[VĐTT] ĐỐI THOẠI VỚI CÁI BÓNG CỦA CHÍNH MÌNH

“Gương kia ngự ở trên trời, nói cho ta biết ai đẹp nhất trần gian?” - chắc hẳn bạn đã thuộc lòng câu thoại này trong truyện Nàng bạch tuyết rồi đúng không? Bạn đã bao giờ nhìn vào chính bản thân mình trong gương và hỏi nó những câu tương tự như vậy chưa? Nhưng bạn có thấy câu hỏi như vậy là chưa đúng không? Chúng ta nên đối thoại với hình bóng của mình trong gương như thế nào?

ĐỐI THOẠI VỚI CÁI BÓNG CỦA CHÍNH MÌNH


Mình ngạc nhiên khi xem video challenge “Getting To Know Your Body & Soul (Naked Mirror Challenge)” của chị Sorelle Amore, vì chưa bao giờ nghĩ đến cách tìm hiểu bản thân như thế (mình khuyến khích bạn xem video rồi quay lại đọc tiếp nhé). Mình sẽ không bình phẩm gì về video hết, mà muốn chia sẻ suy nghĩ về cách chúng ta đối diện bản thân mình một cách trần trụi (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng như thế). Không biết bạn có kì lạ như mình không nhưng đôi khi mình hay nhìn vào gương, cười và nói những lời tích cực với bản thân, nhất là những lúc thấy mông lung với mọi thứ. Đôi khi mình cũng không nói gì, chỉ yên lặng nhìn vào gương, rồi tự nhiên thấy khó hiểu, cố nhìn lâu hơn nhưng không thể vì tâm trí thường rơi vào hơi hướng hoảng loạn. Mình không biết tại sao, nhưng những lúc nhìn bản thân (chưa đến giới hạn khó hiểu), mình khám phá ra nhiều điều.


Mình không biết đâu là con người thật, đâu là con người phản chiếu, có phải chỉ dựa trên cơ sở vật lý để xác định ảnh thật và ảo ảnh không? Biết đâu, con người trong gương kia cũng đang nhìn về phía mình, coi mình là chiếc bóng của nó? Chúng mình - bóng “thật” và bóng “giả” có đang phán xét nhau điều gì không? 


Khi một mình đối diện với bản thân, mình học cách trung thực hơn. Nếu mình hỏi chiếc bóng kia mình có đẹp không, nó sẽ đáp lại y nguyên những gì mình nói: xấu, đẹp, hoặc cả hai. Nhưng không biết chiếc bóng phản chiếu kia có suy nghĩ không, hay nó chỉ là hình ảnh, còn mình thì ngay khi nói ra nhận xét về bản thân, trong đầu mình lập tức có một suy nghĩ khác. Mình lại đấu tranh trong đầu hai suy nghĩ đối lập, cuối cùng không muốn nghĩ mệt nữa thì thôi. Mình học cách lắng nghe bản thân như vậy, trong một môi trường im lặng, đơn côi, mình sẽ nghe thấy hết những lời khen, chê từ chính con người trong tâm, từ chính hình ảnh phản chiếu kia. Có lúc mình mặc quần áo rộng để che đi ngấn ở bắp tay, nhưng khi không còn gì che nữa, mình nhìn vào nó một cách trực diện, cảm nhận nó, phát hiện ra, đó không phải ngấn mỡ, mà là ngấn cơ bắp. Rồi cứ thế, mình khám phá ra có những điểm mình cần cải thiện thật, nhưng có chỗ thực ra không tệ như mình hay che dấu. Cái bóng phía bên kia chiếc gương đang phản ánh đầy đủ những mặt sáng tối của mình.



Cũng có khi mình không nhìn vào cơ thể trong gương, chỉ ngồi nghĩ ngợi trước gương, như thể cái bóng đang ghi lại quá trình suy nghĩ vậy. Ý nghĩ đầu tiên xảy đến: chúng ta có đang “vô tình” tạo ra những cái bóng - những lộ trình không tên nhưng mang sức nặng không tưởng, cho chính mình và người khác? 


Chúng ta đặt ra những đánh giá, nhận xét cho người khác nhưng từ chủ quan của mình. Những lộ trình sống do gia đình định hướng, kìm kẹp những đứa con chưa biết mùi thế gian. Dần dần, người ta không phân biệt được đâu là con đường đúng nên đi, đâu là sự phản kháng bất lực. Họ đánh đồng sự nổi loạn với quyền đấu tranh cho mình, nhưng chẳng biết đấu tranh vì cái gì, không biết rằng tự bản thân đang nắm quyền quyết định định ứng xử với những mô-típ ấy.


Núi cao còn có núi cao hơn, cái bóng của người này che khuất những người ở dưới, đồng thời bị bao trùm bởi người bên trên, cuộc chạy đua của những cái bóng cứ thế không ngừng, rồi có một ngày giẫm đạp lên nhau, cố gắng nhân bản cái bóng của mình để những người phía dưới nản lòng mà chấp nhận làm cái bóng. Nhìn rộng ra ngoài kia, có nhiều người đang cạnh tranh không ngừng, nhưng cũng không ít người chỉ sống làm cái bóng của chính mình.



Đối với bản thân, chúng ta đặt ra những tiêu chuẩn (một phần bị ảnh hưởng bởi ý kiến bên ngoài) khắc nghiệt về việc làm gì, trở thành ai. Mỗi lúc nghĩ đến ước mơ, mình sôi sục ý chí nhưng bỏ quên hoàn toàn việc chấp vấn mình có đang thực sự theo đuổi giấc mơ đó không, hay chỉ tự đánh lừa bản thân. Ngay cả lúc đang viết về trải nghiệm của bản thân, mình cũng không tránh khỏi gán ghép những ý nghĩa góp nhặt được từ người khác, dẫn đến việc có những điều nhiều người cho là đúng, nhưng mình lại thấy chiều ngược lại, mà vẫn cố hiểu sự đúng của người khác chứ không phải hiểu mình. Đôi khi, chính mình cũng không đủ khả năng để đạt tới vị trí, thành công của một ai đó, chứ chưa nói tới việc mình sẽ thoát khỏi cái bóng của họ. 


“Trong trường hợp này, xuất hiện một thứ tâm lý ít nhiều mang màu sắc tôn giáo: người ta có nhu cầu phóng chiếu cái bản ngã của mình vào một bản ngã khác (mà họ cho là) siêu việt hơn, và nhận ra giá trị của mình ở đó. Đến đây, trước hết, nảy sinh một câu hỏi quan trọng: cái bản ngã ấy, cái bóng ấy, có thực sự là một giá trị văn chương đáng kể hay không?” (Những cái bóng trong văn chương - Báo công an nhân dân)


Chúng ta nhìn vào những người tài giỏi, ngầm “bối xấu” những thành tựu lan tràn làm lung lay hệ giá trị của những người lạc lối, hoài nghi về bản thân chứ không phải mang tính khích lệ. Nhưng liệu đó có phải cái bóng của người khác hay có thể nó chính là cái bóng của mình - cái bóng về những thành công trong quá khứ khiến ta lầm tưởng về tương lai, ta tưởng cái bóng của mình đã “lớn, tốt” hơn so với trước nhưng thực chất là một vòng quay luẩn quẩn? Ta nghĩ rằng “người như thế này, người có quá khứ như thế này… thì tương lai sẽ thế kia…”. Phần nhiều đó là cái bóng do bản thân tạo ra - cái bóng của quá khứ, của những hào quang rực rỡ một thời, rồi mãi chìm đắm trong đó mà quên đi điều gì là trọng tâm, cái bóng của quá khứ đeo bám dai dẳng, con người của hiện tại trở nên mơ hồ, bủa vây bởi cái bóng tương lai chưa có thật và lòng đầy lo sợ. Chúng ta tự hỏi liệu mình có dám đấu tranh không? Có dám đối diện với sự thực phũ phàng hay núp dưới những vỏ bọc để tránh tổn thương? Chúng ta có dám vứt bỏ sự thỏa mãn để không ngừng nỗ lực, làm mới bản thân, phá bỏ được suy nghĩ “thế cũng được rồi”? Đối diện hay là trốn chạy sẽ gây ra “ít hối tiếc nhất”?



Có những lúc muốn chạy trốn khỏi cái bóng nhưng lại không thể dừng lại được, khi không còn chỗ nghỉ để dừng lại nữa mới nhận ra rằng giá như ở những điểm dừng chân trước, ta đã dũng cảm bước ra ánh sáng, thà một lần đối diện còn hơn là khi trùng khớp với cái bóng của mình lúc cuối đời rồi mới nhận ra. Lúc đầu bước ra, ánh sáng có thể chói lòa con mắt, nhưng dần dần sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của ánh sáng - vẻ đẹp của chính bản thân, trần trụi những ưu và khuyết điểm mà vẫn cảm thấy trân trọng nó. Hóa ra, hạnh phúc vẫn luôn tồn tại ngay trong những gì mình đang sở hữu, không có ánh sáng làm sao có bóng, không có đầy thừa biết đâu là đủ. Tuy hai mà một, chấp nhận hạnh phúc và khổ đau đồng thời hơn là chỉ chọn một thứ có thể là lựa chọn “dễ” nhất nhưng không nhiều người để ý.


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: shorturl.at/pzO07

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan