[Quan điểm] Cô đơn – điều kiện cần thiết để mỗi con người trưởng thành

Thế nào thì được gọi là cô đơn? Chắc hẳn không ai trong số chúng ta có đủ khả năng để định nghĩa một cách hoàn toàn đầy đủ về nó.

Mỗi buổi sớm thức dậy, bước ra khỏi nhà, ta có cơ hội bắt gặp biết bao gương mặt, cả thân quen lẫn xa lạ. Chúng ta chỉ đi lướt ngang qua nhau, và số người nhận được từ chúng ta một cuộc trò chuyện ngắn hay thậm chí chỉ là một cái gật đầu chào chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng ta bị cuốn vài vòng xoay vô tận của việc học, việc làm, đến nỗi quên mất đi dòng thời gian đang trôi chảy. Để rồi, sau tất cả, ta lại quay trở về nhà, một mình gặm nhấm nỗi cô đơn.


Thế nào thì được gọi là cô đơn? Chắc hẳn không ai trong số chúng ta có đủ khả năng để định nghĩa một cách hoàn toàn đầy đủ về nó. Nhưng theo tôi, cô đơn là trạng thái tinh thần, tình cảm của con người khi trong ta xuất hiện cảm giác chơi vơi, lạc lõng, không biết phải nên chia sẻ, tâm sự những nỗi niềm kín đáo với bất cứ ai. Đó là khoảng trống vô cùng đáng sợ cả trong không gian và thời gian. Nhiều người sợ cô đơn, nhưng cũng có nhiều người khác thích tận hưởng nó.


Bạn cho rằng sự cô đơn chỉ xuất hiện với những người hướng nội? Đúng,tôi thừa nhận rằng cô đơn là "người bạn" của những người hướng nội, bởi tôi cũng là một trong số những người như thế. Bởi họ thích ở một mình hơn là dành thời gian cho bè bạn, hội nhóm. Bởi họ thích thu mình vào một góc, tự mình suy nghĩ, cảm nhận về thế giới xung quanh hơn là bàn tán, chuyện gẫu với thiên hạ. Họ cũng không khéo léo trong giao tiếp nên dễ bị mọi người xung quanh xa lánh và có rất ít bạn thân. Người khác xem họ là những kẻ lập dị, khó gần. Chỉ vì họ thích và khao khát hiểu về chính mình như thế.


Và, nhóm người tôi đang đề cập ở đây theo các thống kê chiếm đến một phần ba số người xung quanh bạn. Nhưng nếu bạn để ý kĩ thì sẽ thấy ít hơn nhiều so với con số này. Tại sao vậy? Vì cùng với sự vận động của xã hội, họ đã phải cố gắng để trở thành một người hướng ngoại do những lợi ích mà nó mang đến: các mối quan hệ, bè bạn, công việc,... Họ cố gắng khiến mình trở nên hòa nhã, thân thiện nhất có thể, tham gia vào các câu lạc bộ, nói chuyện với người khác nhiều hơn,... để rồi trở về nhà với sự mệt mỏi vì đã không sống đúng với con người thật của mình. Họ sợ đến một ngày họ sẽ không chống đỡ nổi nữa và trở thành kẻ thất bại, bị mọi người xa lánh. Vì thế, họ cũng né tránh sự cô đơn khi dành thời gian bên những cuộc vui phù phiếm, về nhà đánh một giấc nồng, quên hết mọi phiền muộn trên thế gian.

Có lẽ nhóm người ít khi sống trong sự cô đơn nhất chính là những người hướng ngoại. Họ nhiệt tình, năng động, thích tham gia các hoạt động xã hội, trò chuyện với mọi người. Họ có được nguồn năng lượng từ việc hoạt động liên tục và các giao tiếp xã hội, trong khi ở người hướng nội thì nguồn năng lượng ấy lại hướng vào bên trong. Vì vậy, họ thường được mọi người yêu mến, đánh giá cao. Đối với họ, sự cô đơn chắc chắn là điều đáng sợ nhất. Bởi đó là khi họ rơi vào tình trạng khủng hoảng, bí bách khi không thể chia sẻ thế giới quan của mình. Họ như đã rơi vào một nhà tù với bốn vách tường ngăn cách không gì thoát ra được.


Các bạn, những người đang đọc bài viết này, hoặc là người hướng nội, hoặc là người hướng ngoại, hoặc là một người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại. Nhưng tôi tin chắc rằng, dù cho bạn thuộc nhóm người nào đi nữa, bạn sẽ không thể không "chạm trán" với cô đơn trên hành trình trưởng thành cùa mình. Vào lúc mười hai giờ đêm, tách khỏi đường phố Sài Gòn vẫn tấp nập người qua kẻ lại, bạn ngồi thu mình vào một góc giường với giọt nước mắt lăn dài trên đôi má vì sự ấm ức về chuyện cãi cọ với bạn học sáng nay. Bạn cũng có thể đang nằm trên một chiếc giường ấm áp, tay lướt điện thoại đến chán chê rồi lại trằn trọc không ngủ được vì những dòng suy nghĩ, những dòng cảm xúc không tên cứ bám riết lấy tâm trí. Ngay cả khi bạn ngồi trong một hội trường rộng lớn với hàng trăm người, lái xe đi hết các con đường đông đúc, bạn vẫn thấy lòng mình trĩu nặng và chán chường như thế. Bạn dường như vừa muốn hòa mình vào cuộc vui ồn ào vừa muốn chạy trốn tất cả.


Nhiều người sợ nỗi cô đơn như sợ bóng đêm bao trùm lấy mình. Họ tìm mọi cách để khỏa lấp khoảng thời gian đó, nhưng càng cố thì họ càng bị mắc kẹt trong nó. Có lẽ giữa xã hội hiện nay, người ta vẫn luôn đề cao sự nhiệt huyết, tích cực, hiệu quả, không cho phép bất kì ai và bất kì điều gì đi chệch khỏi quy luật đó. Nhưng không giống như nhiều người nghĩ, sự cô đơn có các mặt tốt, trong đó có nhiều con đường dẫn ta đến sự trưởng thành một cách nhanh chóng hơn.


Tôi dựa vào ba lý do chủ yếu để kết luận điều đó. Thứ nhất, cô đơn cho ta thời gian để nhìn nhận lại mình. Bị cuốn theo những trào lưu và thành kiến, liệu ta có bao giờ ngẫm nghĩ rằng liệu những gì ta đang làm có mang lại niềm vui bà sự hạnh phúc? Ta lựa chọn trở về nơi thôn quê hẻo lánh này là đúng đắn hay sai lầm?,... Thứ hai, cô đơn khiến tâm ta trở nên bình yên hơn, an lành hơn sau biết bao sóng gió và vụn vỡ. Những người lúc trước ta cảm thấy đáng ghét đến thế, nhưng bây giờ khi nhớ đến và đặt mình vào vị trí của họ thì ta thấy họ chẳng hề đáng ghét như ta vẫn nghĩ, từ đó có thể khoan dung và tha thứ. Và lí do cuối cùng, theo tôi, quan trọng nhất, chính vì cô đơn là khoảng thời gian đáng giá giúp ta hội tụ được đủ các yếu tố tài năng, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, bước lên những nấc thang mới trong cuộc đời. Chắc hẳn ai cũng biết đến các nhà bác học Anh-xtanh, Ê-đi- xơn,... Nếu không có họ, có lẽ giờ đây ta vẫn còn đang sống trong tăm tối, lạc hậu. Nhưng mấy ai biết rằng, họ vẫn luôn là những người cô đơn nhất sau vầng sáng hào quang.


Trên hành trình đi đến sự trưởng thành của mình, tôi đã từng được nghe nói rằng: “Những người chịu đựng được sự cô đơn chính là những người có nội tâm mạnh mẽ nhất”. Đừng sợ hãi nỗi cô đơn bởi đó là điều không thể tránh khỏi trên hành trình trưởng thành. Hãy tận hưởng, tận dụng nó để sau khi thoát khỏi nỗi cô đơn, ta không những trở nên bi quan, chán nản mà trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân, vươn đến những thành công lớn trong cuộc sống. Chính tôi, một cô bé vẫn chưa tròn 16 tuổi, cái tuổi mà người lớn vẫn nói là “ăn chưa no, lo chưa tới”, cũng thường xuyên phải đối mặt với nỗi cô đơn và những giằng xé trong nội tâm mình. Những lúc đó, tôi thường chọn đọc một cuốn sách, xem một bộ phim có ý nghĩa có thể đem đến cho mình một bài học nào đó hoặc chỉ đơn giản là nằm trên giường, tắt đèn, để mình chìm vào những dòng suy tư vô tận.


Còn mọi người thì sao? Hãy chia sẻ câu chuyện của mình nhé!


Tác giả: Quỳnh Hân (Bút danh: Hana)

------------------

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả - Nguồn: A Crazy Mind - Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO