[VĐTT] Lúc có lúc không

Câu chuyện về những chiếc bóng trong một mối quan hệ tưởng chừng bền vững và luôn đong đầy yêu thương, gia đình

Lúc có lúc không

Có câu nói thế này: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ” và ngược lại. Ngôn từ tuy có vẻ mỹ miều nhưng cô luôn tự hỏi: “Tại sao lại không phải là cùng nhau?” 

Cũng không phải chỉ riêng chuyện của hai kẻ yêu nhau mà sâu thẳm trong mọi mối quan hệ của người và người, bằng cách nào đó, vẫn luôn tồn tại một vài bóng hình. Mà thường cái đi cùng là sự lặng lẽ, âm thầm và cam chịu. Và không ngoại lệ, gia đình cô cũng tồn tại những chiếc bóng. Chỉ là lúc này có lúc kia không, và luân phiên giữa các thành viên.

Để nói về bố, cô chỉ có thể nhớ về hình ảnh người đàn ông tiều tụy trong bộ pyjama sọc xanh trắng. Thật ra, lúc còn bé, cô luôn nhìn thấy cái dáng vẻ mạnh mẽ với làn da rám nắng của bố. Ông đã luôn là người bảo bọc và chở che cho gia đình nhỏ này.

Từ ngày đầu chạm mắt, tiệm điện của bố đã luôn hiện diện ở đó. Có điều ngày đó, nó bé tí teo với loanh quanh vài cái bóng đèn, vài cuộn dây điện. Vì vậy, ông nỗ lực hơn một chút mà mày mò học cách sửa mấy đồ lặt vặt như quạt, nồi cơm điện. Rồi dần dà, cô hay được đón về sớm trong ánh mắt ngưỡng mộ của đám bạn học mỗi lần ba đến bắt điện hay sửa chữa đường dây ở trường mẫu giáo. Lúc đấy, ngay cả mặt trời cũng chẳng tỏa sáng bằng người đàn ông bế cô trong lòng.

Bàn tay ông lắm đồi môi đan lẫn là những đường gân xanh rõ mồn một trên nền da nâu vàng đặc trưng của người Á Châu. Thỉnh thoảng, đến bây giờ, mỗi lúc phải bưng bê chiếc nồi hay tô canh nóng bỏng tay, mọi người vẫn thường gọi tên ông. Bởi lẽ các nốt chai sần, tuy là chứng nhân cho bao cố gắng, đã tước đoạt đi cái quyền được cảm giác của đôi tay. Thế nhưng, chẳng vì thế mà mỗi cái chạm của ông với người thương lại bớt đôi phần sự ấm áp. Có lẽ, vì ngọn lửa yêu thương trong trái tim người cháy quá đỗi mạnh mẽ để lớp vỏ thô ráp có thể dập tắt nó.

Hồi cả nhà còn đèo nhau trên con Suzuki Viva cũ mèm, cô vẫn luôn cảm được thế nào là an toàn. Đôi chân vắt trên ghi đông xe, hai tay liên tục bấm bấm như thể trước mắt là chiếc màn hình điều khiển. Cô an yên trong thế giới tưởng tượng muôn màu muôn vẻ. Dẫu quãng đường có gồ ghề đến mấy, cô cũng chưa một lần bị đánh thức khỏi cảnh phim của chính mình. 

Mãi đến năm cuối cấp ba của cô, bố đã chẳng còn khoác lên chiếc áo của người hùng trăm ngàn mũi tên chẳng làm đau mình. Ông là người lắm bệnh, từ huyết áp đến tim mạch. Mỗi ngày trôi qua, gương mặt ông lại hốc hác đi đôi chút. Thân thể cũng đã chẳng còn đủ sức để khuân vác những thùng hàng nữa rồi. 

Thật ra, sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc Huế, người tình kiếp trước của cô chẳng thể nào tránh khỏi đặc trưng tính cách của đàn ông nơi đây. Gia trưởng, nóng tính, bảo thủ và đôi phần trọng nam khinh nữ là dòng máu chảy bên trong ông. Mặc cho hiện tại, đa phần đã phải nhờ cậy sự chăm sóc và quán xuyến của vợ, ông vẫn chẳng bỏ được cái cung cách kiểm soát mọi thứ.

Mỗi bữa ăn đều phải luôn từ ba món trở lên và tất cả mọi người đều phải có mặt nếu ở nhà. Chỗ ngồi cũng không được phép lộn xộn bởi vị trí đã được quy định ngay từ thuở đầu. Trong lúc ăn cũng có những nguyên tắc như, không để đầu gối cao ngang hoặc bằng mặt bàn. Và đặc biệt, đàn ông trong nhà sẽ không động tay đến những việc nội trợ bếp núc.

Cũng như hàng trăm quy tắc khác hiện danh dưới câu chữ: “Nề nếp gia phong”, vợ con nhất quyết không được lớn tiếng với ông. Mọi lời nói từ đầu môi bố đều là mệnh lệnh vì nó đúng và luôn đúng. Danh dự là tất cả những gì quý giá nhất đối với một gã đàn ông. Vì vậy, tất cả những gì có hàm ý xúc phạm đều chẳng được để yên. Đâu đó, vài lần cô nhìn thấy bàn tay ông in hằn cái bỏng rát lên làn da mẹ. Chẳng biết nếu không có anh em cô ở đó, cuộc cãi vã ấy sẽ đi về đâu?

Thật lòng mà nói, bệnh tật của ông dường như cũng đem chút gì đó tốt đẹp cho gia đình cô. Bố trở nên nhẹ nhàng hơn, lắng nghe hơn và trầm tĩnh hơn. Sẽ chẳng khó khăn gì khi bắt gặp hình ảnh người đàn ông hao gầy nơi bếp chà xoong rửa chén vào những đêm tối muộn. Hay dưới cái nắng sớm êm ả, vẫn người đàn ông đó đang phơi áo quần tỉ mỉ tẩn mẩn. Đáng yêu hơn cả là dáng vẻ quan tâm, chăm chút người bạn đời của ông. Từ viên thuốc bổ mỗi sáng đến cái nắm tay mỗi đêm đông trên con đường vắng người, ông như gã si tình dịu êm trong cuốn tiểu thuyết cô mê. 

Hình ảnh gã đàn ông quát tháo ra vẻ uy nghiêm với con cái cũng đã nhường chỗ cho những cái hôn đầy trân trọng. Thứ khiến cô luôn bồi hồi khi nhớ về là những buổi trưa ngủ cùng bố. Câu hỏi ngu ngơ rằng: “Bố có thương con không?” luôn được đáp trả nhẹ nhàng mà chân thành bởi cái nắm tay và chạm nhẹ trán nhau. Tình yêu của bố đã chẳng còn gai góc nữa rồi.

Người ta vẫn hay bảo, thời gian chẳng làm con người ta thay đổi mà chỉ làm rõ bản chất của họ mà thôi. Và tháng năm cùng cái đau ốm của thể xác như bóc trần sự yếu đuối của người đàn ông năm nào một tay ôm trọn những tâm hồn mỏng manh. Dáng vẻ bất lực trước cơn phẫn nộ của vợ, của đứa con trai dần trở nên quen thuộc. Khuôn mặt đầy sợ hãi trước chẩn đoán sơ khai của bác sĩ về căn bệnh mới. Hay đôi tay không rời màn hình khi nhìn thấy những vết bầm lạ trên da. Từng nhất cử nhất động đều toát lên sự mỏng manh của một tâm hồn già cỗi. 

Như ngọn cây trước gió, lung lay và yếu ớt, ông quay về với dáng hình của một cậu bé cần được chăm sóc cần được chú ý. Sức mạnh nội lực của vợ qua từng cái trừng mắt, sức mạnh kiến thức của con trai qua từng con chữ bắt bẻ là cú đẩy đủ mạnh để sự vô hình bao trùm lấy bố cô. 

Dẫu vẫn hiện diện ở đó, vẫn ngồi ngay chiếc ghế đó trong bàn ăn, nhưng dường như chẳng còn ai thật sự “thấy” bố nữa. Mọi lời nói đều không trọng lượng. Mọi cử chỉ đều nhẹ tựa lông hồng. Mà mặc cho dùng hết sức bình sinh, cũng chẳng một ai ngó ngàng đến. 

Cái bóng lặng im trên chiếc ghế sofa nơi phòng khách. Tiều tụy khoác trên mình bộ pyjama sọc xanh trắng, ông trầm mặc với chút ưu tư, chút kinh sợ và chút tức giận. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai đến bên gửi gắm băn khoăn nào. Cứ thế, một tiếng, hai tiếng rồi vài tiếng trôi qua, người đi qua kẻ đi lại bao bận. Nhưng dường như, trong mắt họ, ông đã chìm sâu dưới lớp bông gòn của chiếc ghế. Bề mặt trống huơ trống hoác, không ai hiện diện ở đó cả.

Cái bóng lặng im trên chiếc giường hãy còn hơi ấm của người bạn đời. Vậy mà kẻ kế bên dửng dưng say giấc nồng. Để lại bố cô đã đau đớn vì sự hành hạ của vết thương vật lý, lại còn đớn đau thêm vì sự mờ nhạt của chính mình. Với tay gọi mãi mà chẳng thấy hồi đáp. Nỗi đau đó như khuếch đại cái thổn thức chẳng lành trong bố cô. Giây phút đó, phải chăng trong mắt vợ, ông cũng đã chìm sâu dưới lớp mút của chiếc đệm?

Cái bóng lặng im trong căn phòng bếp. Nỗi bất lực trỗi dậy như nuốt chửng hết thảy cái dũng khí của gã đàn ông ngoài 50. Cậu con trai đang nhếch miệng khinh khỉnh. Hóa ra, cậu ta đang dùng tất cả những ngôn từ văn vở mà đả kích cái vẻ yếu đuối của ông. Tự khi nào, hình ảnh người hùng một thời nay đã là thú vui tiêu khiển để cậu thỏa lòng với cái tôi cao ngút trời mây? Liệu cậu có nhìn thấy nét bẽ bàng đầy chua xót của bố cậu? Chắc là không đâu nhỉ? Bởi cái bóng thì chỉ là một màu đen với đầy đủ tứ chi mà thôi. Mặt mũi ở đâu mà bắt người ta nhìn thấy được ậng nước chực trào rơi.

Cô tự hỏi rằng liệu bệnh tật làm phai mờ nội lực trong bố hay cái uất ức bên trong những con người kia làm trỗi dậy sức mạnh để biến khuôn hình thành cái bóng.

(Còn tiếp)

Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan