[Viết sáng tạo] Chúng Ta Đang Tiến Hóa Để Cô Đơn

" Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi Có con người sống mà như qua đời. "


Nhiều người trong ta đang sống ở thành phố, không phải lòng của thị trấn hoang. Cuộc sống phát triển, dân số gia tăng, đồng nghĩa với việc con người có thể gia tăng khả năng tiếp xúc và trò chuyện nhau. Bùng nổ dân số khiến thế giới lâm vào cảnh đất chật người đông, nhưng cả thảy điều đó không khiến chúng ta bớt cô đơn.


Một cách thần kì như Anton Pavlovich Chekhov từng tái hiện ở Người trong bao, hàng ngàn hàng triệu cá thể đang nấp mình trong vỏ bọc của thế giới riêng. Người ta đã quen với cái vỏ bọc ấy và lười thay đi một lớp áo mới hơn.


Tôi đặc biệt ấn tượng với những con chữ của Nguyễn Trọng Tạo trong bài thơ Đồng dao cho người lớn:


" Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

Có con người sống mà như qua đời. "


Không sinh khí, con người sống lay lắt lập lòe cho qua ngày qua tháng. Sống lâu trông đêm đen mịt mù, nỗi cô đơn đã bám vào xác thịt, ký sinh trên linh hồn người ta, khiến vật chủ dần dà mất đi sức sống, mất đi niềm tin hy vọng. Những hơi thở còn sót lại sau cùng trong huyết quản cũng bị không gian hiu quạnh chiếm lấy. Và dường như trong đôi mắt của bao kẻ lạ, thế giới chỉ còn tồn tại hai mảng sáng tối đan xen, không có chút sắc màu rực rỡ. Đêm ngày trôi qua, họ cũng trở nên mất đi định nghĩa về thời gian, sống và làm việc điên cuồng, mở mắt ra ngoài nhìn thì " chả biết là sương hay là nắng ".


Trước khi qua đời ở tuổi 39, nhà toán học, vật lý học Blaise Passcal từng nhận định: " Loài người chưa bao giờ học cách ở một mình ". Và để chống lại nỗi cô lẻ, người ta tạo ra Internet và mạng xã hội. Nó được xây dựng dưới nền tảng là giúp kết nối tất cả mọi người với nhau. Nỗi nhớ đong đầy sẽ được vơi đi khi chỉ bằng một công cụ nhỏ ta có thể kết nối với một người cách ta nửa vòng Trái Đất. Bên cạnh đó Internet còn góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy, kĩ năng sống của mọi người. Chúng đã trở thành trung tâm của tin tức, nơi mọi sự kiện được cập nhật liên tục. Theo Internet Live Stats, cứ mỗi giây có đến 400.000 lệnh tìm kiếm được gửi đến Google và con số này tăng lên đến hàng tỷ trong một ngày. Một kháng thể đã được tạo ra nhằm chống lại nỗi cô đơn chôn sâu trong tâm trí.


Nhưng có người nói, " Mọi vật đều tương đối một cách tuyệt đối ". Liệu rằng bằng việc đắm chìm trong thế giới ảo, con người ta có thực sự vui vẻ như họ hằng mong ước, hay đang đánh mất chính bản thể của mình ? Theo thống kê cho thấy, những người trẻ tuổi là những thành phần có tỷ lệ phụ thuộc vào điện thoại cao nhất. Trong tâm lý học, người ta hay nhắc đến thuật ngữ nomophobia. Đó là một hội chứng lo sợ khi không có điện thoại. Theo như nghiên cứu một ngày chúng ta kiểm tra điện thoại trung bình 35 lần và gấp 3 gấp 4 lần đối với người trẻ tuổi. Thật dễ dàng bắt gặp những quán cafe, trà sữa, nhà hàng nơi người ta đến chỉ để xin pass wifi chứ không để tán gẫu. Chúng ta hẹn hò nhau là đến một thơi sang trọng check in rồi ngồi bấm điện thoại, sau cùng là ra về một cách cô độc. Bạn có nhận thấy rằng dường như càng ngày chúng ta càng ít có chuyện để nói với nhau hơn không. Ta mặc định mọi thứ cần nói ta đều có thể nhắn tin qua Facebook, Instagram,.... Một số người lại mắc chứng sợ phải nghe điện thoại từ người lạ, hoặc thậm chí là người quen. Họ mong mỏi mọi điều cần thiết đều được trao đổi thông qua một cái màn hình điện thoại, vi tính. Tôi bắt gặp nhiều cặp đôi quen nhau qua mạng xã hội, một lời tỏ tình như có như không hờ hững qua màn hình tin nhắn, và khi kết thúc cũng không được nói trực tiếp thành lời. Thêm vào đó, trong những đêm dài khi cơn mưa xối vào từng giấc ngủ, ta lượn lờ chờ một lời tâm sự từ những chấm xanh trên Facebook nhưng chẳng nhận được gì. Ta lê la lướt hết trang này đến trang khác, nhưng điều này chỉ càng làm ta thêm cô đơn. Vậy thì chúng ta đang tồn tại vì điều gì, khi sự chân thành còn không được bộc bạch trực tiếp?



Song song đó, đối với những thế hệ là mầm non tương lai của đất nước, sự ảnh hưởng của Internet đã gây nên một cơn nghiện khó cai. Những cô cậu bé với đôi mắt trong veo, ngây ngô đầu đời lại không chạy nhảy đúng như số tuổi được mặc định, lại đắm mình vào thứ mật ngọt chết ruồi. Chúng học ngày học đêm cũng chỉ mong đổi lấy một chiếc điện thoại mới. Trẻ em càng ngày khả năng giao tiếp càng kém đi, chúng chơi điện thoại, máy tính bảng nhiều hơn là trò chuyện cùng bố mẹ và ông bà. Có lẽ ở lứa tuổi còn bé, chúng chả biết cô đơn mà ta nhắc đến là gì. Nhưng trẻ em là tương lai của đất nước, liệu chúng có đủ khả năng vươn mình tránh đi vết xe đổ mà lớp người trước để lại hay không. Điều này chẳng ai dám chắc chắn cả.


Nhưng có lẽ người cô đơn nhất chính là những người đã qua rồi một thời quá vãng. Trong tác phẩm Con hủi, Helena Mniszek đã viết: " Thời gian chẳng hề thay đổi gì cả, lúc nào cũng trẻ trung và tràn đầy sức sống....Chỉ con người sống trên thế giới là héo tàn, biến thành tro bụi, thay vào chỗ của họ là những người trẻ trung để rồi theo thời gian họ hóa thành bụi đất. "Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại cho rằng cõi trần là " cõi tạm ", " để một mai ta hóa thành cát bụi ". Ắt thế, ai cũng mong những ngày cuối đời phải thật hãnh phúc và viên mãn . Tôi không phải một người đã cằn cỗi vì tuổi tác để hiểu hết tâm tư của họ. Nhưng tôi cảm nhận được sự lẻ bóng, cô độc trong ánh nhìn ảm đạm của người già. Có lẽ một phần họ là lớp người của thế kỉ trước, họ phải bước chậm chạp đuổi theo một thế giới giện đại phát triển, thế nên họ càng cô đơn hơn. Nắng gió sương đêm là người ta rúm ró da thịt. Và những vết chân chim trên mí mắt như dấu chân của thời gian hằn lại trên một kiếp người. "Mỗi một nếp nhăn là một nếp đời lam lũ ". Sóng gió đi qua, người ta không cần sự hư vinh oanh oanh liệt liệt như một thời phát vãng, họ không có nhu cầu bắt kịp xu hướng của giới trẻ. Điều họ mong mỏi là còn được nhìn ngắm, được yêu thương, âu yếm con cháu được ngày nào hay ngày đó. Lớp người trẻ thì là ngựa đang tuổi sung mãn,họ vịn vào cái cớ bận rộn để ít về nhà hơn. Con cái cho rằng cuộc gọi video 1 2 phút có thể đã đủ sự mong mỏi từ cha mẹ già. Nhưng tình cảm thì có bao giờ là đủ, nhìn con cái về nhà nhưng cứ cắm mặt vào điện thoại khiến cha mẹ già nào không khỏi đau lòng. Đừng cho rằng người già họ thích nói nhiều. Chỉ là họ thèm được nghe tiếng của con cháu mà thôi. Giữa đất trời hoang vu, không chết vì sương gió bệnh tật, con người ta cũng dễ ngủ vùi vì cô độc.


Tháng ngày có đi qua nữa, con người cũng không phải là sỏi là đá mà vô tri, con người cũng tủi hổ cô đơn khi xế chiều tàn. Cô đơn lan nhanh từ ruột gan đến tim phổi, người sống dẫu không hút thuốc trước sau cũng bị chèn ép mà ho khan. Vì " cuộc đời này là đường một chiều, đã qua rồi không qua trở lại ", tôi mong chúng ta sẽ chấp nhận buông bỏ hư ảo để học cách yêu thương nhau. Hãy sống, đừng tồn tại.


Tác giả: Trương Ngọc Bích

BẢN THẢO
Bài viết liên quan