[Review] "Trước và sau ly hôn" (Phần 1)

Con người là một sinh vật yếu ớt, những tổn thương để lại từ ấu thơ sẽ không dễ dàng lành lặn. Giống như một cái cây nhỏ bị chém vào thân, theo thời gian thân cây sẽ dần lớn lên, nhưng vết tích thì vẫn còn lại đó. Cây đã thế, huống chi là con người. Đau đớn lưu lại trong xương tủy, trong máu thịt, dù đã trưởng thành nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục đè nát sinh mệnh.

Là một hủ nữ lâu năm, tôi vẫn rất ưu tiên truyện của Tang Tâm Bệnh Cuồng Bích Qua Bì. Nếu có một cái mốc cho sự thay đổi thể loại đam mỹ mà tôi đọc, truyện của Tang Tâm Bệnh Cuồng Bích Qua Bì chính là cái mốc ấy, là bước ngoặt chuyển đổi thể loại tiểu thuyết tôi đọc từ yêu đương sang hôn nhân gia đình. Trước và sau ly hôn là câu chuyện thứ hai của tác giả làm tôi thổn thức không yên về thứ tình yêu nhất kiến chung tình, về cách sống, về mặt trái xã hội, về mọi thứ. Cốt truyện khá thực tế được kể theo nhịp điệu trầm lắng, Trước và sau ly hôn là một câu chuyện đáng để bạn bỏ ra thời gian vì nó.


Trước và sau ly hôn mở đầu với chi tiết ly hôn giữa hai nhân vật chính, mở ra một tình huống hoàn toàn mới cho cuộc sống của cả hai người họ mà từ đó, những sự thật dần được bóc trần, những bí mật, tâm tư dần được mở ra. Hạ Đình Vãn vốn là diễn viên nhất thế thành danh, chỉ từ một bộ phim mà ôm về được danh hiệu ảnh đế và ba cúp vàng danh giá, thế nhưng y lại có một tuổi thơ vô cùng đau khổ. Bị bạo lực gia đình, bị cha mẹ bỏ rơi, thứ y khao khát nhất vẫn luôn là tình thân từ các bậc trưởng bối. Cũng chính quá khứ này tạo nên tính cách bướng bỉnh và tự ti của Hạ Đình Vãn, là một trong những lý do trực tiếp nhất dẫn đến cuộc ly hôn kia. Còn Tô Ngôn là một thương nhân vô cùng giàu có. Anh ban đầu là fan của Hạ Đình Vãn, cuối cùng lại không phòng bị mà nhất kiến chung tình với y.


Hôn nhân của họ ban đầu là do mẹ của Hạ Đình Vãn đề ra, đem Hạ Đình Vãn như thể bán cho Tô Ngôn để cứu lấy công ty của người chồng thứ hai của bà. Năm năm hôn nhân cũng là năm năm Tô Ngôn hết mực yêu chiều Hạ Đình Vãn, nhưng lại không thể hạ được sự tự ti cùng cách thể hiện tình cảm có phần lệch lạc của Hạ Đình Vãn. Một ngày nọ, Hạ Đình Vãn phát hiện ra Tô Cẩn, em trai của Tô Ngôn, cũng vì bạo lực gia đình mà tự sát ở tuổi 11. Y tức giận vì nghĩ mình đang nhận sự thương hại từ chính người chồng của mình, sau đó uống rượu lái xe gây ra tai nạn, lại khiến một cặp mẹ con bị thương cùng mình. Sau khi mọi chuyện được an bài ổn thỏa, Tô Ngôn bất ngờ đề nghị ly hôn, Hạ Đình Vãn lẳng lặng đồng ý.


Khoảng thời gian sau ly hôn với Hạ Đình Vãn cũng chính là khoảng thời gian trưởng thành của y. Hạ Đình Vãn dần hiểu được tình yêu của mình dành cho Tô Ngôn, cũng từng bước trở nên chắc chắn hơn, không còn quá ỷ lại vào Tô Ngôn nữa. Tô Ngôn cũng từ một người luôn gồng mình để xuất hiện hoàn hảo trong mắt bạn đời trở thành một người cởi mở hơn, không coi Hạ Đình Vãn là một cậu nhóc nữa mà mong muốn cùng cậu sẻ chia những gánh nặng cùng mình.


Câu chuyện cuối cùng chính là một cái kết có hậu. Trước và sau ly hôn giống như một cuốn sách bóc tách dần những khía cạnh trong hôn nhân nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ là câu chuyện về tình yêu của Hạ Đình Vãn và Tô Ngôn, mà còn là câu chuyện về cách sống và cách đối mặt với cuộc đời. Mỗi một nhân vật trong truyện của Tang Tâm Bệnh Cuồng Bích Qua Bì đều có một câu chuyện của riêng họ, và mỗi câu chuyện ấy đều khiến chúng ta không khỏi xót xa.


Ảnh: Goran Vrakela | Pexels

Bạo lực gia đình để lại những gì?


Trong Trước và sau ly hôn, có hai nhân vật đã trải qua bạo lực gia đình. Một là Hạ Đình Vãn, hai là em trai của Tô Ngôn – Tô Cẩn. Một người vĩnh viễn sống ở tuổi 11, một người đem vết thương về thể xác và tâm hồn sống hơn 20 năm trong nỗi tủi hổ và sợ hãi ăn sâu vào tiềm thức. Bạo lực gia đình để lại quá nhiều vết sẹo, cả vô hình và hữu hình.


Tô Cẩn cũng như Hạ Đình Vãn, đều chỉ là những đứa trẻ khao khát tình thương gia đình. Tô Cẩn bị cha mình lạnh nhạt, cũng thường xuyên bị ông xuống tay gây ra những nỗi đau về thể xác. Đứa trẻ ấy đã chẳng thể làm gì ngoài việc tự vấn bản thân xem mình đã gây ra những lỗi lầm gì, cố gắng lấy lòng người cha bạo lực kia, cuối cùng là bộc bạch mọi cảm xúc vào trong từng câu viết.


Một đứa trẻ co mình trong góc phòng, run rẩy viết từng câu chữ.


“Bố đánh mình, dùng dây lưng đánh mình 12 cái, sau đó nhốt mình trong phòng, không cho ăn cơm tối. Sau này mình sẽ không bao giờ ăn vụng kẹo nữa.”


Lúc viết những dòng này Tô Cẩn còn rất bé, năng lực biểu đạt không được tốt nên chỉ đơn thuần là kể lại những gì đã xảy ra. Chúng ta vẫn luôn nghĩ trẻ em không nhận thức được hành động của người lớn, thế nhưng tâm tư tình cảm của một đứa trẻ rất đơn thuần, cũng rất nhạy cảm. Dưới tình huống bị đánh đập tệ hại thế kia, Tô Cẩn chỉ chịu đựng, đếm từng số lần đánh, đến cuối cùng còn tự đưa ra một giải pháp để sau này không rơi vào tình trạng như vậy nữa, để sau này bố sẽ không đánh em.


Hành động của người lớn luôn có quá nhiều ý nghĩa, cũng có nhiều tầng lớp nguyên nhân và cách biểu hiện phức tạp, thế nhưng chỉ cần được lọc qua lăng kính của một đứa trẻ, bản chất trần trụi nhất của những hành động ấy sẽ bị phơi bày. Chính vì thế nên mới có câu nói “Hãy suy nghĩ như một đứa trẻ, và hành động như một người lớn”, bởi suy nghĩ của một đứa trẻ có thể vạch trần tâm tư và động cơ của mọi người.


Và suy nghĩ của Tô Cẩn giúp ta nhìn ra được quá nhiều. Sự đau đớn da thịt, sự ngây thơ của em, sự độc ác của kẻ đã xuống tay với em. Cách suy nghĩ của Tô Cẩn cũng dần bị giới hạn, em không thể đứng lên giải phóng cho chính mình, lại buộc chặt bản thân vào những đau đớn và cam chịu. Với em những đòn roi hệt như thể một sự thật luôn đúng, em chỉ có thể đón nhận chứ không thể phản bác nó. Cho tới khi em tìm thấy một con đường giải thoát.


Tô Cẩn không hề lên kế hoạch để tự sát, em vẫn luôn giam mình trong ý niệm bản thân phải chịu những nỗi đau như vậy là không thể thay đổi. Thế nhưng giây phút nhìn vào đường ray xe lửa, dường như Tô Cẩn đã đưa ra một quyết định chóng vánh.


Quá khứ về Tô Cẩn không được tác giả kể quá nhiều, thế nhưng từ những câu chữ rời rạc, tôi như thể nhìn thấy được em. Tôi thấy ánh mắt em nhìn thẳng vào đường ray không thể rời. Tôi thấy tim em đập mạnh, không phải vì sợ hãi, mà là vì hào hứng, vì xúc động, vì cảm xúc dâng trào khi nhận ra có lẽ mình có thể được giải thoát khỏi hiện thực. Tôi thấy cả sự sợ hãi cùng hạnh phúc của em.


Khi Tô Ngôn quay trở về cùng với cây kem mà Tô Cẩn nhờ anh mua, nhìn thấy người em trai đứng trên đường ray xe lửa, Tô Ngôn hoảng hốt khi chợt hiểu ý định của Tô Cẩn.


Giây phút cuối cùng, sinh mạng của Tô Cẩn kết thúc bằng một tiếng bang ngắn gọn, sau đó chìm vào hư vô.


Bạo lực gia đình phải đớn đau đến thế nào, phải sợ hãi đến thế nào mới khiến một đứa trẻ 11 tuổi phấn khích trước ý niệm rời khỏi thế giới, mới có thể khiến đứa trẻ ấy dũng cảm tới mức đứng trước đoàn tàu xe lửa?


Nhưng không chỉ để lại những vết sẹo trên người một đứa trẻ, bạo lực gia đình có thể để lại vết sẹo trên bất cứ ai, ở bất cứ lứa tuổi nào.

Hạ Đình Vãn có lẽ may mắn hơn Tô Cẩn rất nhiều. Mặc dù khá muộn màng, nhưng người mẹ bỏ rơi anh cuối cùng vẫn quay về, cứu anh khỏi những trận đòn của người cha ruột. Hạ Đình Vãn rời đi, đem theo chằng chịt những vết thương không thể xóa bỏ trên cơ thể.


Và những vết thương đó, như thể những cao dao sắc bén nhất, từng chút từng chút ngấm dần vào máu của Hạ Đình Vãn, ngấm cả vào tinh thần của anh.


Khi Tô Ngôn vươn tay về phía Hạ Đình Vãn, như bản năng, Hạ Đình Vãn đưa tay che đầu, bắt đầu cầu xin Tô Ngôn đừng đánh y. Bộ não của chúng ta có thể ghi nhớ nhiều thứ, cơ thể của chúng ta cũng vậy. Trí nhớ thể xác khiến Hạ Đình Vãn không tự chủ mà run rẩy, cảm tưởng như những cơn đau lại bắt đầu dằn dặt y. Để một hành động trở thành một bản năng như vậy cần rất nhiều năm lặp đi lặp lại. Hạ Đình Vãn là đã trải qua bạo lực từ người cha của mình như một thói quen, sau đó đem hành động tự bảo vệ bản thân kia trở thành bản năng của một con mồi.


Bạo lực gia đình còn là một chất giàu dinh dưỡng nuôi lớn sự tự ti trong những đứa trẻ. Hạ Đình Vãn là ảnh đế ba cúp vàng, thế nhưng y chán ghét cơ thể của mình đến cùng cực. Vào đêm đầu tiên của Hạ Đình Vãn, y đã sợ hãi không dám cởi quần áo, cũng vì những vết thương trên cơ thể mà rơi nước mắt, luôn cảm thấy người đàn ông trước mặt sẽ vì chúng mà ghét mình. Những vết thương chằng chịt, vết bỏng từ thuốc lá, vết sẹo từ thủy tinh,… mọi thứ đều khiến Hạ Đình Vãn không dám để lộ từng tấc da thịt. Nếu không phải Tô Ngôn nhất kiến chung tình mà yêu thương y, cả đời này Hạ Đình Vãn chắc cũng chẳng thể yêu nổi bản thân mình.


Không chỉ dừng lại ở đó, bạo lực gia đình là một tội ác, và nạn nhân của tội ác không nhất thiết phải là người gánh chịu bạo lực gia đình.

Cái chết của người em trai khiến Tô Ngôn không thể sống một cách hoàn toàn yên bình. Anh là người chứng kiến cái chết của Tô Cẩn, cũng là cái kết mà bạo lực gia đình để lại. Nó không gây ra vết thương thể xác cho Tô Ngôn, nhưng lại đâm sâu vào tâm hồn của anh, khiến vết thương ấy chảy máu không có hồi kết. Cái chết ấy vĩnh viễn để lại nỗi đau trong lòng của Tô Ngôn, cùng lắm cũng chỉ có thể cầm máu chứ không thể chữa lành.


Nhiều năm sau đó, vết thương ấy của Tô Ngôn lần nữa đau đớn thêm, vì người con trai anh yêu cũng phải trải qua những nỗi đau như vậy. Để có thể bình tĩnh mà nhìn vào những vết thương trên cơ thể người mình yêu, bạn có biết cần bao nhiêu dũng khí và năng lượng để kìm nén cảm xúc không, lại còn có thể dịu dàng vỗ về cho sự sợ hãi của người ấy?


Tô Ngôn không phải nạn nhân trực tiếp của bạo lực gia đình, nhưng lại là một trong những người gánh chịu nỗi đau lớn nhất.


Bạo lực gia đình để lại quá nhiều nỗi đau và mất mát. Những vết sẹo, những thương tổn trong tâm hồn, những giọt nước mắt và cả những sinh mệnh. Giống như Tang Tâm Bệnh Cuồng Bích Qua Bì đã viết.


Con người là một sinh vật yếu ớt, những tổn thương để lại từ ấu thơ sẽ không dễ dàng lành lặn.


Giống như một cái cây nhỏ bị chém vào thân, theo thời gian thân cây sẽ dần lớn lên, nhưng vết tích thì vẫn còn lại đó.


Cây đã thế, huống chi là con người. Đau đớn lưu lại trong xương tủy, trong máu thịt, dù đã trưởng thành nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục đè nát sinh mệnh.


Mặc dù cũng mong muốn, nhưng dường như việc bạo lực gia đình dừng lại là một ước mơ quá xa vời. Vậy chỉ mong trong tương lai, ở thế giới ngoài kia sẽ có những người sẵn sàng dang tay giúp đỡ, truyền khả năng và dũng khí cho những người phải trải qua bạo lực gia đình. Để rồi một ngày nào đó, con đường giải thoát cho họ sẽ không chỉ là đường ray xe lửa mà Tô Cẩn đã bước vào nữa.


Để tồn tại, con người có thể tàn nhẫn với bản thân đến mức nào?


Hình Nhạc là thanh mai trúc mã của Hạ Đình Vãn. Năm Hình Nhạc tham gia tuyển diễn viên cho Lời cá voi – tác phẩm của đạo diễn nổi tiếng Hứa Triết – Hạ Đình Vãn chỉ là người đi kèm. Thế nhưng đến cuối cùng, Hứa Triết lại nhìn trúng kẻ không hề học diễn chính quy là Hạ Đình Vãn, còn người theo học ngành Sân khấu điện ảnh như Hình Nhạc lại không được nhận. Lời cá voi năm đó một bước đưa Hạ Đình Vãn trở thành ảnh đế, thắng về cúp vàng của ba Liên hoan phim điện ảnh nổi tiếng nhất. Hình Nhạc sau đó trả lời phỏng vấn chi biết nói: “Có những người đã được định là sẽ ăn chén cơm này.”


Có lẽ khi đó chính là thời điểm Hình Nhạc nhận ra, thiên phú trong nghề diễn là một lợi thế lớn đến thế nào.


Những năm tháng Hạ Đình Vãn được bao bọc bởi hôn nhân với Tô Ngôn, Hình Nhạc ngày càng trở nên vô cùng nổi tiếng. Người ta nhìn vào anh chỉ thấy vầng quang, sự ngưỡng mộ và ghen tị. Thế nhưng khi Hạ Đình Vãn rời khỏi Tô Ngôn, tự đứng trên đôi chân của mình mà tham gia vào một show thực tế cùng Hình Nhạc, y nhận ra người bạn thanh mai trúc mã của mình đã thay đổi từ lúc nào không hay biết.


Hình Nhạc chính là bất chấp mọi thứ, đem cơ thể cùng lòng tự trọng của mình bán rẻ cho ông chủ, sẵn sàng theo quy tắc ngầm để đạt được danh tiếng của hiện tại. Ngày Hạ Đình Vãn nghe được Hình Nhạc nói mọi thứ đều là do anh nguyện ý, lúc đó độc giả như tôi lại cảm thấy như thể nghe được tiếng than khóc cùng bản năng xù lông bảo vệ bản thân của loài mèo.


Thời đại ngày nay không thiếu những tình huống như vậy, những con người như vậy. Người bạn đồng tác giả của bản thảo Thế giới hỗn loạn, dòng đời ngả nghiêng cùng với tôi có viết một chương lấy tên là Thế hệ chạy deadline, nói về một bộ phận lớn giới trẻ vùi mình vào công việc mà bỏ bê chính bản thân mình. Ngay cả bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng có lẽ tôi có một sự khác biệt nhất định. Tôi quá yêu quý bản thân mình, cũng hèn nhát và hay sợ hãi nên chưa bao giờ tôi dám để chính mình bán mạng cho những deadline kia. Sẽ luôn có một ngưỡng nào đó khiến tôi nhận ra bản thân đang làm việc quá sức, sau đó cưỡng chế mình trải qua một chút thư thả rồi mới quay lại làm việc. Tôi sợ hãi thứ cảm giác bị nuốt chửng bởi deadline và công việc.


Thế nhưng nhiều người lại không thường như vậy. Dường như họ luôn cảm thấy việc họ đang lại có giá trị quá lớn, cũng quá mức quan trọng hay không thể chối từ. Đương nhiên tôi không phản đối việc cống hiến hết mình, chính tôi cũng phải tự nhận bản thân là một kẻ cuồng công việc. Song, đem công việc đó vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống, thậm chí hy sinh những phần khác trong đời để dành chỗ cho nó là một sự lựa chọn rất tồi. Đáng nhẽ ra là bạn đang làm chủ cuộc đời bạn, lại đem quyền kiểm soát đặt vào những thứ vô tri khác.


Đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra, con người rồi ai cũng phải yêu thương bản thân mình. Có như vậy thì cuộc sống mới có thể trọn vẹn. Chúng ta rốt cuộc vẫn là sống cho chính chúng ta, mọi yếu tố xung quanh đều chỉ là những tác nhân, những công cụ, những gia vị cho đời ta thêm đầy đủ màu sắc và mùi vị.


Hình Nhạc đến cuối cùng đã lựa chọn giải nghệ, đoạt lại quyền kiểm soát cuộc sống từ trong tay nghề diễn. Hình Nhạc sau đó sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, thong thả hơn, tìm được một người anh thực sự muốn ở bên cạnh. Đến cuối cùng, thật may là Hình Nhạc đã lựa chọn yêu thương bản thân mình.


Đến đây thì tôi lại muốn nhắc đến một vấn đề. Thực ra nếu công việc của bạn là đam mê của bạn, là niềm vui, là tiếng cười của bạn, sẽ là không sao nếu để nó xâm nhập sâu vào cuộc đời bạn. Chừng nào bạn cảm thấy hạnh phúc thực sự từ trong tâm thì tức là bạn vẫn đang làm chủ cuộc đời mình. Thế nhưng đời không như mơ, cũng chẳng có quãng thời thời gian nào có thể hoàn hảo đến mức mọi công việc ta chọn đều khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Vì thế nên hãy luôn luôn cảnh giác, cũng đặt ra cho mình một giới hạn nhất định. Nếu có bất cứ thứ gì vượt qua giới hạn khiến ta mất kiểm soát cuộc đời cùng hạnh phúc của bản thân, hãy ngay lập tức suy nghĩ kỹ về nó cũng như cách giải quyết nó.


Vì đến cuối cùng, chúng ta tồn tại cũng là để yêu thương bản thân, đừng tàn nhẫn với chính mình.


Tác giả: LISA

Theo dõi tác giả tại: Góc của LISA 

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan