Tính cách thay đổi. Vậy tại sao kỳ vọng về sự nghiệp không thể?

Điều gì sẽ xảy ra nếu một người ở tuổi 30 rất khác so với bản thân họ khi mới 16 hoặc 17? Liệu họ có theo đuổi một sự nghiệp hoặc con đường học vấn khác không?



Bất cứ một bậc phụ huynh hay giáo viên nào cũng có thể làm chứng rằng thanh thiếu niên không phải nhóm người ổn định về mặt cảm xúc nhất. Vậy nhưng, chính trong những năm tháng đầy băn khoăn ấy, nhiều người trẻ đã “khởi hành” trên những con đường mang ý nghĩa sâu sắc đối với những lựa chọn nghề nghiệp đáng giá cả đời, bao gồm mức lưng họ kiếm được và mức độ họ tận hưởng công việc của mình.


Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một người ở tuổi 30 rất khác so với bản thân họ khi mới 16 hoặc 17? Liệu họ có theo đuổi một sự nghiệp hoặc con đường học vấn khác không nếu họ nhận ra tính cách của mình sẽ thay đổi nhiều thế nào, và nếu họ nhận ra mình có thể định hình sự thay đổi đó đến mức nào trong những năm nền tảng ấy?



Nghiên cứu được công bố trên báo Khoa học Tâm lý (Psychological Science) cho thấy rằng, các hình thức phát triển và trưởng thành của nhân cách từ tuổi vị thành niên đến giai đoạn đầu sự trưởng thành có ảnh hưởng lớn hơn tới kết quả sự nghiệp so với các đặc điểm tính cách và những năng lực cứng(1) ở tuổi vị thành niên. Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu dựa trên hai mẫu dọc(2) của một nhóm những người trẻ trong độ tuổi khoảng 17 đến 29 ở Iceland. Kevin A. Hoff, một phó giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Houston, cùng với các đồng nghiệp đã viết: "Nghiên cứu này kiểm tra xem liệu những thay đổi tính cách về lâu dài (chẳng hạn như xu hướng trở nên tự chủ hơn trong thời kỳ mới trưởng thành) có dự đoán được những kết quả về giai đoạn đầu sự nghiệp vượt qua các đặc điểm và năng lực cứng ở tuổi vị thành niên hay không”. Những phát hiện “nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển tính cách xuyên suốt thời thơ ấu, vị thành niên và trưởng thành đối với việc thúc đẩy các khía cạnh khác nhau của thành công trong sự nghiệp.”


Sau khi đúc kết từ những nghiên cứu đã được công bố trong nhiều thập kỷ, các tác giả chỉ ra tiềm năng của những biện pháp can thiệp giáo dục và chính sách công trong việc giúp thanh niên phát triển các kỹ năng dựa trên tính cách. Đồng thời họ cũng hiểu sâu hơn về những kết quả khách quan của các đặc điểm tính cách - bao gồm thành công trong học tập và tìm được việc làm sớm.





Những năm tháng nền tảng


Các đặc điểm tính cách “phản ánh các kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tương đối lâu dài mà dự đoán sự thành công trong nhiều ngành nghề khác nhau," theo Kevin A. Hoff và các đồng nghiệp. “Những nghiên cứu cổ điển liên kết giữa tính cách và thành công trong sự nghiệp xem tính cách là một tập hợp các biến số ổn định và không thay đổi đáng kể trong tuổi trưởng thành.”


Tuy nhiên, họ khẳng định thêm rằng sự ổn định không loại trừ sự thay đổi, và thời kỳ thanh niên nói riêng được đánh dấu bằng những thay đổi nền tảng về sự phát triển gắn liền với sự trưởng thành.


“Nhìn chung, mọi người trở nên tận tâm hơn, ổn định hơn về mặt cảm xúc và hoà đồng hơn trong độ tuổi thanh niên. Những sự gia tăng ở mức độ trung bình này thường xảy ra khi những sự chuyển đổi nghề nghiệp thúc đẩy sự trưởng thành về mặt nhân cách,” PGS. Hoff và các đồng nghiệp giải thích.



Trong hai nghiên cứu, các chuyên gia đã đánh giá các mẫu đại diện cho người trẻ ở Iceland (1,775 người) từ độ tuổi khoảng 17 đến 29 trong quãng thời gian dài xấp xỉ 12 năm. Họ kiểm tra xem liệu các thay đổi về tính cách trong những năm đó có dự đoán được 5 tiêu chí sau ở giai đoạn đầu sự nghiệp hay không: trình độ học vấn, thu nhập, uy tín nghề nghiệp, sự hài lòng trong sự nghiệp và sự hài lòng với công việc. Khi phân tích những thay đổi ở mức độ trung bình trong các đặc điểm tính cách, họ đã đo lường các yếu tố theo mô hình “Năm yếu tố lớn” của những người tham gia — hoà nhã, cởi mở, tự chủ, hướng ngoại và bất ổn tâm lý — bằng cách sử dụng phiên bản tiếng Iceland của thang đo NEO-FFI(3).


Ở cả hai mẫu, những người tham gia có mức tăng trung bình lớn nhất về sự hòa nhã, cởi mở và tự chủ của họ. Mức độ ổn định cảm xúc của họ không đổi nhưng mức độ hướng ngoại thì giảm xuống. Trong quá trình theo dõi xem sự thay đổi về các đặc điểm này có mối tương quan như thế nào với kết quả sự nghiệp, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự gia tăng về ổn định cảm xúc có ảnh hưởng lớn nhất, cụ thể là nó tác động đến thu nhập và sự hài lòng trong sự nghiệp. Mức độ tự chủ cũng có ảnh hưởng đến sự hài lòng trong sự nghiệp của những người tham gia; và hướng ngoại thì tác động lên cả sự hài lòng trong công việc và sự nghiệp của họ. Ngược lại, các đặc điểm tính cách ở tuổi vị thành niên được chứng minh là những yếu tố tiên đoán mạnh mẽ hơn về trình độ học vấn và uy tín nghề nghiệp.



Các tác giả cho biết: “Những phát hiện này củng cố tiềm năng của các chính sách nhằm cải thiện phúc lợi con người bằng cách giúp người trẻ phát triển các kỹ năng dựa trên tính cách. Những sáng kiến ​​như vậy có thể có hiệu quả ở nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt thời kỳ đầu đời, không chỉ trong thời thơ ấu và vị thành niên vì hầu hết những sự phát triển nhân cách ở mức trung bình xảy ra trong độ tuổi thanh niên. Việc biết rằng tính cách hiện tại của họ không cố định cũng có thể có ích với những người trẻ tuổi; các đặc điểm tính cách có thể được biết trước là sẽ dần thay đổi theo thời gian. Với những phát hiện của chúng tôi về tầm quan trọng của sự phát triển nhân cách đối với các kết quả của giai đoạn đầu sự nghiệp, chúng tôi cũng hy vọng sẽ thấy thêm nhiều phương pháp nghiên cứu mà có thể giúp mọi người thay đổi tính cách của họ theo những chiều hướng mong muốn. "


------------


Chú thích:

(1) Năng lực cứng (crystallized ability) hay trí thông minh cứng (crystallized intelligence) hình thành dựa trên kiến ​​thức có được thông qua quá trình học tập và những kinh nghiệm trong quá khứ. Khi chúng ta trưởng thành và tích lũy những kiến ​​thức mới, trí thông minh cứng cũng đồng thời phát triển và được củng cố hơn. 

(2) Mẫu dọc (longitudinal sample) là thuật ngữ được sử dụng trong xác suất thống kê, có nghĩa là dữ liệu của cùng một mẫu được thu thập thông qua một loạt các quan sát lặp đi lặp lại trong một số khung thời gian kéo dài. Dữ liệu dọc rất hữu ích trong việc đo lường sự thay đổi của đối tượng nghiên cứu qua thời gian. 

(3) NEO-FFI là một trong các mô hình phát triển bới Costa và McCrae, được sử dụng để đánh giá 5 nhân tố tính cách chính của con người, bao gồm: hoà nhã, cởi mở, tự chủ, hướng ngoại và bất ổn tâm lý. NEO-FFI bao gồm các câu mô tả (ví dụ: “Tôi không phải là người hay lo lắng”, “Tôi thực sự thích nói chuyện với mọi người”) được đánh giá trên thang điểm 1-5 (1 = rất không đồng ý đến 5 = hoàn toàn đồng ý).


------------


Dịch bởi: Stew

Biên tập: Ori

Ảnh: 

Photo by Martin Reisch on Unsplash

Photo by Leon on Unsplash

Photo by Brooke Cagle on Unsplash

Nguồn bài gốc: Personalities Change. Why Shouldn’t Career Expectations?. Association for Psychological Science - APS. (2021). Retrieved from https://www.psychologicalscience.org/observer/personality-careers.


------------



BẢN THẢO
Bài viết liên quan