiện ra mình yếu đuối và bị tổn thương thì sẽ bị bỏ lơ hoặc đôi khi bị trừng phạt. Chính vì lẽ đó, chúng rút ra bài học rằng nhu cầu và mong muốn là điều không thể chấp nhận. Họ trở nên xấu hổ về những tổn thương của mình, và cuối cùng, cảm thấy tê liệt và chối bỏ hoàn toàn những gì thuộc về bản thân.

Đáng buồn thay, ngay cả khi trong hoàn cảnh khác, họ cũng không thể loại bỏ di chứng của sự tổn thương đó để lại. 

Để tồn tại trong một ngôi nhà có cha mẹ chưa trưởng thành và hay dựa dẫm, trẻ em phải áp dụng nhiều chiến lược sinh tồn khác nhau. Đôi khi, những cơ chế phòng thủ này theo họ suốt đời và trở thành một phần cốt lõi trong tính cách của họ.

Một số đứa trẻ hay đùa giỡn và sử dụng tiếng cười để làm “hạ hoả” xung đột và che giấu nỗi buồn. Khi trưởng thành, họ trở thành “con hề của lớp”, người pha trò và linh hồn của bữa tiệc. Tuy nhiên, họ không thể liên hệ trực tiếp với con người thật của mình hoặc để người khác nhìn thấy nỗi buồn của họ. Bên dưới khuôn mặt tươi cười là sự cô đơn lấp đầy.

Một số trẻ em lại trở nên ngoan ngoãn và tuân thủ theo tất cả mọi người. Họ hy vọng rằng bằng cách trở thành người im lặng, họ có thể thoát khỏi những xung đột và sự đổ lỗi đến từ đối phương.

Một số trẻ em trở thành người giúp việc trong gia đình. Họ tin rằng họ phải phục vụ, giúp đỡ và giải cứu mọi người đang cần. Khi trưởng thành, họ nhận thấy rằng lạc lối và bối rối về bản thân mình nếu không phải người giúp đỡ. Họ là những người hay làm hài lòng người khác và không biết thiết lập ranh giới nhất định. 

Có người rời khỏi nhà sớm để thoát khỏi chỗ đau thương ấy, nơi chứa đựng quá nhiều ký ức đau buồn. Họ trở nên cảnh giác với bất kỳ mối quan hệ nào và luôn sợ bị mắc kẹt bởi trong mối quan hệ ngột ngạt. Do đó, họ hay tránh sự thân mật mặc dù rất khao khát có được điều đó.

Một số trẻ em gánh vác mọi trách nhiệm và trở thành người bảo vệ gia đình một cách chăm chỉ, không than phiền. Chúng phát triển một hệ thống thần kinh tăng cường cảnh giác và không thể thư giãn ngay cả khi không có mối đe doạ nào cả. Khi trưởng thành, họ rất cầu toàn và hay lo lắng, có xu hướng tự đào sâu vào bản thân hoặc những người xung quanh. Họ có một nhà phê bình bên trong luôn phàn nàn rằng họ làm không đúng cách, rằng họ phải cải thiện và làm tốt hơn. Họ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân khi mọi thứ không đúng ý, và không ngừng cố gắng sửa chữa cho những thứ không thể sửa được.

Nếu cha mẹ có xu hướng chỉ công nhận những gì bạn làm mà không đánh giá cao con người của bạn, bạn sẽ học cách xây dựng lòng tự trọng của mình dựa trên những thứ bên ngoài. Bạn có một nhà “phê bình” bên trong bản thân mình luôn đòi hỏi cao, luôn thúc đẩy bạn hướng tới mục tiêu tiếp theo, với hy vọng rằng điều đó sẽ mang lại cho bạn tình yêu. Tuy nhiên, dù bên ngoài bạn đã đạt được bao nhiêu thì bên trong bạn vẫn cảm thấy trống rỗng.

Nếu cha mẹ của bạn bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần và dựa lên bạn để được an ủi và chăm sóc thì bạn dễ bị chi phối vào “vai trò người trợ giúp”. Ý thức về bản thân bạn chưa phát triển đầy đủ trước kia nên bạn không biết mình là ai ngoại trừ khi bạn đang quan tâm hay làm việc cho người khác. Khi trưởng thành, bạn phải liên tục chạy theo nhu cầu của người khác, dẫn tới kiệt sức vì cố gắng chăm sóc gia đình và đồng nghiệp mà cảm thấy không có ai ở đó thay bạn.

Nếu bố mẹ bạn thuộc tuýp người liều lĩnh, họ có thể vô tình tạo ra một môi trường hỗn loạn và không ổn định cho bạn và anh chị em của bạn. Vì thế, bạn rèn luyện cho mình tính cách luôn đề phòng những dấu hiệu nguy hiểm tiếp theo. Bạn không thể thư giãn, không thể tin tưởng người khác hoặc ngừng việc kiểm soát. Khi bạn bị căng thẳng, bạn có thể bị hoang tưởng về mọi thứ ngay cả khi bạn biết chúng chẳng hợp lý chút nào. Xu hướng thận trọng quá mức có thể ngăn bạn thăng chức trong nghề nghiệp của mình, vì bạn “không có khả năng phân tích vấn đề”.

Nếu cha mẹ bạn cư xử như những kẻ bắt nạt, bạn sớm học một định nghĩa sai lệch về quyền lực. Bạn tin rằng bạn chỉ có thể dựa dẫm vào chính mình và thế giới là nơi “người chiến thắng là người có tất cả”. Bạn cố gồng mình tỏ ra mạnh mẽ nên mọi người xung quanh cảm thấy khó khăn để tiếp xúc với bạn. Ngay cả với người quan trọng với bạn, bạn vẫn phải đề cao cảnh giác. Kết quả là, bạn phải sống cô đơn một mình trong tòa lâu đài vô hình mà bạn đã xây dựng để giữ an toàn cho bản thân với thế giới. 

Chữa lành và hội nhập với thế giới bên ngoài

May mắn thay, có rất nhiều cách chữa lành và các lộ trình dẫn đến sự toàn vẹn và phục hồi cho một người trẻ tuổi hoặc người lớn phải trải qua tổn thương “phụ huynh hóa” khi còn nhỏ.

Bước đầu tiên là kể câu chuyện của bạn. Bằng cách này, bạn thừa nhận một thực tế khắc nghiệt, về những chuyện đã xảy ra. Đây có thể là một quá trình gian khổ vì bạn được học phải kìm nén những ký ức và cảm xúc của bạn mình bởi những điều kiện xã hội hoặc bản năng sinh tồn. Khi ai đó hỏi bạn về thời thơ ấu, bạn cảm thấy khó khăn khi phải nhớ về từng chi tiết. Khi bạn được nhắc nói về cha mẹ của mình, bạn cảm thấy có lỗi. Bạn biện minh cho tất cả những sự kiện không tốt xảy ra ở thời thơ ấu và cảm thấy cần bào chữa cho sự bỏ rơi hoặc lạm dụng của cha mẹ. Bạn thậm chí có thể cảm thấy xấu hổ về cảm giác tồi tệ. Nếu những gì bạn trải qua là sự phụ thuộc của cha mẹ về mặt cảm xúc, thì bạn càng khó nhận ra và lên tiếng về những dấu hiệu về lạm dụng rõ ràng. Sau khi mang gánh nặng ấy trong nhiều năm, sự kìm nén đã trở thành điều “bình thường” và thừa nhận rằng có gì đó không ổn có thể là bước đầu khó khăn nhất.

Tuy nhiên, chấp nhận thực tại là bước đầu tiên để chữa lành và phục hồi. Thứ bạn đang phải thừa nhận không phải là sự bất công, mà là sự thật trong câu chuyện của bạn. Khi bạn nhìn thấy sự thật, bạn sẽ không còn muốn cố gắng phòng thủ hoặc hợp lý hóa mọi chuyện. Ngược lại, nếu bạn tiếp tục sống trong sự phủ nhận, năng lượng và sinh lực của bạn sẽ được dành để kìm nén nỗi đau đó, hơn là để sửa chữa những gì cần được lành.

Vì phải trưởng thành quá sớm nên bạn quá độc lập. Bạn cực kỳ tự chủ đến mức cảm thấy không thể bị tổn thương hoặc cần đến sự giúp đỡ từ người khác. Tính tự chủ cao chỉ phù hợp khi bạn phải ở trong một gia đình với những người trưởng thành dễ bị tổn thương về cảm xúc, nhưng điều đó cần được thay đổi. Nó sẽ cô lập bạn và khiến bạn không thể kết nối với những người khác. Do đó, thử thách bản thân kết nối chân thực với người khác cũng là một trong những cách chữa lành vết thương hiệu quả nhất. Những suy nghĩ, cảm xúc, ấn tượng và tình cảm đang chôn giấu bên trong đang chờ tới ngày được lắng nghe. 

Liệu pháp tâm lý, tự trị liệu và thiên nhiên đều có thể là phương pháp hỗ trợ cho quá trình hòa nhập. Hãy kể câu chuyện của bạn với một người đáng tin cậy trong một không gian thiêng liêng và giải phóng những vấn đề trong quá khứ ra khỏi tâm trí của bạn mãi mải. Nếu bạn không cảm thấy rằng các liệu pháp nêu trên hoặc tư vấn truyền thống dành cho bạn, bạn có thể mua nhật ký hoặc tham gia một hình thức nghệ thuật nào đó. Thông qua hội hoạ, âm nhạc và văn học, bạn có thể khơi gợi nỗi buồn của mình và kết nối với những người có cùng trải nghiệm.

Tự trắc ẩn là một yếu tố vô cùng cần thiết cho quá trình của bạn. Trước khi ta chuyển sang nói về mở rộng tấm lòng và tha thứ cho người khác, chúng ta phải có được lòng từ bi cho chính mình. Là một đứa trẻ luôn phải “chăm sóc” cho ba mẹ, bạn luôn phải sống với con người bên trong chỉ trích mình gay gắt, nói rằng bạn làm chưa đủ hoặc đó là lỗi của bạn khi điều tồi tệ xảy ra. Điều đó vô tình dẫn tới việc bạn cảm thấy xấu hổ và tội lỗi khi không thể đáp ứng hết những yêu cầu bất khả thi mà bạn đặt ra. Hãy nhẹ nhàng và đối xử tốt với chính mình là cách giúp bạn hiểu rõ hơn về trải nghiệm của mình và những nơi tăm tối nhất.

Hãy xem liệu bạn có thể tưởng tượng mình được bao quanh bởi những người yêu thương và ủng hộ bạn hay không và họ có thể nói gì với bạn. Nếu bạn cảm thấy bế tắc không nói được lời nào, hãy nhớ lại ký ức về cảm giác được yêu thương là như thế nào

Nếu bạn có ít khi trải nghiệm về được yêu thương trong cuộc sống là như thế nào, hãy tưởng tượng bạn sẽ nói gì với một người hoặc một đứa trẻ mà bạn yêu thương. Sau đó, hướng những cảm xúc ấy về phía bản thân.

Hãy xem liệu bạn có thể kết nối với con người bên trong nhất của chính mình hay không. Trong tâm linh, ta tin rằng trong tất cả chúng ta đều có một “Bản ngã”. Phần này của chúng ta chưa bao giờ bị thương và vẫn ở trong tình trạng hoàn hảo thiêng liêng, bất kể những gì đã xảy ra với chúng ta. Tuy ẩn dưới những lớp tổn thương, phần đó của chúng ta vẫn có những phẩm chất như: lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và lòng yêu thương bản thân. Ngay cả khi không có ai bên ngoài cung cấp cho bạn sự hướng dẫn và chăm sóc xứng đáng, bạn vẫn có thể tham khảo ý kiến ​​của chính mình.

Hãy nhớ rằng, bạn là một đứa trẻ hoàn toàn ngây thơ đến thế giới với hy vọng được yêu thương và chăm sóc. Ngay cả khi tuổi thơ của bạn đầy gian nan, không bao giờ là quá muộn để dành cho bản thân thứ tình yêu mà bạn xứng đáng có được.

Tóm lại, để chữa lành cho vết thương phải trưởng thành quá sớm cần sức mạnh tiềm tàng trong chúng ta biết xông pha bất chấp mọi thử thách. Bạn đã chứng tỏ rằng bạn có khả năng đứng vững và chiến đấu, tồn tại khi đối mặt với nghịch cảnh và sức mạnh của bạn chắc chắn sẽ đưa bạn đến một tương lai tự do hơn.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-emotional-intensity/201912/did-you-have-grow-too-soon

Dịch:  eMKay

Minh họa: GoOn

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan