Nó muốn được là chính mình

Tôi luôn tự trách rằng tại sao tôi lại quá kỳ dị, tại sao tôi không thể giống một người bình thường. Tôi ganh tị với người khác. Tôi nhìn ai cũng thấy họ tốt hơn mình, họ mạnh mẽ hơn mình, họ luôn đúng. Tôi làm gì cũng nhìn phản ứng của người khác để điều chỉnh cho hợp với họ, chỉ sợ rằng nếu mình lỡ làm gì không đúng ý họ, họ sẽ giận mình. Và tôi đã sống dựa trên cảm xúc của những người xung quanh. Thật lâu...

Tôi là một người mà khi nhìn từ bên ngoài, người khác sẽ nghĩ là tôi rất lạnh lùng, rất thần bí và cũng rất lập dị. Tôi đã từng nghe được rất nhiều những câu người ta đánh giá về tôi như vô cảm, tự kỷ, kỳ lạ… Tôi cảm thấy họ nói đúng, từ nhỏ đến lớn tôi đều thấy tôi dường như không thuộc về nơi đây.

 

Sự phản ứng của tôi với thế giới bên ngoài khá chậm. Nếu người ta chia sẻ một điều gì đó với tôi thì phải một lúc lâu sau tôi mới có thể hiểu được ý nghĩa của nó, mà có thể tôi còn không hiểu đúng được ý mà họ muốn. 

 

Tôi luôn tự trách rằng tại sao tôi lại quá kỳ dị, tại sao tôi không thể giống một người bình thường. Tôi ganh tị với người khác. Tôi nhìn ai cũng thấy họ tốt hơn mình, họ mạnh mẽ hơn mình, họ luôn đúng. Tôi làm gì cũng nhìn phản ứng của người khác để điều chỉnh cho hợp với họ, chỉ sợ rằng nếu mình lỡ làm gì không đúng ý họ, họ sẽ giận mình. Và tôi đã sống dựa trên cảm xúc của những người xung quanh. Thật lâu...

 

Ngày còn đi học, đặc biệt là giai đoạn còn học mầm non…tôi cũng không biết phải chia sẻ sao nữa nhưng hồi đó ngoài ba mẹ và anh chị tôi ra hầu như ai cũng ghét tôi. Khi ấy, gia đình tôi xảy ra chút chuyện nên đến tận năm tôi 4, 5 tuổi mới bắt đầu đi lớp. Ở quê tôi, các bé 2 tuổi đã đi lớp rồi nên tôi tận 4, 5 tuổi mới đi được coi là muộn.  

 

Lúc mới đến lớp, mặc dù sợ hãi những tôi vẫn cố gắng đến gần các bạn xin chơi cùng, hay ở nhà nếu tôi gặp các bạn cùng lớp đang rủ nhau chơi trò gì đó tôi cũng sẽ chạy đên xin được chơi chung. Nhưng câu trả lời tôi nhận được luôn là sự từ chối. Chỉ khi trong nhóm đó có ai bị ốm hoặc có lý do gì đấy không chơi được họ mới chấp nhận cho tôi thế vào.

 

Khi đi học tôi cũng là một đứa để ý nhiều về điểm số. Tôi sẽ cảm thấy mình rất tệ nếu không đạt được điểm số cao, thành tích tốt, bởi vì điều này sẽ khiến cho những người đặt kỳ vọng nơi tôi cảm thấy thất vọng. Rất tiếc vì sự chậm chạp, khả năng hiểu biết kém hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa lên điểm số của tôi chưa bao giờ tốt.

 

Tôi cũng rất hay lên mạng để học hỏi các kĩ năng hành xử, để tìm hiểu tâm lý người khác và cũng đã từng cố gắng hành xử theo như hướng dẫn. Thế nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ, mà dường như càng tệ hơn. Khi ở trong các mối quan hệ, mặc dù tôi cảm nhận được có vấn đề ở đâu đó, đã đến lúc dứt khoác rồi, nhưng tôi không làm được, tôi vẫn trì hoãn. Tôi không hiểu tại sao tôi đã cố gắng thay đổi nhưng vẫn không có được kết quả như mong muốn. Và tôi đã phủ nhận chính mình.

 

Rốt cuộc, Tôi là ai? Mục đích sống của tôi là gì? Tôi có nên bỏ hết tất cả để đi đến một nơi xa lạ không? Biết đâu ở nơi đó, tôi có thể không cần xuất sắc. Biết đâu ở nơi đó, người khác sẽ đón nhận con người đầy khiếm khuyết của tôi. Và thật ra trong một vài khoảnh khắc nào đó, tôi đã từng có ý nghĩ, nếu tôi không còn nữa thì có phải là sẽ được giải thoát không?

 

Khi đã quá mệt mỏi và gần như muốn buông bỏ tôi đã đọc được một bài chia sẻ thế này: “Trong một thế giới ngột ngạt, nơi mà sự giỏi giang, hòa nhoáng và phi thường của người khác vây quanh chúng ta, nơi mà chúng ta có muôn vàn tấm gương để soi nhưng lại không thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình, chúng ta dễ dàng quên đi giá trị của bản thân. Ngày qua ngày, chúng ta theo đuổi sự công nhận từ người khác, để rồi thất vọng khi không được như ý. Một lần, hai lần rồi ba lần, chúng ta dần dần thấy sự tồn tại của mình là vô nghĩa. Chúng ta ngừng cố gắng rồi trượt dài trên thất bại”.

 

Tác giả John Wayne Schlatter cũng đã từng chia sẻ về một câu nói “Không có sự thất bại trừ việc không tiếp tục cố gắng”. Và đột nhiên tôi cảm thấy nó có ý nghĩa. 

 

Tôi bắt đầu học cách trải nghiệm lại nỗi đau của mình, học cách đối mặt với những điều tăm tối nhất bên trong mình. Khi đó, tôi nhận ra rằng, tại sao lúc trước tôi cũng hành xử đúng theo những hướng dẫn mà tôi tìm kiếm được, thế nhưng sao mọi thứ lại sai đến như vậy. Bởi vì lúc trước tôi chỉ là đang trình diễn, trong khi bên trong tôi chỉ là một sự trống rỗng.

 

Khoảng thời gian ấy, tôi thử đi dạo, tôi ăn kem, tôi ngủ nướng. Tôi đã thử làm nhiều thứ mà tôi nghĩ một đứa trẻ bình thường sẽ thích. Nhưng trực giác cho tôi biết rằng có gì đó không đúng. Rốt cục mình đã trải qua một tuổi thơ thế nào vậy? Tuổi thơ tôi không thiếu ăn, thiếu mặc, dường như chỉ có học và học. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy vui. Về sau, tôi mới bắt đầu dần hiểu ra, thật ra đứa trẻ bên trong tôi không hề đòi hỏi được hưởng thụ điều gì.

 

Nó chỉ đơn giản là muốn được yêu thương. Bởi vì nó luôn tin rằng, nó phải tốt, phải giỏi thì người khác mới yêu thương nó, mới chú ý đến nó, mới không bỏ rơi nó. Bởi vì nó tin rằng, nó phải cố gắng sống giống như người khác thì sẽ không bị chỉ trích, bởi vì khác biệt chính là sai trái. Nó khao khát được tự do, nhưng nó lại rất sợ bị bỏ rơi. Cuối cùng nó cũng đã chịu nói cho tôi biết, ước mơ của nó là gì. Nó muốn được mặc một bộ đồ đẹp, thể hiện chính nó trước đám đông. Nó muốn được đi và trải nghiệm những vùng đất mới. Nó muốn được sống là chính mình. Không phải đóng vai một người nào khác.

 

Là chính nó.

Sống là chính mình!

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan