[Truyện ngắn] Ngôi nhà nhỏ nơi ngọn đồi Hạnh Phúc - Phần 1

Ba đồng một mớ bình yên? Chỉ cần bạn muốn, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống những ngày rực rỡ của chính mình.

Ngôi nhà nhỏ nơi ngọn đồi Hạnh Phúc - Phần 1


Ông à, vô ăn sáng nè!

-  Ừ, bà chờ tui một xíu, lỡ tay cắm cho xong mấy cọng mười giờ, kẻo nó héo. Mai mốt nó ra hoa cho bà ngắm đã đời…


Ngôi nhà nhỏ của ông bà tôi được xây nên từ những mảnh vụn thiên nhiên, nhưng lúc nào cũng vun đầy ấm áp như thế.

------------

Căn nhà nằm ở lưng chừng sườn đồi, phóng tầm mắt ra xung quanh chỉ thấy bao la trời bể. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một cánh đồng rộng mênh mang dưới chân đồi, lúa chín vàng ươm tỏa một làn hương ngọt dịu ôm trọn một vùng cao nguyên yên bình. Nếu bạn quay người lại, nhìn ngược lên cao, núi Chứa Chan sẽ vẫy tay chào đón bạn bởi sự hùng vĩ và xanh mướt của mình. Quanh nhà, góc trái là vườn rau nhỏ, góc phải là chiếc chuồng be bé cho lũ gà núp mưa, chếch một chút sẽ thấy một hàng rào gỗ tre được gọt đẽo tỉ mỉ , bao bọc con đường phủ vài viên đá ong làm lối vào nhà. Những khóm mười giờ màu đỏ màu hồng quanh đó cứ mọc rễ ở tất cả những nơi có thể, ôm lấy những viên đá lồi lõm, giấu nhẹm đi sự thô kệch rồi thổi vào chúng những chiếc hồn rất thơ.


Toàn bộ ngôi nhà được đóng bằng tre. Từ chiếc bàn đến đôi đũa, từ vách nhà đến bậc thang, tất cả đều là một dạng biến thể khác của bụi tre già đầu ngõ. Những cây tre lì lợm chẳng đợi chăm bón mà cứ thẳng thừng trỗi dậy, hiên ngang vươn lên cao vút. Ngày làm căn nhà, tôi phải huy động năm thằng bạn cao to vạm vỡ mới chặt được vài cây, kéo về, gọt đẽo cẩn thận rồi đóng thành một khối nhà đơn giản cho ông bà. Mái ngói được phủ bằng lá dừa khô, bên trên cũng vẫn là những thanh tre được đóng đinh kỹ càng để giữ cho mái nhà được yên khi những cơn gió mạnh ùa về.


Trước hiên nhà là bộ bàn ăn, nhỏ xinh vừa đủ cho hai người. Ngồi ăn ở đây, bạn nhất định sẽ thưởng ngoạn được nguyên vẹn sự yên ả mà đất trời mang lại. Chả trách, ông bà tuy lớn tuổi nhưng ăn uống rất khoa học, đúng giờ, đúng giấc, đủ bữa và đủ chất lượng. Tôi cứ ngỡ cái kiểu ăn uống tao nhã của những “bậc trai anh hùng gái thuyền quyên” thế này chỉ có trong những bộ phim kiếm hiệp ngày xưa, nay lại được dịp tận mắt chiêm ngưỡng cùng niềm hạnh phúc yên bình mà ông bà mang đến.


Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn sống nơi xa hoa nơi thành thị nhộn nhịp, hay sẽ theo đuổi một cuộc đời an nhiên tự tại như của ông bà tôi?


Bản thân tôi đã có câu trả lời cho chính mình rồi. Tôi nhất định sẽ mang vợ và con mình về đây, làm hàng xóm của ông bà, sống những tháng ngày chan hòa với thiên nhiên, tận hưởng trọn vẹn một kiếp người.



Ông bà tôi, không phải là ông bà nội, cũng không phải là ông bà ngoại. Tôi chỉ vừa được làm cháu của hai con người đức độ này vào năm ngoái, trong chuyến đi thực tế của ngành đến Viện dưỡng lão Minh Khuê, tọa lạc lặng lẽ sau những đám tre cao vời vợi ở làng Minh Đăng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Tôi được bầu làm tổ trưởng Hậu cần, chẳng phải vì tôi giỏi giang chi đâu, mà chỉ bởi cái tướng to cao được hưởng từ tía và cái sự khá tháo vát trong mọi việc mà tôi học được nơi má khi còn là một chàng trai tỉnh lẻ. Với chút danh nho nhỏ ấy, tôi có cơ hội được trò chuyện với nhiều cụ ông, cụ bà trong viện – những người đang đứng phía sau ngọn núi vinh quang của một cuộc đời.

Bạn biết không? Không phải tất cả các cụ ông, cụ bà sống trong Viện dưỡng lão đều đau khổ vì sự ruồng bỏ hay lạnh nhạt của con cái. Có rất nhiều người, tự nguyện đến đây để được hưởng những ngày sống thật sự cho chính mình, trong một thế giới riêng toàn những người đủ độ chín muồi để hiểu cảm xúc của bất kỳ ai. Đến độ tuổi này rồi, người ta cũng chẳng còn muốn giữ điều gì bí mật với cuộc đời nữa, người ta sẽ ung dung tận hưởng những tháng ngày vô tư hồn nhiên như thời trẻ con. Như câu chuyện sau của ông bà.


....


Bà từng là một tiểu thư đài cát, ngoan hiền nết na, công dung ngôn hạnh, khí chất ngời ngời. Tuy vậy, bà lại được sinh ra và lớn lên lúc xã hội Việt Nam đang lưng chừng đổi mới. Bà là cháu gái của một vị quan huyện cuối triều nhà Nguyễn. Lúc này, những hủ tục thời phong kiến vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ, những tư tưởng tiến bộ hơn cũng chưa được phép thông hành. Người phụ nữ vẫn còn bị kẹp giữa một bên là gia quy khắt khe, một bên là sự quyến rũ của xã hội mới. Người phụ nữ đẹp như bà, lại còn chịu nhiều áp lực hơn. Bà dù đã cố sức đấu tranh cho chính mình, nhưng vẫn không thoát được việc cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó. Bà buộc phải kết hôn với một người trai con nhà quyền thế. Bà không thương người ta, người ta cũng không thương bà. Song, chồng bà cũng là một người có tri thức, cũng như bà, ông chấp nhận sự sắp đặt của gia đình nhưng vẫn thể hiện sự văn minh được hưởng từ thời cuộc, không làm tổn thương vợ mình. Họ vẫn sống cùng nhau một cách êm ấm, tôn trọng nhau và tôn trọng các vị thân sinh.


Cuộc hôn nhân gượng ép ấy mang về cho bà và người chồng cũ một cô con gái. Bà và chồng không mong con gái mình phải sống như những ngày họ còn trẻ, chịu sự suy xét và áp đặt của cả xã hội. Ông bà luôn dành cho cô sự tự do cần thiết để lớn lên, không can thiệp vào quyền lựa chọn ngành học và lựa chọn người yêu của con.


Chồng bà qua đời sau khi con gái vừa kết hôn với người cô yêu. Ông bệnh. Những ngày cuối đời trong bệnh viện, ông đã nắm tay bà, dùng chút hơi tàn thủ thỉ cùng người vợ không tình nhưng đầy nghĩa, không yêu nhưng đã cùng nhau đi một đoạn đường dài trong êm thắm.


Cảm ơn bà đã hiểu và chia sẻ thanh xuân của mình với tôi. Ngay từ đầu, chúng ta buộc phải lấy nhau, sống chung với nhau, cùng lo cho phụ mẫu và con gái. Mọi thứ đều không phải là điều tự nguyện, nhưng bà đã không từ chối, cam tâm giữ trọn đạo hạnh và đồng hành cùng tôi. Trước giờ tôi vẫn chưa trải qua những ngày thật sự yêu thương một ai, nhưng hôm nay tôi phải thú nhận ra, trải qua gần 30 năm chung sống, tôi đã thương bà từ lúc nào chẳng hay. Cuộc đời tuy nhiều chông gai nhưng cũng đầy rẫy điều tốt đẹp, như cuộc hôn nhân của chúng ta vậy... Lâu nay tôi cứ nghĩ bà với tôi, như nước với dầu, chẳng thể nào hòa quyện vào nhau được. Giờ lại thấy, tuy không thể hòa vào nhau, nhưng đều có thể tồn tại trong cùng một chiếc ly. – Ông cười không thành tiếng – Tôi biết thời gian của mình không còn dài, bản thân cũng không còn đủ sức cùng bà hàn huyên lúc về già. Sau khi tôi đi, bà đừng đau buồn nhiều. Tôi coi vậy chứ cũng đã sống mãn nguyện một cuộc đời rồi, không còn gì tiếc nuối ngoài tình yêu thương bị chế ngự trong bà. Thương tôi, bà cứ giải phóng nó và mở rộng lòng trước những niềm vui mới, chắc chắn sẽ đến. Bà có hạnh phúc, tôi mới yên lòng được.



Bà đã ôm trọn cánh tay chồng và gục mặt vào bờ vai mảnh khảnh đi nhiều mà khóc. Cả cuộc đời này, ông nắm tay bà chỉ được hai lần, một là ngày rước dâu, ông nắm tay bà trân trọng dẫn về nhà, hai là ngày hôm ấy. Bà cũng nhận ra tình thương đối với chồng bắt rễ trong cuộc sống bà từ lúc nào mà bà chẳng hay. Thật đúng như ông nói, ông bà đã chưa thể yêu nhau bằng tình yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ, nhưng đã thương nhau một cách lẳng lặng từ bao giờ.


Ông ra đi sau hôm tâm tình với bà vài ngày. Lúc rời xa nhân thế, gương mặt ông thanh thản và nhẹ nhàng, tựa hồ như đã trút bỏ mọi phiền não lại trần gian, ra đi với một cõi lòng nhẹ tênh.


Hiển nhiên, bà không thể tránh khỏi sự trống vắng cô đơn khi thiếu vắng chồng. Bà lại không muốn về ở cùng với gia đình con gái, bà không muốn tạo gánh nặng và không khí ngột ngạt cho các con. Bà từ chối lời mời của bọn trẻ và quyết định dọn vào Viện dưỡng lão Minh Khuê – nơi có một ngôi chùa nhỏ bên cạnh, vắng bóng người – để sống an nhiên những ngày cuối đời.


---------------- còn tiếp----------------------


Tác giả: Tâm Nhi

Theo dõi tác giả tại: Atwinsmom.com

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan