PEER-PRESSURE tốt hay xấu?

Bài viết là một quan điểm khác về vấn đề áp lực trang lứa

#BaiduthiVDTT


PEER-PRESSURE, tốt hay xấu?


Khi tìm kiếm trên google, có hàng loạt kết quả về khái niệm peer-pressure được đưa ra, nhưng trong số vô vàn câu từ ấy, ta có thể tóm gọn lại peer-pressure chính là “ áp lực trang lứa”.


Mỗi chúng ta, trải dài suốt những năm tháng đi học đến lúc đi làm và khi đã về hưu, đều từng chịu qua áp lực trang lứa. Khi đi học, chúng ta áp lực vì bạn bè giỏi giang hơn, lớn hơn một chút đi làm, ta lại cảm thấy bản thân thua kém khi bạn bè giàu có, đồng nghiệp năng động, đến lúc về hưu, chúng ta lại so sánh xem nửa đời trước ta đạt được thành tựu gì.


Vậy peer-pressure từ đâu mà có? Theo quan điểm cá nhân mình, áp lực trang lứa từ chính chúng ta và do chính chúng ta tạo ra. Nếu bản thân không đặt chính mình lên bàn cân để cân đo với người khác, thì cũng không có áp lực nào tồn tại cả. Peer-pressure sẽ còn tồn tại, nếu ta còn so sánh.


Nhưng tất nhiên, trong cuộc sống này, đặc biệt trong nền văn hóa chúng ta đang sống, dưới một xã hội ngày càng phát triển và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì việc tự so sánh bản thân với người khác là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng liệu việc không ngừng so sánh hay peer-pressure có hoàn toàn mang lại những tác động tiêu cực? Câu trả lời là không, bởi không có gì là tuyệt đối và mọi hiện tượng đều tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực.


Để nói về cái tiêu cực của peer-pressure, có lẽ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng kể ra được. Nó khiến chúng ta hạ thấp bản thân mình, trở nên stress và ngày càng tự ti về bản thân. Nhìn thấy một người giỏi hơn, ta bỗng nhiên quên đi những thế mạnh của mình, chỉ chăm chăm vào những điều bản thân còn kém cỏi để tự chê trách, ruồng rẫy chính mình và xuất hiện suy nghĩ mình cũng sẽ thành công như vậy. Nhưng chúng ta quên mất rằng, mỗi người có con đường riêng, một “timeline” của riêng mình. Một học sinh ban xã hội thì không thể giỏi Toán, Lý, Hóa như một học sinh ban tự nhiên cũng như một con chim thì không thể bơi giỏi như một con cá và ngược lại. Vì thế mọi sự so sánh là đều là khập khiễng. Mỗi chúng ta đều có những điểm mạnh khác nhau, cách để ta thành công chính là thấu hiểu bản thân, nhìn vào điểm mạnh của của bản thân để phát triển chứ không phải nhìn vào điểm mạnh của những người xung quanh và cố gắng một cách mù quáng.


Nhưng nếu ta peer-pressure một cách đúng đắn và thông minh thì câu chuyện sẽ khác. Chắc hẳn thời đi học và kể cả đến tận lúc đi làm, trong mỗi một gia đình luôn tồn tại một đứa X Y Z nào đó hay còn gọi là “con nhà người ta”, một đứa mà mình chẳng biết tên tuổi mặt mũi hoặc thậm chí nó còn không tồn tại nhưng luôn được bố mẹ ca tụng và đem ra so sánh với mình. Khi bị so sánh với con nhà người ta như vậy, phần lớn ta đều cảm thấy bực tức khó chịu và suy nghĩ “ sao bố mẹ không nhận nó về mà nuôi” hay những điều tương tự như vậy. Nhưng nếu nhìn theo một hướng tích cực, thì đây có thể là động lực để chúng ta phát triển bản thân cho bằng với con nhà người ta trong truyền thuyết. Bạn thấy không, khi so sánh và bị so sánh, chúng ta có bị áp lực trang lứa hay không là do cách chúng ta nhìn nhận và lĩnh hội nó như thế nào. Khi còn đi học, mình học thiên về những môn xã hội và xung quanh mình rất nhiều các bạn học giỏi tự nhiên có, xã hội có và có những bạn giỏi cả hai. Thú thật, ở thời điểm ấy, mình bị peer-pressure rất kinh khủng. Khi thấy những bạn ban tự nhiên được điểm cao những môn tính toán, hay những bạn học cùng ban với mình nhưng lại giỏi hơn và điểm cao hơn, mình cảm thấy ghen tị và khó chịu vô cùng. Mình đã trách bản thân sao không giỏi được như thế và cố ép bản thân phải học được như vậy. Nhưng sau khoảng thời gian dài ép buộc chính mình phải giỏi những thứ mình không có khả năng thì kết quả thu được chỉ là sự áp lực, mệt mỏi và ngày càng tự ti. Sau khi dành thời gian suy nghĩ, mình bắt đầu hiểu ra bản thân mình cần gì và có thể làm được gì. Sau đó, thay vì ghen tị một cách tiêu cực với những bạn học giỏi, mình chuyển sang ngưỡng mộ họ. Cô bạn ngồi cạnh mình ba năm cấp ba là một người rất thông minh và có thể học tốt tất cả các môn. Mình cảm thấy bạn ấy thật “ngầu” và nghĩ rằng bản thân cũng có thể “ngầu” như vậy nếu mình tập trung vào những thế mạnh của mình, học hỏi từ những người bạn giỏi hơn.


Khi thấu hiểu được chính bản thân, mình nhận ra rằng, việc so sánh, tạo ra peer-pressure cho chính mình là một điều cần thiết bởi chúng ta không thể là một con ếch ngồi trong đáy giếng và cuộc sống cần có những lực đẩy để ta tốt hơn. Có một câu nói rằng “ Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì không ai bằng mình”. Ta không thể nhìn lên mãi để cảm thấy tự ti, thấp kém nhưng cũng chẳng thể mãi nhìn xuống để trở nên cao ngạo, tự mãn. Hãy chỉ dành một phần nhỏ thời gian nhìn lên để lấy động lực, để học hỏi và nhìn xuống để tự hào, thời gian còn lại, hãy nhìn thẳng vào bản thân mình. Đúng vậy, chúng ta chỉ thất bại, chỉ thấp kém nếu chúng ta thua chính bản thân mình. Thay vì so sánh, áp lực mọi lúc mọi nơi một cách tiêu cực với người khác, hãy so sánh bản thân của ngày hôm nay với bản thân của những ngày trước đã tốt hơn chưa, đã thành công hơn chưa. Mọi hiện tượng tồn tại không hoàn toàn xấu hay tốt, peer-pressure cũng vậy, nó sẽ là động lực cho ta thành công hay áp lực giết chết chúng ta, đều phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận và tiếp thu. Hãy nhớ rằng, thành công của người khác chỉ là một sự tham khảo cho chúng ta cố gắng, cũng giống như sách tham khảo cung cấp cho chúng ta những kiến thức rộng hơn, hay hơn nhưng kiến thức cơ bản và quan trọng vẫn nằm trong sách giáo khoa. Bản thân chúng ta cũng vậy, cũng là một cuộc sách giáo khoa của chính cuộc đời mình.



Bài viết này gửi tới những ai còn đang lạc lối trong sự thành công của người khác, hãy yêu thương, trân trọng mọi thứ thuộc về bản thân mình.


Tác giả: truc nguyen thi

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/cuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

(***) Với mong muốn lan toả điềm đam mê viết lách người trẻ Việt, A Crazy Mind hiện tại đang tuyển dụng liên tục các tác giả trên cả nước. Thông tin chi tiết về tuyển dụng vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/tacgiaACM

BẢN THẢO
Bài viết liên quan