[Tản văn] THẤU CẢM LÀ CÁI CHI CHI?

Ai cũng có một phần thấu cảm trong mình, hay nói cách khác, không ai sinh ra đã là “máu lạnh” như những tiêu đề bài báo thường nói. Luôn có một đứa trẻ thấu cảm tiềm ẩn trong mỗi con người đang chờ được đánh thức, được lắng nghe và chia sẻ.

THẤU CẢM LÀ CÁI CHI CHI?


Ai cũng có một phần thấu cảm trong mình, hay nói cách khác, không ai sinh ra đã là “máu lạnh” như những tiêu đề bài báo thường nói. Luôn có một đứa trẻ thấu cảm tiềm ẩn trong mỗi con người đang chờ được đánh thức, được lắng nghe và chia sẻ. 


Thấu cảm từng là một đề tài gây tranh cãi trong đề thi THPT mấy năm trước, nhưng liệu tranh cãi có chỉ nằm ở vấn đề định nghĩa mơ hồ không? Mình thì nghĩ, từ lúc ấy, “thấu cảm” mới được người ta nhắc đến nhiều hơn, mới được soi vào nhiều hệ quy chiếu khác nhau của cuộc sống. Và cũng có lẽ từ đó, chúng ta mới đặt câu hỏi về sự thấu cảm của bản thân nhiều hơn, mới để ý đến đứa trẻ đáng yêu đang ngủ quên trong mỗi người.


Thấu cảm, theo Wiki định nghĩa, là khả năng thấu hiểu người khác dựa trên góc nhìn của họ, khi đặt mình vào vị trí của người khác, trải qua những cảm xúc giống với người kia, thông suốt những cảm xúc và suy nghĩ của người khác, và đặc biệt khao khát được giúp đỡ họ. 


Nghe cũng hơi rắc rối nhỉ? Vậy thì mình có thể đặt thấu cảm (empathy) trong sự tương quan với thông cảm/đồng cảm (sympathy) để hiểu rõ hơn. Mình xin mượn câu chuyện mà Brene Brown từng chia sẻ. 


Có một chú cáo gặp khó khăn và những điều không hay trong cuộc sống. Chú nói: “I’m stuck. I’m overwhelmed”. Chú gấu - tượng trưng cho sự thấu cảm (empathy) sẵn sàng chia sẻ với chú cáo, dù là nơi tăm tối nhất, dù khi chú cáo cảm thấy thất vọng nhất. Chú hươu - đại diện cho sự thông cảm (sympathy) chỉ “ngó” vào tình trạng của chú cáo và nói: “It’s bad. You want a sandwich?”. Bạn sẽ lựa chọn cách của con vật nào? Hoặc đúng hơn, bạn nghĩ bạn đã và đang hành động giống nhân vật nào?


Hãy thử nghĩ xem bạn phản ứng với những câu nói dưới đây như thế nào nhé.


“Tôi bị đuổi khỏi trường” - “ít nhất (at least) thì bạn cũng từng là một sinh viên đạt toàn điểm A” hay “thật buồn khi nghe vậy, chúng ta cũng tìm nguyên nhân và cách giải quyết nhé”?


“Ba mẹ không hiểu tôi” - “ít nhất (at least) thì bạn còn có ba mẹ” hay “đó là điều mà mình cũng đang gặp phải, chúng ta có thể chia sẻ với nhau về câu chuyện này được không? Mình tin chúng ta sẽ tìm ra cách để ba mẹ hiểu mình và mình cũng cởi mở với ba mẹ hơn”?


“Tôi không có bạn thân” - “ít nhất (at least) thì bạn còn có bạn, dù là bạn hờ” hay “mình nghĩ bạn sẽ có những yếu tố nhất định để quyết định ai là bạn thân hay không, vậy chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn và tìm ra giải pháp cho vấn đề của bạn nhé”?


Chúng ta học được điều gì qua những lời kể trên?

_____________________________

Đầu tiên, đó là cách người xung quanh thường phản ứng trước những nỗi buồn đau của chúng ta. Thông thường, sẽ có bốn kiểu người. 


Đó là kiểu người mà chú hươu là hình ảnh đại diện, người luôn cố gắng nói “ít nhất” trong mọi hoàn cảnh, cố gắng làm bạn vui lên bằng cách nói “hãy hi vọng vào tương lai đi” hoặc “bạn phải tiếp tục tiến lên phía trước thôi”. Những lời này mang dáng dấp của của “toxic positivity” (tích cực độc hại), hiểu đơn giản là cố gắng thể hiện mình ổn nhưng thực chất thì không, và ngày càng kìm nén cảm xúc vào bên trong. Ngay lúc tiếp nhận những lời nói này, người nghe sẽ có thể cảm thấy phấn chấn hơn vì nhìn vào mặt tích cực của việc mình đang sở hữu những thứ mà người khác ao ước. Nhưng về lâu dài, họ sẽ cảm thấy tệ, vì suy nghĩ trước đó đã dẫn đến suy nghĩ rằng “mình thật không phải khi không trân trọng những thứ đang có”, bắt đầu tập trung vào mặt tiêu cực là việc mình đang không tận dụng tối đa những thứ trong tay. Vậy là, người tiếp nhận lời động viên không nhìn thấu và giải quyết triệt để vấn đề của bản thân, đồng thời người trao lời an ủi cũng chỉ hiểu vấn đề trên bề mặt, thậm chí là lướt qua rất nhanh. 


Kiểu người thứ hai là những người không biết nói gì cả, nên nghĩ tốt nhất là coi như không thấy những buồn bã của bạn. Họ hy vọng rằng, “thời gian sẽ xóa nhòa tất cả”, rằng khi họ liên lạc lại với bạn một vài tháng/năm sau đó thì bạn đã hoàn toàn vui vẻ trở lại. Họ sẽ chỉ nói với bạn một câu: “bạn thế nào rồi?” và “trông chờ’ việc cuối cùng thì họ sẽ được nghe tin tốt từ bạn. 



Cách phản ứng thứ ba là của những người không biết nói gì, và họ bắt đầu nói về hạnh phúc của họ chỉ nhằm để mang lại bầu không khí tích cực hơn cho cuộc trò chuyện. ĐIều này đem lại hiệu ứng trái ngược: thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề, người đang có vấn đề (phải) chấp nhận cuốn theo câu chuyện của người đối diện, cho rằng mình không nên thể hiện sự tiêu cực ra bên ngoài, ảnh hưởng người khác (nhưng thực chất họ chỉ đang chia sẻ và muốn nhận sự giúp đỡ chân thật)


Chú gấu chình là hình ảnh điển hình của người thấu cảm, những người đơn giản chỉ lắng nghe và nói, “điều đó thật tệ, nếu khóc làm bạn thoải mái hơn thì đừng kìm nén nó, “let it go” sẽ nhẹ nhõm hơn và mình cũng tìm cách giải quyết”. 



Cả 4 cách phản ứng trên, chúng ta có thể bắt gặp trong mọi mối quan hệ. Chúng ta vừa có thể là chú gấu, nhưng cũng có thể đã từng là chú hươu dù do vô tình hay do quan điểm hành xử. Khi bạn đã ý thức được mình đang hành động như thế nào, bản thân nên biết tìm cách thấu cảm để đem lại sự thấu hiểu nhất cho người đối diện và cho chính mình. 

_____________________________


Thấu cảm và đồng cảm đôi khi chỉ cách nhau một câu nói. Thấu cảm không cần bắt đầu bằng “ít nhất” hay “tích cực lên nào” mà có thể bằng một sự lắng nghe chân thành. Trong tiếng Hy Lạp, đồng cảm (sympathy) được hiểu là “fellow-feeling” hoặc “together suffering (cùng chung cảm xúc, cùng gánh chịu), nhưng không có nhiều sự kết nối, chỉ đơn giản là “cùng”, hay nói cách khác là “hiểu” nhưng không “thấu”. Thay vì “I see your pain” (đồng cảm), thấu cảm (empathy) sẽ nói “I feel your pain”. Audrey Hepburn đã nói trong bộ phim “Funny Face”: “Sympathy is to understand what the other person’s feeling, empathy is to project your imagination so that you actually what the other person’s feeling” (đại ý: “Đồng cảm là hiểu cảm xúc của người khác, thấu cảm là định hình sự tưởng tượn của mình để thực sự hiểu cảm xúc của người khác”)


_____________________________


Chúng ta cũng có thể nhìn thấy qua những lời kể trên là sự sẵn sàng, chấp nhận tổn thương của chúng mình để thấu cảm người khác, nhất là khi ở tâm thế người tiếp nhận thông tin tiêu cực. Có thể trong quá trình cùng nhau thấu cảm, chúng ta cũng nhìn thấy vấn đề trong câu chuyện của mình, như việc “ba mẹ không hiểu mình” hay “không có bạn thân”. Chúng ta (dường như) sẽ (phải) bỏ đi tâm thế “hơn” - người dẫn dắt sự thấu cảm để trở thành người nhận lại sự thấu cảm. Quá trình trao đổi cảm xúc, góc nhìn như thế sẽ giúp chúng ta thực sự đạt được mục đích thấu cảm, và quan trọng là giải quyết được vấn đề một cách thấu đáo. Chú gấu hiện thân cho sự thấu cảm kia sẽ cần lựa chọn giữa việc thấu cảm và việc trở thành một nhân vật như chú hươu, và đó là sự lựa chọn tổn thương, nhưng để trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều. 


Thực ra, chúng ta đều có sự thấu cảm, đều muốn thấu cảm. Nhưng người thấu cảm thực sự sẽ chính là người dũng cảm nhất, đón lấy cả những hạnh phúc và mất mát với một tâm thế vững vàng, sống trọn cuộc đời. 

_____________________________


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan