[Review sách] “Kiểm soát đứa trẻ hư trong bạn” - Làm thế nào để hòa hợp với đứa trẻ hư trong bạn?

Điều chúng ta cần làm đó là học cách làm chủ và lắng nghe đứa trẻ hư bên trong mình, những mất mát, những tổn thương, những lời trách mắng, tất cả đều là những mảnh ghép để tạo nên chân dung của một đứa trẻ bồng bột.


Ai ai cũng có một đứa trẻ hư – tàn dư tuổi thơ – bên trong mình”


Ngày nhỏ, bạn có chắc mình đã từng là một đứa trẻ ngoan?


Phiếu bé ngoan có thực sự là một món quà đáng ao ước để bạn chứng minh với bố mẹ rằng con đã vâng lời và được thầy yêu bạn mến?


Tôi đã từng trải qua một tuổi thơ ảo tưởng và định kiến rằng chỉ cần làm theo lời người lớn, bạn sẽ được gắn một cái mác mĩ miều “Con ngoan”.

Chỉ đến khi cầm trên tay cuốn sách “Kiểm soát đứa trẻ hư trong bạn”, tôi mới ngây ngô nhận ra rằng: Làm trẻ hư không có gì đáng trách, bởi trong mỗi chúng ta luôn tồn tại một đứa trẻ hư? Dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào, đứa trẻ hư vẫn luôn ở trong tâm trí bạn, nó không mất đi, chỉ là có những khi nó ẩn mình phía sau vỏ bọc trưởng thành của chúng ta, chúng ta nhầm tưởng rằng mình là người lớn. Bạn có tò mò khi muốn biết đứa trẻ hư là ai và làm cách nào để có thể chế ngự đứa trẻ hư trong mình, hãy cùng nhà tâm lý học Pauline Wallin khám phá những điều thú vị trong chính những con người trưởng thành để xem chúng ta đã từng “trẻ con” như thế nào nhé!


Đứa trẻ hư là ai?


“Đứa trẻ hư” chỉ đơn giản là một cái tên để miêu tả về phần hắc ám trong mỗi con người. “Đứa trẻ hư luôn ghen tị, phẫn nộ và giận dữ. Khi không thích chuyện không diễn ra, nó bắt đầu lầm bầm, càu nhàu, và thậm chí là la hét bên trong tâm trí bạn”. Tác giả chia sẻ với chúng ta về những câu chuyện thường ngày của một người mẹ hay mệt mỏi và cáu bẳn, của người vợ Emily không thể kiểm soát cơn giận và la hét mỗi khi chồng về nhà hơi trễ, của một người đàn ông tên Dave nghiện thuốc lá mà không thể bỏ… Có thể bạn đã gặp họ ở đâu đây, trong gia đình bạn, trong khu phố của bạn, trong lớp học hay tại công ty…Sự tức giận vô cớ và cách hành xử thiếu lí trí diễn ra một cách tự nhiên đến mức, mỗi khi chúng ta lỡ thốt ra một lời tiêu cực nào đó, chỉ một giây sau chúng ta lại thấy hối hận vô cùng. Tại sao tôi lại nặng lời với anh ấy? Tại sao tôi lại đánh thằng bé? Tại sao tôi lại cư xử thiếu hiểu biết như vậy? Oán trách cũng chẳng giúp bạn rút lại lời đã nói, có chăng chúng ta cần dành thời gian để nhận thức rằng, thời điểm bạn nổi cáu và hành xử vô cớ đều xuất phát từ sự điều khiến của đứa trẻ hư bên trong bạn. “Đó là một đứa trẻ muốn những gì nó muốn vào một thời điểm nó muốn. Một đứa trẻ hư sẽ không bao giờ chấp nhận câu trả lời: “Không”. Nếu một đứa trẻ hư không được đáp ứng mong muốn của mình, nó sẽ la hét, hờn dỗi hoặc nóng nảy cho đến khi ai đó nhượng bộ”. Tác giả gọi đó là sự thôi thúc có tính đòi hỏi. Còn nhớ ngày bé, khi tôi đi siêu thị với mẹ, tôi rất hay ăn vạ mỗi khi muốn mẹ mua đồ chơi cho mình, mặc dù ở nhà đã có nhiều đồ chơi nhưng mỗi khi mẫu búp bê babie mới ra đời, tôi lại muốn có được con búp bê ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình khóc thật to và níu áo mẹ sớm muộn gì mẹ cũng sẽ mềm lòng. Nhưng không, mặt của mẹ lạnh băng, mẹ tôi nhẹ nhàng mở túi xách ra cho tôi xem : “Con thấy không, mẹ quên ví ở nhà rồi, không mang tiền theo con ạ!”. Vậy là tôi chấp nhận nín khóc. Những lần sau khi đi siêu thị, mẹ đã thỏa thuận với tôi một cam kết như thế này: “Con sẽ được đi siêu thị cùng mẹ và xem tất cả những món đồ con thích, ngược lại con sẽ không được mua bất cứ thứ gì, mẹ thấy đồ chơi của con hiện tại đã rất đầy đủ. Một là đi với mẹ và không mua gì, hai là ở nhà. Con đồng ý không?”. Ngày ấy tôi vẫn suy nghĩ thiệt hơn, đúng là tôi có nhiều đồ chơi thật, nhưng khi đứng trước gian hàng bày búp bê rực rỡ ấy, tôi thường không kiềm chế được lòng tham. Nhớ lời mẹ dặn, dần dần tôi học được cách hài lòng với những gì mình đang có. Tôi biết ơn mẹ vì đã nghiêm khắc dạy tôi và giúp tôi hiểu rằng trưởng thành là khi bạn học được cách chấp nhận rằng thế giới không vận hành theo cách mà bạn mong muốn.


Nếu cha mẹ không nhất quán trong việc áp đặt quy tắc và hệ quả, thì trẻ con sẽ nhận thấy rằng, bằng cách phản kháng đủ mạnh mẽ và đủ lâu, chúng sẽ có được thứ mà mình mong muốn”. Giả sử như mẹ tôi nuông chiều tôi khi tôi ăn vạ đòi mua món đồ chơi mới, tôi la hét và phẫn nộ, sau đó hí hứng ôm búp bê về nhà vì được thỏa mãn lòng tham ngay tức khắc, nhưng lần tiếp theo, tôi sẽ hiểu rằng chỉ cần la hét và làm ầm ĩ trong sự kiên trì, nhất định mẹ sẽ lại mua đồ chơi mới cho tôi. Sự đáp ứng của cha mẹ như một liều thuốc trấn an bản năng đòi hỏi bên trong tôi ngay lập tức, nhưng họ không biết rằng ở những lần tiếp theo sự phản kháng của tôi sẽ tăng lên theo một cấp độ khác, lâu hơn và cứng đầu hơn.


“Thói quen là môt thứ rất khó bỏ, đặc biệt là thói nghiện bởi chúng không chỉ liên quan tới sự thèm muốn về tâm lý mà cả triệu chứng vật lý nữa”.

 Dave nghiện hút thuốc và không ý thức được thói quen cố hữu này. Đã nhiều lần cai thuốc và sử dụng các biện pháp can thiệp nhưng không có tác dụng. Anh nói rằng khi anh dừng hút thuốc, có một giọng nói trong anh văng vẳng rằng: “Chỉ một điếu thôi, không sao đâu, làm sao chết ngay được”, giọng nói gợi cho anh nhớ lại sự sung sướng khi được hút thuốc, về hương thơm của điếu thuốc và sự khoái lạc, vậy là anh tặc lưỡi “Ừ thì một điếu thì có chết ai”. Đứa trẻ hư trong Dave đã phát ra tiếng nói mè nheo và đòi hỏi anh phải đáp ứng ngay cảm giác mà nó mong muốn. Anh ấy sẽ không ngần ngại, mở bao, châm lửa và tiếp tục lặp lại thói quen khó bỏ ấy. Đó chính là tác động tiêu cực của đứa trẻ hư lên tâm trí của chúng ta.


Chúng ta thường có xu hướng hợp lý hóa những sai lầm của bản thân và coi lỗi lầm của người khác là sự khiếm khuyết trong nhân cách. Đơn giản như khi bạn làm vỡ cốc, bạn sẽ nghĩ: “Sao cái cốc này trơn thế nhỉ?”. Bạn đổ lỗi ngay cho cái cốc chứ không phải là do bạn vụng về hay bất cẩn. Tuy nhiên, nếu em trai bạn làm vỡ cốc, bạn sẽ không ngần ngại mà nói: “Mắt mũi em để đi đâu thế, có mỗi cái cốc cũng đổ”. Bạn sẽ đánh giá người em trai là bất cẩn, cẩu thả, vô trách nhiệm, trong khi bạn làm đổ cốc thì có gì đâu, đó là chuyện không may! Việc hợp lý hóa sai lầm giúp bạn bảo vệ lòng tự trọng của bản thân nhưng nếu lạm dụng quá mức nó sẽ tạo nên cơ chế từ chối chấp nhận chịu trách nhiệm.




Làm sao để hòa hợp với đứa trẻ hư trong bạn?

Có một sự thật rằng: Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn đứa trẻ hư, chúng ta chỉ có thể học cách nhận biết nó và khiến cho sự hiện hữu của nó trở nên mờ nhạt để giảm thiểu sự can thiệp của nó trong cuộc sống hằng ngày. Hãy cùng tham khảo một số chiến lược sau đây, quy trình ba bước đơn giản sẽ giúp bạn đối mặt với đứa trẻ hư trong mình một cách hòa hợp nhất.

Quy trình ba bước:


Bước 1: Trấn an: Đừng cố gắng cãi lý với đứa trẻ hư, việc của bạn là ngồi xuống thật thoải mái, hít thở sâu, lặp lại kỹ thuật thở ba lần, tập trung vào hơi thở sẽ giúp bạn điều hòa lại tâm trí mình.

Bước 2: Lắng nghe. Đứa trẻ hư luôn muốn bạn hành động bột phát và suy nghĩ bốc đồng. Chú ý và suy nghĩ giọng nói của đứa trẻ hư sẽ giúp bạn tập trung và giành được quyền điều khiển tâm trí.

Bước 3: Giành quyền chi phối. Tác giả sẽ chia sẻ với chúng ta những điều nên làm hoặc không nên làm để giành quyền kiểm soát.


“Nếu bạn cảm thấy bản thân thường xuyên cư xử như một đứa trẻ hư, thì bạn không cô đơn đâu. Tất cả mọi người, kể cả những người có học thức, thông thái và biết điều nhất cũng hành xử ích kỷ như vậy đấy”. Điều chúng ta cần làm đó là học cách làm chủ và lắng nghe đứa trẻ hư bên trong mình, những mất mát, những tổn thương, những lời trách mắng, tất cả đều là những mảnh ghép để tạo nên chân dung của một đứa trẻ bồng bột. Bạn sẽ khó chấp nhận rằng mình là một con người khó tính, dễ cáu bẳn, bất mãn với mọi điều không như ý, nhưng bạn cần chấp nhận sự thật ấy để bắt đầu bước chân trên con đường thấu hiểu và lắng nghe chính mình. Hãy tìm đọc cuốn sách với một trái tim rộng mở và bao dung, chúng ta ít nhiều sẽ nhìn thấy mình trong đó, với một quá khứ đầy rẫy tổn thương nhưng luôn có một trái tim khao khát được yêu thương và chữa lành.


Người viết: Lily Trương

Đặt sách tại:

Shopee: https://tinyurl.com/Duatrehu-Az

Tiki: https://tinyurl.com/Duatrehu-Tiki

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan