[VĐTT] Xin phép được chối từ thấu cảm

Kể về câu chuyện của gã đàn ông học được bản chất thực sự của thấu cảm.

Chương 2: Thấu cảm và quyền làm người.



Xuất thân là chàng trai tỉnh lẻ, đặt chân đến thành phố lớn là cả một sự liều lĩnh. Ngày ra đi, chẳng một ai ủng hộ. Bố thì hậm hực rít điếu thuốc con ngựa năm ngàn ba điếu. Mẹ thì nước mắt ngắn nước mắt dài nơi góc bếp xập xệ qua bao mùa mưa lũ. Câu hỏi đắng lòng nơi đầu môi đấng sinh thành vẫn không hồi đáp. “Tại sao lại rời bỏ quê hương, rời bỏ bố mẹ già cỗi?”

Nếu được chọn nơi để sinh ra, gã vẫn chẳng ngần ngại mà đưa tay chỉ về làng quê yên bình đó. Tuổi thơ, với những chiều vừa chăn trâu vừa thả diều hay những sáng dí nhau trên con đường đất đến trường, luôn là ký ức trân quý. Chỉ là, cái nghèo vẫn bám riết lấy gã trong từng giấc mơ. Khoai lang trộn cơm, một bữa thì ngon, chứ kéo dài ngày này qua tháng nọ thì lại là ám ảnh kinh hoàng.

Dứt áo ra đi, người thanh niên tuổi đôi mươi những mong một tương lai sáng lạn. “Sớm ngày trở về mảnh đất thân thương, cất lại ngôi nhà cấp bốn chẳng còn chịu bao cơn giông nữa. Đổi cho ông già chiếc xe mà ổng vẫn ngày ngày ngắm nhìn nơi tiệm xe đầu làng. Dắt bà già ra chợ huyện, mua mới trăm bộ bà ba để mà vứt đi mớ vải cũ mèm đến nỗi bục chỉ ở nhà.” Khát vọng của gã mà đám bạn thuộc làu từng con chữ, ngay cả giọng điệu ngà ngà say cũng bắt chước y hệt.



Bởi vậy mà mấy năm đầu lên đây, gã chưa ngừng nghỉ một giây để tận hưởng tuổi trẻ. Hết học rồi đến chỗ làm thêm, tiền bạc dành dụm được cũng cố tiết kiệm một phần. Phần còn lại thì gửi về cho bố mẹ để nồi cơm thêm chút gạo trắng thay cho khoai.

Sức nặng của lo toan đời thường thấm đẫm trong từng tế bào gã. Từng vòng xe lăn dài trên mọi ngóc ngách cũng là từng muộn phiền trai trẻ được ký gửi. Bởi về đến nhà trong trạng thái lử người, lưng chạm chiếu là lúc hai hàng mi chạm nhau. Chút thời gian lướt đôi dòng Facebook còn chẳng có, thì khoảng trống nào cho tâm tư tình cảm.



Thành phố lớn luôn khoác trên mình vẻ hào nhoáng của đèn đường lộng lẫy, con phố xa hoa và thanh âm sang trọng. Thế nhưng, ẩn sâu bên dưới là tiếng kêu ai oán của phận đời bần hèn. Ngõ ngách chật hẹp chen chúc, loằn ngoằn. Và màn đêm miên man che lấp lối về. Vì cái nghèo cái đói vẫn bám đuôi thế gian này, đâu đã buông tha giây nào.

Người vợ trong gia đình nghèo của Parasite đã nói thế này: “Không phải họ giàu mà vẫn tốt; mà là họ tốt bởi vì họ giàu. Nếu như tôi mà có nhiều tiền thế này, tôi cũng sẽ tốt bụng.” Câu thoại đó vẫn in hằn trong ký ức gã. “Phải chăng đó là mặt trái của xã hội này?” Gã đau đáu nỗi băn khoăn.

Sở thích nhấm nháp sinh tố ở mấy quán vỉa hè từ thời sinh viên đến giờ thật khó bỏ. Hồi đó là vì mua tô hủ tiếu ăn đêm tận 15.000, trong khi đó thì ly nước ép dưa hấu cô chủ trọ thương tình bán có 10.000. Ngẫm đi ngẫm lại thì trái cây cũng bổ sung đủ thứ vitamin, nên tối nào cũng ôm bụng đầy nước đi ngủ. Cứ vậy mà nó trở thành thói quen không thể thiếu.

Bao mảnh đời đói khổ trên đường phố sẽ nhân lúc ta thờ ơ nhất mà len lỏi vào trí óc. Đứa trẻ hô hào gây sự chú ý, rồi thổi lên những đốm lửa thắp sáng cả một khoảng trời. Ông cụ già chín mươi với một bên chân gãy bán từng tờ vé số 10.000 đồng. Cụ bà vóc người nhỏ bé, cong lưng gánh thúng bánh tráng rêu rao khắp chốn. Hay bà mẹ cõng đứa con hãy còn trong tháng đi khắp ngỏ xin chút tiền.

Kẻ giàu có đi ngang sẽ rũ lòng thương mà cứu trợ đồng này, tờ nọ. Dăm ba hộp cơm từ thiện đã đáng gì với chiếc túi Squash Tote mà chị em trưng diện. Dăm ba gói mì chính đã đáng gì với con xe Roll Royce Phantom mà các anh dạo trên phố. Dăm ba chai nước mắm đã đáng gì với căn biệt thự mà ông bà lui tới nghỉ dưỡng cuối tuần. Bởi cái hầu bao của người nhiều tiền nó đâu eo hẹp đến độ chỉ cần gọi một bát cơm thêm cũng đã phải đắn đo cả đoạn đường. Để rồi đám đông đặt ra quy chuẩn “làm người” với nguyên tắc tiên đầu là thấu cảm.

“Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn.” Bài học thuở lớp một mà đứa trẻ con nào cũng phải bập bẹ. Thế mà, một hôm nọ, cái thằng mặt mũi lúc nào cũng lấm lem bùn đất, khiến cô giáo lặng im. “Làm sao đùm bọc ai được khi mà nhà thì dột, cơm dẫu có cháy khét thì vẫn là bỗng lộc?”, nó hỏi cô. Bản năng của nhà giáo buộc phải giảng giải cho con trò về việc san sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng phút chốc, người phụ nữ trên bảng rơi vào suy tư. Mãi sau này, gã mới hiểu tâm tư vương vấn của người cô giáo năm đó. Bởi mặc cho luân thường đạo lý ,thì lý trí hiểu rằng năng lực nào cho phép ôm đồm thêm mảnh đời khi nền nhà nhếch nhác mỗi mùa bão về.

Có lần chén chú chén anh với đồng nghiệp, gã phải đối diện với những ánh mắt khinh khỉnh lúc có đứa nhóc nhem nhuốc hay bà già nài nỉ mua cây kẹo. Dần dần tin đồn về “thằng thanh niên trông sáng láng mà keo kiệt, ích kỷ” lan khắp nơi. Mấy cô trẻ đi ngang thì liếc ngang liếc dọc mỗi lần chạm mặt. Mấy bà chị thì đá đểu mỗi trưa vô tình chia bữa cùng. Cứ thế mà trước cổ gã, ngoài thẻ nhân viên, còn có thêm tấm biển lủng lẳng.



Gã thầm nghĩ: “Vậy cũng tốt. Đỡ phải chi tiền cho mấy buổi nhậu nhẹt vớ vẩn.” 

Nhưng đêm nào, cánh tay cũng vắt ngang trán. Gã tự hỏi: “Liệu có điều gì sai với mình không khi bản thân chẳng thể thấu cảm với phận đời ngoài kia?” Đôi lúc, thầm ước dao động cảm nhận của mình như con đường bê tông ngoài quốc lộ. Chỉ cần thế, gã sẽ thôi dằn vặt. Bởi ít nhất, nếu đạt được tốc độ nhất định, ta sẽ cảm nhận được độ gập ghềnh của nó.

Ban đầu, khi rơi vào trạng thái đó, ta sẽ thấy mình như vị vua oai phong. Bao hỉ nộ ái ố chẳng còn đủ sức để làm phiền mỗi quyết định của ta nữa. Tất cả chỉ còn là câu chuyện lý trí, thiệt hơn mà thôi. Có lúc, ta còn cười thầm những kẻ cứ mãi chạy theo tiếng gọi con tim. Để rồi cứ phải trầy trật, đau khổ suốt một đoạn đường đời.

Mãi cho đến một ngày, ta như kẻ nghiện ngập, thèm khát vị mặn của nước mắt. Câu hỏi về ngày hôm nay luôn khiến ta chững lại. Cố gắng nhớ lại những gì đã được trưng bày trước mắt bỗng quá đỗi khó khăn. Cứ như thể trước mặt là một màn đen che phủ thế giới ngập tràn ánh sáng bên kia. Mọi thứ trở nên nhập nhòe, đan xen vào nhau một cách rối bời. Càng cố nhớ, ta càng thấy mình như đứa trẻ lạc đường về nhà. Đến lúc tỉnh mộng, người hỏi đã chẳng còn ở đó.



Gã thấy mình lang thang vô định trên con đường vắng bóng. Bên tai văng vẳng tiếng mưa nhẹ nhàng đan xen là giai điệu của In the rain. Cứ xoay cổ tay, bánh xe lăn đều lăn đều về phía bóng tối. Cảnh vật chảy qua mắt gã, lúc nhanh lúc chậm. Nhưng tuyệt nhiên chẳng gì đọng lại. Đâu đó trong trí óc sâu thẳm lóe lên cái ý nghĩ: “Liệu một va chạm thật lớn có phải là nút reset cho tâm hồn?”

Lạc lõng bởi dao động cảm nhận bằng không tạo nên vết thương nơi trái tim. Thế nhưng, sự ghẻ lạnh của xã hội mới là con dao ,xuyên vết thương, cắm sâu vào nội tâm ngổn ngang. 

Phải chăng đánh mất khả năng thấu cảm là đánh mất quyền “làm người”?

(Còn tiếp)


Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT


BẢN THẢO
Bài viết liên quan