[VĐTT] Từ FOMO đến JOMO

Mọi người đã không còn quá xa lạ với FOMO nữa. FOMO (Fear Of Missing Out) có nghĩa là sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ. Cảm giác này ám ảnh người mắc phải rằng những người xung quanh sẽ đạt …

Mọi người đã không còn quá xa lạ với FOMO nữa. FOMO (Fear Of Missing Out) có nghĩa là sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ. Cảm giác này ám ảnh người mắc phải rằng những người xung quanh sẽ đạt được thứ gì đó mà mình không được. Từ đó, thôi thúc họ hành động gì đó tại thời điểm thiếu lý trí, dẫn đến quyết định sai lầm, gây ít nhiều hậu quả. Hội chứng FOMO hiện hữu trong mỗi con người chúng ta và có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân gây ra FOMO

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân cốtlõi gây ra FOMO là do sự hài lòng với cuộc sống ở mức thấp, tâm trạng không tốtcộng thêm những nhu cầu của bạn không được đáp ứng. Tuy nhiên, còn một vàinguyên nhân khác.

Mạng xã hội. Sự ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực của mạng xã hội có lẽ đã quá rõ ràng. Mạng xã hội giúp ta biết được những việc mà người khác đang làm, và đó chính là nguyên nhân để FOMO nhen nhóm. FOMO càng lớn dần khi mọi người có xu hướng chia sẻ những mặt bóng bẩy, lung linh và những trải nghiệm thú vị của cuộc sống. Chúng ta lướt những trang newfeed không ngừng nghỉ để cập nhật tin tức, không muốn bỏ lỡ những hình ảnh hài hước, nắm bắt xu hướng, quay clip tiktok, bình luận, thậm chí là tranh cãi nảy lửa với những người lạ nào đó. Công bằng mà nói, các trang mạng xã hội quá đỗi hấp dẫn. Những nút “like” có tác dụng to lớn khiến bộ não tiết ra dopamine và khiến chúng ta bị nghiện việc phải biết, phải like, phải chú ý và phải trở nên bận rộn. Không chỉ vậy, FOMO còn tạo ra các áp lực trong đời sống và các mối quan hệ. Chúng ta cảm thấy mình bắt buộc phải tham gia đầy đủ các sự kiện liên quan đến công việc, gia đình, bạn bè. Ta luôn tự hỏi bạn bè sẽ làm gì trong buổi gặp mặt, họ có nhắc đến mình không, khi nghỉ ngơi ta luôn lo lắng liệu công việc có vấn đề gì không, kiểm tra tin nhắn và email liên tục, nếu ta không tham gia buổi gặp mặt gia đình, cô dì chú bác có hỏi thăm không, mình không đi mọi người có bực không… Hàng nghìn các câu hỏi hiện lên khiến ta chẳng thể kiếm soát.

Sự cô đơn. Theo như nhà toán học Pascal, “Tất cả những vấn đề của con người đến từ việc họ không thể chịu được việc ngồi yên lặng một mình trong một căn phòng”. Ta sợ phải tồn tại trong sự tĩnh lặng, ta muốn chối bỏ sự buồn chán và cố tìm những sự đánh lạc hướng vô định, muốn trốn chạy khỏi những cảm xúc của bản thân. Chúng ta sợ việc phải ngồi lại suy ngẫm về bản thân, sợ việc đối diện với chính mình, sợ sự nhàm chán. Thêm vào đó, chúng ta hay nhầm lẫn cô đơn và cô độc. Cô độc có thể có lợi, mặt khác, cô đơn lại gây ra một vài tác động tiêu cực, chẳng hạn như bệnh trầm cảm. Việc nhìn thấy mối liên kết giữa FOMO với sư cô đơn cũng không quá khó. Bạn không muốn cô đơn thì cảm giác cô đơn sẽ càng mạnh mẽ. Cảm giác người khác thì đang vui vẻ hưởng thụ còn bạn phải chịu sự dày vò càng làm tăng thêm cảm giác khó chịu.

Các chứng rối loạn, lo âu (Anxiety). Sư rối loạn trong tâm trí, cùng với đó là các hành vi đi kèm, cũng là một nguyên nhân dẫn đến FOMO. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một vòng luẩn quẩn của các chứng rối loạn – sử dụng phương tiện truyền thông xã hội – FOMO – rối loạn nặng hơn, khiến con người không thể thoát ra được.

Chính vì sự phổ biến của FOMO, có một cụm từ khác đã xuất hiện mang nghĩa đối lập, nhằm giảm thiểu các tác động do FOMO gây nên và khuyến khích mọi người tập trung nhiều hơn vào bản thân. Đó là JOMO (Joy Of Missing Out).

JOMO là cảm giác hài lòng, thoải mái với việc bỏ lỡ điều gì đó, thay vào đó bạn chú trọng vào bản thân mình. Có thể coi JOMO giống như một liều thuốc giải độc về mặt cảm xúc cho FOMO. JOMO mang một hàm ý đơn giản là bạn không cần phải so sánh cuộc sống của mình với người khác, thay vào đó hãy lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, đầu tư cho bản thân, làm những việc khiến bản thân thoải mái. Vì suy cho cùng, bạn là người duy nhất có thể làm chủ cuộc sống của mình, không ai có thể sống hộ bạn cả, và những điều long lanh người khác thể hiện ra cũng chỉ là bề nổi, bạn không thể biết đươc chính xác cuộc sống của họ là như thế nào.

Nếu so sánh thú vị một chút thì JOMO chính là phiênbản “cool ngầu” hơn của FOMO.

Làm thế nào để tận dụng JOMO một cách tối đa?

Tận hưởng khoảng thời gian chết. Sẽ có rất nhiều lúc chúng ta cần nghỉ ngơi. Công việc dồn đống khiến ta ngộp thở, các mối quan hệ trở nên căng thẳng, ngay cả việc luôn phải tỏ ra tích cực cũng khiến chúng ta khổ sở. Cơ thể và bộ não của chúng ta cũng cần nghỉ ngơi và nạp năng lượng để tránh bị kiệt quệ và sụp đổ hoàn toàn. Đôi lúc chúng ta cho rằng việc thêm các hoạt động khác vào lịch trình vốn dĩ đã vô cùng bận rộn của mình chính là môt biểu hiện của “nghỉ ngơi” như tập thể dục đến mệt lả, dùng đồ có cồn, gặp gỡ bạn bè… nhưng chúng chỉ khiến ta thêm mệt mỏi mà thôi. Đơn giản là chúng ta không nên làm gì cả. Hãy ngồi một mình trong một căn phòng, không điện thoại, không ti vi, ngắm nhìn cây cỏ và suy nghĩ, có thể nó không đáng sợ như chúng ta vẩn tưởng.

Ngắt kết nối. Mạng xã hội và sự phát triển của Internet chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra FOMO. Vì vậy, hãy tắt wifi, tắt điện thoại, ngừng sử dụng mạng xã hội khi nhận ra nó đang gây ảnh hưởng không tốt đến bạn. Bạn càng dùng mạng xã hội nhiều thì sẽ càng thấy những thứ lung linh trong cuộc sống của người khác, càng thấy nhiều thì càng sinh ra tâm lý so sánh, so sánh rồi sẽ thấy mình kém cỏi. Nếu không thể đối phó với những điều tiêu cực khi nó xảy đến, vậy thì hãy tránh xa nó ngay từ ban đầu. Thay vào đó, hãy đầu tư cho bản thân, đọc sách rèn luyện trí não, trở về với thiên nhiên, tham gia những khóa học… hãy tự biến bản thân thành một con người thú vị.

Tái kết nối. JOMO không có nghĩa là ta phải từ chối mọi cơ hội xuất hiện ở đâu đó. Ta vẫn tham gia các bữa tiệc nếu thích, nhưng biết chọn lọc và biết điểm dừng. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng khi nào thì nên nói có, khi nào thì nên nói không, khi nào ta nên tập trung vào công việc, khi nào cần thật sự nghỉ ngơi, khi nào ta muốn quay quần bên mọi người, khi nào ta muốn ở một mình, khi nào ta muốn cập nhật tin tức của bạn bè, khi nào ta cần phải đóng điện thoại lại để không bị nó ảnh hưởng.

Để chuyển từ FOMO sang JOMO chắc chắn không hề đơn giản, giống như thể ta đang từ chối một cuộc vui để đến với một nơi có phần nhàm chán hơn, đó chính là thế giới tinh thần. Nhưng thay vì để FOMO lấn át và làm chủ, hãy cố gắng tìm đến JOMO để hình thành những mối liên kết thật, những niềm vui thật, và tìm thấy cái tôi chân thật của mình.

Minh Nguyệt.

—————–

Nguồn tham khảo bài viết:

https://www.psychologytoday.com/us/blog/happiness-is-state-mind/201807/jomo-the-joy-missing-out

https://medium.com/@daniel_riley/the-joy-of-missing-out-forget-fomo-its-time-for-jomo-c33a18aaf50b

Tác Giả: Minh Nguyệt
Tham gia cộng đồng Viết để trưởng thành tại:  https://www.facebook.com/groups/2600614563539615/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan