[Quan điểm] Người Thấu Cảm Liệu Có Được Hiểu Thấu?

"Liệu mình có mệt mỏi khi luôn thấu hiểu người khác, mà lại lãng quên là mình cũng cần được hiểu thấu?".

NGƯỜI THẤU CẢM LIỆU CÓ ĐƯỢC HIỂU THẤU?

 

“Phải chăng một trái tim thấu hiểu cũng sẽ có ngày mệt mỏi bởi phải thấu hiểu mà không bao giờ được hiểu thấu?”


Tôi tình cờ đọc được trích dẫn đó trên facebook nhưng nó lại trở thành câu hỏi trăn trở trong tôi suốt ba tháng liền, nó khiến tôi liên tục phải lục tìm lại ký ức của mình và đưa ra câu trả lời cho chính bản thân mình.


Cuối học kì của năm nhất, tôi và cả nhóm làm bài tiểu luận kết thúc môn Tham vấn học đường có liên quan đến thấu cảm. Trong phần bài của mình tôi ghi lại những gì mình đã học được: “Thấu cảm là khi bạn nhập vai vào người khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của một người và sử dụng sự thấu hiểu đó để định hướng hành động của họ.


Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Và đừng nhầm lẫn nó với nguyên tắc vàng trong đắc nhân tâm ‘Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn học đối xử với bạn’ hay như George Bernard Shaw đã nói ‘Đừng đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn học đối xử với bạn’. Có thể họ sẽ có những phản ứng khác đó. Sự thấu cảm chính là khám phá ra những phản ứng đó.”

 

Trên giảng đường, tôi được dạy nhiều về lý thuyết của thấu cảm, thấu cảm trong tham vấn tâm lý, thấu cảm trong tham vấn học đường, thấu cảm là một phẩm chất phải có của một nhà tham vấn tâm lý và nhiều nhiều điều nữa.


Nhưng lý thuyết thì cũng chỉ là lý thuyết và môi trường thích hợp nhất cho lý thuyết là trang giấy trắng. Tôi hiểu những kiến thức được học theo đúng nghĩa đen mà thầy cô dạy nhưng đôi lúc tôi thấy chúng mơ hồ và là một cái gì đó quá cao siêu, tôi đặt ra nhiều câu hỏi: “Thấu cảm là một điều gì đó cao siêu như những khái niệm trên à? Sử dụng thấu hiểu để định hướng hành động của một người, điều này có phải quá tầm với với tôi không? Là sinh viên tâm lý thì nhất định phải thấu cảm sao? Nếu những người ngoài kia không được học những kiến thức bài bản như tôi thì họ thấu cảm như thế nào? Một người không học tâm lý vẫn có thể thấu cảm tốt mà?” Những câu hỏi đó vẫn là một dấu chấm hỏi trong tâm trí tôi đến khi tôi lại sắp kết thúc một môn học chuyên ngành nữa.



Vào ngày cuối cùng của môn Tâm lý học hành vi lệch chuẩn, cô giáo có tổ chức một buổi tham vấn ngắn dành cho các bạn trong lớp, đến lượt tôi, tôi có nói với cô rằng: “Em sẽ trở thành một chuyên gia tâm lý hiểu người chứ không nhìn thấu người. Bởi vì em biết mọi người không ai muốn bị người khác nhìn thấu cả, mọi người chỉ mong muốn có một người bạn hiểu mình chứ không nhìn thấu mình. Với lại, sau một thời gian trải qua một số cú sốc thì em nhận ra nếu mình nhìn thấu quá nhiều thì người khổ nhất lại là chính mình”.


Cô cảm thấy suy nghĩ của tôi chưa đúng, cô giải thích cho tôi nghe nhiều về ngành tâm lý, cô nói: “Nghề này không thể chỉ hiểu mà còn phải nhìn thấu mới có thể theo nghề, không chỉ nhìn thấu mà em còn phải thấu cảm và đồng cảm nhiều nữa. Đúng là nếu em có thể nhìn thấu quá nhiều thì em có thể là người khổ nhưng em không cần lúc nào cũng phải thấu hiểu người khác, em vẫn hãy cứ giữ sự hồn nhiên, vô tư của mình như thế này. Thấu hiểu người khác không phải là trách nhiệm của em nhưng nếu em biết cân bằng sự thấu hiểu và vô tư của mình thì em vừa có thể làm tốt công việc của mình, vừa có được những mối quan hệ bền chặt, vừa không trở thành người khổ nhất.” vừa dứt lời cô cười với tôi, nụ cười và ánh mắt yêu thương của cô chạm vào tâm trí đang rối bời của tôi, tôi cảm thấy mình đã gỡ được nút thắt, và đó cũng chính là câu trả lời cho hàng chục câu hỏi trước đây của tôi về thấu cảm. Tôi cảm ơn cô, đi về chỗ và nở một nụ cười dành cho chính mình vì tôi đã hiểu thấu được vấn đề.


Sau ngày hôm đó, tôi thay đổi góc nhìn của bản thân, tôi cảm thấy thấu cảm thật sự rất quan trọng trong cuộc sống. Học lại cách thấu cảm, nhờ có thấu cảm mà tôi thấu hiểu bản thân mình nhiều hơn, tôi có thể tự trả lời những câu hỏi của mình. Tôi hiểu được một điều “Người có câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi của tôi là chính bản thân tôi, câu trả lời của tôi không nằm ở phía người khác”.


Đôi lúc cãi nhau với bạn thân, tôi đợi mãi, đợi mãi mà không thấy nó nói cho tôi lý do nó giận tôi. Cuối cùng, tôi cũng hiểu “Người khác không nói cho tôi biết lý do vì tôi chính là lý do.”


Nhớ lại ngày còn học cấp 3, những lúc tôi cảm thấy khó chịu vì bài viết của mình trùng ý tưởng với bạn khác, thật ra cảm xúc khó chịu đó là tôi đang dành cho chính bản thân mình. Tôi khó chịu với bản thân vì năng lực của tôi còn quá bình thường nên mới trùng ý tưởng với bạn khác, sự khó chịu đó tôi đang dành cho chính mình chứ không phải tôi khó chịu vì bạn cùng lớp viết giống như tôi. Cảm xúc của tôi, đến từ chính tôi và tôi phải là người chịu trách nhiệm cho chính cảm xúc của mình, không phải ai khác.


Dần dần, tôi có nhiều góc nhìn mới hơn, từ việc thấu hiểu chính mình tôi đã bớt đi những cảm xúc tiêu cực không đáng có, tôi cười nhiều hơn, tôi biết cách lý giải cảm xúc của mình. Nếu có những chuyện tồi tệ xảy ra với tôi như trước đây thay vì lại đặt ra những câu hỏi và đợi chờ câu trả lời từ người khác, tôi có thể tự đối diện với cảm xúc của mình, tự giải quyết được mọi chuyện và rút ra được bài học sau những trải nghiệm của bản thân.




Thấu cảm đã dạy tôi biết cách thấu hiểu chính mình, và tôi cũng dần biết cách thấu cảm với mọi người, hiểu được nguyên nhân những hành động của người xung quanh tôi.


Tôi đã từng kết thúc một mối quan hệ mà không hề có một lý do rõ ràng, không có một cuộc cãi vã nào giữa chúng tôi. Chúng tôi trái quan điểm với nhau về cách sống, đối phương là một người sống thuận theo cảm xúc, muốn gì là làm ngay; còn tôi là một người cân bằng giữa lý trí là cảm xúc, tôi luôn cảm thấy chưa phải lúc để làm việc này hay việc kia cùng bạn. Thế là mối quan hệ này cũng đến lúc phải kết thúc như lá sang thu sẽ úa vàng, không thể khác. Tôi biết chúng tôi khác nhau nhưng thay vì nói với tôi lý do thì bạn lại chọn im lặng. Bạn rời đi một cách nhẹ nhàng nhưng trong tôi là bão tố, một lần nữa tôi lại sống cùng cơn bão của những câu hỏi, cơn bão đó nhấm chìm trái tim tôi, chúng càng quét tâm trí tôi một cách dữ dội cũng chẳng tìm thấy câu trả lời. Thật sự, thật sự bây giờ tôi rất cần câu trả lời từ bạn, nó đã trở thành cơn bão lòng lớn nhất trong tôi và tôi không muốn sống với nó một giây phút nào cả. Tôi không thể lúc nào cũng thấu hiểu người khác, tôi cũng cần được thấu hiểu mà, nếu ngay cả một lý do nhỏ nhất bạn cũng không tiết lộ thì tôi phải giải đáp câu chuyện này như thế nào đây. Cuối cùng, sự thật đằng sau lý do kết thúc mối quan hệ này tôi vẫn không rõ và tôi cũng không biết là tôi đã sai ở chỗ nào.


Sau một thời gian sống trong mớ hỗn độn của những câu hỏi, mặc dù không nhận được câu trả lời từ bạn, tôi đã tự vỗ về chính mình: thật vô vọng thôi nếu tôi muốn người kia thú nhận điều gì để đòi lại được công bằng. Không ai sai trong câu chuyện của chính mình. Mỗi người sở hữu một phiên bản sự thật của riêng mình nên chẳng ích gì khi tôi đối chiếu sự thật của tôi với sự thật của người kia. Bạn tôi không sai, tôi cũng không sai, chúng tôi không ai sai trong câu chuyện của chính mình và rồi trong câu chuyện của chúng tôi không có nhau nữa. Cơn bão lòng đã thôi giận dữ nhưng thỉnh thoảng nó vẫn ghé đến làm ướt mi tôi. Tôi học cách chấp nhận điều đó, và sống tiếp.


Tôi đã từng bị cho leo cây nhiều lần, các bạn hứa với tôi nhưng hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều. Có những lời hứa các bạn hứa cho vui, có những lời hứa thuận theo cảm xúc nhất thời, có những lời hứa là thật tâm nhưng cuối cùng các bạn đều không thực hiện được. Tôi không khó chịu hay giận dỗi các bạn vì nếu tôi không cho các bạn cơ hội hứa thì các bạn cũng không thể thất hứa với tôi. Chuyện gì cũng có lý do hai chiều, và một phần nguyên nhân đến từ tôi. Còn có một số lời hứa, không phải vì người bạn đó muốn thất hứa, bạn hứa vì bạn đã thật sự muốn như vậy nhưng chẳng qua lời hứa của bạn chỉ có tác dụng vào giây phút bạn nói ra thôi, qua ngày hôm sau lại là một câu chuyện ngoài tầm kiểm soát của bạn rồi.


Gần một năm qua, tôi đã sống thấu cảm như vậy. Thấu cảm giúp cho tôi dễ dàng kết nối với mọi người, xây dựng những mối quan hệ bền vững, bớt đi những cảm xúc tiêu cực, hiểu mình và hiểu người hơn.



Nhưng thấu cảm liệu có phải luôn là một món quà tốt?


Bên cạnh những mặt tốt mà thấu cảm mang đến, tôi cũng nhận lại cũng không ít mặt trái của thấu cảm.


Trong thời gian qua, có những mối quan hệ mới đến với tôi. Thay vì tò mò muốn tìm hiểu đối phương thì tôi lại chẳng tha thiết tìm hiểu hay làm gì vì họ rất giống với kiểu người mà trước đây tôi đã quen biết, tôi có thể đoán được phần nào tính cách của họ. Tôi có cảm giác như mình đang xem lại một bộ phim vậy, tôi chẳng thích thú với bộ phim mà tôi đã xem qua vì tôi đã biết trước cái kết. Tôi cũng có thử tìm hiểu nhưng đúng như những gì tôi đoán trước “không hợp” và cái kết vẫn như cũ. Đúng là chuyện gì cũng có hai mặt, lúc nào cũng nhìn thấu thì thật không tốt. 


Quay trở lại câu hỏi lớn mà tôi tự hỏi mình suốt ba tháng: “Phải chăng một trái tim thấu hiểu cũng sẽ có ngày mệt mỏi bởi phải thấu hiểu mà không bao giờ được hiểu thấu?”


Nếu có ai hỏi tôi câu hỏi đó thì tôi sẽ trả lời rằng: “Có. Một trái tim luôn thấu hiểu người khác cũng có ngày cảm thấy mệt mỏi vì phải thấu hiểu mà không được hiểu thấu.”


Điển hình là trường hợp: mọi người xung quanh tôi nhận được sự thấu hiểu từ tôi và ngày qua ngày mọi người coi đó là điều hiển nhiên. Tôi thấy được, vài người quen của tôi xem việc tôi luôn thấu hiểu mọi người là điều hiển nhiên vì tôi là một người thấu cảm mà. Thật ra, họ đã quên một điều rất quan trọng rằng tôi cũng là một người bình thường như bao người khác, tôi cũng cần được hiểu thấu, cũng muốn được nhận câu trả lời từ người khác, cũng cần được lắng nghe và chia sẻ dù chỉ là một chút thôi. Tôi cũng có lúc cảm thấy mỏi mệt, cũng có những lúc buồn lòng và muốn được ai đó hiểu thấu. Tuy rằng, tôi có khả năng quản lý cảm xúc tốt, tôi có khả năng thấu cảm nhưng một người thấu cảm cũng cần được hiểu thấu.


Ước gì bạn tôi dành ra 5 phút để nói cho tôi biết lý do tại sao bạn làm như vậy để tôi không phải sống khổ sở suốt 5 tháng, ước gì bạn tôi không thất hứa, mà bạn chọn thực hiện mong muốn của chúng tôi, rồi mới nói với tôi đó là lời hứa mà bạn muốn thực hiện cùng tôi, ước gì tôi đã không phải tự mình xin lỗi mình nhiều đến vậy, ước gì tôi không phải tự mình trả lời những câu hỏi đến từ nhiều người đến vậy và ước gì...


Gần một năm qua tôi mải mê trên hành trình trở thành một người thấu cảm của mình, tôi trở thành người bạn đồng hành của người khác nhưng rồi lại đơn độc trên chính hành trình của mình, tôi luôn có sẵn khăn giấy lau đi nước mắt cho người bên cạnh để rồi khi tôi khóc tôi luôn tự lau đi giọt buồn trên mi mình, thậm chí là không - một - ai - nghĩ tôi đang khóc, và vào một đêm muộn trong căn phòng nhỏ tôi đọc được câu hỏi: “Phải chăng một trái tim thấu hiểu cũng sẽ có ngày mệt mỏi bởi phải thấu hiểu mà không bao giờ được hiểu thấu?”. Tôi lặng người rất lâu, tôi thầm hỏi chính mình: "Liệu mình có mệt mỏi khi luôn thấu hiểu người khác, mà lại lãng quên là mình cũng cần được hiểu thấu?".


Trường hợp này, không chỉ xảy ra với riêng tôi. Tuần trước, tôi thấy một người đàn chị của mình đăng dòng trạng thái “A listener needs a listener too”. Đúng là như vậy: một người nghe cũng cần một người nghe, một trái tim thấu hiểu cũng cần được hiểu thấu. Tôi nghĩ đó không chỉ là tâm tư của riêng tôi, mà còn là của những người luôn lắng nghe người khác, những người thấu cảm khác, những ai làm nghề tham vấn tâm lý, và cả những ai luôn xoa dịu trái tim người khác nữa.


Sau tất cả, tôi ước gì mọi người biết rằng: "Người luôn thấu hiểu mọi người, cũng cần được mọi người hiểu thấu."

_________________________

Tác giả: Young

Ảnh: sưu tầm

Theo dõi tác giả tại: @trangvantuoitre.young

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan