[Tản văn] Một đêm lang thang của những kẻ lang thang

Những thế giới bên kia tồn tại trong thế giới bên này

Một đêm lang thang của những kẻ lang thang


Cô từng xem một bộ phim từ lúc còn bé nên chẳng nhớ tựa đề mà nội dung thì cũng mù mờ, không rõ. Nhưng điều đó không phải mấu chốt. Quan trọng là nhân vật phản diện luôn nói một câu thế này: “Đời chó đẻ!” Từ lúc còn là cậu nhóc tứ cố vô thân lang thang trong những con hẻm ghi đề, đến khi nhắm mắt với con dao ngay ngực, gã vẫn thều thào câu nói đấy với đứa con trai, “Đời chó đẻ!”.

Thuở đó, cô xem thì chẳng nghĩ gì nhiều, thật tâm, thỉnh thoảng còn cảm thấy gã ta rất ngầu. Vậy mà, hiện tại, mỗi lần kể lại với đám bạn, tức giận xen lẫn đâu đó mà thốt lên thành tiếng: “Thứ ngôn từ tàn độc.” Viễn vông và lắm mộng mị, cô muốn mình tin vào một thế giới tốt đẹp. Cõi phù thế này đâu chỉ u ám, ảm đạm và đơn sắc. 

Vậy thì cớ gì mặt lại đỏ phừng phừng mà siết chặt nắm đấm đến thế? Rốt cuộc cũng chỉ là một quan điểm sống khác mình thôi mà. Lặng người một khoảng rất lâu, người ta thấy cô hướng mặt về phía cậu bé đang thổi lửa. Sài Gòn chẳng thiếu những cảnh tượng như này. Có lần, cô còn bắt gặp con bé dáng người bé xíu, chắc tầm sáu hay bảy tuổi, diễn nữa. Nín thở từ lúc chai dầu chạm môi nó đến lúc bầu trời đêm sáng bừng, cô sợ. Khoảnh khắc đó, cô, dường như, có khả năng nhìn thấu lớp da sần sùi mà thấy được ngọn lửa bùng lên trong khoang miệng con bé. Một cái rùng mình thoáng qua. Rồi cơ thể như bị thiêu đốt, nóng rất nóng. Làn da đỏ dần theo từng hơi thở. Giây trước giây sau, lửa ôm chầm lấy cô, từ đỉnh đầu đến ngón chân. Mặc cho kêu gào, mặc cho đau đớn, mọi người chỉ giương mắt nhìn như trò tiêu khiển. Khói, cứ thế, mù mịt khắp bầu trời. Mà giữa đêm tối mịt mờ, ai sẽ nhìn thấy mà ban phát chút nước mát lành?



Mấp máy môi như muốn nói điều chi rồi lại im lặng. Bao dòng xe lướt qua, bao đứa nhóc thổi đi thổi lại ngọn lửa. Người ta chỉ dựa vào cái nhấp nhô của lồng ngực để biết rằng cô vẫn còn ở đây. Dáng vẻ một ai đó chết lặng bên cái xô bồ, náo nhiệt của những con phố ăn chơi ở Sài Gòn này thật hiếm. Cố mấy lần mà người ta chẳng bao giờ làm được. Đắm chìm đâu dễ dàng gì khi mà phù du nơi đây mê hoặc lòng người. Nếu nhìn kỹ, ở giữa cô và người ta tồn tại một ranh giới, ranh giới phân định: thế giới bên này và thế giới bên kia. Phía sau lằn ranh, mọi tiếng còi xe hay giọng người rêu rao sẽ chẳng thể xâm phạm phía còn lại. Người ta cũng thoáng tự hỏi: “Liệu thật sự có bao nhiêu “thế giới bên kia” giữa thế gian này?”, “Liệu tồn tại một mình trong thế giới đó có cô độc không?” hay “Liệu cứ đi lạc ở thế giới khác thì có đánh mất bản thể đang nhịp nhàng thở nơi đây?”

Người ta chán ghét cái cảnh bị bỏ rơi thế này. Tủi thân chứ. Ganh tị chứ. Bạn người ta hay ho thế mà. Một chút mất cảnh giác, người ta vượt ranh giới. Bàn tay vươn đến phía trước. Hơi ấm mon men lại gần. Cái chạm hòng kéo cô trở về, trở về với thực tại, với trần đời bi thương và với lòng tự tôn của họ. Nhẹ nhàng không được thì lung người thật mạnh. Lung người thật mạnh không được thì đánh thật đau. Không biết là bằng cách nào, chỉ cần đánh thức kẻ ngủ quên là được. Ừ, đúng rồi. Là cô ngủ quên nên họ có quyền và nghĩa vụ giải thoát. Đúng rồi. Hành động này vì cô, vì lợi ích của cô và xuất phát từ tấm lòng của người ta. Không có gì xấu xa cả. Không có gì nhỏ mọn cả. Không có gì xấu hổ cả. Kẻ đi qua nhìn thấy nụ cười đắc thắng lướt vội trên khuôn mặt người.



Ngọn lửa, tự dưng, biến mất. Hàng quán biến mất. Cậu bạn kế bên biến mất. Vạn vật chìm vào bóng tối. Loay hoay mãi chẳng tìm được lối thoát. Để rồi, phía xa xăm kia, phải nheo mắt rất lâu, cô nhìn thấy lấp lóe tia sáng. Dốc hết sức bình sinh, cô chạy đến. Đó là vực thẳm, bên dưới không có gì. Mất bao lâu để chạm đáy nếu rơi xuống, không ai biết. Nhưng chẳng thể ngăn nổi bước chân thần tốc kia nữa rồi. Bởi sợ hãi mà chạy như bay. Bởi sợ hãi mà cuống cuồng nắm lấy bàn tay duy nhất trước mắt. Khoảnh khắc vô định giữa không gian, cô mới nhận ra “ánh sáng nơi cuối con đường” cũng chỉ là để phỉnh nịnh người đời. 

Trước mặt là chiếc tivi 14 inch, cô đang nằm vắt vẻo trên chiếc võng màu xanh đậm quen thuộc. Kế bên tủ đựng tivi là chiếc cầu thang dẫn lên lầu hai, cô ngờ ngợ về nơi này. Quay lại phía sau, một ông lão đang ngồi chễm chệ trên bộ bàn ghế màu nâu. Thì ra đây là ngôi nhà thuở bé của cô. Đang thẫn thờ tự hỏi tại sao lại xuất hiện ở đây, giọng nói quen tai vang vọng từ chiếc tivi. Phân cảnh cô ghét nhất đang diễn ra. Gã gắng gượng với hơi thở yếu ớt trong vòng tay cậu con trai. Hình như, lúc này, cậu ta cũng tầm tuổi gã lần đầu xuất hiện, sáu hay bảy tuổi. Thước phim trong cô trình chiếu rõ nét từng cử động đôi môi gã thều thào câu nói: “Đời chó đẻ!” rồi buông xuôi. Cô căm ghét đến nỗi mong ước rằng từ đâu đó giữa trời, một viên đạn sẽ xoáy sâu vào tim gã trước khi những con chữ kia thành tiếng. Chẳng phải là quá đau đớn với một đứa nhóc dăm tuổi đời khi đó là những lời cuối cùng cha nói với nó sao? Chẳng phải là quá tàn nhẫn với một đứa nhóc dăm tuổi đời khi phải sinh tồn với cái thứ triết lý ấy sao? Tước đoạt đi quyền được mơ mộng của con trẻ có khác gì giết chết tâm hồn nó? Tước đoạt đi quyền được hy vọng của con trẻ thì có khác gì giết chết tâm hồn nó? Hàng loạt câu hỏi đeo đuổi tâm trí cô trong từng cử động của nhân vật phản diện kia.



“Vào khoảnh khắc sinh tử, phải niệm nguyện thật khẩn thiết vào. Biết đâu được. Có khi vị thần dễ mềm lòng nào đó sẽ giúp cho đấy. “ - Goblin (2016).



Chớp mắt, cô lại choáng ngợp trước mùi hôi tanh của máu. “Khó mà thở nỗi giữa không khí nồng nặc này thì không phải một là rất nhiều người đã chết”, cô nghĩ. Nằm trong vòng tay cô lúc này là một người đàn ông bị đâm rất nhiều ở đùi và nhất là phần bụng bên phải trên rốn một chút. Máu đầm đìa chảy không ngừng, thoáng chốc chiếc áo đã sẫm màu. Hơi thở rất yếu ớt. Tay gã nắm chặt tay cô nhưng cô chỉ dám ti hí mắt mà quan sát nơi đáng sợ này. Ánh nhìn chuyển dần lên khuôn mặt người đàn ông. Cuối cùng, điều sợ hãi mà cô nghĩ cũng đã thành sự thật. “Mình đang ở trong thế giới bên kia chiếc tivi. Mình đang ở trong bộ phim đó.” Sờ soạng khắp người, hóa ra, cô đang trong vai cậu con trai. Ngay thời điểm nhận ra điều đó, nỗi căm hờn trong cô lại trỗi dậy. Mạnh mẽ đến độ cô cảm thấy được mạch máu mình đang căng phồng. Siết chặt bàn tay, dòng suy nghĩ kỳ lạ đến: “Đằng nào ông ta cũng chết. Sinh mệnh đến đây là hết. Bỏ đi trước khi ông ta kịp nói những lời ác độc đó là tốt nhất. Nhưng, như thế thì không thỏa đáng. Người đàn ông được gọi là cha này đã có ý định chôn vùi đời con trai mình. Thể nào gã cũng chết, không sớm thì muộn. Vậy tiễn gã đi sớm hơn có phải tốt hơn không? Với tội ác khốn khổ của kẻ làm cha, gã đâu xứng đáng với bất kỳ giây nào ở cõi trần đời này.” Cô chầm chậm đưa tay lên gần cổ gã. Đôi bàn tay siết chặt da thịt gã. Gã càng đau đớn, tiếng cười của cô càng lớn. Thế rồi, bỗng nhiên, tay chân thôi quằn quại, nước mắt hòa chung máu. Người đàn ông một đời đâm chém này đang khóc. Hướng ánh nhìn về phía cậu con trai mình, gã khóc. Không biết là vì nhòe mắt bởi thứ không khí tanh nồng khiến não bộ choáng váng hay sao mà cô lại thấy lấp loáng chút tội lỗi, chút cam chịu ở kẻ đối diện. 

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, làn da cảm nhận được hơi ấm. Ban đầu là cái chạm nhẹ nhàng, phải lắng lòng lắm mới rõ nét. Rồi đột nhiên, cô thấy cơ thể như lung lay rất mạnh. Lắc lư một hồi, đôi bàn tay buông khỏi cổ gã phản diện kia. Một lúc sau, cô cảm thấy rất đau ở cánh tay trái.



Tiếng còi xe inh ỏi của chiếc xế xịn đang hối thúc ông già lẩm cẩm đạp xe. Không chỉ một mà gã thanh niên bấm còi liên hồi. Vang dội cả con đường khiến người ta không chỉ khó chịu vì thanh âm mà còn chướng mắt trước cái thái độ hống hách. Một chú trung niên dừng xe lại bên đường. Gõ cửa kiếng chiếc ô tô, chú lớn tiếng cảnh báo cái thằng tí tuổi ỷ nhà giàu rồi bất kính với người đời. Một cô gái đôi mươi đỡ vội ông già ra khỏi làn xe.

Cô đã trở lại với thế giới bên này. Tâm trí đã cùng nhịp với phù thế. Kế bên là cậu bạn liến thoắng chửi rủa gã chủ xe. Ly bia mới lấp lửng lúc nãy mà giờ đã đầy nhốc. “Là vì bạn mình mới đổ thêm hay nước đá tan ra nhỉ?”, cô thắc mắc. Đảo mắt nhìn quanh, thằng bé thổi lửa chẳng còn ở đây nữa. Nó có đang biểu diễn không hay là đang đánh nhau với mấy đứa khác vì giành khách?

Tiếng người xúm xụm bên vệ đường bàn tán về ông cụ, về gã thanh niên và cả chú trung niên như kéo cô khỏi những bận tâm. Kéo tay cậu bạn chạy về phía đám đông, cô cũng tò mò xem nãy giờ bản thân đã bỏ dở điều gì ở thế giới này. Ông cụ còn chưa hoàn hồn sau cú chấn động lúc nãy. Gã thanh niên vẫn nghênh ngang bên xe gọi điện thoại cho ai đó. Chú trung niên hằm hằm bắt nó xin lỗi ông cụ tội nghiệp. Không biết là vì nhòe mắt do choáng váng sau chuyến “thoáng xác” hay sao mà cô lại thấy lấp loáng dòng chữ “Đời chó đẻ” trên cánh tay phải của những người đàn ông này. Chỉ có điều, độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Nhạt dần theo thứ tự từ gã thanh niên, chú trung niên đến ông già. 

Cô không thể lý giải lý do tại sao lại như vậy. Cô vẫn bất bình với cái thứ triết lý sống dở đời kìa. Cô vẫn cảm thấy đó là tội lỗi độc ác nhất mà con người có thể mang đến cho nhau. Nếu mắt xích đó tồn tại với thời gian, cô xin phép được chối từ thiên chức làm mẹ ở thế giới này. Và ở một thế giới bên kia khác, một thế giới song song chẳng hạn, con trai cô sẽ hạnh phúc với những mộng mơ và hy vọng.


Tác giả: Tomorrow

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan