Vắng mặt hoạt động và thiếu endorphin

Vắng mặt hoạt động được xem như một dạng bất động, có thể là nằm nhiều, ngồi nhiều một chỗ, hay ngủ nhiều, không có nhiều tương tác, ít có giao lưu.


Vắng mặt hoạt động được xem như một dạng bất động, có thể là nằm nhiều, ngồi nhiều một chỗ, hay ngủ nhiều, không có nhiều tương tác, ít có giao lưu.


Endorphin còn được gọi là hormon tình yêu, do não tiết ra, nó có tác dụng giảm đau nhưng không gây nghiện và không độc hại như morphin; endorphin được sinh ra nhiều trong các hoạt động như: hoạt động tình dục như ôm nhau, hôn nhau, làm tình, endorphin được tiết ra khi đau đẻ, khi ăn ớt thật cay, khi ăn một mẩu socola đen khoảng 7g, khi vận động cơ thể tập luyện thể dục thể thao…


Lười biếng về mặt hình thức là ít vận động, và ít vận động thì ít cơ hội cho endorphin sinh ra (để khiến cá nhân trở nên phấn chấn, hứng thú), tinh thần dễ trở nên ức chế hơn, và càng ức chế, càng khó vượt qua sự lười biếng. Lười biếng trói người ta lại trong sự bất lực, bế tắc với việc thực hiện các mong muốn của bản thân, trong việc tìm kiếm các giải pháp đạt được các mong muốn ấy.


Những người có kiểu lười biếng này thường mang bóng dáng của trầm uất, buồn chán, trầm cảm.


Vậy sự lười biếng này có thể được thông cảm, có đáng để nhận sự giúp đỡ của những người khác không? Thường, rất khó được chấp nhận. Những người xung quanh lúc đầu sẽ động viên rằng làm việc này đi, làm việc kia đi, cố gắng lên, người khác cũng làm, dần dần thì họ sẽ khuyên rằng phải phấn chấn lên chứ, phải tham gia cái này cái nọ chứ, rồi cũng đến lúc họ mệt mỏi mà định kiến rằng, người lười biếng ấy thật thiếu ý chí, thiếu sự tự nguyện. Và việc thiếu ý chí, thiếu sự tự nguyện thì chắc chắn khó thích nghi xã hội, không được xã hội đánh giá tốt rồi.



Điều gì khiến họ lười biếng, những người xung quanh có dành thời gian để hỏi và tìm kiếm câu trả lời không, hay chỉ cư xử một cách máy móc như trên, và rồi kết tội họ, đẩy họ sâu hơn vào trạng huống khó khăn, thậm chí tuyệt vọng.


Họ lười biếng không phải vì họ thiếu sự tự nguyện, bằng những hiểu biết của tôi, tôi cho rằng họ thiếu động lực, động cơ, họ không sống trong đam mê, ham muốn của họ. Vậy thì, câu hỏi là, ai đã “giết” động lực, đam mê của họ, những điều có ý nghĩa với riêng họ? Ai đã khiến họ lạc lối với chính bản thân mình, ai đã ép họ vào hoàn cảnh chẳng biết phải lựa chọn điều gì, và lựa chọn ấy có ý nghĩa gì?


Ai đã bắt họ sống theo mục đích của người khác, ai đã bắt họ thực hiện mơ ước của người khác, ai đã áp đặt những giá trị không phù hợp lên họ, khiến họ phải sống trong mâu thuẫn, tràn đầy xung đột nội tâm?


Và họ, tất nhiên, về mặt ý thức, họ không chọn con đường lười biếng này. Nhưng sâu bên trong họ, họ thực đã lựa chọn, sự lựa chọn bị tác động bởi nỗi sợ bị bỏ rơi, nỗi sợ không được đón nhận của họ. Họ sợ rằng, nếu không tự trấn áp tiếng nói của cá nhân để thực hiện những mong muốn của người khác, thì họ sẽ mất người khác, không nhận được tình yêu thương của người khác, hoặc bị họ phán xét nặng nề để mình cảm thấy tủi hổ. Điều này gây tổn thương lắm, và họ “rời bỏ” mình để hướng đến người khác, phù hợp với người khác, vì người khác!


Nhưng làm sao chúng ta “từ bỏ” bản thân mình mãi mãi được. Sự uể oải, mệt mỏi, chán chường là những tín hiệu sớm cho sự “vong thân”. Khi ấy, nhiều khi nhiều người tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, tìm ai đó có trách nhiệm để có thể trách cứ, để cảm thấy nhẹ bớt gánh nặng bao gồm cả mặc cảm tội lỗi. Nhưng đừng có kéo dài quá giai đoạn này, mà có lẽ, nên hỏi mình, tại sao mình lựa chọn những điều này, tại sao mình theo đuổi những thứ mình đang theo đuổi, tại sao lại cảm thấy thiếu vắng sự hài lòng, tại sao cảm thấy vô nghĩa, vậy điều gì có ý nghĩa? Và nếu như khó khăn khi tự tìm ra câu trả lời, hãy tìm kiếm người mình tin cậy và có kinh nghiệm đủ để có thể giúp mình, chúng ta sinh ra trong cuộc đời này đều cần người khác cả!


Và sự lười biếng, có thể là khởi đầu của mọi sự năng động, khởi đầu cho ý nghĩa đích thực của đời sống cá nhân? (mà endorphin là phần thưởng được nhận hàng giờ, hàng ngày, còn gì hơn!)


Ps: Tất nhiên, tôi đã “loại trừ” sự lười biếng của các thiền sư, của các nghệ sĩ, của các nhà khoa học… ở họ có các hoạt động tư duy khác trong vẻ ngoài lười biếng, cũng như “loại trừ” sự lười biếng với mục đích thư giãn, nghỉ ngơi để có được sự cân bằng cuộc sống.


Ngô Thị Thu Huyền

Theo ngocquocviet.wordpress.com 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan