Nỗi Buồn Và Trầm Cảm Khác Nhau Như Thế Nào?

Chúng ta đều có những lúc buồn rầu, nhưng không có nghĩa là chúng ta đang bị trầm cảm. Nói đúng ra thì nỗi buồn là cảm xúc thiết yếu giúp cuộc sống trở nên đa dạng hơn, là một …

Chúng ta đều có những lúc buồn rầu, nhưng không có nghĩa là chúng ta đang bị trầm cảm. Nói đúng ra thì nỗi buồn là cảm xúc thiết yếu giúp cuộc sống trở nên đa dạng hơn, là một phần của cuộc sống. Nhiều tác phẩm hội họa và thơ ca được truyền cảm hứng bởi nỗi buồn, sầu muộn. Nỗi buồn phổ biến nhất thường gắn liền với sự rời xa của những người thân yêu của ta.

Nỗi buồn còn khiến ta thêm trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc. Những lúc cảm xúc của ta chuyển từ buồn bã sang vui sướng, sự đối nghịch này càng khiến ta thêm hạnh phúc. Tuy nhiên, sự thay đổi theo hướng ngược lại cũng có thể xảy ra: nỗi buồn biến thành trầm cảm. Biết cách phân biệt được nỗi buồn thông thường và trầm cảm sẽ tạo cho bạn động lực để thay đổi và tìm cách cải thiện tâm trạng.

Vậy, khi nào nỗi buồn biến thành trầm cảm ?

Hãy cảnh giác trước những dấu hiệu sau và nhờ đến sự giúp đỡ nếu những triệu chứng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn trong vòng hai tuần hoặc lâu hơn.

Triệu chứng bao gồm:

  • Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc trống rỗng.
  • Cảm thấy vô vọng và bi quan
  • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, bất lực
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong sở thích và những hoạt động bạn đã từng hứng thú, bao gồm cả trong chuyện tình dục.
  • Cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi, và trì trệ.
  • Khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và quyết định mọi việc.
  • Mất ngủ, dậy quá sớm hoặc ngủ quá nhiều.
  • Mất khẩu vị và sút kí, hoặc ăn quá nhiều và tăng cân.
  • Nghĩ nhiều về cái chết, tự sát và cố thử tự sát.
  • Bồn chồn và cáu kỉnh.
  • Các triệu chứng cơ thể kéo dài và không chữa dứt được, như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau mãn tính.

Nếu bạn có những triệu chứng trên, bạn sẽ cảm thấy khó mà chống chọi với nó nên sẽ chọn cách chờ đợi nó qua đi. Nhưng nếu bạn càng sớm nhận ra những dấu hiệu này, bạn càng dễ tìm được sự giúp đỡ và thay đổi tình thế.

Khi nào thì nên gọi cho bác sĩ?

Nếu đang trải qua một vài hoặc nhiều dấu hiệu kể trên, trước hết hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Nếu bạn từng có những triệu chứng buồn rầu hoặc trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần, hãy nghĩ về việc tìm đến bác sĩ để xác định nguyên nhân và xem xem bạn nên làm gì.

Đôi lúc, trầm cảm tìm đến bạn không phải do những tác động từ cuộc sống xung quanh bạn. Nó có thể là do bệnh lý tự phát, ví dụ như tình trạng suy giáp gây ra các triệu chứng trầm cảm. Sau khi bác sĩ đã loại trừ tất cả những nguyên nhân bệnh lý tiềm tàng, bác sĩ sẽ gợi ý cho bạn đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý.

Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn?

Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn vượt qua nỗi buồn bằng những cách lành mạnh và để cảm xúc này làm phong phú thêm cuộc sống của bạn:

  1. Hãy cho phép bản thân được buồn: Việc chối bỏ chúng sẽ càng làm nỗi buồn lan rộng và sâu hơn, khi đó, chúng còn gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Hãy cứ khóc nếu bạn muốn, rồi sau đó bạn sẽ nhận thấy mình nhẹ nhõm như thế nào.
  2. Nếu bạn cảm thấy buồn bã, hãy cứ để bản thân buông xuôi trong một ngày: Hãy dành ra một ngày hoặc một buổi tối chỉ để yên tĩnh một mình, lắng nghe những bản nhạc buồn và ngẫm về những cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Chủ động dành thời gian cho sự buồn bã thực ra lại có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn, giúp tâm trạng của bạn dần khá hơn.
  3. Nghĩ và viết về những cảm xúc buồn: Bạn buồn vì một sự mất mát hay chuyện gì đó không vui? Tìm ra được nguyên nhân nguồn cội của nỗi buồn không hề đơn giản, nhưng nếu có thể hiểu được vì sao bản thân buồn và khám phá những cảm xúc này sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
  4. Hãy ra ngoài và đi dạo: Tận hưởng bầu không khí trong lành và dành chút thời gian để tĩnh lặng có thể giúp thay đổi suy nghĩ của bạn.
  5. Hãy gọi cho một người bạn hoặc người thân: Trút bầu tâm sự với họ là một cách để giúp bạn giải tỏa.
  6. Hãy yêu bản thân mình: Chuẩn bị một bồn nước tắm, thả lỏng để cơ thể được nghỉ ngơi và ăn một chút socola là những gợi ý hay.
  7. Tìm lý do để mỉm cười: Hãy bật bộ phim hài yêu thích của bạn lên để xem, hoặc tìm một video hài hước trên YouTube chẳng hạn.
  8. Hãy tập biết ơn cuộc sống này: Tập trung vào những điều tích cực, thậm chí là khi bạn chỉ có thể nghĩ ra một điều duy nhất khiến bạn thấy biết ơn khi tỉnh giấc mỗi ngày, điều này sẽ giúp phần quét sạch nỗi buồn và những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi bạn.
  9. Hãy nhớ rằng một chuyện gì đó bất chợt thay đổi cũng có thể khiến bạn buồn rầu, hoặc đó là một dấu hiệu, cho thấy bạn cần phải thay đổi: Quá trình thay đổi có thể khiến bạn thấy nặng nề, nhưng bạn cần phải làm thế để trưởng thành hơn. Nếu bạn buồn vì phải thay đổi điều gì đó, hãy nghĩ về việc thay đổi từng bước nhỏ để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
article, playlist, and dance image
Liệu pháp cho bệnh trầm cảm

Người ta chữa bệnh trầm cảm bằng cách sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, hoặc thông qua tâm lý trị liệu. Giải pháp tốt nhất là kết hợp hai cách này.

Một số loại thuốc chống trầm cảm phổ biến là:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như Paxil (paroxetine), Prozac (fluoxetine) và Zoloft (sertraline)
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) như Cymbalta (duloxetine), Effexor (venlafaxine) và Pristiq (desvenlafaxine).

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại nào là phù hợp nhất.

Liệu pháp nhận thức là một kiểu tâm lý trị liệu phổ biến. Nó hướng dẫn cách đẩy những suy nghĩ tiêu cực ra ngoài, và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Điều này rất hữu ích, vì những gì chúng ta nghĩ và tự nhủ thực ra chính là thứ quyết định tâm trạng và động lực của ta. Nếu ta thường hay nói những điều tiêu cực, tức là ta đang trao cho trầm cảm chiếc chìa khóa để xâm nhập vào tâm lý của ta. Suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực. Dù ta không thể nào kiểm soát hết được các khía cạnh của trầm cảm, nhưng đây là một khía cạnh chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ.

—————————–
Dịch: Anne
Biên tập: Mai
Nguồn: https://www.verywellmind.com
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Vì vậy, chúng tôi cần sự đóng góp và ủng hộ của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan