Tư duy cố định - tư duy phát triển, hành trình tìm kiếm bản thân trong bóng tối

Mình muốn nhắn gửi đến mọi người, những ai còn nghi ngờ bản thân hay ở trong tình trạng chưa (không) muốn thay đổi vì bất cứ lý do gì, hãy tin vào chính mình. Nói thì dễ đúng không, nhưng hãy hành động, dù là nhỏ nhất. Rồi bạn sẽ thấy kết quả, dù là nhỏ nhất.

Chủ đề này được lấy cảm hứng từ cuốn sách mình đọc dạo gần đây của tiến sĩ Chi Nguyễn có tên “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản". Mình rất tâm đắc với một câu nói trong sách, đại loại là “Cuốn sách này không chỉ viết về chủ nghĩa tối giản đơn thuần mà nó còn là cuốn sách về sự - thay - đổi".


Và đúng hệt như ý niệm của tác giả, mình thực sự đã “thoát xác" khỏi chính mình, chính con người hướng nội và nhạy cảm với nhiều góc khuất trước giờ mình đều muốn che dấu. Mình thực sự đã bước lên một bậc trong nấc thang mà người ta vẫn đặt danh xưng cho nó “người trưởng thành".


Tư duy cố định (fixed mindset) như tác giả viết trong sách, đó là suy nghĩ luôn “dập khuôn", cho rằng mình không bao giờ giỏi được. Đặc biệt là, những người có tư duy này thường tin rằng có rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống được mặc định sẵn bởi số phận. Họ tin vào số phận một cách mù quáng, nếu không thì cũng chẳng màng đến sự cố gắng thực sự để đạt được những thứ mình chưa có. Trái lại, những người với tư duy phát triển (growth mindset) luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, mình chính là bản thể hoàn hảo nhất, và mọi sự trên đời đều có thể thay đổi theo hướng tích cực nếu mình thực sự muốn và quyết tâm bắt tay vào làm bằng được.


Khi đọc đến đây, mình dường như vỡ oà. Vì sao ư? Bởi vì nó đã giúp mình thực sự thức tỉnh và lý giải được lý do tiềm ẩn đằng sau những quyết định sáng suốt hay thiếu sáng suốt của mình. Theo cá nhân mình, một đứa vừa hướng nội vừa nhạy cảm cao, việc tồn tại song song hai kiểu tư duy này là hoàn toàn có thể hiểu và lý giải được. Và mình nhận ra rằng:


Con người ta không thiên hoàn toàn về kiểu tư duy cố định hay phát triển, dù muốn hay không đi chăng nữa, họ vẫn sẽ có những lúc bấp bênh giữa hai bến nước.


Theo trải nghiệm của cá nhân mình, mình từng có một tuổi thơ khá êm đềm, học hành giỏi giang, gia đình êm ấm, bạn bè ríu rít. Mình nhớ đâu đó khoảng từ những năm đầu cấp hai, mình thực sự rất nhút nhát. Mình không bao giờ tin mình có thể lọt vào “tầm ngắm" của cô giáo và được chọn đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Nhưng khi mình “chợp" được may mắn đó, khi mình “oằn mình" để viết từng con chữ đầy cảm xúc trên giấy mà các bạn cùng trang lứa hầu như đứa nào cũng phải mắt chữ A miệng chữ 0 là lúc mình nhận ra “À thì ra, mình cũng đặc biệt ấy chứ, chỉ là trước đây có người chưa nhận ra được sự đặc biệt đó thôi” Kể từ giây phút đó, mình đã quyết tâm phải phát huy bằng được tài lẻ đó. Và bạn biết đấy, khi bạn đã say mê và chạm, dù chỉ một ngón chân vào cái gọi là “tài năng tiềm ẩn" đó, bạn sẽ bị cuốn vô đó và càng lúc càng muốn mình phải phát triển nó hơn nữa. Đó là lúc tư duy phát triển “thành hình" và xâm chiếm toàn bộ bộ não vốn ngủ yên của bạn.


Tư duy cố định và tư duy phát triển đều có thể học được


Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là bất cứ ai, kể cả những người bình thường nhất, đều có thể “học" được cách tư duy theo hướng nào. Có hai cách mình đã thực sự “lĩnh hội" được tư duy phát triển đó là: qua trải nghiệm thực tế và trải nghiệm nuôi dưỡng cảm xúc của chính mình". Đối với trải nghiệm thực tế, bạn có tin không khi mình không tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào trong suốt những năm tháng học đại học. Đúng vậy. Mình chọn cách thay đổi tư duy bắt đầu từ thứ mình “giỏi” nhất từ trước tới nay “Viết lách". Mình còn nhớ công việc đầu tiên mình làm là tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục, và nhiệm vụ chủ yếu của mình khi ấy chỉ là lên ý tưởng và viết content dạng ngắn trên Fanpage của họ. Mình được quản lý bởi một em nhỏ tuổi hơn mình. Tuy kỹ năng học được từ công việc đó không quá nhiều nhưng mình học được một thứ quan trọng mà trước giờ một đứa hướng nội như mình rất kém, đó là “teamwork". Rồi dần dà, mình cũng có một cái vốn nhất định, đủ để mình dấn thân sâu hơn vào cái mà mọi người vẫn hay xôn xao “content creator". Hiện tại, đến mình còn không thể tin nổi sau bao nhiêu vùi dập, mình đã là leader chuyên mảng content cho một tổ chức chuyên về tâm lý học. Và tất nhiên, mình vẫn đang trên hành trình phát triển bản thân và “mài thật sắc" công cụ tạo ra giá trị cho riêng mình. Bạn thấy đó, đến ngay cả những người hướng nội như mình, hay bị xã hội ngoài kia gán cho những cái mác không mấy “dịu dàng" lắm như “nhút nhát", “tự ti",”thiếu quyết đoán" cũng đã lột xác được đến như vậy. Không có lý do gì bạn chịu thua để mình luôn dậm chân tại chỗ trên hành trình khai mở tiềm năng bên trong mình.


Tư duy cố định hay phát triển, mình ví nó như một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan, thậm chí lây lan nhanh và mạnh là đằng khác.


Chắc bạn cũng đã nghe qua câu nói phổ biến như cơm bữa của người Việt “Giỏ nhà ai quai nhà nấy" hay “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Bạn nghĩ một người luôn chọn hay (bị) ở trong môi trường toàn những người mang tư duy “dậm chân tại chỗ", liệu người đó có thoát xác ra được và trở thành phiên bản đặc biệt của chính mình. Tất nhiên, ở đâu cũng có những bộ não “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Thế nhưng, bạn đếm xem liệu được mấy người. Điều này áp dụng khá đúng với nhà chú thím mình. Họ có hai người con, thằng lớn đã đi đại học được hai năm còn con nhỏ thì sắp lên đại học. Thế nhưng, cả hai chúng nó đều có những tư duy cố định đến không thể cố định hơn. Tạm gác con nhỏ sang một bên, mình muốn nhắc đến thằng nhỏ. Hôm bữa, tình cờ mình và nó có cuộc tâm sự “mỏng", nó nói nào là “em làm ở quán cafe được dăm ba chục bạc, tháng cũng được mấy triệu đấy nhưng mà cứ nghĩ đến dăm ba trục bạc làm hùng hục suốt 1 tiếng, em nản quá chị ạ", “Em làm được 10 ngày, đợt dịch vừa rồi nghỉ làm luôn rồi chẳng thèm lấy lương luôn", .....Rồi thì ngay khởi đầu câu chuyện nó kêu rằng vừa mới mấy hôm xuống thủ đô em đã tiêu mất cả gần triệu. Mình hỏi tại sao thì nó kêu “Bọn cùng phòng em nó chẳng bao giờ nấu nướng gì, cứ đến giờ cơm là tặc lưỡi “Thôi, ra ngoài ăn”. Vậy đó, đôi khi mình bị ảnh hưởng rất nhiều từ tư duy của người khác. Nó buộc bạn phải dập tắt cái tôi khao khát muốn vươn lên của bạn. Và từ đó, bạn dần dần không còn biết tới khái niệm “phát triển" là gì nữa. Nếu “phát triển" chỉ dừng lại ở khía cạnh sinh học, thì loài người cứ quay về nơi nguyên thuỷ mà sống còn hơn. Mình thiết nghĩ.


Và cuối cùng, mình muốn nhắn gửi đến mọi người, những ai còn nghi ngờ bản thân hay ở trong tình trạng chưa (không) muốn thay đổi vì bất cứ lý do gì, hãy tin vào chính mình. Nói thì dễ đúng không, nhưng hãy hành động, dù là nhỏ nhất. Rồi bạn sẽ thấy kết quả, dù là nhỏ nhất.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan