[Tản văn] Tôi đã vượt qua chấn thương tâm lý từ tình bạn như thế nào? (Phần 1)

Ở bài viết này (phần 1), tác giả chia sẻ về một sự kiện trong quá khứ và cách nó tác động đến cuộc sống hiện tại của tác giả như thế nào. Ở bài viết sau (Phần 2), tác giả chia sẻ về quá trình bản thân vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này như thế nào

Tôi đã vượt qua chấn thương tâm lý từ tình bạn như thế nào? (Phần 1)


Lúc còn học tiểu học, tôi có chơi thân với một bạn cùng lớp. Bọn tôi quen nhau sau một buổi đá bóng. Sau nhiều lần đá bóng với nhau, tụi tôi dần dần thân với nhau hơn. Và cũng nhờ mối liên kết bằng bóng đá, bọn tôi cuối cùng đã trở thành bạn thân của nhau, đến nỗi hễ cứ có mặt tôi hoặc nó, mọi người sẽ liên tưởng đến đứa còn lại.


Thuở nhỏ, gia đình tôi khá phức tạp, cho nên đối với tôi, cậu bạn đó là tất cả. Và cứ thế, bọn tôi chơi với nhau rất thân thiết. Cả hai cứ nghĩ rằng mọi chuyện cứ thế mà duy trì mãi mãi. Nhưng mọi sự không có đơn giản như thế. 


Một lần nọ, cậu có nhờ tôi giúp cậu chăm sóc một tài khoản game, vì máy tính cậu bị hỏng và không thể duy trì việc chơi game hằng ngày, trong khi tôi có thể giúp cậu làm điều đó. Trong một lần sử dụng tài khoản của cậu, tôi tự ý thay đổi một vài thứ trong game mà không hề xin ý kiến của cậu. Thế là cậu nổi giận đùng đùng và tuyên bố sẽ nghỉ chơi với tôi. Và cậu thực hiện điều đó rất … nghiêm túc! 


Cậu gần như xem tôi là người xa lạ. Cậu không thèm nhìn mặt tôi, hễ chỗ nào có tôi là cậu tìm cách tránh mặt. Nếu vì lí do nào đó cậu phải gặp tôi, cậu luôn từ chối giao tiếp. Vì thế, mọi nỗ lực tiếp cận để xin lỗi gần như không có kết quả gì. Đã nhiều lần tôi đến tận nhà cậu để xin lỗi, nhưng cũng như những lần gặp mặt khác, tôi chẳng nhận được một sự cảm thông nào ngoài sự im lặng và thái độ lạnh nhạt của cậu.


Mọi sự cứ tiếp diễn như thế đến mấy tháng sau, chỉ sau khi bọn tôi chơi một trận bóng ở trường, cậu mới đồng ý bỏ qua tất cả để nối lại tình bạn lúc trước.


Tôi cứ nghĩ mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường. Nhưng tôi đã nhận thấy điều gì đó ở bên trong mình đã thay đổi. 


Tôi luôn có một nỗi lo lắng thường trực nào đó khi đi chơi với cậu. Tôi sợ mình sẽ vạ miệng hay làm điều gì đó mà cậu không thích. Tôi cũng không dám nêu lên ý kiến của mình, tôi luôn đồng ý những gì mà cậu đề xuất. Nói tóm lại, tôi tìm mọi cách để khiến cậu ấy hài lòng và không bao giờ để cậu phải phật ý. Tôi sợ mất cậu một lần nữa, vì thế tôi đã tìm mọi cách để níu kéo để cậu ấy mãi là bạn của tôi.


Nhưng chính vì thế mà tôi dần dần mất hết cảm xúc và sự hạnh phúc trong tình bạn đó. Cho nên sau này, khi chuyển cấp, bọn tôi không học chung lớp nữa, và tôi cũng ngừng chơi với cậu để kết bạn mới. Và tôi cứ nghĩ rằng mọi chuyện cứ thế mà chìm vào quá khứ: tôi sống cuộc đời của mình, cậu sống của đời của cậu.




Sau này, tôi quan sát được ở bản thân rất nhiều phản ứng khó hiểu. Chẳng hạn, khi xảy ra tranh cãi với một người nào đó, tôi luôn luôn cảm thấy tội lỗi và tôi luôn nghĩ rằng mình chắc chắn là người sai, cho dù xét về lí thì tôi có phần đúng hơn. Và tôi chỉ muốn dẹp cái cuộc tranh cãi đó sang một bên và xin lỗi họ, dù đôi lúc họ mới là người mắc lỗi. 


Hoặc nếu tôi gặp một người quen nào đó mà họ không chủ động bắt chuyện với tôi, hoặc họ có vẻ như không muốn giao tiếp với tôi, tôi liền cảm thấy buồn, thất vọng và bất lực. Những lúc như thế, tôi mặc định rằng tôi đã làm một điều gì đó khiến họ không hài lòng và “giận ra mặt” như vậy; sau đó tôi cố nghĩ xem lí do là gì. Mặc dù thực tế tôi không làm gì cả, và họ chỉ đơn giản là ngại, hoặc đang thực sự bận việc gì đó.


Sau này tôi cũng nhận ra một xu hướng nữa đó là, khi bước vào một mối quan hệ nào đó, có thể là bạn bè hoặc tình cảm, tôi bao giờ cũng giữ một khoảng cách an toàn người đó, cho dù họ có thành thật và mở lòng với tôi như thế nào đi nữa.


Hay tôi luôn tránh việc tranh luận hoặc tránh làm những việc mà có thể khiến người khác không thích. Nói cách khác, tôi chỉ muốn làm người khác hài lòng.


Tất cả những phản ứng trên, tôi cảm thấy giống như là bản năng vậy. Chỉ cần một trong các yếu tố trên xuất hiện, tôi liền cảm thấy những cảm giác tiêu cực mà tôi không thể nào hiểu được lí do tại sao. 


Những cảm xúc trên trông có vẻ vô hại, nhưng thật sự nó gây ra rất nhiều phiền toái và sự bất tiện trong cuộc sống của tôi. Chẳng hạn, khi có một vấn đề nào đó được nêu ra để thảo luận trong nhóm, tôi không bao giờ dám nêu lên ý kiến của mình. Đơn giản vì tôi sợ sẽ làm ai đó cảm thấy khó chịu và họ sẽ không thích tôi.


Hoặc khi vô tình gặp phải sự bất đồng, tôi luôn cho rằng mình sai. Hễ cứ có sự phản đối hoặc sự không đồng tình, tôi sẽ không còn lí do để bảo vệ cho ý kiến của bản thân nữa và tôi luôn cho rằng là mình chắc chắn sai.


Hay tôi sẽ không nhận thức được rằng có thể vì một lí do nào đó mà một người không muốn chủ động trò chuyện với tôi, thay vì cho rằng họ đang giận tôi và tự dằn vặt hoặc tự suy xét bản thân quá nhiều.


Trong các mối quan hệ xã hội, tôi thật sự không có lấy một người bạn nào để có thể chia sẻ hay tâm sự cả. Và đương nhiên, tôi cũng không thể có được một mối quan hệ yêu đương nào hay một tình bạn đẹp chỉ vì trong tâm trí tôi không có một chỗ đủ lớn để ai đó có thể bước vào thế giới của riêng tôi. 


Tôi cũng mất rất nhiều thời gian vô ích chỉ để suy xét quá nhiều những vấn đề nhỏ nhặt hoặc không đáng quan tâm, và tôi thường nhìn vấn đề bị sai lệch đi rất nhiều.


Nói một cách ngắn gọn, tôi đã quan sát được những phản ứng tiêu cực của bản thân - thứ mà tôi cho rằng có nguồn gốc từ lần đổ vỡ trong tình bạn với người bạn thân đầu tiên trong cuộc đời. Và tôi cũng nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên cách tôi giao tiếp với người khác, cũng như cách tôi tương tác với những người xung quanh. 



Tôi biết được rằng những cảm xúc, những phản ứng này hoàn toàn không giúp ích gì trong cuộc sống của tôi cả. Chúng bóp méo nhận thức của tôi về mọi người xung quanh. Chúng khiến tôi mất nhiều cơ hội xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt nó khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thấu hiểu và kết nối với con người thật của mình.


Chính vì tất cả những lí do trên, tôi luôn muốn tìm hiểu nhiều hơn về những tác động của các sự kiện trong quá khứ đến tâm lý, tính cách của con người. Tôi cũng muốn học cách để giảm thiểu những tác động đó lên đời sống hằng ngày. Và tôi cũng muốn mình tự giải quyết các khúc mắc và vấn đề tâm lý của bản thân trước đã. Sau đó tôi muốn mình làm điều gì đó để giúp đỡ những người xung quanh - những người có thể cũng đang trải qua những cảm xúc, tình cảm giống như tôi.


(Hết phần 1)


Tác giả: HuyPavel


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan