Rủi ro khi bạn chỉ trích nhà tuyển dụng trên mạng xã hội

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp bạn mở rộng mối quan hệ nhưng cũng có thể đem lại những rủi ro cho công việc của bạn, cùng tham khảo bài viết để biết thêm thông tin nhé!


Gần một thập kỷ trước, Tania Dickinson đã có 15 phút nổi tiếng một cách “bất đắc dĩ”.


Dickinson là một nhân viên chính phủ ở New Zealand. Khi cô đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình và tự miêu tả về mình như một điều gì đó rất quý giá, rất giỏi lãng phí thời gian, hay đổ lỗi và trộm cắp văn phòng phẩm. Cũng trong bài đăng ấy, cô cũng thêm vào câu nói yêu thích rằng: “Này sếp, tôi có thể xin nghỉ ốm không?” Ai đó đã phát hiện ra bài đăng và chuyển tiếp nó đến những người giám sát của cô ấy - những người đã để ý đến những hành vi sai lệch của cô ấy. Những lời ngạo mạn của cô là tất cả lý do khiến sếp của cô quyết định sa thải cô.

Dickinson đã trở thành một ví dụ điển hình cho những nguy cơ sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bình luận hay những hình ảnh chế giễu, ác ý liên quan đến công việc. Một bài đăng Facebook mang tính bốc đồng hay những bức ảnh phản cảm trên Instagram có thể dễ dàng lọt vào mắt nhà tuyển dụng, điều đó khiến bạn bị khiển trách hoặc thậm chí là bị thông báo chấm dứt hợp đồng.


Trong các môi trường chuyên nghiệp, người tuyển dụng chấp nhận người lao động lướt Twitter, Youtube hay Facebook một vài phút trong giờ làm việc. Trên thực tế, ngay cả những nhân viên lâu năm nhất cũng cần phải giải trí để có thể làm việc một cách năng suất. Nhưng các nhà tuyển dụng không hẳn là sẽ khoan dung với việc nhân viên sử dụng băng thông (băng thông được hiểu là tốc độ truyền mạng tối đa trên một đường dẫn nhất định) của công ty để đăng các nội dung hay tweet độc hại gây khó chịu, đặc biệt là những bài đăng nhắm vào chính công ty của mình.

Một nhóm các nhà khoa học gần đây đã quyết định kiểm tra các hoạt động trực tuyến mà các nhà tuyển dụng có thể phản đối. Họ muốn kiểm tra cả việc người lao động có sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc cũng như mức độ quan trọng liên quan đến các bình luận mà nhân viên đã đăng tải.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát 2000 công nhân ở Anh và Úc. Những người tham gia bao gồm các chuyên gia được đào tạo, nhân viên hành chính và thư ký, quản lý cấp cao và giám đốc, đại diện kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Gần một nửa số người tham gia đã làm việc trong các tổ chức lớn có từ 200 nhân viên trở lên, 25% làm việc trong các tổ chức có 20-199 nhân viên. Số còn lại làm việc tại các cơ sở, tổ chức nhỏ lẻ với 19 người trở xuống theo biên chế.





Với việc sử dụng các công cụ khảo sát trực tuyến, Thompson và các đồng nghiệp của ông đã yêu cầu những người tham gia trả lời nhiều câu hỏi khác nhau về hoạt động truyền thông xã hội, chính sách sử dụng lao động liên quan đến hoạt động internet cá nhân và ý kiến của họ về quyền riêng tư tại nơi làm việc.

Khoảng 59% người tham gia xác nhận rằng nhà tuyển dụng của họ có chế tài xử lý việc nhân viên đăng tải các bình luận chỉ trích về tổ chức trên mạng xã hội. (Họ không được hỏi chi tiết về các chế tài đó.)

Khoảng 11% người tham gia đến từ Úc và 18% đến từ Anh cho biết họ đã đăng những bình luận chỉ trích về nhà tuyển dụng hoặc đồng nghiệp của mình trên các trang mạng xã hội. Một tỷ lệ lớn hơn cho biết họ đã chứng kiến đồng nghiệp của mình đăng tải bình luận chỉ trích trực tuyến.


Nam giới thường đăng những nhận xét tiêu cực về sếp, đồng nghiệp hoặc tổ chức của họ hơn là phụ nữ, cũng như những người làm việc trong các tổ chức nhỏ lẻ. 

Ba phần tư số người tham gia cho biết mỗi ngày nhân viên có khoảng 30 phút danh cho việc kinh doanh cá nhân và lướt mạng xã hội. Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy rằng nhân viên không dành quá nhiều thời gian lướt web để chỉ trích người khác, mặc dù đa số đều tin rằng họ có quyền làm như vậy.

Điều này có thể là kết quả của việc nhân viên đã dần trở nên hiểu biết hơn về các hoạt động trực tuyến của bản thân trong hoàn cảnh các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ. Những người trẻ đang thận trọng hơn trong việc quản lý hồ sơ cá nhân của mình. 

Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi thêm nhiều nghiên cứu về cách các nhà quản lý và nhân viên xem xét chấp nhận các hình thức ứng xử trên mạng xã hội, họ cho rằng các tổ chức cần phải đưa ra các chính sách truyền thông xã hội công bằng cho cả đôi bên.

Cho đến khi những chính sách ấy ra đời, thì có lẽ chúng ta nên thận trọng dành thời gian suy nghĩ thật kĩ trước khi đăng tải bất cứ một dòng tweet nào.


-------------------------

Dịch bởi: bluewhale52

Biên tập: SweetIvy

Ảnh: Magnus Mueller from Pexels

Tham khảo:

Bakker (2011), Thompson, O’connor (2019), The Risks of Blasting Your Employer on Social Media

Available at:

<https://www.psychologicalscience.org/news/minds-business/the-risks-of-blasting-your-employer-on-social-media.html> [Accessed at 1st September]

-------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan