Sự khác biệt của việc học tâm lý ở nước ngoài

Đối với du học sinh ngành tâm lý học, cho dù họ tốt nghiệp với chuyên ngành nào, dù theo đuổi sự nghiệp cố vấn, trị liệu, nghiên cứ hay tham gia hoạt động xã hội, giáo dục, hay kinh doanh...

SỰ KHÁC BIỆT CỦA VIỆC HỌC TÂM LÝ HỌC Ở NƯỚC NGOÀI

VÀ TẠI SAO DU HỌC CÓ THỂ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI VÀ CÁCH TA NHÌN NHẬN THẾ GIỚI?


Trải nghiệm du học ở mỗi người là khác nhau tuỳ vào thời gian du học, mức độ hội nhập văn hoá và sự khác biệt của các chương trình học. Tuy nhiên, mục tiêu và thành quả chung của những chương trình học trên đều giúp sinh viên nâng cao nhận thức về việc học tập kiến thức toàn cầu của các nền văn minh khác nhau. Được trải nghiệm và tiếp xúc với những người mang quan điểm, mang trải nghiệm sống khác mình và giúp họ nhìn nhận được sự khác biệt hoặc tương quan của chính mình và người khác. (Kuh, 2008).


Một trích dẫn từ bài viết và dịch của bạn Minh Minh/Group Đại học đừng học đại

[+8016] (Người trả lời là thạc sĩ Tài chính tại Đại học St Andrews, Scotland)


Bạn sẽ phát hiện hóa ra trên đời còn có kiểu bạn học thế này:


Hơn 20 tuổi, hơn 30 tuổi, hơn 50 tuổi;

Da đen, da trắng, da vàng;

Tóc đen, tóc đỏ, tóc trắng, tóc vàng;

Thích người khác giới, thích người đồng giới, thích cả người khác giới và đồng giới;

Không ăn thịt, không ăn rau, không ăn tinh bột;

Biết lướt sóng, biết chơi golf, biết đấu vật, biết lặn, biết lái trực thăng;

Từng tham gia Olympic, từng săn gấu, từng ra chiến trường, từng đi khai thác.


Chỉ cần bạn sẵn sàng nhảy ra khỏi vòng vây của mình, cẩn thận quan sát mọi người và mọi vật xung quanh cùng với chăm chỉ học tập, thì việc du học sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống của bạn.

Bởi vì tất cả những người và những điều bạn gặp ở nước ngoài sẽ cho bạn biết theo những cách khác nhau: có rất nhiều cách để sống trên thế giới này, bạn phải suy nghĩ rõ ràng xem bản thân muốn gì nhất.

Bạn không cần phải gò bó mình trong một khuôn khổ, một truyền thống hay một khu vực hoặc một quốc gia nào.

Bạn không cần phải đi theo con đường tốt nhưng do người khác chỉ định sẵn, bạn không cần sống theo định nghĩa thành công trong mắt người khác, cũng không cần bị xã hội đẩy ra xa hoặc bị áp lực của bạn bè ép phải làm việc chăm chỉ.


Qua đó, một nghiên cứu cho thấy các du học sinh nhận được kiến thức sâu sắc trong lĩnh vực họ theo đuổi, phát triển trong suy nghĩ và hành vi cũng như có cái nhìn phát triển về xã hội xung quanh, và học được năng lực trải nghiệm thực tế (Finley, 2011; Gonyea và cộng sự, 2008); họ học được việc tự nhìn nhận bản thân (Rourke & Kanuka, 2012) cũng như khả năng nhìn nhận sự đa dạng trong văn hoá (Behrnd & Porzelt, 2010). Ngoài ra, các sinh viên tham gia nghiên cứu còn cho biết họ tham gia và tiếp xúc với nhiều hoạt động giáo dục trong thời gian du học và nhận được nhiều trải nghiệm về cuộc sống học đường hơn khi về nước so với những người chưa bao giờ trải nghiệm việc học tập ở môi trường khác (Kuh, 2008)


Theo cá nhân người viết bài, mình thấy sự khác biệt này có thể sẽ tuỳ ở từng người và không thể so sánh được. Mỗi người đều có sự cố gắng riêng, cũng như trải nghiệm riêng. Bài nghiên cứu trên nhấn mạnh về sự khác biệt trong trải nghiệm đa văn hoá, chứ không nói về sự chăm chỉ hay tiếp nhận kiến thức học tập của học sinh trong nước và nước ngoài. Bản thân là một cựu du học sinh, mình dành 5 năm ở 1 mình và chỉ 1 mình mình tự lên lịch, lập kế hoạch cũng như nhắc nhở bản thân trong việc học và sinh hoạt; so với mình nếu ở Việt Nam và được chăm sóc bởi gia đình hay bạn bè gọi đi chơi thì chắc mình sẽ không thể tập trung 100% cho việc học và phát triển cá nhân trong thời sinh viên được. Ngoài ra, những sự cô đơn và sự tự giác khi gặp khó khăn ở nước ngoài mà không có gia đình bên cạnh giúp đỡ cũng giúp du học sinh học được khả năng tự lập và xử lý tình huống nhanh nhạy hơn, giống như khả năng sinh tồn của du học sinh được kích hoạt mạnh mẽ khi bị “ném” vào một nơi mà các cơ chế tự vệ phải bật lên hết cỡ để “chuẩn bị chiến đấu” với mọi tình huống vậy á.

Trong quá trình học Tâm lý học, các sinh viên sẽ được tiếp thu các kiến thức về hành vi, thái độ và quá trình suy nghĩ của con người. Đây cũng là những kiến thức được các nhà nghiên cứu tin rằng có ảnh hưởng rất lớn bởi yếu văn hoá xã hội. Mỗi hành vi, thái độ, tư duy suy nghĩ và nhận thức của mỗi người bị ảnh hưởng rất lớn bởi xã hội nơi mà người đó sống. Trong đó, có những môn học mà sinh viên phải tham khảo tài liệu hoặc tự tay phát triển nghiên cứu về sự khác biệt của tâm lý ở các nền văn hoá, quốc gia khác nhau cũng như nhìn sâu từng vấn đề để tìm ra lời giải.


Ngoài ra, tâm lý học cũng có nhiều lĩnh vực phụ liên quan đến văn hoá xã hội. Đối với sinh viên theo đuổi các lĩnh vực này, việc tiếp xúc với các bối cảnh văn hoá đa dạng thông qua việc học tập ở nước ngoài giúp họ vừa lĩnh hội được kiến thức sách vở, vừa được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm sự khác biệt và tương động của sự đa văn hoá trong xã hội loài người. Do đó, sinh viên tâm lý học đặc biệt gặt hái nhiều lợi ích khi được học hỏi, nghiên cứu các lý thuyết hành vi và tâm lý con người khi được họ ở nước ngoài.


Điều này thậm chí được Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association’s (APA) khuyến nghị và đề xuất rằng: các khoa ngành tâm lý học nên sử dụng và tạo điều kiện cho sinh viên được học tập trải nghiệm, chẳng hạn như trao đổi văn hoá với nước ngoài, chương trình du học để thúc đẩy việc áp dụng trải nghiệm vào nghiên cứu tâm lý học. (APA, 2011, 2013; Shupe, 2013).


Hơn thế nữa, rất nhiều nghiên cứu đã tìm ra sự ảnh hưởng rất lớn của việc học tập và trải nghiệm ở nước ngoài trên sinh viên ngành tâm lý học (Pederson, 2009; Schupe, 2013; Schwebel & Carter, 2010). Các nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc hoà nhập vào văn hoá bản địa và học tập trải nghiệm có sự liên quan mật thiết đến sứ mệnh của ngành tâm lý học: đó là dạy sinh viên về hành vi và quá trình tinh thần xử lý suy nghĩ thông qua quan điểm của từng cá nhân, từng nhóm văn hoá, xã hội.


DU HỌC MANG LẠI SỰ THÍCH ỨNG DỄ DÀNG HƠN TRONG MÔI TRƯỜNG ĐA VĂN HOÁ


Ở thời đại toàn cầu hoá, khi mà ta có thể gặp các đồng nghiệp hoặc đối tác là người đến từ những vùng địa lý và quốc gia khác với ta, thì việc hiểu về văn hoá và thích ứng với những người khác nhau là một điều thực sự rất cần thiết (Davis & Finney, 2006; Erwin & Coleman, 1998). Tuy nhiên, học trong nước cũng có thể phát triển những kĩ năng ấy nếu như sinh viên có sự cố gắng trong việc tham gia các tổ chức, các nhóm hay giao lưu với những người đến từ vùng miền và đất nước khác họ.


Đối với du học sinh ngành tâm lý học, cho dù họ tốt nghiệp với chuyên ngành nào, dù theo đuổi sự nghiệp cố vấn, trị liệu, nghiên cứ hay tham gia hoạt động xã hội, giáo dục, hay kinh doanh,.. thì việc trải nghiệm kiến thức đa văn hoá, học được sự nhạy cảm trong suy nghĩ và trong các tình huống, cũng như bản lĩnh trong các mối quan hệ xã hội rất có lợi cho họ trong tương lai.


KHẢ NĂNG NGOẠI NGỮ PHÁT TRIỂN TƯ DUY VÀ GIÚP TIẾP CẬN NGUỒN TÀI LIỆU ĐA DẠNG


Những người biết ít nhất 2 ngôn ngữ thường làm tốt hơn những người chỉ biết 1 ngôn ngữ duy nhất trong nhiều nghiên cứu giữa 2 nhóm. Theo đó, học sinh giỏi song ngữ có nhiều thế mạnh riêng như có trí nhớ ngắn hạn (working memory) tốt hơn, đây là khả năng lưu giữ thông tin trong đầu và thao tác những thông tin đó trong não bộ, giúp họ tập trung cao hơn. Chỉ riêng những kĩ năng này cũng có thể hỗ trợ một người về việc gặt hái thành công trong việc tiếp thu kiến thức cũng như hành vi trong cuộc sống.


Học sinh giỏi song ngữ cũng làm tốt hơn nhóm còn lại trong các bài kiểm tra đòi hỏi sự kiểm soát tốt của người tham gia. Trong đó, task này đề cập đến tính tự giác, sự kiên trì và các kỹ năng liên quan giúp học sinh đạt được mục tiêu đề ra. Khi kết hợp với những kĩ năng tư duy trừu tượng mà những học sinh này từng học được, học sinh giỏi song ngữ thường có trí tuệ và động lực để đảm nhận các bài tập phức tạp hơn ở trường.


Người giỏi song ngữ cũng thể hiện khả năng sáng tạo hơn so với những người biết một ngôn ngữ, yếu tố sáng tạo này là một chìa khoá quan trọng dẫn đến thành công. Những lợi ích khác của người biết được một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ còn có rất nhiều mang lại lợi ích cho người khác cũng như chính họ, giúp người đó giảm khả năng bị suy giảm nhận thức sau này cũng như hỗ trợ người đó trong suốt cuộc đời họ.


Theo ý kiến cá nhân người viết, việc học Tâm lý học - một môn khoa học có lịch sử nghiên cứu từ nước ngoài với nhiều tài liệu xuất phát từ ngôn ngữ khác. Việc chủ động tiếp cận tư liệu, xem qua các kiến thức trên nền tảng ngôn ngữ nước ngoài đơn giản như youtube, gg scholar, LinkedIn ,.. cũng giúp sinh viên tiến bộ rất nhiều trong học tập. Nếu chỉ thụ động đợi tài liệu từ giáo viên, từ trường học và kiến thức trên google được dịch bởi người khác thì sẽ giảm đi cơ hội được tiếp cận với kiến thức mà mình mong muốn học được.


Một đoạn của Anna Freud mà mình rất thích:





“If you want to be a real psychoanalyst you have to have a great love of the truth, scientific truth as well as personal truth, and you have to place this appreciation of truth higher than any discomfort at meeting unpleasant facts, whether they belong to the world outside or to your own inner person”


Nếu bạn muốn trở thành một nhà phân tâm học/ tâm lý học thực thụ, bạn phải có một tình yêu sâu sắc với sự thật, cả sự thật của khoa học và sự thật của con người. Và bạn phải đặt sự thật lên trên tất cả những cảm giác khó chịu hay không hài lòng, cho dù sự thật đó có không thật trong mắt bạn, cho dù sự thật đó không tồn tại trong thế giới của bạn hay chưa từng xuất hiện trên thế giới nào đi nữa, bạn cũng phải tin và công nhận sự thật đó.





Anna Freud còn nói thêm rằng muốn trở thành một nhà tâm lý học, bạn phải có các kiến thức rộng mở không chỉ về tâm lý mà còn phải có độ rộng về kiến thức văn hoá , xã hội, sinh học, vật lý, văn học, lịch sử,…





“Đó là lý do vì sao mình nghĩ du học là một cách tốt để học tâm lý, vì bạn sẽ nhận lấy những kiến thức từ các nền văn minh nhân loại, nhìn thấy những cái xấu mà bạn chưa từng nhìn thấy cũng như cảm nhận được điều tốt mà bạn chưa bao giờ hiểu được khi bạn ở trong vùng an toàn của bản thân mình. Ví dụ khi bạn ít đi ra ngoài khám phá và bạn học Tâm lý học, bạn sẽ nghĩ thế nào khi khách hàng của bạn là những người mà bạn không hề biết văn hóa của họ khác bạn như thế nào? Nếu bạn chưa từng nhìn thấy cuộc sống nơi miền quê, vùng đất mà bạn chưa từng bước đến ngay cả trên đất nước bạn thì làm sao bạn hiểu được người ta trải qua những chuyện kia khó khăn thế nào?

Bạn có sợ khi nhìn thấy người da màu? Bạn có cười cợt khi thấy phụ nữ Hồi giáo trùm kín người? Bạn có thấu hiểu khi một cô gái sống buông thả bản thân và bị trầm uất? Bạn sẽ hiểu và thương cô ấy hay bạn nghĩ rằng đáng đời đứa con gái lẳng lơ?
Bạn sẽ biết cách nhìn nhận sự khác biệt. Bạn sẽ không ngạc nhiên trước những việc “kỳ lạ” nữa vì nó vốn dĩ không hề bị lạ, chẳng qua vì bạn chưa bao giờ được nhìn thấy nó mà thôi.”


[“Nên học tâm lý học,tội phạm học ở Việt Nam hay đi du học?”- Lê Nguyễn Hoài Thương- “Những đêm không ngủ, những ngày chậm trôi”]


Lời cuối:


Tất nhiên, học trong nước cũng là một lựa chọn tốt cho những ai không đủ điều kiện ra nước ngoài. Nhưng page có một bài về "làm sao đi du học khi gia đình không có nhiều tiền", có nhiều nước không dạy bằng tiếng Anh như Pháp, Đức học phí rất rẻ, chỉ cần đạt yêu cầu để có thể đi học.


Còn những ai không thể đi học ở nước ngoài nhưng vẫn có thể trải nghiệm ở Việt Nam bằng cách đi thật nhiều nơi, nhiều vùng miền ở đất nước này. Bằng cách hiểu rõ về cội nguồn dân tộc và đời sống sinh hoạt của từng nơi, bạn sẽ hiểu hơn nguyên nhân phía sau bệnh tâm lý của một người.



Nguồn tham khảo:

Kuh, G. D. (2008). High impact educational practices: What they are,

who has access to them, and why they matter. Washington, DC:

Association of American Colleges and Universities.

Rourke, L., & Kanuka, H. (2012). Student engagement and study

abroad. Canadian Journal of University Continuing Education,

38, 1–12.

Schwebel, D. C., & Carter, J. (2010). Why more psychology majors

should study abroad. Psychology and Education: An interdisciplin-

ary Journal, 47, 17–21.

American Psychological Association. (2011). The APA principles for quality undergraduate education in psychology. Retrieved from http://www.apa.org/education/undergrad/principles.aspx

American Psychological Association. (2013). APA guidelines for the undergraduate psychology major: Version 2.0. Retrieved from http://www.apa.org/ed/precollege/undergrad/index.aspx

Marian, V., and Shook, A. The Cognitive Benefits of Being Bilingual. Cerebrum Magazine, October 2012, 13.[5]

Blom, E., Küntay, A.C., Messer, M., Verhagen, J, and Leseman, P. The benefits of being bilingual: Working memory in bilingual Turkish–Dutch children. Journal of Experimental Child Psychology, December 2014, 128, pp. 105-19.[6]

arac, R., and Bialystok, E. Cognitive development of bilingual children. Language Teaching Journal, January 2011, 44(1), pp. 36-54.[8]

Adescope, O.O., Lavin, T., and Thompson, T. A Systematic Review and Meta-Analysis of the Cognitive Correlates of Bilingualism. Review of Educational Research, June 2010, 80(2).[9]

Bialystok, E. Reshaping the mind: The benefits of bilingualism. Canadian Journal of Experimental Psychology, 2011, 65(4), pp. 229-35.[10]

Barac, R., and Bialystok, E. Cognitive development of bilingual children. Language Teaching Journal, January 2011, 44(1), pp. 36-54.[11]


NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG

PSYCHOLOGICAL FACTS - TÂM LÝ HỌC VIỆT NAM

FOLLOW US ON @PSYCHOFACTS_TAMLYHOCVIETNAM

BẢN THẢO
Bài viết liên quan