[Tản văn] Thế giới bên kia

Sống ở thế giới bên nào mới là quan trọng?

Thế giới bên kia


Mọi người vẫn hay nói với nhau về chuyện tình cảm giữa mẹ với con trai, thứ tình cảm khắng khít một cách lạ thường. Phải chăng đây sẽ là cách lý giải hợp lý nhất cho tình yêu gã dành cho mẹ? 

Gã không phải đứa con trai ngoan, càng không phải đứa hay bám mẹ. “Mà cũng chẳng có cơ hội để trở thành con trai cưng của mẹ”, gã nhấp ngụm cà phê. Sáng nay, Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái đỏng đảnh, gắt gỏng với người tình. Lịch hẹn gấp gảy nhưng cuối cùng, gã đã có mặt ở quán cà phê cũ với đứa bạn từ hồi xưa lắc.

Từ sáng sớm, tiếng chuông báo thức ở tầng dưới đã đột nhập vào giấc mơ êm đềm của gã. Mà tối qua lại thức khá trễ, nên đâu đó trong tâm thức, gã nhìn thấy cảnh mình nghiền nát chiếc điện thoại cứ liên hồi vang lên. Một lúc sau, căn phòng trở về với vẻ lặng yên đúng chất của sáng sớm tinh mơ, yên ả và mát mẻ. Chỉ có điều, khoảnh khắc đó không kéo dài bao lâu. Bởi, tự dưng, hôm nay, bạn cùng phòng lại dở chứng nấu ăn vào sáng sớm. Tiếng nồi niêu, xoong chảo va vào nhau. Rồi đến tiếng xèo xèo của tỏi phi với dầu nóng. Cố hết sức bình sinh, gã nhắm nghiền mắt để níu kéo giấc ngủ hiếm hoi trong cả tháng nay. Giữa những chập chờn, gã lơ mơ nhìn thấy cảnh chiếc điện thoại cũ mèm cứ giật giật màn hình. Loay hoay mãi chẳng thể check-in trực tuyến cho cô mình kịp chuyến bay chiều nay, gã phát hoảng. Tuy chỉ là giấc mơ, nhưng mọi thứ lại rất chân thật. Đôi bàn tay run rẩy như ông lão bảy mươi lẩm cẩm. Mồ hôi đầm đìa ướt cả chiếc áo thun đỏ nhung. Miệng cứ lẩm bẩm mấy câu chẳng thành lời. Tiếng cửa gỗ va vào bức tường trắng, “Rầm”, như kéo gã khỏi cơn hoảng loạn kinh hoàng. Vừa bực tức vừa cảm kích bạn cùng phòng, gã uể oải rời khỏi giường.



Tin nhắn đến, cuộc hẹn cà phê sáng khiến gã phải bỏ qua cái quy trình buổi sáng. Thật ra, nếu không quá chải chuốt, thời gian vẫn kịp để uống tách cà phê, ăn sáng và cốc nước chanh không đường với chút muối. Đầu cứ đau như búa bổ khiến từng bước chân trở nên nặng nề. Yên vị trong nhà vệ sinh, gã mới dần lấy lại được ý thức. Mọi người thường phàn nàn cái bản tính lề mề mà lại quá chăm chút. Là con trai với trăm bước skincare sáng tối, không ít lần bạn bè cười nhạo. Đó là chưa kể đến mấy tuýp kem che khuyết điểm, son dưỡng có màu,... Nhưng gã bỏ ngoài tai tất. Bởi cơ bản, tất cả là để giữ bản thân trong vòng tròn an toàn quá đỗi nhỏ bé.

Sửa soạn mặt mày thì sang đến áo quần, tủ đồ sinh viên năm tư và không làm thêm lại toàn đồ hiệu, âu cũng khiến người ta chê cười. Tặc lưỡi cho qua, “người ta không là mình thì không hiểu được”, câu nói đầu môi của mẹ. Đã hơn ba mươi phút kể từ lúc chôn chân, gã vẫn chưa quyết định được sẽ mặc gì hôm nay. Nguyên tắc của người thanh niên này là sẽ không bao giờ mặc các outfit trùng lặp nhau. Vì vậy mà mỗi ngày, thách thức đầu tiên luôn là phối áo áo quần quần. 

Đến điểm hẹn, có lẽ, hôm nay, Sài Gòn có chút chiều lòng người. Chỗ ngồi ưa thích nay lại trống. Tắm mình trong cái nắng gắt, gã nhớ lại những ngày rét lạnh trên Đà Lạt.



Mẹ là người yêu Đà Lạt. Thứ tình yêu nồng đượm của người đàn bà dành cho gã nhân tình trẻ tuổi. Yêu đắm yêu say, yêu quên hết cả trời trăng mây gió, mẹ yêu cả ngóc ngách xấu xí nhất của thành phố này. Mà càng nặng tình, lòng chiếm hữu càng lớn. Như thể muốn ôm hết từng ngọn gió, từng ánh nắng, bà chẳng bao giờ chối từ cái chạm trên da thịt. Nếu Đà Lạt đổ mưa, đĩa nhạc quay cùng “The nearness of you, còn bà sẽ khiêu vũ giữa làn nước trắng xóa. Nếu Đà lạt cất lên giọng hát lảnh lót vào sớm bình minh dịu hiền, bà sẽ lặng người nơi góc cửa sổ, khát khao và mê đắm lắng nghe. Thi thoảng, gã bắt gặp mẹ như kẻ mất hồn mỗi khi nghe “Đà Lạt phố mưa buồn”.

Cứ ba tháng một lần, mẹ sẽ trở về Đà Lạt một tuần. Thật ra, mẹ là người miền Trung, gốc miền Bắc. Nhưng gã vẫn thích gọi những chuyến đi của mẹ là “trở về”. Có lúc, mẹ sẽ đi với gia đình hay bạn bè. Tuy vậy, đa phần là bà về một mình. Khoác trên mình chiếc áo dài trắng thướt tha, bà rảo bước trên những đường đồi lúc cao lúc thấp. Tối đến, người ta sẽ được chiêm ngưỡng người đàn bà đằm thắm, mặn mà trong chiếc đầm nửa kín nửa hở nơi quầy rượu. Trên tay là ly whiskey neat, bà đung đưa thân mình nhẹ nhàng giữa lời ca của Ella Fitzgerald. Trở về nhà trong cái lâng lâng của rượu ngon, tay gõ không ngừng. Mẹ gã buông bỏ dáng vẻ của người đàn bà thương trường để lại là cô gái đôi mươi mê mẩn những con chữ man mác buồn. 

Từ bé, gã thường lân la kế bên mỗi lúc mẹ trang điểm. Chẳng tỏ ra cáu gắt mà còn nhẹ nhàng, mẹ giải thích cặn kẽ từng món đồ. Nên đến hồi dậy thì, mặt đầy mụn, bà đã chỉ gã cách dùng kem che khuyết điểm đối với những vết thâm. Cả thói quen lả lướt phục trang, gã cũng được học từ mẹ. Bởi dù bây giờ, bà đã là người phụ nữ lục tuần. Nhưng chưa một ai từng đoán đúng tuổi của bà, thường sẽ nghĩ là tầm ba mươi gần bốn mươi. 



Mẹ không phải là kiểu người mạnh mẽ, hay đôi lời độc mồm có thể gọi là yếu đuối, nhu nhược. Mấy mụ hàng xóm thường chỉ trỏ sau lưng rằng bà ra vẻ như vậy để được đàn ông thương hại. Mấy lần gã lớn tiếng chửi rủa chống trả nhưng lại tạo thêm cớ để các bà dèm pha: “Đồ đàn bà lẳng lơ chẳng biết nuôi con để nó mất dạy với người lớn.” Từ đó, mối thù trong lòng đứa trẻ con lớn dần lớn dần. Mỗi lần, bà nào nói xấu mẹ, nó lại tìm con của bà đấy để đánh. Hôm thì bầm mặt, hôm thì chảy máu mũi. Mấy bà kéo sang nhà mắng vốn thì mặc cho mẹ cúi mặt xin lỗi. Nó mạnh miệng, lớn tiếng: “Nếu các bà còn động đến mẹ tôi, thì mỗi ngày, tôi đều sẽ đánh tụi nó. Đánh không được thì cắn. Cắn không được thì xé nát sách vở, áo quần. Tụi nó sẽ không yên thân cho đến khi các bà để mẹ tôi yên thân.” Người ta nhìn thấy những tia đỏ hằn lên rõ trên đôi mắt nó.

Tối đó, người ta còn nghe thấy tiếng bà mẹ la rầy cậu con trai. Hình như là lần đầu tiên, đứa bé bị mẹ đánh. Nhưng lúc sau, người ta giật mình khi nghe thấy nỗi lòng của cậu bé: “Con làm vậy là để bảo vệ mẹ mà. Con chỉ là học sinh tiểu học, đáng lẽ ra, mẹ phải là người bảo vệ con chứ. Tại sao mẹ lại bất lực đến nỗi cần sự bảo vệ của đứa con nít? Tại sao? Tại sao?” 



Trong tủ lạnh luôn có rượu. Dĩ nhiên, không phải những chai Whiskey hay Tequila mắc tiền như Macallan mẹ vẫn hay uống. Nhưng cũng không phải mấy chai rượu ngâm mà ông ngoại hay lai rai. Gã thích Jagermeister. Vị ngọt ấm len lỏi theo dịch vị xuống cổ họng luôn kích thích những giác quan tưởng chừng nhòe mờ theo thời gian. Cảm tưởng giây phút chất lỏng kia ngấm vào thân thể cũng là lúc gã thấy mình rõ ràng nhất. Cảm tưởng giây phút chất lỏng kia ngấm vào thân thể cũng là lúc gã được trở về lại chiếc ghế trị vì vốn dĩ. 

Mỗi ngày, gã đều uống một ít rượu vào đêm muộn. Khi tất cả chìm sâu vào bóng tối, bạn cùng giường ngáy đều đều, màn hình lại chiếu bộ phim dang dở. Chiếc quạt cũ quay vòng vòng. Đôi lúc, vì chạy quá nhanh mà tạo nên thứ âm thanh chói tai. Nếu thức đến ba giờ sáng thì gã còn được nghe thấy tiếng chuông chùa nữa. 

Không biết từ bao giờ, nhưng người ta bảo điệu lắc ly rượu trên tay của gã rất giống mẹ. Ngay cả cái cung cách khi đã ngà ngà say say cũng y hệt. Ngả ngớn theo bất kỳ thanh âm nào đang vang vọng trong không gian. Dẫu đang chìm trong bóng tối hay ánh sáng ngập tràn, nhất quyết cả hai sẽ nhắm mắt. Những ngón tay nhảy múa giữa vô định, trông như đang lả lướt trên những phím đàn piano. Cứ thế, khi giai điệu lên đến đỉnh điểm, nước mắt sẽ tự nhiên rơi xuống. Không phải ào ạt như dòng suối ngày bão giông, chỉ là một giọt này rồi lại một giọt khác. Cảnh tượng khiến người đi qua kẻ đi lại cảm thấy đôi phần thương xót vì chẳng thể, ôm chầm mỹ quang trước mắt mà giữ cho riêng mình.



Có lần, gã đến Đà Lạt một mình. Bỏ lại sau lưng mọi xô bồ của Sài Gòn, tay kéo chiếc vali, gã thẫn thờ nơi bến xe. Hôm đó lại là một ngày như mọi ngày. Mỗi một luồng khí đi vào như mang theo hàng ngàn chiếc kim. Chực chờ xâm nhập vào cấm địa, chúng đâm nát tim gan gã. Đớn đau đấu tranh giữa việc tiếp nhận hay từ bỏ như đặt thêm vào vết thương những tảng đá khổng lồ. Cà ngày dài mê man, thức rồi tỉnh, tỉnh rồi thức. Cổ họng khô khan bị đốt cháy bởi rượu. Đến lúc mở mắt, gã thấy mình nằm sõng soài trên nền gạch nhà tắm. Đầu ê ẩm sau cú va đập. Mặt mày xanh tái. Sợ hãi. Hoảng loạn. Gã khóc thét cầu cứu.

“Vào khoảnh khắc sinh tử, phải niệm nguyện thật khẩn thiết vào. Biết đâu được. Có khi vị thần dễ mềm lòng nào đó sẽ giúp cho đấy. “ - Goblin (2016).



Xe trung chuyển dừng lại trước chiếc cổng đã rỉ sét. Ngôi nhà của mẹ nằm trên đồi cao, xung quanh toàn là thông và những trại trồng dâu. Kể từ hồi gã lên đại học, người đàn bà ấy đã chuyển về đây sống. Đứng từ bên ngoài, mùi thơm thân thuộc của sữa đậu nành nóng đã có thể ngửi thấy. Đẩy cánh cửa gỗ đi vào, trái tim mạnh mẽ của gã thanh niên như trùng xuống. Ấm êm quá. Ngọt ngào quá. Phút chốc, gã buông vội hành lý. Lắc lư người theo điệu nhạc trong đầu mình. Những ngón tay múa may giữa vô định. Nước mắt từng giọt từng giọt rơi xuống, vỡ toang trên sàn gỗ. Mỗi hơi thở nơi đây như rút mỗi mũi kim ra khỏi cơ thể mình. 

Ắt hẳn, giờ này mẹ đang ở vườn dâu. Gã tranh thủ ngả người trên chiếc sofa giữa nhà. Cả đêm vất vưởng trên xe khách khiến lưng cứng đờ. Hương thơm ngọt dịu của sữa cùng mùi thuốc lá đến từ nến thơm như bài hát ru dịu dàng. Thoáng chốc, người ta bắt gặp cậu bé tiểu học năm nào. Tay chân trầy xước khắp nơi mà vẫn ngủ ngon lành. 



Cái cồn cào của chiếc bụng rỗng đánh thức gã. Đồng hồ lúc này đã là mười hai giờ trưa. Nhìn quanh, gã chẳng thấy mẹ đâu. Cất tiếng gọi lớn, nhưng vẫn không có hồi đáp. “Không lẽ, giờ này mẹ còn ở ngoài vườn?”, gã thầm nghĩ. Vươn vai cho đỡ mỏi, gã hướng bước chân ra trước hiên nhà.

Ba chân bốn cẳng chạy khắp khu vườn, hình bóng người phụ nữ ấy vẫn không thấy đâu. Linh cảm chẳng lành, gã gọi điện cho người bà con để hỏi xem mẹ có sang đấy không. Gọi mãi gọi mãi mà không ai bắt máy. Sốt ruột, gã vòng ra sau nhà lấy chiếc xe đạp. Hướng về phía nhà người kia mà ra sức đạp thật nhanh. Bao nhiêu viễn cảnh kinh khủng chảy qua tâm trí khiến gã càng thêm hoảng loạn. Đi được nửa đường thì gã cảm thấy khó thở. Một nửa muốn dừng lại, một nửa muốn gặp mẹ đang xé từng chút da thịt. Cuối cùng thì nỗi bất an về mẹ thấy mình đang đạp bằng tất cả tim gan. Vậy mà đến quảng trường Đà Lạt, gã lại không nhớ nổi đường tiếp theo phải đi ở hướng nào. Nhà người bà con kia ở đâu. Hoảng sợ, nhân lúc này mà khuếch trương sức mạnh của nó. Gã cứ chạy qua chạy lại mặc cho bao nhiêu tiếng còi xe hay tiếng la hét của người đi đường. Ngồi thụp xuống đất, người thanh niên ấy vò đầu bứt tóc. Tay chân run lên liên hồi. Cảnh tượng quá đỗi sợ hãi mà dọa chết khiếp người khác. 



Mở mắt, gã đã thấy mình đang ở nhà mẹ. Bật dậy, gã thất thanh gọi mẹ. Gã khẩn thiết gọi mẹ. Nhưng chỉ có người bà con hớt hải chạy ra với ánh mắt đầy lo lắng. 

Cô ta đang tất bật bán buôn bởi đây là dịp hè nên khách du lịch rất đông. Mấy hôm nay, ngày nào đóng cửa cũng là lúc đồng hồ điểm mười giờ đêm. Chợt điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là tiếng khóc nức nở của cậu trai. 

  • Cô ơi, mẹ con đâu cô? Mẹ con đi đâu mà con không tìm được. Cô ơi, tìm mẹ cho con với.

Trấn an cậu nhóc, cô vội vội vàng vàng chạy đến quảng trường. “Khổ thân thằng bé!”, cô thầm nghĩ. Đón chiếc taxi đưa cậu về nhà, nước mắt cứ rơi hoài. Đặt nó lên sofa, chườm khăn đỡ cảm, cô quay vào bếp nấu chút đồ ăn. Từ ngày mẹ mất, nó cứ như đứa mất hồn, hết khóc lóc rồi lại điên loạn đập đồ. Hôm đám tang, mọi người còn phải cử người túc trực ở bệnh viện vì nó cắt cổ tay tự tử. Sau một thời gian, thấy nó tươi cười, bình ổn trở lại, cô mới yên tâm trở về nhà. Ai ngờ, chuyện ra nông nỗi này.

Gã nắm chặt tay người bà con, nức nở đòi gặp mẹ. 

  • Mẹ con đâu cô? Mẹ gọi con lên đây chơi mà. Sáng nay, mẹ còn nấu sữa nóng đợi con về mà. Cô ơi, mẹ con đâu?

Cô thấy lòng mình nghẹn đắng. Nhìn cậu thanh niên trước mắt, cô mấp máy môi:

  • Mẹ đi xa vài ngày rồi con ạ. Mẹ bảo cô sang đây với con. Mẹ có việc gấp nên nhờ cô xin lỗi con.
  • Tại sao mẹ lại bỏ con như thế này chứ? Mẹ về thì con không thèm nói chuyện với mẹ nữa.

Thấp thoáng trên gương mặt đẫm nước mắt, cô thấy ánh mặt trời. Nó đã không còn hoảng loạn nữa rồi.

Dẫu biết nói dối sẽ chẳng giúp gì được, nhưng làm sao đây khi ở thế giới bên kia, thế giới của riêng nó, mẹ vẫn còn bên cạnh.

Dẫu biết nói dối sẽ chẳng giúp gì được, nhưng làm sao đây khi ở thế giới bên này, thế giới thực tại, gã đã đánh mất người thân thương nhất.


Tác giả: Tomorrow

Theo dõi tác giả tại: https://www.instagram.com/worromotdam/?hl=en

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan