[Viết sáng tạo] Học cách yêu lấy đứa trẻ bên trong

Từ việc “ăn no ngủ kỹ” ở thời ông bà ta, đến nay đã phát triển thành “ăn ngon mặc đẹp” theo quan điểm của những đứa trẻ Gen Z sinh ra vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ thứ XXI.


“Ngày hôm nay bạn đã trò chuyện với đứa trẻ trong mình hay chưa?”


Xã hội đang ngày càng phát triển kéo theo đó là đời sống con người cũng phát triển theo. Từ việc “ăn no ngủ kỹ” ở thời ông bà ta, đến nay đã phát triển thành “ăn ngon mặc đẹp” theo quan điểm của những đứa trẻ Gen Z sinh ra vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ thứ XXI. Điều đó không nói lên rằng chúng ta ngày nay có điều kiện dư dả hơn thế hệ trước như ta vẫn thường nghe mỗi khi làm sai điều gì đó từ ba mẹ. Chúng ta cũng sống, cũng gặp nhiều khó khăn nhưng ở một hình thức khác mà ở thời trước chưa từng nghe đến, đó là khó khăn về mặt “Tâm lý” hay cụ thể là “Đứa trẻ bên trong”. Chúng ta thiếu kiến thức và hiểu biết về đối tượng này, và có lẽ vì thế mà ta vô tình lãng quên, phớt lờ chúng, tự nhủ rằng “bao lâu nay mình vẫn ổn”. Nhưng sự thật là chúng ta chưa bao giờ ổn cả.


1. “Đứa trẻ bên trong” là ai và đến từ đâu?

Song song với việc phát triển thể chất, đứa trẻ bên trong này vẫn mãi vô hình nằm ngủ ở trong tâm thức mỗi người, từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Bạn có thể hiểu đó là “suy nghĩ”, là “cảm xúc” hay “bản thể” hoặc bất kỳ từ ngữ nào khác nói lên sự khác biệt giữa các cá nhân trong xã hội. Theo Carl Jung – một nhà tâm lý học nổi tiếng, đứa trẻ bên trong hay “inner child” chính là bản ngã của mỗi người, là những gì thuần khiết và sơ khai nhất tồn tại trong một cá thể tính từ khi hệ thần kinh dần hình thành trong bụng mẹ. Chúng ta từ khi còn ở hình hài bào thai, đến lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên trưởng thành có gia đình, đến tận khi chết đi đều có những đặc trưng tâm lý riêng biệt phù hợp từng giai đoạn. Nếu bạn để ý, lũ nhỏ hàng xóm mỗi ngày chỉ toàn phá phách bày đủ thứ trò chơi chỉ để tận hưởng niềm vui của sự “khám phá thế giới”. Khi đã trưởng thành, áp lực cuộc sống không cho phép ta vui đùa nữa. Nó ép ta vào một guồng quay công việc cùng các quy tắc chuẩn mực của xã hội. Chúng ta thật sự không còn là chính mình kể từ giây phút này. Nhưng “đứa trẻ bên trong” thì khác. Nó vẫn ở đó, mãi chẳng lớn, vẫn chỉ thích chơi bời khám phá, tựa như cậu nhóc Peter Pan mãi cũng chẳng thể trưởng thành. Nó thể hiện qua những suy nghĩ bồng bột khi ta “lỡ” làm điều gì đó mà bản thân không ý thức được: lỡ tay, lỡ lời, lỡ làm người khác phật ý… vì những suy nghĩ này chưa qua sự kiểm duyệt của “ý thức”. Nhưng nếu như vậy, phải chăng mỗi người chúng ta đều giống nhau, chỉ là những đứa trẻ ngây thơ khoác lên mình bộ dạng chững chạc của người lớn. Thật ra, về cơ bản chúng ta thuở sơ khai đều giống nhau, nhưng chỉ cần một tác động đến từ bên ngoài hoặc bên trong cũng đều sự tạo nên những nhân cách khác nhau, giống như hiệu ứng cánh bướm vậy. Giáo dục, môi trường sống, sự tự nỗ lực của mỗi người, chưa kể đến cả yếu tố di truyền đều góp phần tạo nên một bản sắc xã hội đa dạng muôn màu muôn vẻ như ngày nay. Có thể nói, chúng ta hoàn toàn giống nhau nhưng đều khác biệt theo cách riêng. Giống vì chúng ta đều là những con người bình đẳng bất kể màu da, tôn giáo hay xuất thân. Khác vì mỗi người là một cá thể riêng biệt chẳng ai giống ai cả. Lan man về đứa trẻ thế là đủ rồi, bây giờ sẽ đến phần chính. Liệu đứa trẻ này ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân? Hay đơn giản hơn, liệu chúng ta có thể thay đổi bản thân bằng cách tác động vào đứa trẻ - nguồn gốc của nhân cách? 


2. Ảnh hưởng của đứa trẻ đến chủ thể

Chúng ta đều biết, “inner child” hay “đứa trẻ bên trong” sẽ quyết định nhân cách của chúng ta sau này vì chúng là cốt lõi của vấn đề, là “hạt nhân” của vũ trụ con người. Nếu đứa trẻ được nuôi dạy tốt, sinh sống trong một môi trường cả về thể lý lẫn tâm lý đầy đủ thì như một mối quan hệ nhân quả, nhân cách của chúng ta sau này cũng sẽ vô cùng vững vàng và tự lập. Và ngược lại cũng vậy, đứa trẻ sinh ra mà đã thiếu thốn về mọi mặt sẽ tạo nên một nhân cách đầy những “hố đen trống rỗng” và chúng chỉ có thể được lấp đầy bởi các hành vi đi ngược lại chuẩn mực xã hội. Hãy suy ngẫm điều này một chút, bạn có bắt gặp kẻ sát nhân nào mà sinh ra trong một gia đình êm ấm hòa thuận? Hay đã từng gặp một kẻ cướp xuất thân từ gia đình gia giáo với điều kiện sinh hoạt đầy đủ. Rất hiếm nếu không muốn nói là gần như không có, phải không nào? Nếu lúc nhỏ, bạn thường xuyên bị bỏ rơi về mặt cảm xúc (bị từ chối âu yếm, bị bỏ mặc khi bạn quấy khóc hoặc không khích lệ vui mừng khi bạn đạt thành tích…) thì lớn lên hành vi của bạn có sẽ có xu hướng trốn tránh hoặc che đậy mọi vấn đề, nhu cầu tình cảm của mình. Nếu lúc nhỏ bạn không được đáp ứng về mặt tâm lý (bị phớt lờ mỗi khi có nhu cầu giao tiếp với lý do ba/mẹ bận lắm hoặc bị đánh chỉ vì khóc đòi ăn…) thì sẽ hình thành nên một con người có lòng tự trọng thấp, không thể kiềm chế sự tức giận và thậm chí có thể nghiện ngập. Còn nếu bạn bị bỏ bê về mặt thể chất (bạn chả bao giờ được quan tâm khi có vết thương trên người cả…) sẽ khiến bạn trở nên vô cảm, luôn có cho mình những hành vi tìm kiếm an toàn cực đại như thích trải nghiệm các trò chơi cảm giác mạnh, thích bạo lực và thậm chí là tìm đến ma túy, chỉ để nhằm mục đích tìm cho mình một cảm giác cụ thể xác định. Chúng ta sinh ra trong xã hội không ai là hoàn hảo về mọi mặt. Có người thiếu mất tình thương của gia đình, có người sinh ra trong khốn khó, có người thì vốn sinh ra chỉ có thể tự nương tựa vào chính bản thân mình khi chẳng còn người thân bên cạnh và khá chắc rằng chẳng một ai là không tồn tại “đứa trẻ bị tổn thương” bên trong mình cả. Đó là một thực trạng đáng buồn nhưng cũng là một tín hiệu tích cực khi bạn biết rằng, ở ngoài kia luôn sẽ có ít nhất một người hiểu mình. Vì xét cho cùng mỗi người chúng ta đều là những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều tổn thương phải gồng mình chống chọi với cuộc sống này.


3. Làm thế nào để chữa lành và yêu thương chính đứa trẻ này?

“Để có thể yêu thương người khác, trước hết hãy chữa lành đứa trẻ trong mình”. Đó là tiêu đề đầu bài mà tôi nhắc đến. Việc cuộc sống này về cơ bản là bất hạnh, là bể khổ thì chúng ta chẳng thể tác động, nhưng còn một khía cạnh khác của vấn đề mà ta chưa xét tới: GÓC NHÌN CỦA BẢN THÂN. Qua lắng kính của bản thân, mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau, chẳng ai giống ai. Kính cận giúp bạn nhìn rõ bản chất sự việc, kính mát giúp bạn không bị chói bởi hào quang của người khác, thậm chí kính vạn hoa sẽ cho bạn một góc nhìn đầy màu sắc về thế giới. Điều này có nghĩa rằng, dù cuộc sống có đen tối âm u cỡ nào, chỉ cần bạn luôn giữ cho mình một thái độ lạc quan thì mọi việc rồi cũng sẽ được giải quyết, hay như câu nói “Khi bạn muốn tìm một người thay đổi được cuộc đời bạn, hãy nhìn vào gương!”. Để giải quyết vấn đề tâm lý, bạn cần nhận thức được nó và đối diện suy xét lại chính mình. Để chữa lành đứa trẻ bên trong, chúng ta cần tìm cách liên lạc với đứa trẻ bên trong và tìm cách truyền tải thông tin đến đối tượng. Viết thư, nói chuyện, liên tưởng… Hãy dùng bất cứ mọi cách có thể chỉ để nói với nó rằng “Xin lỗi vì bao lâu nay đã bỏ rơi em, xin lỗi vì bấy lâu đã quên mất rằng chị cũng cần phải đầu tư mọi nguồn lực cho em”. Hãy cảm nhận nỗi đau của nó, nỗi đau như xé đứt tận tâm can. Hãy cứ để nó gào thét lên, cho phép nó tức giận để xả ra uất ức vốn đã tồn tại âm ỉ bấy lâu. Chúng ta đã chịu nhiều tổn thương và bây giờ hãy hét lên rằng “Tôi đau lắm!”. Hãy cứ khóc, khóc cho cạn nước mắt để cuốn trôi đi hết những ký ức đau buồn trong quá khứ. Hãy hứa với đứa trẻ rằng từ nay sẽ quan tâm và yêu thương chăm sóc nó hơn, sẽ luôn nâng niu nó như hình ảnh người mẹ lần đầu nâng niu đứa con mình vừa hạ sinh trong vòng tay ấm áp. Hãy dũng cảm đứng lên bảo vệ nó khỏi những mũi giáo công kích từ bên ngoài, từ những lời lẽ bâng quơ của xã hội vô cảm ngoài kia. Họ không phải là bạn! Họ không có quyền xúc phạm bạn! Họ cũng chẳng đủ tư cách để phán xét đứa trẻ vốn đã chịu nhiều tổn thương trong con người của bạn! Hãy yêu thương đứa trẻ ấy. Hứa với nó rằng sẽ luôn yêu thương, trân trọng và bảo vệ dù có chuyện gì xảy ra. Khẳng định với nó rằng “ngoài bản thân cậu ra, chẳng còn điều gì đủ quan trọng để cậu phải bận tâm cả!”.


Chúng ta sinh ra là để sống, để đi tìm kiếm ý nghĩa đích thực cho cuộc đời mình. Trước khi muốn yêu một ai đó, hãy học cách tìm về và yêu lấy chính bản thân mình trước tiên, yêu lấy “đứa trẻ bên trong”. Hãy yêu lấy nó nhiều nhất có thể, nhiều đến mức sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để cho em được sống một cách trọn vẹn. Để rồi cho đến sau cùng, đến khi cả chiếc bóng còn rời khỏi bạn trong bóng tối, thì ít nhất bạn vẫn còn một nơi để trở về tâm sự và yêu thương - “đứa trẻ bên trong”.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan