Thấu cảm, phán xét và phiên toà online

Có thể người bình luận chỉ cần ngủ một giấc dậy là sẽ quên những gì họ đã gõ hôm qua. Nhưng người nhận được bình luận thì họ cần ngủ bao nhiêu giấc những lời bình luận kia đi vào quên lãng.




Năm 2021 được xem là năm đỉnh điểm của dịch bệnh Covid 19 khi mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh, hàng nghìn ca tử vong. Những rào chắn, dây kẽm gai được dựng lên ở khắp các phố phường, con hẻm. Khi con người bị hạn chế tiếp xúc thì Internet, Youtube, Facebook hay các trang mạng xã hội khác trở thành công cụ chính kết nối chúng ta với nhau. Vô hình chung, điều này dẫn bạn và tôi đến với một vụ nổ nguy hiểm hơn, khiến chúng ta trăn trở nhiều hơn. Đó là thời đại của sự bùng nổ từ khoá và thông tin. Các trang mạng xã hội trở thành phiên toà online.

Tôi vẫn chưa thể nào quên được từ khoá “hot” nhất đầu năm nay, sao kê. Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi nữ đại gia Phương Hằng lên mạng xã hội tố cáo những người nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện thì bạn có thể thấy, trang cá nhân của những nghệ sĩ này đã nhận về vô số lượt chỉ trích thậm tệ. Thậm chí có những câu chữ mà tôi nghĩ ở xã hội hiện đại này không thể nào chấp nhận nổi.

Và gần đây là vụ việc 15 chú chó, 1 chú mèo được một cặp vợ chồng chở về quê tránh dịch nhưng lại bị mang đi tiêu huỷ khi về đến quê nhà vì lo ngại sự truyền nhiễm dịch bệnh. Tôi vẫn rất ấn tượng khi chỉ mới 30 phút sau khi thông tin được đăng, trang mạng xã hội cá nhân của người ra chỉ thị tiêu huỷ đã được tìm thấy và chia sẻ nhanh chóng. Không ngoài dự đoán, người phụ nữ này đã nhận về những bình luận:

-      Lòng dạ con người còn ác hơn một con chó, sao m không chết đi.

-      Nhìn mặt đã thấy ác rồi.

-      T thà cứu một con chó còn hơn để con nhỏ này sống.

-      Con người hơn con vật ở chỗ có tình cảm, cảm xúc vậy mà giờ đây trong xã hội văn minh còn tồn tại thể loại như thế này. Hãy chết đi.

-      Con mụ ác độc!!!!

-      ……

Trong đa số những bình luận trên đây, chúng ta thấy rằng người bình luận đều đang cố gắng thể hiện sự thấu cảm với nạn nhân theo cách của riêng họ. Điểm chung của những sự việc này chính là chúng ta không biết sự thật của nó như thế nào. Nếu như thông tin về bị cáo là sai sự thật thì họ cũng chưa từng nhận được lời xin lỗi chân thành. Chưa nói đến tính đúng sai, nhưng gia đình của họ, con gái của họ, chồng của họ, bố mẹ của họ sẽ đau đớn như thế nào khi người thân bị chỉ trích như vậy.

Vậy đây có chính xác là sự thấu cảm?

Có rất nhiều định nghĩa về sự thấu cảm từ Đông sang Tây nhưng có hai đặc điểm mà những định nghĩa này luôn có, đó là sự thấu cảm xuất phát từ bên trong của mỗi cá thể và sự thấu hiểu sâu sắc thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Theo những yếu tố này thì bình luận phía trên là sự thấu cảm vì người bình luận đã đặt mình vào nỗi đau của nạn nhân và cảm thấy bức xúc để nói lên tiếng lòng của họ. Nhưng đây chưa phải là sự thấu cảm đầy đủ. Vì chúng ta đã không có mặt ngay tại giây phút đàn chó bị thiêu huỷ nên chúng ta không biết được cảm giác của người ra lệnh sẽ như thế nào. Chúng ta chưa rõ tường tận số tiền và hành động của những người nghệ sĩ kia. Chúng ta chỉ đang lắng nghe nạn nhân vì sự thương cảm cho những số phận khổ cực, thấp cổ bé họng như những trang báo đưa tin. Và chúng ta không chịu lắng nghe những bị cáo của phiên toà sự thật. Những trang thông tin chỉ miêu tả cho chúng ta quá trình gắn bó của đàn chó với vợ chồng này thâm tình thế nào, hành trình về quê cực khổ ra sao, họ đã vượt qua thế nào. Vì sự thấu cảm sẽ dễ dàng xâm nhập vào tâm trí con người và ngự trị lý trí của người đó.

Tôi thật sự cũng không đồng tình về cách xử lý của chính quyền địa phương khi tiêu huỷ 15 chú chó và 1 chú mèo vì sẽ có những cách giải quyết hiệu quả hơn, hợp tình hơn. Nhưng liệu xã hội sẽ tốt lên bằng những bình luận ác ý như thế không? Có thể người bình luận chỉ cần ngủ một giấc dậy là sẽ quên những gì họ đã gõ hôm qua. Thậm chí, nhiều người còn không biết là trong một ngày mình đã gõ những gì. Nhưng người nhận được bình luận thì họ cần ngủ bao nhiêu giấc mới quên đi những lời bình luận kia.

Nguồn: Pinterst

Và có đôi khi, tôi phân vân liệu chúng ta đang nói lên tiếng lòng của nạn nhân hay nói lên tiếng lòng đã tràn ly của mình?

Mạng xã hội với những thuật toán thông minh sẽ làm bạn luôn lẩn quẩn với những dòng thông tin mà bạn muốn tiếp nhận. Nó thay bạn từ chối những dòng thông tin trái ngược với thế giới quan của bạn. Vì thế, phiên toà của sự thật sẽ không tự nhiên diễn ra mà chính bạn sẽ là thẩm phán của phiên toà đó. Khi tiếp nhận một thông tin, bạn hãy tìm hiểu sự việc theo nhiều góc độ khác nhau, theo nhiều nguồn khác nhau. Bạn hãy đứng ở lập trường của người nạn nhân để cảm nhận nỗi đau, sự phẫn uất nhưng cũng hãy đứng ở lập trường của người bị cáo để cảm nhận những suy nghĩ của họ để đưa ra sự thấu cảm của mình một cách hoàn thiện nhất và đúng đắn nhất.

Sự thấu cảm và phán xét chỉ cách nhau một ranh giới rất mỏng manh. Sự thể hiện thấu cảm nhưng thiếu thông tin là sự phán xét. Tôi thích cách định nghĩa này.

Hy vọng bạn sẽ luôn tiếp nhận thông tin với một trái tim đủ đầy!

----------------------------------

Bài viết trên đây là ý kiến, quan điểm cá nhân của tác giả. Có thể sẽ có sai sót nên mình mong bạn sẽ góp ý để xây dựng một cách chân thành.

Tác giả: Quỳnh Anh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan