[VĐTT] Nỗi buồn và niềm vui của người trưởng thành

Tôi cảm thấy sợ hãi nỗi buồn của những người trưởng thành, bởi vì nó chồng chất và mênh mang bao nhiêu. Nhưng tôi cũng ghen tị với niềm vui của họ, niềm vui thuần khiết và sâu lắng bởi đã trải qua thăng trầm và nhận ra điều gì là ý nghĩa nhất với bản thân.

Nỗi buồn và niềm vui của người trưởng thành


Nỗi buồn

Lúc tôi còn là một cô bé ngây thơ, tôi nghĩ rằng người lớn thì không buồn. Họ không đau khổ như tôi khi nhận được điểm kém, bị thầy cô khiển trách hay bị bố mẹ mắng mỏ. Như bố mẹ tôi họ chưa từng tỏ ra buồn bã một lần nào. Tôi chỉ thấy họ tất bật hối hả hoặc là tức giận tam bành.

Rồi thời gian trôi qua, tôi trở thành một cô gái sống tự lập trên Hà thành. Đối với tôi, học đại học là một thứ gì đó rất vui vẻ và đáng kì vọng. Tôi không ngờ cả một bầu trời mở ra cho mình khi đến với Hà Nội lung linh trong mơ ấy. Tôi sống tự lập, nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng nhưng lại là cả một thế giới hoàn toàn khác với tôi.

Tôi sinh trưởng trong gia đình không mấy khá giả nhưng tôi được nuôi dưỡng và nuông chiều như một cô công chúa thực sự. Bố mẹ tôi yêu thương tôi hết mực, họ không cho có gì quan trọng hơn việc giáo dục tôi. Tôi sống như một cô công chúa trong mười tám năm trời, được vòng tay bao bọc của bố mẹ, không phải lo nghĩ bất cứ việc gì. Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn bởi lòng yêu thương vô bờ bến của hai người.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà ra Hà Nội, tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng vô cùng tận. Không giỏi trong việc kết thân, tôi làm gì cũng chỉ có lủi thủi một mình. Chẳng ai bên cạnh chỉ lối từng li từng tí một nữa, cái gì cũng tự mình làm cũng chẳng buồn mở miệng nhờ vả ai. Đến lúc ốm nằm bẹp dí trên giường tưởng chừng như không thể làm gì nữa nhưng rồi cũng tự dựng bản thân dậy để đi mua thuốc.

Rồi tôi nhận ra nỗi buồn của người trưởng thành là nỗi buồn chất chứa. Nó chẳng thể bùng nổ như khi lúc còn thơ ngây bị bố mẹ mắng có thể bù lu bù loa ra khóc, khóc xong rồi thì cũng quên béng đi mất. Còn người trưởng thành họ ôm tất cả những buồn bã, tủi nhục và thương thân vào sâu kín trong lòng mình. Giống như ôm một cây xương rồng đầy gai đâm vào da tước cả máu nhưng họ tự an ủi mình rằng, bởi vì mình đã lớn nên không thể hành xử trẻ con được, bởi vì mình đã trưởng thành nên không được phép buồn. Và cứ thế những nỗi buồn cứ thế chất chứa lớn dần lên khiến họ, những con người trưởng thành đó, quỵ ngã bất cứ lúc nào.

Càng lớn lên tôi càng không thích kể lể chuyện của mình nữa. Không giống như hồi còn bé, từ chuyện có con bọ rùa bay vào lớp đến chuyện bạn cùng bàn xấu tính không cho mượn bút đều bô ba ra kể, tôi bây giờ im lặng đến bản thân cũng phải giật mình. Tôi luôn cảm thấy những chuyện của mình thật nhỏ nhặt, không đáng kể. Chỉ là thất tình thôi mà, chỉ là cảm thấy cô đơn thôi mà, ai chẳng trải qua những cảm xúc đó, câu chuyện của mình không đáng được đồng cảm. Nó chẳng đủ bi thương để người ta khóc hộ. Người ta còn bận bịu bao nhiêu chuyện, sao tôi có thể làm họ bận lòng với những câu chuyện chẳng đâu vào đâu của mình. Tôi cũng chẳng muốn thành kẻ kể lể, chỉ biết chăm chăm vào bản thân, thành kẻ tiêu cực gieo rắc nỗi buồn u ám cho những ai gặp mình.

Và đặc biệt, đối với những người tôi yêu thương, tôi càng tuyệt đối không hé nửa lời. Trả lời cho những cuộc gọi bố mẹ, tôi luôn trưng ra bộ mặt tươi tắn nhất có thể và liên tục lặp lại câu “Con khỏe lắm ạ. Học hành, làm việc bình thường. Bố mẹ không phải lo gì nhé.” Họ đã dành cả cuộc đời để lo lắng cho từng chút một cho tôi, lẽ nào bây giờ tôi lại nhẫn tâm khiến họ lo lắng thêm. Họ là những người mà tôi biết rất để tâm đến vấn đề của tôi, lo lắng cho vấn đề đó còn hơn cả chính tôi nữa, và vì vậy tôi càng không được để cho họ biết.

Rồi tôi nhận ra bố mẹ không bao giờ khóc không phải vì họ không bao giờ buồn, mà bởi vì họ chẳng thể khóc. Những người trưởng thành chẳng thể khóc. Tôi giữa Hà Nội rộng lớn nhộn nhịp không biết bao nhiêu lần đã muốn bật khóc cho đã đời nhưng chẳng thể khóc nổi. Có nhiều vấn đề lắm, đâu phải muốn làm gì cũng được. Tôi ở cùng phòng với bạn, nếu tự dưng bật khóc chắc chắn sẽ bị hỏi han, mà tôi chẳng muốn làm phiền họ cũng chẳng muốn giải thích. Vì bỗng dưng muốn khóc, vậy thôi. Hơn nữa, tôi chẳng còn thời gian để khóc, thời khóa biểu kín mít những lịch học, hoạt động ngoại khóa rồi làm thêm. Đêm nay muốn khóc thật đã đời trong chăn, nhưng chợt nhớ ra ngày mai mình phải đi học sớm, bưng khuôn mặt sưng phù đến lớp thì có xem được không. Chẳng giống như những ngày thơ bé, tha hồ khóc thỏa thích bởi vì luôn biết rằng sẽ có người đến dỗ dành.

Có lẽ vì thường xuyên nén những cảm xúc của mình xuống như thế, đến khi có cơ hội để khóc tôi lại chẳng thể rơi nước mắt. Rõ ràng có bao nhiêu chuyện tức tưởi trong lồng ngực, rõ ràng là bản thân khó chịu đến mức khó thể, ấy vậy mà chẳng thể òa ra khóc một cách thật thoải mái. Nhìn khuôn mặt vô cảm của bản thân trong gương, chỉ biết cười chế nhạo bản thân. Nhìn xem, trông mày mới thật thảm hại làm sao. Bây giờ không ai có thể biết mày buồn hay vui nữa.



Rồi tôi tự hỏi phải chăng bố mẹ đã sống như thế chừng ấy năm?

Niềm vui

Bố tôi có thói quen giấu những gói kẹo đi đâu đó, xong rồi sẽ chỉ phát cho ba chị em tôi mỗi đứa một cái tránh sâu răng. Cho nên từng cái kẹo, ba chị em tôi đều rất trân trọng, khi nhận xong sẽ cười giòn chạy tung tăng khắp sân nhà. Bố tôi chỉ ngồi trên chiếc ghế gỗ nhìn theo ba chị em tôi, ánh mắt của bố lúc ấy trông còn vui vẻ hơn cả chị em tôi nữa. Lúc đó tôi đã chắc chắn rằng bố đã giấu cả kho tàng bánh kẹo cho riêng mình.

Tôi từng cùng mẹ đến dự lễ trao giải cho chị gái tôi. Tôi chẳng nhớ chị gái tôi được giải thưởng gì nữa, nhưng vô cùng trang trọng, được đích thân hiệu trưởng trao bằng khen. Tôi đứng dưới ngước nhìn chị cười rất tươi trước ống kính chụp ảnh. Nói thật là tôi ghen tị lắm, trông chị cứ như là người hạnh phúc nhất thế gian vậy. Bao nhiêu nỗ lực cuối cùng cũng đã được đền đáp. Rồi tôi nhìn sang mẹ, và tôi không bao giờ quên được khuôn mặt mẹ lúc đấy. Mẹ không cười nhưng miệng bất giác vẽ nên một nụ cười cong cong, cả khuôn mặt sáng bừng lên và đôi mắt của mẹ thì luôn dõi theo chị tôi trên bục kia long lanh. Lúc đó, tôi đã tự hỏi, ai mới là người hạnh phúc hơn nhỉ? Chị hay mẹ tôi?

Lớn dần lên, tôi nhận ra niềm vui không phải là được ăn thỏa thích những gì mình muốn, cũng chẳng phải đạt được thành tựu gì trong cuộc sống mà chính là từ những điều nhỏ nhặt nhất. Niềm vui của tôi chính là nhìn ra giữa những thời khóa biểu kín mít có những ngày nghỉ liên tiếp nhau, tôi sẽ lập tức gói ghém đồ đạc và lên xe về nhà. Mặc cho bị trừ lương, mặc cho bị trừ điểm chuyên cần, mặc cho say xe lên xuống, tôi cũng muốn được về nhà với bố mẹ. Được trở lại làm công chúa trong ngôi nhà nhỏ bé ấy, dù chỉ là vài ngày, dù cho giống như đang trốn tránh thực tại.

Lớn dần lên, tôi nhận ra niềm vui sẽ nhân lên gấp bội nếu trong đó có cả những thử thách và đau khổ. Và rồi, tôi biết bố mẹ tôi có thể có những khoảnh khắc vui vẻ đến như thế, là vì họ đã trải qua đủ những nhọc nhằn để nuôi dưỡng chúng tôi. Niềm vui không cần phải thể hiện ra ngoài, nhưng trong lòng lại dường như có một chất lỏng ngọt ngào chảy trong mình. Không nhất thiết phải cười tươi rói, cũng chẳng cần phải khoe khoang chi, niềm vui sâu lắng đó chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu, và nhận ra tất cả những khổ sở, đớn đau đều xứng đáng.

Lớn dần lên, tôi nhận ra niềm vui không phải chỉ về việc bản thân cảm thấy thoải mái mà còn là thấy người khác vui vẻ. Khi tôi hướng dẫn mẹ dùng những chức năng trên điện thoại thông minh và mẹ vô cùng vui mừng khi khám phá ra cả một thế giới trong chiếc điện thoại bé ti. Tôi cảm thấy niềm vui ấy chẳng thứ gì sánh bằng, cảm thấy mình đã làm một việc ý nghĩa nhất từng làm. Những ngày dài của mẹ sẽ không còn buồn chán nữa, mẹ đã có những thú vui riêng mà trước đây tôi chỉ giữ khư khư cho mình. Trước đây, tôi không nghĩ mẹ sẽ thích những thứ như mạng xã hội, nhưng chỉ là mẹ không biết chứ không phải không thích. Hay khi tôi nhận được tin báo đậu đại học nguyện vọng một, đối với tôi cũng không mấy ngạc nhiên, bởi vì trường tôi đăng kí tỉ lệ chọi cũng không đến nỗi quá gay gắt. Nhưng nhìn bố lẩm nhẩm cố học thuộc hết số điểm từng môn của tôi, rồi mẹ lặng lẽ gọi các cậu dì báo tin tôi đỗ với giọng điệu tự hào. Lúc đó tôi mới thấy một niềm vui nhỏ bé nhưng vô cùng ngọt ngào trong mình. Có đôi khi, chính tôi cũng không đề cao những thành quả của mình, nhưng bố mẹ cứ thế trân trọng từng nỗ lực của tôi.



Nhiều khi tôi chỉ muốn hỏi bố mẹ rằng, tại sao hai người lại có thể yêu thương con hay như thế nhỉ? Con chẳng là gì cả, chẳng đặc biệt thành đạt đem lại cho hai người tự hào, chỉ là một đứa con gái rất bình thường. Còn chẳng chắc là sau này có thể phụng dưỡng hai người, sao hai người cứ thế mà hi sinh tất cả? Chính con cũng chán ghét bản thân mình, sao hai người cứ yêu con vô điều kiện đến thế? Và cứ thế, nước mắt tôi rơi khi về nhà, ngay cạnh bố mẹ, nhận được tình yêu thương vô bờ của hai con người vĩ đại ấy. Khi gặp bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu tủi nhục uất ức ôm lấy cả vào người mà không hề rơi một giọt nước mắt nào. Ấy vậy mà khi nghe giọng điệu chất phác của bố mẹ dặn dò rằng, đừng cố gắng quá, chỉ cần khỏe mạnh là được thôi là nước mắt bất giác rơi xuống không ngừng.

Rồi tôi hiểu ra, người trưởng thành không khóc vì có người đối xử tệ với họ. Họ òa khóc khi có người chân thành yêu thương họ. Có lẽ đã quá quen với những nhọc nhằn, áp lực từ thế giới này, họ không nghĩ mình xứng đáng được yêu thương. Và rồi khi nhận ra vẫn có những người đứng đó, cổ vũ họ bất cứ họ làm gì, đi đến đâu, thì họ lại òa khóc như những đứa trẻ.

Tôi cảm thấy sợ hãi nỗi buồn của những người trưởng thành, bởi vì nó chồng chất và mênh mang bao nhiêu. Nhưng tôi cũng ghen tị với niềm vui của họ, niềm vui thuần khiết và sâu lắng bởi đã trải qua thăng trầm và nhận ra điều gì là ý nghĩa nhất với bản thân. 


---

Tác giả: Hoàng Phương

Theo dõi tác giả tại: https://kenanchu.wordpress.com/

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan