Tại sao người lớn được nói tục còn trẻ con thì không?

Liệu chúng ta có đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi yêu cầu trẻ con phải nói lời hay ý đẹp, trong khi người lớn thì có thể văng tục theo ý thích?

Liệu chúng ta có đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi yêu cầu trẻ con phải nói lời hay ý đẹp, trong khi người lớn thì có thể văng tục theo ý thích? 


Những từ ngữ tục tĩu và những câu chửi thề đầu tiên mà tôi biết bắt nguồn từ bố mẹ của tôi, họ thường nói những từ đó khi cảm thấy bực bội, khó chịu, không nhằm mục đích công kích ai mà dường như chỉ nói cho một mình mình nghe, hoặc đôi khi xen lẫn chúng giữa cuộc hội thoại với bạn bè. Tuy nhiên, khi tôi cũng tập nói những từ đó, nhẹ thì tôi sẽ bị nhắc nhở, còn nặng thì sẽ bị phạt viết bản kiểm điểm. Suốt một thời thơ ấu và cả khi trưởng thành, tôi đã luôn thắc mắc tại sao người lớn có thể nói tục còn trẻ con thì không?


Trên thực tế, việc nói tục là một hiện tượng tâm lý thú vị và chưa bao giờ lỗi thời để đưa ra tranh luận. 


Nói tục (Swearing) là gì? 


Nói tục, hay Swearing trong tiếng Anh, là hành vi sử dụng những từ ngữ thô tục, thường là những từ lóng hoặc chứa các yếu tố liên quan đến việc quan hệ tình dục hoặc các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Cần phải phân biệt Nói tục với Chửi tục, bởi Nói tục không phải là hành vi nhằm mục đích bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác. Những người nói tục thường sử dụng ngôn từ tục tĩu nhằm mục đích giải trí, cảm thấy hài hước và thoải mái. 


Nói tục thường được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày. Theo nhà nghiên cứu văn học Trung Cổ Melissa Mohr, nói tục đã bắt nguồn từ thời của những người La Mã cổ đại, họ có hai kiểu nói tục là gọi tên của Thần thánh hoặc các Đấng quyền năng, kiểu còn lại là sử dụng những từ ngữ mang hàm nghĩa xấu. Đến ngày nay, chúng ta có phần tiết chế hơn so với tổ tiên của mình, khi trung bình chỉ 0.7 - 3% số từ ta nói ra trong ngày là từ tục tĩu hoặc từ lóng. Đó là do ảnh hưởng của môi trường và văn hoá. Tuy nhiên có thể nói, ít ai lại có thể hoàn toàn không nói tục. Theo một nghiên cứu thú vị, trẻ em ở Mỹ còn biết nói tục trước cả khi học bảng chữ cái. 


Cần phải phân biệt Nói tục với Chửi tục, bởi Nói tục không phải là hành vi nhằm mục đích bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác. Những người nói tục thường sử dụng ngôn từ tục tĩu nhằm mục đích giải trí, cảm thấy hài hước và thoải mái. Nguồn ảnh: Pinterest


Những lợi ích không ngờ của việc nói tục 


Giảm cảm giác đau đớn và tăng cường thể lực nhất thời


Giáo Sư Richard Stephens của Đại học Keele (Anh) sau khi thực hiện thí nghiệm đã phát hiện ra rằng những sinh viên được cho phép nói tục có khả năng giữ tay trong nước đá lâu gấp đôi so với những sinh viên còn lại. Đó là bởi việc nói tục giúp làm giảm cảm giác đau đớn nhất thời và tăng sức chịu đựng. Một ví dụ điển hình có thể kể đến việc những người vợ thường gọi tên chồng rất to trong khi đang sinh nở, đó cũng là một cách để giữ tỉnh táo và bớt đau đớn. 

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những người nói tục một vài lần trong ngày và không đúng với những người chửi thề quá thường quyên. Lý do chính cho điều này là vì những người thường xuyên chửi thề không nhạy cảm với việc chửi thề của họ, và kết quả là họ không bị kích thích đặc biệt bởi hành động chửi thề khi họ tham gia vào hành vi đó.


Giúp làm giảm cảm giác căng thẳng và nóng vội


Khi đối diện với những tình huống xấu, việc nói tục sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn, giành lại quyền kiểm soát tình huống và có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. “Nói tục có thể giúp giải thoát chúng ta khỏi nỗi thất vọng tràn trề. Nói tục còn có tác động xoa dịu tức thì đối với những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta có thể đang trải qua.” Tiến sĩ Raffaello Antonino, nhà tâm lý học tư vấn kiêm giám đốc lâm sàng và người sáng lập Therapy Central khẳng định.


Thể hiện mối quan hệ gần gũi 


Theo bác sĩ Kyle Zrenchik, con người sẽ hình thành hai bản sắc khác nhau khi nói chuyện với người lạ và người quen. Với người lạ, chúng ta nói chuyện lịch sự, tế nhị và xa cách hơn. Trong khi đó, chúng ta thoải mái, thân thiện, hài hước và thích bộc lộ bản thân hơn với những người thân thiết. Vậy nên, không lạ khi việc nói tục, vốn ưu tiên những từ ngắn, dễ nhớ, nhiều ý tứ và mang sắc thái khá hài hước, lại được yêu thích đến vậy. Có thể nói, phải thân quen đến một mức độ nhất định thì mới có thể thoải mái nói tục với họ. Không ai lại nói tục với một người mới quen cả, có cảm giác quá thân mật và bất lịch sự, đúng không? 


Là biểu hiện của trí thông minh và khả năng sử dụng ngôn ngữ


Đúng vậy, bạn không hề đọc nhầm đâu. Trên thực tế, từ lâu các nhà tâm lý học đã rất thích thú khi đi tìm mối liên hệ giữa trí thông minh và việc nói tục. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu bởi các nhà tâm lý học của đại học Marist, những người có thể liệt kê được nhiều từ “tục” hơn so với những người khác trong vòng 1 phút có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt và linh hoạt hơn. 



History of Swear Words: Show nổi tiếng trên Netflix


Tại sao nói tục lại là xấu? 


Tại Việt Nam, mọi người vẫn thường nhắc đến việc nói tục ở lứa tuổi thanh thiếu niên như một thực trạng đáng báo động, thậm chí đánh đồng điều đó với “suy đồi đạo đức”, “hỏng hết cả một thế hệ”. Những câu từ tục tĩu có thể thốt ra từ miệng của những đứa trẻ chỉ mới học Tiểu học, trong quán Game, cửa hàng ăn, hay thậm chí là trong chính không gian lớp học. Không chỉ những học sinh cá biệt, bây giờ ngay cả học sinh ngoan cũng nói tục. Lý do chính để phụ huynh nghiêm cấm con nói tục chính là: việc nói tục trong nhiều trường hợp thể hiện thái độ bất lịch sự và không tôn trọng người đối thoại. 


Như đã nói ở trên, việc nói tục thoải mái khi giao tiếp thể hiện một mối quan hệ gần gũi, thân mật, thường là giữa những người bạn thân thiết. Chính vì lý do đó, với những người mà con trẻ cần phải tôn trọng, cha mẹ, thầy cô giáo, những người lớn tuổi hơn, hay thậm chí là bất cứ một ai không thuộc danh sách “thân thiết” và có thể thoải mái buông những câu đùa tục tĩu, nói tục là một hành vi bất lịch sự và gần như là vô văn hoá. 


Vậy chúng ta quay trở lại câu hỏi ở đầu bài viết: Tại sao người lớn có thể nói tục còn trẻ con thì không?



Tại sao người lớn có thể nói tục còn trẻ con thì không?


Nguyên nhân: Trẻ con chưa học được cách kiểm soát hành vi và ngôn ngữ


Trên thực tế, khi nói tục, cơ thể sẽ cảm nhận được sự hưng phấn khi tiết ra hormone Dopamine. Biểu hiện của việc thiếu Dopamine chính là mệt mỏi, lờ đờ, chán nản, thiếu động lực. Khi chúng ta nói tục, cơ thể sẽ sản sinh ra Dopamine, từ đó mà trở nên hưng phấn và vui vẻ, dù chỉ là nhất thời. Cảm giác đó rất giống khi dùng thuốc phiện, đó là lý do tại sao nhiều người “nghiện” nói tục, và trẻ con nhạy cảm với các chất gây nghiện hơn bất cứ ai. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các từ ngữ tục tĩu trong giao tiếp cũng có nguy cơ làm thui chột khả năng vận dụng từ ngữ và ảnh hưởng đến cách hành văn, khiến ngôn từ trở nên cộc lốc và thô thiển. 


Tại sao điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ con? Vì chúng còn quá nhỏ, chưa có khả năng kiểm soát được hành vi ngôn ngữ, chúng rất dễ bắt chước phim ảnh, những đoạn phim ngắn tràn lan trên mạng xã hội (gọi Huấn Hoa Hồng, một tay giang hồ là “thầy”, gọi Khá Bảnh, một kẻ tù tội là “anh”). Thậm chí, con trẻ còn bắt chước chính cha mẹ chúng. Nếu không được chấn chỉnh từ sớm thì trẻ con có thể nói tục ngay cả khi giao tiếp với thầy cô, cha mẹ, người lớn,... Tác hại chính là chúng sẽ trở thành những con người cục cằn, thô lỗ, không được tín nhiệm dù là ở bất cứ nơi đâu. 


Kết 


Nói tục là một hiện tượng tâm lý thú vị. Trên thực tế, nói tục có thể làm giảm cảm giác đau đớn và căng thẳng, xoa dịu hệ thần kinh. Tuy nhiên, lạm dụng nói tục sẽ khiến một cá nhân trở nên thô lỗ, xấu xí, mất lòng người đối thoại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp. Đó là lý do người lớn, với cả khả năng tự kiểm soát tốt hơn, được quyền nói tục, còn trẻ con, những cá thể đang ở giai đoạn phát triển vàng, thì không. 


Khi trẻ nói tục, chúng ta không nên chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội, cho Youtube, hay cho việc người lớn không kiểm soát được mà nói tục trước mặt trẻ con. Nói tục không xấu, chỉ có lạm dụng nói tục và nói tục không đúng nơi, đúng lúc mới xấu mà thôi. 


Tác giả: Thu Hà 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan