[Truyện ngắn] Xin phép được chối từ thấu cảm

Kể về câu chuyện của gã đàn ông học được bản chất thực sự của thấu cảm.

Chương 3: Rốt cuộc thấu cảm là gì?



Gã đã từng đọc đâu đó về lợi ích khi kiểm soát được cảm xúc. Tác giả liệt kê trăm luận điểm đến nỗi con chữ, có lúc, tự dưng chẳng còn thẳng hàng. Đáng nhớ nhất, với gã, có lẽ chính là câu nói: “Dừng chân bên vệ đường, bỗng thấy hoàng hôn hôm nay sao lại mơ màng đến thế.”

Ngày đó, câu văn có phần xa vời thực tế, gã nghĩ. Làm thế nào mà có thể cảm nhận được vẻ đẹp khi đã bật nút “off” cho cỗ máy xúc cảm? Mọi thứ trước mắt cũng chỉ đều là thứ khung cảnh lướt qua, đều đều và đen trắng. Không phải vậy sao? Hiện tại. Ngay lúc này. Như gã vậy.

Ngẩn ngơ hàng giờ trong bảo tàng Mỹ thuật, nơi gã vẫn ao ước chạm chân đến từ ngày đầu. Lỗ hổng nơi ngực trái giáng xuống như cú tát bỏng rát. Sự trống rỗng này có nghĩa gì? Là vì bức tranh này vô nghĩa? Hay chính sự tồn tại của gã đã đến ngày hạn? Khác với tĩnh vật, con người trở nên sinh động bởi chúng ta “sống” chứ không “tồn tại”. 

Khuôn mặt người đàn ông ấy như hồ nước gợn sóng lăn tăn. Sờ sững trên bề mặt là cây cầu đen đậm, bền chặt. Sâu dưới đáy là đôi cá lúc tung tăng khắp phía lúc tĩnh lặng. Mặt hồ đang phản chiếu thước phim chuyển động trên màn hình đối diện. Mặc cho bất kỳ bão giông ghé thăm những hồ nước cạnh bên theo từng chuyển động trên màn ảnh, chỉ riêng vẻ bình thản là ôm trọn nơi này. Là vì cảnh quay này vô nghĩa? Hay chính sự tồn tại của gã đến ngày hạn? Khác với tĩnh vật, con người trở nên sinh động bởi chúng ta “sống” chứ không “tồn tại”.



Mẹ ốm nặng, đầu dây bên kia thất thểu báo tin. Cuộc gọi đến vào lúc gã đang ngập trong báo cáo cuối năm. Gác máy, bàn tay lại quay lặng lẽ trở về vị trí ban đầu. Tách tách. Tách tách. Tách tách. Tách tách.

Dấu chấm cuối cùng rơi xuống thì đồng hồ cũng đã điểm 10 giờ đêm. Bóng tối hầu như bủa vây văn phòng, trừ mỗi góc trái ngoài cùng. Cũng đúng thôi, giờ này thì còn trông đợi ai bên cạnh. Thu dọn đồ đạc, nhắn tin xin nghỉ phép, lấy áo khoác, gã rời công ty. Vẫn hộp cơm tấm 18.000 với miếng sườn cháy sém mỏng dánh, ly nước ép dưa hấu không đường được mua sau đó năm phút. Bữa tối như vậy đã đi cùng gã ngót nghét mươi năm nay. Nắng hay mưa đều không đổi thay. 

Cắm sạc điện thoại, màn hình hiển thị vài chục cuộc gọi nhỡ đến từ số quen thuộc. Quyết định gọi lại cho bố, một tràng thanh âm hỗn tạp nhói tai vang lên. Bật loa ngoài vì phải đọc báo, vài giọng nói lâu ngày chưa nghe lần lượt cất lên. Nào là cậu ba hỏi thăm tình hình công việc. Nào là mợ tư thăm dò chuyện yêu đương. Cuối cùng, bố lên tiếng. Chửi rủa thậm tệ thằng con bất hiếu. Mẹ nhập viện mà giờ này chưa thấy bóng dáng đâu. Dẫu bên kia có trân cổ lên thét gào, với gã, cũng chỉ như điệu nhạc vu vơ thêm phần náo nhiệt cho không gian. Lật dở hết trang này đến trang khác, tiếng ậm ừ của đứa con trai duy nhất càng lên sôi máu người đàn ông quá tứ tuần. Lời cảnh báo cuối cùng vang lên: “Nếu sớm mai tao chưa thấy mặt mày, thì đừng bao giờ về nữa.” Căn phòng chung cư một phòng ngủ năm mươi tám mét vuông rơi vào khoảng lặng.

Tắm rửa sạch sẽ rồi quay trở vào phòng ngủ, gã lúi húi cho vài bộ áo quần vào túi. Lưỡng lự đứng trước két sắt, gã phân vân nên mang tiền mặt hay dùng thẻ đề phòng. Ở quê thì hiếm lắm mới thấy có cây ATM, nhưng cầm nhiều tiền mặt thì lại sợ bị dòm ngó. Chuông điện thoại vang lên, giật mình bắt máy. Giọng nói quê mùa nhắc sẽ đón lúc mười hai giờ. Đếm lại tiền, nam tử hán sợ gì mấy trò trộm cướp. Tắt điện, khóa cửa. Bên tai vẫn là In the rain.

Tính nhẩm thời gian đến nhà vào khoảng bốn giờ, gã đắp chăn kín đầu. Thế nhưng trăn trở hoài vẫn không chợp mắt nổi. Nếu mà đổ lỗi cho tay tài xế lái xe không mượt, thì không đúng. Vì đây đâu phải lần đầu đi xe đò trở về nhà. Chán chường, gã lướt điện thoại. Newsfeed ngập tràn tin tức về Bố Già. Hình như là bộ phim mới ra mắt. Vốn có thành kiến với phim Việt, gã bĩu môi thốt vài lời khe khẽ: “Ba cái mô tuýp cũ xì có gì mà khen lấy khen để.” Đọc vài dòng review, cái tôi to bự của một người tự xưng am hiểu về phim bị khuấy động. Bật Youtube xem thử Sitcom thế nào.

Càng coi càng cuốn, đến lúc xe vấp ổ gà, gã mới biết mình đang xem tập 2. Mở đầu là cảnh gia đình bị đòi nợ ngay vào đêm sinh nhật cô con gái út. Hóa ra, bà vợ vì dễ dãi cộng thêm khát vọng muốn đổi đời mà tin vào lời mê dụ. Vay tiền đánh đề tận 20 triệu. Cái chua xót của kẻ nghèo mấy ai thấu hiểu?

Thật ra, cảnh người la hét đòi tiền, siết đồ đạc chẳng còn xa lạ với đứa trẻ đã chứng kiến suốt mười tám năm trời. Cũng như bà vợ trong phim, mẹ gã là người đàn bà nhà quê, chân lấm tay bùn mà lại dễ tin người. Bà yêu thương chồng con hết ruột hết gan. Nên mỗi lần nhìn thằng con đã mười mấy tuổi đầu mà chỉ vỏn vẹn bốn mươi lăm cân, lòng bà như nát như tan. Đêm về nằm kế bên, nghe tiếng ho sặc sụa của chồng, nước mắt bà rơi đẫm cả gối. Mà cái đói cái khát đâu cam hiểu cho nỗi lòng của người vợ người mẹ. Miệng đời cứ cười cợt mỗi lúc nhắc đến hai chữ “phân quyền”. Người đàn bà chưa từng đến lớp thì biết gì ngoài lúa ngoài phân bón. Thế mà vì khát khao mua cho gã chiếc xe đạp đến trường mà gom hết tiền của đưa người. Chuyện vỡ lẽ, kẻ lừa đảo biến mất. Chủ nợ bủa vây. Tiếng la mắng bao bọc lấy căn nhà. Đêm hôm thức giấc, gã nhìn thấy mẹ ôm chai thuốc rầy toan uống trọn.

Bố gã nóng như lửa, có khi hơn. Miệng mồm thì chẳng bao giờ thốt lên câu nào ngọt ngào. Nhưng tấm lòng lại dịu mát như con suối cạnh nhà. Cả tủ đồ chỉ có mỗi chiếc sơ mi trắng mua từ thời cưới vợ, nay để mặc vào mấy dịp quan trọng như hương hỏa. Vậy mà, vào đợt gã đậu trường cấp ba ở huyện, ông dúi vào tay ngày đầu năm học. Như bao gã đàn ông làng quê, cái tính gia trưởng chảy trong người bố. Chẳng bao giờ gã thấy ông khóc vì điều gì, cho đến giây phút đó. Lúc vợ mình nằm vật sau nhà, nước mắt đọng lên nếp nhăn ông. Đi qua đi lại hết đêm, gã nhìn thấy bố như nhảy cẫng lên tận trời cao khi bác sĩ bảo vợ không sao.

Phút chốc, gã thấy cay cay nơi khóe mắt. Dường như, nước mắt đang rơi xuống từ cửa sổ. Giọng hát của Ali Hoàng Dương càng rõ thì tiếng khóc của gã càng lớn. Òa khóc như lần đầu chào đời, vị mặn nhớ thương đã quay trở về. Đớn đau hòa chung niềm vui, trái tim bị bóp chặt. Từng hơi thở len lỏi vào lồng ngực là từng cơn nhói đau như dòng điện chạy ngang. 



Gã nhìn thấy chiếc nồi cháy khét một phần gạo chín phần khoai. Gã nhìn thấy chiếc lưng khom khom dưới nắng trưa gay gắt. Gã nhìn thấy cánh tay vẫy trong gió của nụ cười hóm hém. Gã nhìn thấy vòng tay ấm êm giữa đêm đông hớt hải gọi bác sĩ. Gã nhìn thấy đôi mắt vương vấn đau xót khi vô tình bắt gặp mẹ.

Ký ức quay trở về là kẻ cướp gian manh, cướp đi dáng vẻ của người đàn ông trưởng thành. Trả lại chiếc giường cuối xe là cậu nhóc nhớ thương mẹ cha vô ngàn. Và sẽ chẳng ngôn từ nào có thể miêu tả được vẻ sung sướng của việc “được” khóc.

Hòa lẫn giữa dòng ký ức đó là câu chuyện của cô gái nọ. Những trăn trở tuổi đôi mươi cùng đôi mắt buồn rười rượi, gã cảm thấy đau thắt. 

Hòa lẫn giữa dòng ký ức đó là ngọn lửa thắp sáng khoảng trời. Cảm giác bỏng rát hơi khoang miệng, gã cảm thấy đau thắt.

Hòa lẫn giữa dòng ký ức đó là bóng hình cụ già lê cái chân gãy về phía bóng tối. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi, gã cảm thấy đau thắt.

Hòa lẫn giữa dòng ký ức đó là gánh bánh tráng muộn phiền của bà già. Cơn đau lưng tê tái từng đốt sống, gã cảm thấy đau thắt.

Hòa lẫn giữa dòng ký ức đó là xót xa ôm trọn đứa bé chu du cùng mẹ. Tủi hờn phận gái hư hỏng, gã cảm thấy đau thắt.

Cứ thế, cả chiếc xe giường nằm hai tầng thức giấc bởi tiếng khóc tức tưởi của người đàn ông.

Gã khóc rất lâu. Mãi đến khi đặt chân đến bệnh viện, người ta vẫn bắt gặp bóng hình gã thanh niên bù lu bù loa. Dác thấy bóng lưng khom quen thuộc, gã òa vào lòng. Siết chặt cánh tay, đứa con trai vừa xin lỗi vừa chảy nước ướt đẫm áo bố. Kẻ đi qua người đi lại chẳng hiểu gì, bông đùa dăm câu ba chuyện.

Cách đó vài hôm, gã đã đọc đâu đó một câu chuyện như thế này: 

“Dạo trước, cô xem được một đoạn video về cuộc sống của một người trưởng thành. Gã đàn ông nếm trải vị chua chát khi người yêu năm năm trong vòng tay của kẻ khác. Gã đàn ông nếm trải vị cay nồng khi bị công ty đuổi việc theo chính sách cắt giảm nhân sự. Gã đàn ông nếm trải vị đăng đắng khi người thân duy nhất rời bỏ thế giới này. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng một ai thấy nước mắt lăn dài trên khuôn mặt kia. Hình ảnh thân thuộc của nam tử hán hay cười hay đùa vẫn vẹn nguyên trong mắt người. 

Bỗng một ngày kia, nhìn vào gương, họ chẳng thấy hình ảnh phản chiếu của nụ cười trên môi gã nữa. Như đứa trẻ bị giật mất miếng bánh quy thơm ngon, người đàn ông ba mươi tuổi vỡ òa nức nở chỉ vì đầu bếp quán quen lỡ bỏ hành. Nước mắt hòa chung nước mũi, mọi thứ lấm lem rơi xuống bát mì. Mặc kệ bao ánh mắt hiếu kỳ đậu lên thân hình, tiếng nấc mỗi lúc một to hơn. Người đi qua kẻ đi lại chỉ trỏ dè bỉu vẻ yếu đuối không nên có của một đấng nam nhi. Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc cũng cần bao nhiêu dũng cảm. Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc, người đàn ông lớn xác kia đã chịu đựng những gì. Cứ thế, hàng giờ đồng hồ trôi qua, nơi góc trái tiệm mì có một gã trai đang nức nở chỉ vì chủ quán bỏ hành vào tô của mình.”

Thấu cảm chẳng phải quy tắc để trở thành con người. Thấu cảm nằm trong bản năng của chúng ta. Có người sẽ quặn đau trước hình ảnh chú sư tử bị bỏ đói nơi Thảo Cầm Viên. Có người sẽ khóc lóc thảm thương trước câu chuyện đứa bé đỏ hỏn bị bỏ rơi. Và sẽ không sao nếu ta không cảm thấy điều tương tự. Mỗi một người sinh ra đều có phương thức khác nhau để thấu hiểu và cảm thông với nỗi bi ai của cõi trần gian. 

Càng ép buộc bản thân, trái tim sẽ càng đóng chặt. Bởi trên đời này, vẫn có người khóc như đứa trẻ chỉ vì “chủ quán bỏ hành vào tô của mình” mà.

Vậy nhé!

(Hết)


Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan